Ơn Trung Thành Và Niềm Vui Bền Đỗ

92

ƠN TRUNG THÀNH VÀ NIỀM VUI BỀN ĐỖ

Dù ở thời đại nào, người ta sẽ sống bất định mơ hồ nếu không biết mình là ai, không biết mình làm gì và đi về đâu. Ngày hôm nay, thực trạng khủng hoảng các giá trị sống đang lan tràn trong một bộ phận người trẻ, kể các các tu sĩ trẻ đang dấn bước theo Đức Ki-tô. Khi căn tính bị hòa tan giữa làn sóng của chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa cá nhân thì người tu sĩ có nguy cơ bị phai nhạt phẩm chất: sống thả trôi, không nền móng, sống thiếu sức sống và không còn khả năng sinh hoa trái.  Đó là thực trạng mà Mẹ Giáo hội đang báo động trong các văn kiện gần đây. Chỉ tình yêu của Chúa Cha được mặc khải trọn vẹn qua cuộc đời của Chúa Giê-su mới có sức mạnh đưa những người môn đệ của Chúa ra khỏi nguy cơ chạy trốn, chệnh đường và những biện minh cố chấp cho lối sống thênh thang dễ dãi.

Bộ các Hội dòng đời sống Thánh hiến và các tu đoàn tông đồ đã có những hướng dẫn cụ thể để nhen lên ý thức giúp những người trong cuộc dám đối diện thực tế, dám bước vào hành trình hoán cải và đổi mới, nhắm tới sự trung thành và bền đỗ với chọn lựa ban đầu. Đó là văn kiện đặc biệt ý nghĩa mà mỗi người tu sĩ nên đọc và suy đi nghĩ lại để thấm nhuần những hiện thực vừa mang tính thách đố và hy vọng trong bối cảnh hôm nay.

Đời dâng hiến thực sự là một màu nhiệm đức tin. Việc đi theo Đức Kitô được thực hiện trong mầu nhiệm vượt qua, một mầu nhiệm bám chặt vào sự tin tưởng không hề lay chuyển vào Đức Giê-su Ki-tô; một mầu nhiệm được minh chứng và thực hiện với các bằng chứng rõ ràng nhất trong sự bền đỗ.

Tôi xin được viện dẫn những gương mặt vừa quen thuộc, vừa mới lạ, họ là người và họ cũng là thánh. Các ngài đã sống một cuộc đời dồi dào hoa trái với một mục đích duy nhất là “làm vinh danh Chúa”. Chúa vẫn thực hiện những “phép lạ” ngang qua bao cuộc đời như thế để nói với thế giới rằng: “Thầy đây, đừng sợ!”

Một Luy Gonzaga của thế kỷ XVI khiêm nhường hạ mình: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Thánh Luy Gonzaga là một tấm gương cho chúng ta, nhất là các bạn trẻ, về sự quảng đại từ bỏ vinh hoa phú quý để bước theo Đức Giêsu Kitô nghèo khó, chịu sỉ nhục, khiêm hạ và hiến thân phục vụ cho anh chị em mình.

Cha Jérôme – một đan sĩ dòng Trappit ngài đã suy tư về ơn gọi của mình rằng:

“Có một thời khi tìm hiểu về ơn gọi của mình, tôi đã mày mò tìm cho ra những lý do, những bề sâu thiêng liêng của ơn gọi ấy… Rồi thời ấy đã qua, khi mà mọi ánh sáng dẫn đường như thế chợt tan biến. Ơn gọi của tôi đã đánh mất ý nghĩa khả tri của nó…Một mầu nhiệm khôn dò, đã bao bọc tôi…”

Một Carlo Acutis của thế kỷ XXI ham lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, rước lễ lần đầu sớm hơn một năm và sau đó tham dự Thánh lễ hàng ngày; chăm sóc người vô gia cư mỗi đêm; yêu mến các thánh; đã học máy tính để thiết kế các trang web nhằm lan tỏa tình yêu đối với Thánh Thể và Đức Maria…

Một Đan sĩ Việt Nam thế hệ 9X mang tên Dương Nguyên Khang đã bỏ lại bằng cấp, học vị, tương lai để làm chứng cho thế giới bằng sự xóa mình hoàn toàn:

“Chúa chỉ đòi hỏi con cái Ngài từ bỏ một thứ mà thôi: từ bỏ chính mình. Nhưng suy cho cùng, các hy sinh dù có lớn đến đâu, dù đau đớn đến đâu, có lẽ cũng chỉ là điều kiện, phương tiện để giúp kẻ tu hành từ bỏ chính mình. Có lẽ 4 bức tường cao của Dòng Chartreux không phải là biểu tượng của sự thánh thiện, nhưng là tiếng rên siết của muôn loài đang sống dưới ách tội lỗi, rên siết vì từ bỏ chính mình khó quá, lớn quá, lớn hơn cả các hy sinh của một đời khổ tu.”

Sự từ bỏ quảng đại của Thầy trẻ Théophile Dương Nguyên Khang muốn nói gì với chúng ta, với các bạn trẻ, với con người hôm nay đang quá chú trọng đến thành công, danh vọng, tiền tài, vật chất: điều gì là quan trọng nhất? Thiên Chúa hay vinh quang trần thế này?

Trong tông huấn Tìm kiếm Dung Nhan Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói rằng:

“Hãy là những ngọn hải đăng cho những ai gần gũi các con, và nhất là những người ở xa các con. Hãy là những ngọn đuốc sáng hướng dẫn những người nam và nữ trong hành trình đi qua đêm tối của họ trong thời đại này. Hãy là những người lính gác ban mai (x. Is 21,11-12), sứ giả lúc rạng đông (x. Lc 1,78). Nhờ vào đời sống được biến đổi, với Lời Chúa được suy đi nghĩ lại trong thinh lặng, các con hãy cho mọi người thấy Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (x. Ga 14,6), chỉ mình Người mới có thể mang lại cho chúng ta một sự hoàn thiện và một đời sống phong phú.”

Làm sao có thể nói hết được những cuộc đời đã chấp nhận tan biến, chấp nhận xóa mình hoàn toàn vì một mục đích duy nhất là “để Chúa được lớn lên”. Tôi hổ thẹn vì đã đôi lần ngụp lặn trong những bi quan khi phải đối diện với nhiều thách đố trong ngoài. Tôi đã quên hướng ánh nhìn của mình vào những “điểm sáng”, những gương mẫu tuyệt vời mà Chúa đã ban cho mọi thời đại. Họ là người như tôi, nhưng họ cũng đã là ‘thánh”, điều ấy sẽ khích lệ tôi trên đường lữ hành hôm nay.

Tôi xin mượn lời bài hát sau đây như một lời nhắc nhớ về muôn ân phúc và nghĩa tình mà tôi đã nhận lãnh trong cuộc đời dâng hiến:

Như con sóng dạt dào tháng ngày đổ vào bờ cát.

Con mang theo tình yêu thắp vào quả tim của Chúa.

Xin trao dâng cuộc tình và xin quên đi đời mình.

Xin thông chia cực hình trên thập tự Chúa hy sinh.

Một lần đã dâng hiến thì trọn đời Chúa ơi.

Con sẽ không bao giờ không bao giờ đổi thay.

(Một lần dâng hiến – Ngọc Linh)

Tôi đã đi qua biết bao mùa hồng ân của chị em và của chính mình. Tôi cảm tạ Chúa về ơn gọi đặc biệt Chúa đã dắt tôi vào. Tôi biết ơn Hội dòng đã nuôi lớn tôi trong linh đạo Mến Thánh Giá. Tháng 06 về, rồi tháng 06 lại rời đi theo vần xoay bất biến, những trang nhật ký của đời dâng hiến cũng sẽ phải lật qua trang mới để viết tiếp cuộc hành trình. Tôi xin Chúa nắm chặt linh hồn, thân xác và trọn cuộc đời để tôi được trung tín với lựa chọn khởi đầu. Hành trình ấy không hề dễ dàng và ngay cả hiện tại cũng chẳng phải nhung lụa, nhưng tôi luôn xác tín mình không hề bước đi một mình trên con đường có vẻ một mình này. Bởi lời thầm thĩ ấy lại văng vẳng đâu đây: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga15,9).

Violet