Khủng bố là chủ đề chính trên các phương tiện truyền thông và là đề tài của những cuộc gặp gỡ trong suốt tuần vừa qua. Người dân Paris lo lắng và sợ hãi. Thậm chí có người không dám ra khỏi nhà vì cảm thấy không được an toàn. Đường phố trở nên vắng vẻ. Cảnh sát có mặt ở nhiều địa điểm khác nhau. Còi xe cảnh sát liên tục vang lên inh ỏi trên đường phố. Hôm thứ tư 18.11 vùng Saint-Denis- phía bắc Paris, gần sân vận động Stade de France: tất cả nhà cửa, trường học, siêu thị, cơ quan, xí nghiệp…đều phải đóng cửa vì trận giao chiến quyết liệt giữa cảnh sát và những tên khủng bố. Tổng Thống Pháp François Hollande đã tuyên bố: “Nước Pháp đang đối mặt với chiến tranh”. Sự kiện kinh hoàng này khiến cho tôi suy nghĩ đến ba điều quan trọng liên quan đến đời sống đức tin của người Kitô Hữu:
- Sự Bất Ngờ
Vào lúc nửa đêm thứ sáu, bất ngờ tôi nhận được tin nhắn của một người thân hỏi thăm: “Paris đang bị khủng bố. Cha có bình an không?”. Khi đó, tôi chưa biết điều gì đang xảy ra. Vội vàng mở tivi thì tôi mới biết tin ghê sợ: Paris đang bị khủng bố thật !
Bất ngờ hơn nữa vì khủng bố không chỉ xảy ra ở một nơi nhưng là ở 7 địa điểm khác nhau trong vùng Paris. Tivi đưa tin liên tục…lúc đầu Tổng Thống Pháp công bố chỉ có khoảng 10 người thiệt mạng nhưng số người chết lại tăng dần…tăng lên đến 219 nạn nhân và có nhiều người khác đang bị thương nặng.
Bất ngờ vì những nạn nhân đó không phải đang ở chiến trường nhưng họ đang vui chơi, giải trí vào dịp cuối tuần. Họ đang xem ca nhạc, uống cà phê, tiệc tùng, đang trò chuyện vui vẻ với nhau nhưng những tên khủng bố đã tấn công và kết liễu cuộc đời của họ. Tên khủng bố đã cướp đi mạng sống của những người đang yêu đời, đang khao khát sống.
Xem tin tức những ngày qua, tôi còn được biết thêm được một điều bất ngờ nữa đó là, có tin rò rỉ báo động về một cuộc khủng bố sắp xảy ra nhưng cơ quan tình báo Pháp không biết ở đâu, lúc nào và như thế nào. Cho nên, chính phủ Pháp không có biện pháp hữu hiệu để đối phó và ngăn chặn sự kiện bi thảm này. Thế là những tên khủng bố đã xuất hiện cách bất ngờ vào giờ mà những nạn nhân chẳng ngờ, không hay không biết. Nó đến như một tên trộm vậy. Thần chết cũng sẽ gõ cửa căn nhà của chúng ta cách bất ngờ tương tự như thế. Cho nên, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở: “hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (Mt 24, 37-44; Lc 12, 39-40).
- Hành Động Tàn Ác-Dã Man
Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Lý trí, tình yêu, tài năng…là những ơn huệ mà Thiên Chúa ban tặng cho con người và chỉ có con người mới sở hữu những hồng ân cao quý đó. Con người khác với con vật vì con người biết suy tư, phán đoán, chọn lựa…Con người có tất cả những đặc ân đó để trở thành người và sống đúng với phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã tặng ban.
Nhưng qua sự kiện khủng khiếp này, ta thấy con người tàn ác và dã man quá sức tưởng tượng . Những tên khủng bố cũng là người, có trái tim, có lý trí như bao con người khác nhưng tại sao họ lại cầm súng tấn công, giết chết những người xa lạ, vô tội, không có khả năng tự vệ, không oán thù. Đức Giám Mục Georges Abu Khazen, Syria đã nhận định như sau: “Chủ nghĩa khủng bố là một ý thức hệ không buông tha một ai. Người dân Syria hiểu rất rõ tình cảnh lo âu của người dân Châu Âu. Tại đây, từ nhiều năm qua, chúng tôi đã là nạn nhân của các vụ sát hại và luôn sống trong hãi hùng”.
Những tên khủng bố có lý trí nhưng họ bị cuồng tín, cực đoan, tin tưởng vào những chuyện mù quáng: được chết như thế mới là anh hùng, là tử đạo và hưởng được nhiều phúc lộc trên thiên quốc. Tệ hơn nữa, họ còn nhân danh Thượng Đế để thực hiện những chiến dịch đẫm máu ở nhiều nơi. Hôm trưa Chúa Nhật ngày 15.11 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng như sau: “Tôi muốn khẳng định lại với sự mạnh mẽ rằng con đường bạo lực và thù hận không bao giờ giải quyết được những vấn đề của phẩm giá con người. Nhân danh Thiên Chúa để chứng tỏ và chọn lựa những thái độ như thế là phạm thượng”.
Nhân danh Thiên Chúa để xúc phạm phẩm giá và hủy diệt sự sống của con người là một thái độ phạm thượng. Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng giàu lòng thương xót. Vậy những ai nhân danh Thiên Chúa để hăm dọa hoặc khủng bố tinh thần người khác cũng là một trong những hình thức xúc phạm đến lòng nhân từ của Thiên Chúa.
- Nguyên Nhân Đau Khổ
129 người bị cướp đi mạng sống. Nhiều người đang bị thương tích. Có nhiều nạn nhân sẽ bị ám ảnh sự kiện kinh khiếp này suốt cả cuộc đời. Nhiều người đau khổ vì mất đi những người thân yêu. Có đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ này. Giọt nước mắt đã rơi. Những tấm lòng tan nát. Con tim như nhói đau và tan vỡ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm thông được nỗi đau đó và ngài gửi thông điệp chia buồn với nước Pháp như sau: “Tôi bày tỏ sự đau buồn về những cuộc tấn công khủng bố đã làm đẫm máu nước Pháp, hôm tối thứ sáu vừa qua, khiến cho nhiều người phải thiệt mạng. Tôi bày tỏ sự đau khổ của tôi và gửi lời chia buồn sâu sắc đến Ngài Tổng Thống Pháp và tất cả người Pháp. Tôi gần gũi một cách đặc biệt với gia đình những nạn nhân đã qua đời và những người đang bị thương tích”. (Sau kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15.11.2015).
Tên khủng bố đã hủy diệt mạng sống những người vô tội nhưng hơn thế nữa nó còn thiêu hủy niềm vui, sự bình an và hạnh phúc của biết bao người. Đó là một sự tàn bạo, một hành động man rợ đáng kinh tởm. Vậy ai đã gây ra đau khổ này? Đâu là nguyên nhân của sự đau khổ?
Đau khổ, sự ác là một mầu nhiệm nhưng sự kiện kinh khủng này xác định rõ ràng những tên khủng bố chính là tác giả. Họ đã làm cho nhiều người phải rơi lệ, phải chia lìa và sống trong hoàn cảnh tang tóc. Thiên Chúa luôn mong con người được sống hạnh phúc, được bình an nhưng con người lại tự làm khổ nhau. Nhìn vào thực tế của cuộc sống hôm nay, ta thấy không chỉ có khủng bố bằng súng đạn, bằng bạo lực mà thôi nhưng còn nhiều hình thức khủng bố tinh thần khác: hù dọa, trừng phạt, lên án, loại trừ, cầm tù…Có bao nhiêu hình thức khủng bố thì có bấy nhiêu cách gây ra đau khổ cho con người và gây nên bất an trong xã hội.
Nước Pháp đã chịu tang 3 ngày. Paris buồn thảm. Người dân lo sợ vì những tên khủng bố là những người vô tâm, luôn tấn công bất ngờ. Bên cạnh những mặt tiêu cực như thế, những ngày qua Paris lại bừng sáng lên những dấu chỉ lạc quan mang đậm nét tình người, tình liên đới và tinh thần hiệp thông.
Trước đây, các đảng phái chính trị thường chỉ trích nhau nhưng sau biến cố này họ ngồi chung lại với nhau để tìm cách giải quyết vấn đề hệ trọng của đất nước. Cảnh sát, bác sĩ, y tá…làm việc không ngừng để cứu giúp những nạn nhân và bảo vệ dân. Những tài xế taxi tình nguyện chở người dân miễn phí khi hệ thống phương tiện công cộng bị phong tỏa vào tối hôm đó. Nhiều người dân lần lượt xếp hàng chờ hiến máu để cứu các nạn nhân bị thương sau vụ tấn công kinh hoàng.
Nhóm Eagles of Death Metal, ban nhạc trình diễn tại nhà hát Bataclan-Paris, nơi xảy cuộc tấn công khủng bố, đã lên tiếng sau khi trở về Hoa Kỳ: “Chúng tôi muốn cảm ơn cảnh sát Pháp, FBI, Bộ Ngoại giao Pháp và Hoa Kỳ, và đặc biệt là tất cả những người trong chúng ta đã hết lòng giúp đỡ và cưu mang nhau trong thảm họa ngoài sức tưởng tượng này và một lần nữa chứng tỏ tình yêu đã làm lu mờ cái ác”.
Những cánh hoa đẹp được mang đến hiện trường để tưởng nhớ những người đã khuất. Những ngọn lên được thắp lên ở những nơi các nạn nhân đã nằm xuống. Một phút mặt niệm linh thiêng, cảm động vào lúc 12 giờ trưa thứ hai 16.11.2015 được diễn ra khắp cả nước Pháp. Bài quốc ca-La Marseillaise được hát lên mang niềm tự hào dân tộc nhưng với nỗi ưu buồn sâu thẳm. Lá cờ ba màu: xanh-đỏ-trắng xuất hiện nơi những công trình nổi tiếng trên thế giới nhằm gửi gắm một thông điệp liên đới, hiệp thông với nước Pháp. Biết bao nhiêu lời cầu nguyện được vang lên tới tận trời cao để nguyện xin cho các nạn nhân và gia đình của họ.
Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, kêu gọi: cầu nguyện cho những nạn nhân đã thiệt mạng, những người bị thương và cho gia đình của họ. Cầu nguyện cho những người đang tham gia công việc cấp cứu, cho lực lượng cảnh sát đang phải chịu sự căng thẳng rất lớn. Cầu nguyện cho chính phủ và đất nước để mọi người luôn đoàn kết với nhau và bình an trong tâm hồn. Đặc biệt, chiều Chúa Nhật 15.11 tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Đức Hồng Y đã cử hành Thánh Lễ để cầu nguyện cho các nạn nhân và cho nước Pháp. Nhiều quan chức cao cấp của chính phủ đến tham dự trong vòng dây an ninh rất nghiêm ngặt. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh tư tưởng: “Trong những ngày thử thách này, người tin vào Chúa Kitô được mời gọi làm chứng cho niềm hy vọng. Người Kitô hữu phải là những sứ giả của niềm hy vọng giữa những khổ đau của con người. Chúng ta phải mang lấy niềm hy vọng và làm chứng về hy vọng ấy như một sự an ủi cho những ai đang đau khổ và như một lời mời gọi chứng thực những giá trị thật của cuộc sống”.
Những dấu hiệu của tình người và niềm hy vọng đức tin Kitô Giáo giúp cho tôi nhớ đến lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10, 28).
Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh-Đấng chiến thắng sự dữ, cái ác và sự chết còn nhắc nhở mỗi người: Mặc dù ta đang sống trong một thế giới bất an vì khủng bố xảy ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau. Môi trường sống của nhân loại đang bị ô nhiễm, tha hóa và có nhiều hình thức khủng bố khác nhau từ thể xác đến tinh thần. Nhưng lẽ sống của Abbé Pierre, người sáng lập hội từ thiện Emmaüs để giúp đỡ những người vô gia cư, gửi cho ta một thông điệp mạnh mẽ về niềm hy vọng: “Tôi sẽ tiếp tục tin, mặc dù thế giới đang mất đi niềm hy vọng. Tôi sẽ tiếp tục xây dựng, mặc dù người khác đang phá hủy. Tôi sẽ tiếp tục nói về hòa bình ngay giữa một cuộc chiến tranh. Tôi sẽ vẽ những nụ cười trên những khuôn mặt đầy nước mắt. Và tôi sẽ đưa tay ra để ôm trọn những ai đang dần dần kiệt sức”.
Lm Phaolô Trương Hoàng Phong
(viết từ Paris)