Dẫu biết rằng trong mỗi cung bậc tình yêu đều có cái đẹp riêng của nó, vì thế, chúng ta cũng cần biết đôi chút về quan niệm cái đẹp trong tình yêu của tác giả để có thể giải thích chúng trong một môi trường xã hội rộng lớn với chủ trương của một lối sống buông thả nơi con người thời đại. Câu nói này được rút ra từ bài thơ Ngập ngừng của thi sĩ Hồ Dzếnh. Chúng mô tả tâm trạng của một chàng thanh niên đang đứng đợi người yêu, và đếm thời gian theo từng nhịp kéo rít của điếu thuốc dần tàn. Trong lúc đó, chàng gợi nhớ lại trong ký ức về những kỷ niệm đẹp của hai tâm hồn đang yêu và có thể nói họ đã đạt đến đỉnh và chạm đến đáy trong ngất ngây khi nói rằng: Thuở ân ái mong manh như nắng lụa. Sự mong manh ấy đã tan nhưng vẫn còn sống động trong ký ức chàng trai và nhủ thầm rằng: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé. Như thế, đâu đó chỉ là cái đẹp trong trí tưởng tượng vì nếu nàng đến thật thì cũng tiếp tục hưởng lạc cái chóng qua. Cuối cuộc hành trình ấy chàng thốt lên: Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi ! Còn hai câu sau mà được nhiều người nhắc đến nhiều hơn cả:
… Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở…
Ở đây, chúng ta ghi nhận về cái đẹp của tình yêu nơi tác giả là nét đẹp trong ký ức đã qua và nó sẽ vỡ vụn trong thực tại khi lại giáp mặt người yêu. Trong thực tế cuộc sống, thông thường một điều gì đó được đánh giá là đẹp thì nó phải hoàn thành và hoàn tất trọn vẹn cách nào đó vì không ai cho rằng đẹp về một tác phẩm đang thực hiện dở dang, thế mà tác giả lại khẳng định Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở. Nghĩa là tình yêu của đôi trai gái chưa dẫn đến cuộc hôn nhân, vì đối với tác giả tình sẽ mất vui và đời chỉ đẹp khi còn dang dở hay chưa vẹn câu thề. Phải chăng có xu hướng đề cao lối sống phóng túng không biết đến trách nhiệm của hạnh phúc gia đình ? Nếu tình chỉ vui và đẹp khi chưa lấy nhau thì sau khi vẹn câu thề, người ta sẽ cảm nhận thế nào về tình yêu ? Nếu chỉ có một cái được cho là đẹp những khi còn dang dở thì lúc tình yêu tròn đầy sẽ không là đẹp ? Có thể nói, đây là một phát súng bắn vào chính trung tâm của cõi lòng những người đang sống đời hôn nhân.
Một sự thật mà chúng ta ít để ý nhưng chúng lại gây nên một hậu quả tai hại là những bộ phim tình cảm chúng ta đang xem. Thật vậy, nếu chỉ dừng lại việc học hỏi trong từng thước phim về những cách đối nhân xử thế ở đời thì đây là một điều đáng hoan nghênh nhưng một khi người ta đem những lý tưởng (đẹp và hay như phim) mà đối chiếu vào trong thực tế vốn gai góc của đời sống hôn nhân, họ sẽ vỡ mộng. Khi đó, một người nghiện xem phim sẽ là cách khiến họ xa rời thực tại; họ xem phim mà quên cả bổn phận làm cha làm mẹ…trong gia đình. Đây cũng là một phiên bản của nét đẹp tình yêu trong trí tưởng tượng. Độ dài của tình yêu ấy chỉ được đo bằng những giây phút quấn quýt bên nhau và mức độ của tình yêu ấy chỉ đếm bằng những nụ hôn vụng trộm đêm này. Và thế mới là tình chỉ đẹp khi còn dang dở ! Nét đẹp nguệch ngoạc này chỉ là sản phẩm thưởng ngoạn cho những kẻ xem thường nội dung bên trong.
Chúng ta thấy rằng khi sống với tình yêu mơ mộng như thế, người ta chỉ đánh giá chúng đẹp theo cảm tính nhất thời. Cảm tính thì thoáng qua, và người nào quá bám chặt vào những hời hợt bên ngoài như thế không thể nhìn sâu vào thực tại, đặc biệt là nét đẹp của mầu nhiệm tình yêu. Dẫu biết rằng tình yêu cần một chút lãng mạn nhưng chính tính cách thực tế mới đem lại cho tình yêu nét đẹp chân thật. Vì thế, những người yêu nhau cần diễn tả tình yêu của mình cách lãng mạn và chân thành. Có thế, nét đẹp trong tình yêu sẽ bền vững theo thời gian, nồng nàn trong mức độ và thủy chung một lòng.
Quan sát và tìm hiểu về tình yêu của giới trẻ ngày nay, chúng ta dễ nhận ra thái độ sống của một tình yêu vụ lợi: từ lối “sống thử” góp gạo nấu cơm chung đến việc thoái thác trách nhiệm sau những lần trao thân, hậu quả còn đó, họ đổ lên đầu thai nhi vô tội chưa biết kêu oan. Hoặc những cuộc tình chớp nhoáng qua một lần gặp gỡ, họ hẹn nhau tại nhà nghỉ rồi ngủ qua đêm, còn cảm ơn nhau vì đã để lại cho nhau một cảm giác mới lạ…Sau những va vấp ấy, họ thốt lên: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Và khi bàn đến chuyện kết hôn để sống lâu dài, họ lại thốt lên: Tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Đã đến lúc, chúng ta cần đặt lại vấn đề: Đâu là tiêu chuẩn đánh giá nét đẹp thật sự trong tình yêu ?
Có thể nói, mỗi thời người ta quan niệm khác nhau về nét đẹp. Hơn nữa, tình yêu vốn đa sắc diện, nên chúng ta không thể áp đặt một chuẩn mực nào cố định. Đó là chưa nói đến yếu tố độc đáo của mỗi nhân vị vì mỗi người có quan niệm về tình yêu khác nhau, đồng nghĩa với việc họ đánh giá cái đẹp khác nhau và có những biểu hiện khác nhau tùy thuộc cá tính, tư chất hay kinh nghiệm trải đời của mỗi người. Ở đây, chúng ta chỉ mô tả những đặc tính có thể quan sát được trong nền văn hóa vốn khép kín mà chúng ta đang thừa hưởng.
Ngày xưa, lúc mới yêu nhau, họ tỏ tình rằng: anh thật lúng túng và rung động khi bắt gặp ánh nhìn hút hồn của em, hoặc nét cười của anh đã làm em xua tan mọi phiền muộn…Đó có thể là những câu nói bá đạo trong thời say nắng. Lúc này, chưa ai có thể lượng giá mức độ đúng đắn của tình yêu, nhưng khi lấy nhau nhiều năm rồi, những lời tỏ tình dường như mất hẳn, tình yêu trở nên buồn tẻ, mọi xung đột hay mâu thuẫn dễ bị hai người giải thích sai lạc và dẫn đến đổ vỡ. Đôi khi, họ còn gắn kết với nhau chỉ vì mấy đứa con.
Chúng ta đã nhận ra phần nào sự tẻ nhạt và đơn điệu trong tình yêu, nguyên nhân đến từ thái độ xem thường: thương quá hóa thường. Tất nhiên, một khi đã lấy nhau, người ta không cần đến những câu tỏ tình chém gió nữa, nhưng không vì thế, chúng ta bỏ qua cả những lời nói khích lệ, những câu thăm hỏi thể hiện sự quan tâm…đôi khi chúng là cơ hội giúp tình yêu được củng cố cách nào đó, ngoài ra, chúng có thể là dịp giúp hai bên mở lòng và trải lòng mình cho những vấn đề còn tồn đọng giữa hai người. Có thế, chúng ta mới nhận ra tác dụng tích cực của ái ngữ trong tình yêu cách riêng và trong đời sống nhân bản nói chung.
Nếu như những lời ái ngữ còn đem lại những khoảnh khắc thoải mái sảng khoái cho bầu khí gia đình thì hành động cụ thể sẽ mang lại một giá trị nhất định tối ưu trong tình yêu. Đôi khi cả hai vợ chồng cùng đi làm về muộn, đã thấm mệt, nếu cứ bỏ mặc vợ lo chuyện bếp núc mà chồng cứ đọc báo xem phim thì quả là khó chịu. Một ngày, hai ngày rồi cũng qua nhưng đến một lúc không chịu nổi thì chuyện gì sẽ xảy ra. Thật đẹp biết bao ! Nếu vợ đang lo chuyện cái ăn trong nhà thì chồng lại xem bài vở cho con hoặc quét dọn đồ đạc trong nhà…thì có phải gánh nặng như được chia sẻ và tình thương nhân lên gấp bội không ?!
Chúng ta sẽ khám phá thêm nét đẹp trong tình yêu dưới góc cạnh của những đặc tính mà những người yêu nhau cần có, khi trải qua những sóng gió trong đời.
Chúng ta đã biết nghệ sĩ ưu tú và đạo diễn đa tài Vũ Thành Vinh, Giám đốc truyền thông Khang, người đã đứng ra tổ chức các show diễn Hài Xuyên Việt mà chúng ta đã từng thưởng thức, và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng khán giả một thời. Trong cuốn sách Sự Sống giá bao nhiều ?, anh đã chia sẻ một cuộc vật lộn với cái chết từ một con virút lạ trong phổi.
Trong khi con người đạt được những thành công lớn trong đời, thông thường người ta sẽ khó chấp nhận một hung tin, đừng nói gì đến bạo tin về một cái chết gần kề của người phối ngẫu. Thế mà, vợ của chàng là Thùy Nga đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cách tìm mọi phương tiện tốt nhất để cứu lấy mạng sống của chồng, để giữ lấy tình yêu. Và cuối cùng tình yêu lại mỉm cười với cô. Nếu chỉ bám vào nét hào hoa phong nhã của người chồng mà nay mưu toan bị cướp lấy do cơn bạo bệnh thì cô có thể đã buông xuôi và bỏ cuộc. Trái lại, một tình yêu đích thực sẽ tìm mọi cách để giải quyết mọi sự trong hy vọng và bình an. Ở đây, chúng ta có thể nhận ra hai nét đẹp: từ phía người chồng là sự tin tưởng và tính lạc quan, nơi người vợ là lòng can đảm và tình thương yêu xả thân vì chồng và các con. Chính những nét đẹp này đã cứu mạng sống của chồng và làm tăng thêm hương vị đậm đà và nồng nàn trong tình yêu. Giờ đây, tôi mới hiểu phần nào câu nói của cha Anthony de Mello: “ Những kinh nghiệm khoan khoái làm cho đời sống được vui thú. Còn những kinh nghiệm đớn đau thì giúp người ta lớn lên” (Thức tỉnh tr.128).
Thật vậy, những thành công mà họ gặt hái được có thể đem lại cho đời sống họ những vui thú nào đó để góp vào tiếng cười trong gia đình, còn những kinh nghiệm đau thương đến mức gần kề cái chết, vượt qua được nó, sẽ giúp tình yêu lớn lên. Để thấy rõ hơn về sự lớn lên của tình yêu qua câu nói của nhà linh hướng tâm linh kia, chúng ta cần dừng lại lâu hơn. Nếu những vui thú trong đời chỉ củng cố tình yêu vốn có như cách thêm gia vị cho phong phú tình yêu và điều này cần phải được tiếp tục tài bồi bằng những lý do khác cho niềm vui khác nữa thì khi tình yêu trải qua những đau thương và gian khổ đến mức tưởng chừng như khánh kiệt và đến hồi kết thúc, ấy là lúc tình yêu được lớn lên, miễn là họ vẫn sát cánh bên nhau. Khi khó khăn mới biết đâu là bạn hiền, cũng vậy, lúc gian khổ mới biết đâu là người tình thủy chung. Từ đây, họ vừa là ân nhân của nhau để tôn trọng nhau suốt đời, vừa là tình nhân của nhau để sống trọn đời bên nhau. Qua những cuộc thăng trầm trong tình yêu như thế, họ sẽ luôn trân trọng từng niềm vui chắt chiu được và tận hưởng nó với tất cả lòng biết ơn vào Đấng Tạo Hóa, và nếu có đau khổ đến mức nào, họ vẫn sống hy vọng vào một tương lai tốt đẹp nơi Thiên Chúa quan phòng. Có thế, tình yêu của họ mới thực sự là một bí tích mà qua đó, Chúa chúc lành cho họ.
Đến đây, tôi cũng nhớ lại câu chuyện khá thú vị về người đàn ông được chữa lành nhiều căn bệnh oái ăm tại Giáo điểm Tin Mừng của Cha Giuse Trần Đình Long. Anh kể lại cho mọi người về nhiều chứng bệnh mà anh phải trải qua một năm trời tại mấy bệnh viện tại Sài gòn. Trong thời gian đó, anh phải tự xoay xở mọi sự từ viện phí đến việc đi lại. Còn vợ anh theo đạo Công giáo thì bỏ mặc anh chống chọi một mình, ở nhà, chị chỉ biết đi coi bói mà xem thời vận chồng con ra sao. Cuối cùng, trong lúc anh nằm viện lại có người giới thiệu anh đến Giáo điểm cầu nguyện, vì theo đạo Phật, anh vốn thận trọng nhưng cuối cùng cũng xiêu lòng vì mang bệnh nên vái tư phương. Kết cục, anh đã được chữa lành qua việc đặt tay và uống nước đã được làm phép ở chỗ cha Long Lòng Thương Xót. Khi làm chứng vào dịp 8/3/2019 ngày quốc tế phụ nữ, anh làm thơ tặng vợ và mọi người như một lời tha thứ cho vợ và chúc mừng vợ cũng như các phụ nữ khác. Ở đây, chúng ta thấy nét đẹp trong tình yêu, đó là sự tha thứ của người chồng. Quả thật, người ta dễ dàng tha thứ cho nhau vì đã trải qua một cuộc chữa lành và được tha thứ từ Trời Cao. Một tình yêu đẹp cần được vun trồng bằng những hạt gống từ tâm, bao dung tha thứ được chứng giám từ ánh mắt của Đấng hằng ban ơn giúp sức cho người yếu đuối rã rời.
Còn nhiều nét đẹp khác trong tình yêu sẽ là dịp để từng người viết ra bằng chính kinh nghiệm bản thân. Chúng ta biết rằng cứ mỗi dịp được chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu gia đình là mỗi lần chúng ta làm sống động lại ký ức về những niềm vui và đau thương, niềm vui giúp thêm lòng an ủi để bước tới, còn đau thương là cơ hội nhắc nhớ về một cuộc chữa lành giúp tình yêu ấy lớn lên với một ý thức Chúa luôn đồng hành.
Tình yêu tự chúng vốn tốt đẹp nên không cần ai tô vẽ thêm, chỉ có điều là những người sống trong tình yêu cần trân trọng những giá trị tinh thần truyền thống để không hủy diệt tình yêu, trái lại, để có thể đi sâu và đi lâu bên nhau hầu khả dĩ cảm nghiệm những nốt thăng trầm của một bản nhạc du dương mà Tạo Hóa đã kết hợp làm một. Có thế, tình yêu sẽ đẹp ngay từ những buổi đầu gặp gỡ rồi kéo dài và hăng nồng khi lấy nhau cho đến khi đơm hoa kết trái là những đứa con mà hai tâm hồn mong đợi. Khi ấy tình yêu sẽ đẹp hơn vì chúng làm phát sinh những mầm sống mới, khi hai tâm hồn được sống kinh nghiệm đồng sáng tạo với Thiên Chúa trong đời. Khi đó, đời sống tình dục và việc chăn gối của hai người đã được biện minh trong bậc sống hôn nhân gia đình. Và tình yêu chỉ đẹp khi nó được sống động và lớn mãi nhờ sự chúc lành của Đấng Tối Cao. Đây chính là nét đẹp của Bí tích Hôn nhân mà Giáo hội muốn mời gọi mọi con cái mình sống và làm chứng tô đẹp cuộc đời.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.