GÓC SUY TƯ SUY TƯ Phá thai: Tiến bộ xã hội hay tội ác?

Phá thai: Tiến bộ xã hội hay tội ác?

Trong clip xuất hiện gần đây, một đám đông gồm đa phần các phụ nữ trẻ tập trung ở nơi giống như quảng trường trong tâm trạng hết sức lo lắng, căng thẳng, nín thở đợi chờ một ai đó bước ra, hay một điều gì đó được công bố. Rồi họ bất giác vỡ òa vì sung sướng, một rừng những cánh tay giơ lên, cả đám đông reo hò hô vang một lời nào đó, có người chấm chấm những giọt nước mắt.

Họ đón chào một siêu sao ca nhạc chăng? Hay là đón nhận kết quả bầu chọn Giáo Hoàng mới? Hay đội bóng quê nhà họ đoạt chức vô địch World Cup? Xin thưa, đều không phải. Đó là những phụ nữ Ireland vui mừng đón nhận kết quả trưng cầu dân ý của đất nước về việc bãi bỏ Luật cấm phá thai.

Với 68% người dân đồng ý, việc bãi bỏ luật cấm phá thai này đã được thông qua vào ngày 26/5/2018. Báo chí và một số chính giới của Ireland và châu Âu cho rằng Ireland đã “làm nên lịch sử”. Đó là những hình ảnh gây ám ảnh.

Báo chí nói rằng Ireland là quốc gia có một trong những bộ luật về phá thai khắt khe nhất thế giới. Điều 8 sửa đổi trong Hiến pháp Ireland quy định cấm phá thai, ngoại trừ trường hợp mạng sống của người mẹ bị đe dọa. Vậy, việc bãi bỏ Luật cấm phá thai có phải một bước tiến trong luật pháp của Ireland hay của phong trào nữ quyền hay không? Muốn vậy, ta hãy thử tìm hiểu về thực trạng của việc phá thai trên toàn cầu và đánh giá nó dưới nhiều góc độ.

Thực trạng của hiện tượng phá thai

Theo thống kê chính thức của tổ chức Y tế Thế giới WHO và viện Guttmacher (tổ chức nghiên cứu và chính sách cam kết thúc đẩy sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu) năm 2017, số ca nạo phá thai trên toàn cầu là 55,7 triệu ca, trong đó số ca nạo phá thai không an toàn là 25,5 triệu ca. 97% số ca nạo phá thai không an toàn này là ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Nạo phá thai an toàn theo định nghĩa của WHO là phải được thực hiện bởi các cán bộ y tế có chuyên môn, có kinh nghiệm trong nạo phá thai và thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối.

Ở Việt Nam, số ca nạo phá thai hàng năm theo con số chính thức là 300.000 ca. Việt Nam được tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.

Dựa trên quan điểm về sức khỏe thể chất thai phụ, giới y học phân chia nạo phá thai thành nạo phá thai an toàn và nạo phá thai không an toàn. Nhưng đó là một định nghĩa hẹp. Nạo phá thai có thể gắn với chữ “an toàn” được không? Chúng ta hãy xem xét trên nhiều góc độ.

Phật gia nhìn nhận thế nào về nạo phá thai?

Một trong năm giới cấm (ngũ giới) của Phật gia đó là sát sinh. Sát sinh theo Phật gia cần hội đủ 5 điều kiện:

  1. Đối tượng bị giết là một chúng sinh.
  2. Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.
  3. Người sát sinh có tác ý giết chúng sinh đó.
  4. Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết.
  5. Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.

Một trong những lý do khiến người ta coi nhẹ việc nạo phá thai, đó là vì họ quan niệm rằng thai nhi một vài tuần tuổi chưa phải là một con người, chỉ là một nhúm những tế bào chưa có ý thức. Nhưng Phật gia cho rằng, khi mới bắt đầu thụ thai là đã có sự sống hay sinh mạng. Nói cách khác, đó đã là một chúng sinh.

Về vấn đề này Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khẳng định với các nhà khoa học phương Tây như sau: “Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người” – (Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. tr.11).

Người mẹ sau thời điểm thụ thai sẽ bắt đầu thấy cơ thể mình thay đổi và cảm nhận được sự có mặt của sinh linh nhỏ bé trong bụng. Do vậy, đáp ứng điều kiện số 2. Rõ ràng là vậy, khi chúng ta ăn một quả trứng vịt lộn, ta biết mình đang ăn một sinh mệnh. Vậy không có lý gì một thai nhi trong bụng người mẹ lại không thể được coi là một chúng sinh. Mà lại là một chúng sinh cao cấp nhất trên Trái Đất.

Khi cha mẹ thai nhi tìm các biện pháp nạo phá thai, ấy là họ đáp ứng điều kiện thứ ba và thứ tư. Vì vậy mà thai nhi chết bằng các thủ thuật ghê sợ của y học thì ấy là cha mẹ và bác sĩ đang sát sinh.

Phật gia nhận định rằng con người không chỉ sống một đời mà là trải qua nhiều kiếp sống khác nhau. Do vậy mà có luân hồi và đầu thai. Mỗi một sinh mệnh trong một kiếp sống vốn đã có một tuổi thọ nhất định. Lẽ ra nếu sinh mệnh ấy được sinh ra tự nhiên, thì còn có nhiều việc để làm, nhiều năm để sống. Nếu bị tước đoạt sự sống một cách trái tự nhiên, thì sinh mệnh ấy phải chờ đợi hết năm này đến năm khác cho đến khi hết tuổi thọ tự nhiên trong một tình trạng cực kỳ thống khổ. Họ sẽ ở một nơi không phải dương gian mà cũng không phải âm giới, chịu đói, khát, vất vưởng không chốn nương thân.

Đó gọi là cô hồn dã quỷ. Càng thống khổ bao nhiêu, họ lại càng oán thù những kẻ gây ra cái chết cho mình bấy nhiêu. Những thủ phạm, ở đây là những bậc cha mẹ vô tâm và cơ sở y tế, trong lúc không biết không cảm thấy đã tạo bao nhiêu nghiệp lên thân mình. Và như vậy, không chỉ những đồ tể ở lò mổ, những đao phủ ở pháp trường mới là những kẻ sát sinh, mà bất cứ ai cũng có rủi ro trở thành kẻ giết người với những quan niệm và quyết định sai lầm.

Câu chuyện Đức Phật nói về hậu quả dành cho phá thai

Kinh số 512, trong Kinh Tạp A Hàm, tập II, bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1994, trang 309 có kể về câu chuyện tôn giả Mục Kiền Liên “thấy một chúng sanh to lớn, toàn thân không có da bao bọc, chỉ là một khối thịt, đi trong hư không, bị quạ, diều, kéc, kên kên, dã can chó đói rượt theo cấu xé để ăn; hoặc moi nội tạng ra khỏi xương sườn để ăn, thống khổ bức bách, kêu la, gào thét. Ngài nghĩ: chúng sanh này đã phải mang cái thân như vậy, mà sao còn phải chịu sự đau đớn vô ích như vậy?”.

Đức Phật mới giải đáp:

“Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, sẽ thấy chúng sanh này, nhất định không có gì trở ngại; Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài”.

“Chúng sanh này thời quá khứ ở thành Vương Xá, tự phá thai mình. Do tội này nên rơi vào địa ngục trong trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ, tội báo kia còn sót lại nên nay vị ấy phải mang cái thân như thế, và tiếp tục chịu khổ. Này các tỳ kheo! Như Mục Kiền Liên đã thấy là đúng thật không khác, các thầy phải ghi nhớ”.

Quan điểm của Kitô giáo về phá thai

Trong Thánh Kinh Thiên Chúa giáo không đề cập một cách cụ thể đến vấn đề phá thai. Tuy vậy, cái nhìn của Đức Chúa Trời đối với thai nhi rất rõ ràng. Giê-rê-mi 1:5 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời biết chúng ta trước khi Ngài nắn chúng ta trong lòng mẹ. Thánh Vịnh 139:13-16 nói về vai trò tích cực của Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng và hình thành chúng ta trong lòng mẹ. Sách Xuất Hành 21:22-25 cho biết án phạt dành cho người gây nên cái chết cho hài nhi cũng giống như án phạt dành cho kẻ giết người, đó là tử hình.

Điều này cho thấy rõ rằng Đức Chúa Trời xem thai nhi trong bụng mẹ là một con người như một người lớn đã phát triển đầy đủ. Đối với người Kitô, việc phá thai không phải là lựa chọn của thai phụ, mà là vấn đề sự sống và sự chết của một sinh mạng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:26-27; 9:6).

Trong mười lời răn của Chúa có câu: “Ngươi không được giết người”. Do vậy, mà Giáo hội Công giáo vẫn luôn coi nạo phá thai là một điều bị tuyệt đối cấm. Công đồng Vatican II đã khẳng định phá thai là tội ác chống lại sự sống: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận: Phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (x. GS 51).

Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (x. GLHTCG số 2271).

Về phương diện luân lý, đạo đức và văn hóa truyền thống

Ông bà ta có câu: “Một lần sa bằng ba lần đẻ”, hoặc “một lần sảy bằng bảy lần đẻ”. Việc sa, sảy thai là hiện tượng tự nhiên ngoài ý muốn khi cơ thể người phụ nữ không giữ lại được thai nhi. Nhưng dù vậy, nó đã tác động nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Tuy thế, họ không mắc tội sát sinh như khi chủ động phá thai.

Thời xưa, khi quan niệm về đạo đức còn nghiêm túc, người ta quan niệm rằng những cô gái “ăn cơm trước kẻng” dẫn đến phải phá bỏ thai nhi là do sợ dư luận xã hội. Do đó, việc phá thai nếu có cũng được tiến hành rất âm thầm và không phổ biến. Tóm lại, dù bất đắc dĩ hay không, đó không phải là việc đáng tự hào.

Dân gian có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Nhưng người phụ nữ khi phá thai đã vô tâm hay nhẫn tâm giết đi con mình. Chuyện có thai đối với họ không còn là “có tin mừng” mà đã trở thành gánh nặng đe dọa cuộc sống thoải mái của họ.

Danh tướng Hạ Hầu Đôn trong trận đánh ở ấp Tiểu Bái, bị Tào Tính, tướng của Lã Bố bắn trúng con ngươi. Ông rút mũi tên ra, chẳng ngờ bật cả con ngươi theo cùng. Không hề do dự, Đôn nói: “Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ”, rồi bỏ con ngươi vào mồm nuốt chửng. Chúng ta không nhất thiết gặp hoàn cảnh và phải hành xử như Hạ Hầu Đôn, thế nhưng dù bất cứ là một bộ phận thân thể nào thì đó cũng do tinh cha huyết mẹ mà thành. Nó rất đáng quý. Đằng này, lại là cả một con người hoàn chỉnh. Bỏ đi sao đành?

Hậu quả của việc nạo phá thai

Về hậu quả thể chất sau khi nạo phá thai, khoa học đã nói nhiều, bài viết này sẽ không nhắc lại nữa. Chỉ muốn nêu lên một câu hỏi cho những người mẹ, người cha bỏ con. Sau khi đã “giải quyết” xong, phần lớn trong số họ như được trút một gánh nặng. Nhưng trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, có bao giờ họ nghĩ đến rằng trong đời họ đã từng giết một con người, lại chính là con của mình?

Có khi nào trong những cơn ác mộng, họ vùng dậy toát mồ hôi lạnh nhớ lại hình ảnh cục máu đỏ hỏn người ta lấy ra khỏi thân mình ấy, nó cũng có một linh hồn tội nghiệp. Có bao giờ họ nghĩ về nghiệp quả họ sẽ phải trả cho những năm tháng về sau và sau nữa? Hoặc phải đền tội “sát nhân giả tử”. Biết đâu sẽ có một kiếp sống họ trở thành cục máu đỏ hỏn được đưa ra khỏi thân thể một người mẹ khác? Đó là những hậu quả không nhìn thấy ngay nhưng nó chắc chắn sẽ biến bất cứ ca nạo phá thai nào trở thành không hề “an toàn” theo như nhận thức nông cạn của y học nữa.

Ngoài ra thai phụ cũng rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm khi nạo phá thai như nhiễm trùng, băng huyết, thủng tử cung, vô sinh, nguy hiểm hơn là tử vong…vv.

Lý lẽ của những người ủng hộ nạo phá thai

  1. Phá thai vì đứa bé bị dị tật bẩm sinh

Trả lời: Dĩ nhiên là khi cha mẹ giữ lại thai nhi thì sau này họ sẽ cực khổ suốt một đời. Nhưng không thể lấy đó làm lý do cho việc sát sinh. Theo quan niệm Phật gia, con cái có thể đến để trả ơn, cũng có thể đến để đòi nợ. Cho nên, khổ vì con cũng là một dạng trả nghiệp vì kiếp trước mình đã làm điều không tốt.

Theo quan niệm của Phật gia thì không có món nợ nào không phải trả, không trả lúc này thì trả lúc khác, đó là lý Nhân Quả. Do vậy, có câu: “Không duyên nợ bất thành phụ tử”. Người ta không thể trốn nợ bằng việc sát sinh. Món nợ vẫn còn đó chưa trả xong giờ lại tăng thêm một món nợ mới. Do đó mới nói con người trong mê mà tạo nghiệp.

  1. Phá thai vì đứa con là kết quả của việc loạn luân hoặc người mẹ bị hiếp dâm

Trả lời: Nếu phá thai, vẫn là giết hại một sinh mạng. Đứa con có thể được tạo ra không mong muốn nhưng nó không có tội, do vậy nó không thể bị trừng phạt bởi tội ác của cha nó. Vì một điều sai không thể được sửa chữa bằng một điều sai khác. Do vậy, dù người mẹ đau khổ nhưng theo luật Nhân Quả mà xét, việc giữ lại đứa con vẫn là cách làm đúng đắn hơn để không tạo nghiệp và gặp quả báo khi nạo phá thai.

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung là Ỷ Thiên Đồ Long Ký, nhân vật Kỷ Hiểu Phù của phái Nga Mi bị tả sứ Dương Tiêu của Minh Giáo cưỡng hiếp khiến mang thai, dù trước đó cô đã có ý trung nhân là Hân Lợi Hanh của phái Võ Đang. Kỷ Hiểu Phù vô cùng đau khổ nhưng cô vẫn giữ lại đứa bé dù bị sư môn nhục mạ đuổi đi, người đời dè bỉu. Cô đặt tên đứa con là Bất Hối để thể hiện rằng mình không bao giờ hối hận vì quyết định ấy, cô yêu thương con hết mực. Người viết tin chắc rằng, Kỷ Hiểu Phù và Dương Bất Hối vẫn còn sống đến tận ngày nay vì tình mẫu tử là bất diệt. Nó mạnh hơn bất cứ quan niệm “hiện đại” và biến dị nào.

  1. Phá thai do dư luận xã hội

Trả lời: Nhiều cô gái trẻ trót dại, vì một phút giây mê man với người tình, đắm mình trong nhục dục mà mang thai ngoài ý muốn. Rồi vì áp lực của dư luận xã hội, gia đình mà họ đang tâm phá bỏ cái thai ấy. Rõ ràng, đây là trường hợp đáng lên án nhất và chiếm đa số trong các ca nạo phá thai hiện nay ở Việt Nam.

  1. Phá thai vì không muốn vướng bận đến cuộc sống riêng

Trả lời: Có lẽ đây là lý do phổ biến của con người hiện đại, nhất là những người có quan điểm sống thoáng giống đa phần người phương Tây. Họ kêu gọi giải phóng phụ nữ, đề cao tự do cá nhân, không muốn vướng bận vào con cái, do vậy một mặt họ vẫn thoải mái quan hệ tình dục dẫn đến có thai.

Một mặt khác thì họ đi phá thai bất cứ khi nào họ không muốn nuôi con. Thực chất đây là một loại quan niệm biến dị, ích kỷ và là một tà thuyết. Vì sự thoải mái trong đời sống cá nhân mà họ sẵn sàng giết đi con mình. Về phương diện đạo đức, những quyết định này có thực sự ổn không?

  1. Phá thai vì quy định của pháp luật

Trả lời: Có những quốc gia vì muốn kiểm soát dân số mà quy định số con tối đa mà mỗi cặp vợ chồng được sinh. Rõ ràng là nếu quốc gia đã có quy định như vậy thì công dân phải áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngừa thai. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp khoa học dùng để ngừa thai cũng không cho kết quả tuyệt đối. Do vậy, nếu vẫn có thai thì nhất định cũng không thể phá, vì tội giết người là một trong những tội lớn nhất.

  1. Phá thai vì nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mệnh của người mẹ

Trả lời: Đây là trường hợp khó quyết định nhất. Vì thế, nó đã được đưa vào Luật cấm phá thai của Ireland trước khi bị bãi bỏ bằng cuộc trưng cầu dân ý Ireland ngày 26/5/2018. Trong trường hợp người mẹ có rủi ro mất mạng nếu giữ lại thai nhi, thì quyết định lúc này mới thực sự thuộc về cha mẹ của đứa trẻ. Tuy nhiên, số ca phá thai vì lý do này là rất nhỏ.

Theo số liệu thống kê về phá thai của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh của viện Allen Guttmacher thì: 95% các ca phá thai là để kiểm soát sinh, 1% là vì bị cưỡng hiếp/loạn luân, 1% là vì dị tật bào thai và chỉ có 3% là vì sức khỏe của người mẹ. Do vậy, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về bãi bỏ Luật phá thai ở Ireland là một bước tiến hay bước lùi? Có lẽ mỗi chúng ta đều đã có nhận định của riêng mình.

Pháp luật là một hình thức để quản lý xã hội. Nhưng pháp luật không phải luôn luôn là đúng đắn vì con người vốn bất toàn. Nhưng ngoài luật của con người, còn có luật của trời nữa. Những khuôn mặt tươi hơn hớn trong đám đông ở quảng trường kia, trong khi nghĩ về nữ quyền, tự do, cách mạng… họ có bao giờ nghĩ rằng họ đã trong vô minh mà tạo ác nghiệp? Họ có nghĩ về Chúa, về Phật và những lời khuyên khôn ngoan, đạo đức của các Đấng ấy? Họ có nghĩ đến con số mỗi năm có 55 triệu linh hồn đau đớn trong câm lặng đã bị những người như họ tước đoạt đời sống, trở thành những cô hồn dã quỷ đói khát và căm hận lang thang trên khắp cõi địa cầu?

Hình như không. Đằng sau nụ cười thỏa mãn của những ông bố, bà mẹ vô tâm kia là tiếng khóc lặng oan khuất của những sinh linh bé bỏng bị họ coi như những mẩu thịt, những cục máu vô tri…

Ai ơi, xin hãy đừng vì quyền lợi ích kỷ của mình mà gây thêm tội nghiệp. Thật mong lắm thay!

Văn Bé

Bài viết được trích từ: https://www.dkn.tv/goc-nhin-dkn/pha-thai-tien-bo-xa-hoi-hay-toi-ac.html

Exit mobile version