Phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ

54

Phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ


1_0_653424Các Giám Mục phải là những người quan tâm hướng về Thiên Chúa để có thể quan tâm tới con người. Phải phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ thống trị thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ các tân Giám Mục như trên trong bải giảng thánh lễ truyền chức cử hành tại đền thờ thánh Phêrô trong khung cảnh lễ Hiển Linh 6-1-2013.

Bốn Tân Tổng Giám Mục được truyền chức là Đức Cha Georg Ganswein, 56 tuổi, Bí thư riêng của Đức Thánh Cha, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng. Trong chức vụ mới Đức Cha sẽ đặc trách về các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha và chuẩn bị các chuyến viếng thăm của ngài ở Italia. Ba vị Tổng Giám Mục còn lại là Đức Cha Vincenzo Zani, người Italia, Tổng thư ký Bộ giáo dục công giáo, Đức Cha Fortunatus Nwachukwu, người Nigeria, tân Sứ Thần Tòa thánh tại Nicaragua, và Đức Cha Nicolas Thévénin, người Pháp, Sứ Thần Tòa Thánh.

Hai vị phụ phong trong buổi lễ là Đức Hồng Y Tarcicsio Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa thánh và Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ giáo dục công giáo.

Tham dự thánh lễ có gần 100 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, thân nhân bạn bè của các tiến chức, ngoại giao đoàn canh Tòa Thánh và 10.000 tín hữu và du khách hành hương.

Sau Phúc Âm Phó tế đã hát lời loan báo Phục Sinh. Tiếp đến cộng đoàn đã hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần, rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Muc giới thiệu các tiến chức với Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của biến cố Hiển Linh và mời gọi các tiến chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông. Hiển Linh là sự biểu lộ lòng lành và tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao các Đạo sĩ đã tìm ra con đường tới Bếtlêhem; nhưng đối với Giáo Hội đó chỉ là bước khởi đầu của một cuộc rước vĩ đại dọc dài lịch sử. Các Đạo sĩ đến từ Phương Đông đại diện cho thế giới các dân tộc, Giáo Hội của các người không do thái, qua các thế kỷ tiến bước về với Con Trẻ ở Bếtlêhem, phủ phục và thờ lậy Con Thiên Chúa. Thật ra ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, con người đến từ mọi nơi thuộc mọi lục địa, mọi nền văn hóa và các kiểu suy nghĩ và cách sống khác nhau đã và đang tiến bước về với Chúa Kitô.

Các Đạo sĩ là những người bị thúc đẩy bởi sự âu lo kiếm tìm Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của thế giới, nên không hài lòng với địa vị và của cải họ có, mà muốn biết làm sao để là người, và biết sự thật về chính con người, về Thiên Chúa và thế giới. Họ là những người kiếm tìm Thiên Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã khuyến khích các tân chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông và định nghĩa Giám Muc như sau:

Nhất là vị Giám Mục phải là người quan tâm hướng về Thiên Chúa, bởi vì chỉ như thế Giám Mục mới thực sự quan tâm tới con người. Chúng ta cũng có thể nói ngược lại: một Giám Mục phải là một người có con tim chú ý tới con người, bị đánh động bởi các chuyện của con người. Giám Mục phải là một người sống cho người khác. Nhưng ngài chỉ thực sự được như vậy, nếu là một người bị Thiên Chúa chinh phục. Nếu đối với ngài, sự lo lắng đối với Thiên Chúa trở thành một sự lo lắng đối với con người là thụ tạo của Chúa. Giám Mục phải là người đi trước và chỉ đường cho con người tiến tới đức tin, đức cậy và đức mến. Như là người hành hương của Thiên Chúa Giám Mục phải là con người cầu nguyện và sống trong sự tiếp xúc nội tâm liên lỉ với Thiên Chúa.

Giám Mục là người được mời gọi có can đảm và sự khiêm tốn của đức tin như các nhà Đạo sĩ, chắc hẳn đã bị nhạo cười vì được hướng dẫn bởi một ngôi sao họ du hành về nơi vô định. Xem ra họ đáng nực cười, nhưng bởi vì các vị đã được Thiên Chúa đánh động trong nội tâm, nên đối với họ việc tìm kiếm chân lý quan trọng hơn sự chế nhạo của thế giới, bề ngoài xem ra thông minh. Cũng thế vị Giám Mục ngày nay sẽ thường xung khắc với sự thông minh thống trị của những người bám víu vào cái xem ra chắc chắn. Ai sống và loan báo đức tin của Giáo Hội, trong nhiều điểm không phù hợp với các ý kiến thống trị của thời đại chúng ta ngày nay. Và Đức Thánh Cha giải thích lý do các xung khắc đó như sau:
Chủ thuyết bất khả ngộ đang thống trị rộng rãi ngày nay có các tín điều của nó, và nó rất bất khoan nhượng đối với tất cả những gì đặt nó trong vấn nạn và cật vấn các tiêu chuẩn của nó. Vì thế can đảm chống lại các hướng dẫn thống trị là điều đặc biệt cấp bách đối với một Giám Mục này nay. Do đó Giám Mục phải là người can đảm. Sự can đảm ấy không hệ tại việc đánh trả với bạo lực, trong tính hiếu chiến, nhưng là để cho mình bị đánh và đương đầu với các tiêu chuẩn của các ý kiến thống trị. Can đảm ở lại một cách vững vàng với chân lý là điều được đòi hỏi nơi nhưng người Chúa gửi đi như chiên con giữa sói. Ai kính sự Chúa, thì khộng sợ hãi gì hết” sách Huấn Ca nói vậy (Hc 34,16). Lòng kính sợ Chúa giải thoát khỏi sự sợ hãi loài người. Nó khiến được tự do”.

Cũng như đã xảy ra cho các Tông Đồ, cũng thế các Giám Mục là những người kế vị các Tông Đồ phải chờ đợi bị đánh đập nhiều lần, một cách tân tiến, nếu không ngừng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách dễ nghe và dễ hiểu. Dĩ nhiên, các Giám Mục không được mời gọi khiệu khích, trái lại phải kêu mời mọi người bước vào trong niềm vui của chân lý, bằng cách chỉ đường như các ngôi sao lóng lánh trên bầu trời lich sử. Sự ưng thuận của các ý kiến thống trị không phải là tiêu chuẩn phải vâng phục. Tiêu chuẩn là chính Chúa. Nếu chúng ta bảo vệ lý lẽ của Chúa, thì nhờ Người, chúng ta sẽ luôn luôn chinh phục được các người mới cho con đường Tin Mừng. Nhưng một cách không thể tránh né được, chúng ta sẽ bị đánh bởi những người sống trái nghịch với Tin Mừng, và khi đó chúng ta sẽ biết ơn vì được coi là xứng đáng thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Chủa Kitô.

Sau khi các tiến chức đã thề hứa trung thành với các nhiệm vụ Giám Mục của mình cho tới chết, cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh xin các vị bầu cử cho các tiến chức nằm phủ phục trước bàn thờ. Tiếp đến hai vị phụ phong, các Hồng Y và các Tổng Giám Mục đặt tay trên đầu các tiến chức. Các Phó tế cầm sách Phúc Âm mở trền đầu các tiến chức, trong khi Đức Thánh Cha đọc công thức truyền chức. Rồi từng vị tiến lên để được Đức Thánh Cha xức dầu thánh hiến, trao sách Phúc Âm, đeo nhẫn, nhận mũ và gậy Giám Mục. Sau đó càc Tân Tổng Giám Mục trao hôn bình an với Đức Thánh Cha, các Hồng Y, và các Tổng Giám Mục, và nhận lời chúc mừng của các vị.

Vì thánh lễ kéo dài nên Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin trễ 15 phút. Ngài đã xin lỗi mọi người vị sự chậm trễ này. Đức Thánh Cha đã gửi lời cầu chúc bình an, và đặc biệt chúc mừng các Giáo Hội Đông Phương mừng lễ Giáng Sinh ngày mùng 7 tháng Giêng theo lịch Giuliano. Ngài cũng nhắc tới Ngày Thánh Nhi cử hành tại Italia hôm qua và cám ơn các thiếu nhi đã dấn thân loan báo Tin Mừng và trợ giúp các trẻ em nghèo. Đức Thánh Cha xin các em đem tình yêu Chúa đến cho mọi người. Ngài cũng đặc biệt chào mừng hiệp hội Các Gia đinh Tự Do Âu châu tổ chức cuộc diễn hành lịch sử dân ca vũ, năm nay theo các truyến thống của vùng Arezzo trung Italia. Hàng chục đoàn người mặc các sắc phục địa phương với cờ quạt hộ tống ba vua cỡi ngựa, đã bắt đau diễn hành lúc 10 giờ trên đại lộ Hòa Giải đế tiến về quảng trường thánh Phêrô tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha nói tuy có hơi khác nhau nhưng lễ Hiển Linh mà Giáo Hội Latinh Roma mừng hôm qua, và lễ Giáng Sinh mà các Giáo Hội Đônb phương mừng ngày mùng 7 tháng Giếng, đều nêu bật rằng Hài Nhi sinh trong hang đá Bếtlehem là ánh sáng thế gian, dẫn lối cho mọi dân tộc. Trên bình diện đức tin thì một đàng trong lễ Giáng Sinh chúng ta thấy ở trước Đức Giêsu có đức tin của Mẹ Maria, của thánh Giuse và các mục đồng. Hôm nay trong lể Hiển Linh có đức tin của các Đạo sĩ đến từ Phương Đông để thờ lậy vua Do thái. Ngài nói:

Đức Trinh Nữ Maria cùng với chồng mình diễn tả ”nhánh” của Israel, ”số sót” đã đươc các tiên tri loan báo, từ đó Đấng Cứu Thế xuất thân. Trái lại các Đạo sĩ diễn tả các dân tộc, và chúng ta cũng có thể nói các nền văn hóa, và các tôn giáo đang tiến bước về với Thiên Chúa, trong sự kiếm tìm vương quốc hòa bình, công bằng, chân lý và tự do của Người. Nhân tố đức tin của dân Israel là dân đã nhận biết và tin nơi Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải cho các Tổ Phụ và trong con đường lịch sử, đã được biểu hiện nơi Đức Maria, ”Con gái Sion”. Vào thời viên mãn đức tin ấy đã thành toàn nơi Mẹ là ”người có phúc vì đã tin”; và nơi Mẹ Ngôi Lời đã nhập thể, Thiên Chúa đã xuất hiện” trong thế giới. Đức tin của Mẹ trở thành mẫu gương đức tin của Giáo Hội, Dân của Giáo Ước mới, một dân đại đồng ngay từ đầu. Nó có thể được để bên cạnh đức tin của tổ phụ Abraham: nó là sự khởi đầu của cùng một lời hứa của cùng một chương trình bất biến của Thiên Chúa, giờ đây được thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô. Ánh sáng của Chúa Kitô trong sáng và mạnh mẽ khiến cho có thể hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ cũng như ngôn ngữ của Thánh Kinh, và như thế tất cả những ai, như ba nhà Đạo sĩ, rộng mở cho chân lý có thể nhận biết nó và đạt tới việc chiêm ngưỡng Đấng Cứu Độ thế giới.

Sau đó Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

RadioVatican