Parousia nghĩa là gì và nó được nối kết với Mùa vọng như thế nào?
Nửa đầu Mùa Vọng thường dành riêng cho “parousia” của Chúa Giêsu, hoặc Đức Kitô tái lâm.
Một từ thường được dùng trong suốt Mùa vọng đó là “parousia”, tiếng Hy lạp. Từ này được sử dụng trong sách Tân ước Hy lạp, và thường đề cập đến cuộc giáng lâm lần thứ hai của Chúa Giêsu vào ngày tận thế.
Từ này ám chỉ đến Đấng “đang đến” hay đang “hiện diện” và là những dấu chỉ ngày Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang.
Mùa vọng luôn được gắn liền với niềm tin Kitô giáo, việc Chúa Giêsu đến lần thứ nhất vào ngày Người giáng sinh, hiển nhiên cũng nhắc lại cho chúng ta về việc Chúa đến lần thứ hai, để chúng ta chuẩn bị cho mình.
Lời nguyện nhập lễ của Chúa nhật I Mùa vọng nói đến thực tại này.
Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Tương tự, Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Vọng cũng khẩn xin chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc tái lâm của Chúa Giêsu.
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42)
Ngoài ra, Giáo lý Giáo hội Công giáo xác nhận chủ đề thiêng liêng của Mùa vọng như sau: “Mỗi năm khi cử hành phụng vụ Mùa vọng, Giáo Hội lại hiện tại hoá sự trông đợi Đức Messia xưa kia, để hiệp thông với sự chuẩn bị lâu dài của sự giáng lâm thứ nhất của Chúa Cứu Thế, các tín hữu làm sống lại sự nóng lòng mong đợi cuộc giáng lâm thứ hai của Ngài (GLCG 524).
Nói chung, việc tập trung vào “parousia” này kéo dài suốt nửa đầu Mùa vọng, đến khi Giáo hội hướng trọng tâm ấy từ cuộc tái lâm của Chúa Giêsu đến việc cử hành ngày Chúa đến lần thứ nhất vào lễ Giáng sinh.
Khi chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, hãy nhớ khía cạnh dễ quên này của Mùa vọng, đó là hướng đợi ngày tận thế, ngày đó Chúa Giêsu sẽ trở lại, lau khô mọi dòng lệ và chấm dứt mọi đau khổ trên thế gian này.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng