Ơn Gọi thời “A-còng”
Ở thế kỷ 21, đà phát triển thông tin chắc đang ở mức mà cái gì người ta cũng thêm vào chữ ‘siêu’. Những phát minh khoa học đã đưa con người vào thế giới máy móc và hưởng thụ cầu nhàn.
Chỉ cần ngồi một chỗ, người ta có thể tiếp nhận biết bao thông tin khắp hành tinh, người ta có thể khám chữa bệnh tại nhà ngay trước màn hình vi tính, người ta có thể giao tiếp với những người ở cách xa nhau nửa trái đất như đang đối diện, người ta có thể đi chợ ngay tại phòng khách nhà mình. Lên xe mà không biết đường nào gần nhất, thuận lợi nhất để tới nơi à? Cứ cầm điện thoại bấm GPS là có ‘thiên thần’ từ trời dắt lối từng bước đi, dù đường dài cả trăm cây số, sai sót chỉ vài mét nhỏ nhoi. Và còn nhiều lắm những tiện nghi phục vụ cuộc sống con người. Ở một góc trời nào đó, người ta cũng đang lần mò ‘làm ra’ sự sống từ những tế bào gốc, nhân bản vô tính con cừu con bê và rồi cũng có thể cả con người nữa. Xem ra vai trò của Thiên Chúa đã lu mờ trước sự tiến bộ vượt bậc của trí khôn loài người.
Có lẽ một Thiên Chúa của tạo thiên lập địa, một Giêsu của hơn hai ngàn năm lịch sử đã trở nên lạc hậu trong thế giới ‘a còng’ này rồi chăng, hay là ngay trong cái văn minh của ‘siêu’ tiến bộ này, lời mời sống ơn gọi thăng tiến vẫn mới và ảnh hưởng luôn tới cả thế giới hiện tại?
Quả là con người ngày nay không còn là ‘loài động vật có trí khôn’ đơn thuần nữa. Khả năng loài người đã vượt lên thật cao, thật xa, sâu thẳm cả vào vũ trụ mênh mông huyền hoặc, xé tan khoảng cách thời gian không gian định hình để tìm vào cả thế giới thần thiêng vô định. Tới một đỉnh điểm nào đó, người ta chợt khựng lại và tái định hướng cho công cuộc phát triển. Vẫn có một cái gì đó trục trặc, một lãnh vực nào mà khoa học chưa đột nhập vào được, một mật mã mà cả các tay I.T gộc cũng chỉ mới là ‘i tờ’ mà thôi!
Khó khám phá thật nhưng lại rất đơn giản, rất mộc mạc và thân thiết :
Ơn gọi làm người.
Quả tình, trong một xã hội nhiễu nhương và nặng vật chất này, những nét cơ bản trong nền giáo dục nhân bản dần dần biến thành hàng độc, hàng hiếm! Đức tính trung thực, liêm chính sẽ cản trở con đường tiến thân cho ai đó còn có chút sĩ diện. ‘Thật thà trung thực thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lẹ lên lương’!
Ngay từ trong các cơ quan lãnh đạo quốc gia cho đến các bộ ngành gắn kết tới vận mệnh dân tộc, những bức bình phong thật đẹp mắt được dựng nên đầy sắc màu như cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…những chương học tập sống theo gương này gương khác, những công trình chống tham những nổ vang như pháo tết. Nhưng rồi việc thực hiện những ‘chỉ tiêu’ đó cũng ‘lùng bùng như trống thủng’ vậy thôi. Ban thanh tra tham những bị truy tố về tội tham những, cán bộ ngành thì … ‘chiếm công vi tư’. Thượng bất chánh hạ tắc loạn. Từ cấp trên làm sai thì cấp dưới sao làm đúng được. Vả lại ai dại dột làm đúng thì bị khai trừ vì những lỗi lầm từ trên trời rơi xuống, chỉ có nước về nhà rửa chén quét sân, ấy là chưa kể đến việc có thể phải vào nhà lao vì đã thể hiện nhân quyền bênh vực công lý!
Dù không muốn đề cập tới những bất tắc trong các lãnh vực khác như giao thông, tiền tệ, y tế, văn hoá thông tin, truyền thông đại chúng…chỉ ngành giáo dục là môi trường trực tiếp đào tạo con người nhân bản cũng đầy dẫy những phi nhân phi nghĩa, phi giáo dục khiến cả thế hệ lệch lạc chao đảo. Học sinh cấp nhỏ thì phải chạy trường chạy điểm để có trường chuyên trường tuyển, cấp lớn hơn tí thì học kèm học thêm suốt ngày đêm mà cũng chẳng hết mớ chương trình nặng nề kiến thức nhồi sọ. May ra có vào được đại học, khi ra trường mà không có ‘nhất thế nhì thân’ thì cũng loạng choạng với cái bằng cấp kỹ sư mà làm việc …osin. Chỉ có các ‘học giả’ nhảy từ bình dân học vụ sang đại học tại chức mới dễ dàng đi vào các lâu đài tô son đã lập sẵn cho CÔCC. Học thì gỉa mà bằng thì thật đấy.
Nếu có dịp tham quan nền giáo dục các quốc gia khác, tự nhiên mình thấy cách giáo dục ngày nay trong các trường học của mình nó hời hợt quá. Chưa nói đến vấn đề chính sách, ở nước người, trẻ em bắt buộc phải đến trường. Không có lệ ‘tiên học phí hậu học văn’. Cha mẹ không cho con đến trường có thể bị phạt nếu không có hình thức giáo dục phổ thông khác ngay tại nhà. Tại nhà trường, chương trình học thật nhẹ nhàng và thân thiết. Những kiến thức được giảng giải thật sát với cuộc sống theo nghĩa là ‘phổ thông’. Trước đây người ta đánh giá một nước phát triển theo đường dây điện mọi nơi, giờ thì phải đổi lại : một nước văn minh tiến bộ hay không được nhìn qua lãnh vực giáo dục và y tế, nghĩa là nhắm tới khía cạnh nhân bản. Ở nước người, tôi không có cảm giác nhồi nhét kiến thức như chương trình giáo khoa nước mình, nhưng hình như mức độ tiếp nhận kiến thức nơi học sinh của họ thật nhiều và cập nhật.
Thiết nghĩ chính từ cái chương trình học nặng nề khuôn sáo của sách giáo khoa đã làm cho tình trạng học vấn của nước mình chậm tiến. Tôi nhớ lần đọc trang báo điện tử kia, có bài viết ‘con hư tại bộ giáo dục’ mà thấy ái ngại cho nền giáo dục ngày nay.
Sỡ dĩ tôi cứ dài dòng cái chuyện thời sự như thế, là vì muốn đề cập tới một khía cạnh khác nhân bản hơn, thiết thực hơn mà tôi và anh, những người Kitô hữu phải suy nghĩ và dấn thân vào việc.
Nhìn chung thì cuộc sống xã hội ngày nay tuy không còn cảnh đói khát như mấy chục năm về trước, nhưng cái nghèo tinh thần, nghèo văn hoá, nghèo khát vọng sống thành người …xem ra tệ hại hơn. Nói thế hình như mình quá yếm thế và mâu thuẫn với những nhận xét trên kia về sự bùng nổ thông tin, mà cũng thật đấy.
Không ai là một hòn đảo. Người Kitô hữu càng không thể đóng khung mình trong một vườn ươm biệt lập để có ‘rau sạch an toàn’, mà cũng phải phơi mình dưới gầm trời đầy dẫy côn trùng và khí thải độc hại. Ranh giới thiện ác trong thời đại văn minh thì mong manh. Sự tự do gắn liền với phóng túng và buông thả. Cái nhìn đức tin cũng phải thích nghi để đọc ra thiên ý trong thời đại ‘a còng’.
Là con người, nhịp sống không chỉ nhởn nhơ như cánh bướm bên nụ hoa vật chất mau tàn. Những phú quý của cải, những nhan sắc quyến rũ, những quyền chức oai phong, những lao nhọc bần cùng…rồi cũng có lúc tan ra với tro bụi mà không để lại dấu tích. Người ta lượng giá một cuộc sống hạnh phúc bằng của cải và những phương tiện tô son cho cuộc sống, nhưng hạnh phúc đó có thật không khi chính nó cũng quá mong manh.
Không thiếu những đại gia ôm tiền tỷ mà cũng đang bị nguy cơ xộ khám hay nhảy lầu tự vẫn vì thất vọng trong cuộc sống.
Những quán bar thác loạn thường tập trung các con cái nhà giàu quyền chức, chúng vui chơi như không còn được chơi nữa vì ngày mai của chúng là đen tối. Lý tưởng cuộc sống là cái gì mơ hồ hoặc chưa khi nào được nghe thấy!
Người Kitô hữu xác định lý tưởng sống của mình và định hướng cho mọi sinh hoạt theo một con đường thăng tiến. Hoà mình vào ngay những phát triển của nhân loại nhưng vẫn để lộ ra cái nhân cách làm người với những ưu phẩm của công bình, nhân hậu, thứ tha, thanh khiết…hay những nét duyên của Kitô giáo như phục vụ vô vị lợi, quảng đại dấn thân và yêu thương đến cùng.
Niềm tin và hy vọng
Không ít người đã lãng quên những điểm mấu chốt này trong cuộc sống. Cũng có thể là do đã mất niềm tin và chỉ toàn thất vọng nên dòng đời chỉ lăn theo con dốc khô khan rồi chìm vào vực thẳm hư vô não nề. Cũng phải thôi, vì màn trình diễn của con người trong cuốn phim nhân sinh không luôn thuận theo như kịch bản. Những khúc quanh của mê hồn trận lắm khi còn hơn cơn lốc xoáy cuốn theo mọi toan tính. Không đạt được ước nguyện nên người ta cầu khấn trời phật độ trì theo kiểu ‘xin cho con lấy được người con yêu’. Và rồi cả trời phật cũng ‘đi vắng’ thì…dòng sông lững lờ sẽ có câu trả lời phũ phàng!
Theo ý kiến riêng của tôi, chỉ niềm tin Kitô giáo mới có sức mạnh nâng dậy những con người sống trong thất vọng chán chường. Ở đó không giúp cho người ta vài chục cây vàng làm vốn bán buôn, cũng chẳng lo lót để người ta có chỗ làm vừa ý…
Ở đó chỉ mang lại cho người ta sự bình an trong tâm hồn. Và rồi từ đây, ân sủng tác động vào mọi ngõ ngách thầm kín nhất trong tâm hồn để con người mạnh dạn đứng lên, hiên ngang đương đầu với mọi giông tố tràn ngập dòng đời trái ngang. “Ơn Ta đủ cho con’, ‘không có Thầy, anh em không làm gì được’.
Thật vậy, vẫn biết bạn tài đức hơn người, học cao hiểu rộng, tinh thông trời đất… nhưng có thể bạn không bước qua nổi một cọng rơm bên đường. Đã bao năm nay bạn lăn lộn trong giới khoa học, tiếp cận với mọi thứ văn minh, thành công trong công việc mà bạn yêu thích, huy chương bằng khen treo đầy nhà… mà có mỗi cái bạn không có là sự bình an. Ngay cả những điều mà bạn tâm đắc nhất và tưởng là an bình nhất thì cũng đang có mầm động đất có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Thế nhưng sự bình an đó lại đơn giản và có ngay trong tâm hồn bạn khi tin vào Đấng đã nói với bạn : ‘Bình an cho anh em’. Để hưởng được sự bình an đó, bạn cũng chẳng cần phải gồng mình tìm kiếm làm chi, chỉ sống đúng với ơn gọi làm người của mình “Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người thế nào, thì cứ sống như vậy” (1Cr. 7.17) .
Sống như đã được kêu gọi, thì dù bạn có ở địa vị nào, dù tu sĩ hay giáo dân, dù giám đốc hay anh quét đường, dù già hay trẻ, dù xấu hay đẹp…ta vẫn an tâm và hạnh phúc. Chính niềm tin và hy vọng vào Đấng kêu gọi ta, đã cải tiến mọi trái ngang trong cuộc sống để đường đời ta đi thật thanh thản, vui tươi và bình an.
… ‘Phần anh, hãy theo Tôi’. Lời mời gọi vượt mọi thời đại và luôn ‘được cập nhật’ với từng người đáp trả, ngay cả trong thế giới a còng @, đó là giới thiệu một Đức Kitô, một Thiên Chúa Bình An vẫn còn đang hoạt động hữu hiệu trong mọi lãnh vực và yêu thương nhân loại qua đời sống và nhân cách của tôi.
sưu tầm
__________________
“Thưa Thầy,
Thầy biết rõ mọi sự,
Thầy biết con yêu mến Thầy”.
(Ga 21, 17)