Ơn Cứu Độ nhãn tiền
(Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, năm C)
Lễ Đức Mẹ dâng Con cũng được gọi là Lễ Nến (Candlemas) vì có phần làm phép nến và rước nến trước Thánh Lễ.
Theo luật Môsê trong Cựu ước: “Ngươi phải nhượng lại cho Đức Chúa mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi: các con đực thuộc về Đức Chúa” (Xh 13:12).
Thiên Chúa truyền cho Môsê nói với con cái Ít-ra-en: “Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình” (Lv 12:2-4).
Theo luật Môsê, một phụ nữ phải làm lễ Tẩy trần sau khi sinh con 40 ngày, khi phụ nữ này đến gặp các tư tế và dâng của lễ để thanh tẩy. Lễ này nhấn mạnh sự xuất hiện lần đầu tiên của Chúa Giêsu nơi Đền Thờ hơn là sự tẩy trần của Đức Mẹ.
Cuối thế kỷ thứ IV, một phụ nữ tên là Etheria đi hành hương tới Giêrusalem. Bản ghi chép của bà được tìm thấy năm 1887, cho thấy cái nhìn thoáng qua về đời sống phụng vụ hồi đó. Trong số các nghi thức bà mô tả có Lễ Hiển Linh (Epiphany, ngày 6-1), Lễ Giáng Sinh và Lễ Đức Mẹ dâng Con trong Đền Thờ 40 ngày sau (trước đây mừng vào ngày 15-2).
Việc tuân thủ này lan truyền qua Giáo hội Tây phương hồi thế kỷ thứ V và VI. Vì Giáo hội Tây phương mừng lễ Giáng sinh ngày 25-12, lễ Đức Mẹ dâng Con được dời qua ngày 2-2 cho đủ 40 ngày, tính từ Lễ Giáng sinh.
Từ đầu thế kỷ thứ VIII, ĐGH Sergius cho rước nến. Cuối thế kỷ thứ VIII, việc làm phép nến và phân phát nến được áp dụng cho đến ngày nay, vì thế mà lễ này còn được gọi là Lễ Nến.
Thiên Chúa nói qua miệng lưỡi ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Mlk 3:1). Ngày Người đến thật kỳ diệu, không thể tưởng tượng theo trí óc loài người. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, “Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính” (Mlk 3:2-3). Ngôn sứ Malakhi cho biết thêm: “Lễ vật của Giuđa và của Giêrusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước” (Mlk 3:4).
Thánh Phaolô giải thích: “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2:14-15). Thánh nhân cho biết thêm: “Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham” (Dt 2:16). Thật là hạnh phúc, chúng ta đang là những tội nhân mà được trở nên con cháu của Tổ phụ Áp-ra-ham, và được đồng hưởng sự sống đời đời.
Đó là nhờ công nghiệp hiến dâng của Đức Kitô, như Thánh Phaolô nói: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2:17-18). Chúng ta có yêu ai đến mấy thì cũng chỉ cảm thông, an ủi, vỗ về,… chứ chẳng ai dám chịu khổ đau như người mình yêu, thậm chí có khi chỉ nói miệng chứ trong lòng chưa chắc thực sự muốn chia sẻ.
Thường thì có khó khăn mới tìm đến nhau, khi vui thì chưa chắc nhớ đến ai. Do vậy mà người ta có câu: “Hạt muối cắn đôi, hạt đường ăn cả”, hoặc: “Khi lạnh chẳng nhớ đến tai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ”. Khó lắm!
Khi Chúa Giêsu được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, Cô Maria và Chú Giuse đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu. Đó chính là tên mà Sứ thần đã đặt cho Em Bé trước khi được thụ thai trong lòng Mẫu Thân. Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, Cô Maria và Chú Giuse đem Con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2:23). Đồng thời cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2:24).
Thánh sữ Luca kể: Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
Lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem Con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, ông Simêôn ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2:29-32).
Bao năm khao khát, bao năm trông chờ, đến tuổi già mà ông Simêôn lại được thấy Ơn Cứu Độ nhãn tiền. Không còn hạnh phúc nào hơn vì ông được toại nguyện. Không chỉ được tận mắt nhìn thấy mà ông còn được tận tay bồng ẵm Con Trẻ Giêsu, thế nên ông có thể an lòng nhắm mắt rồi.
Khi Chúa Giêsu xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng, có những sự lạ điễn ra.
Trước hết, ông Simêôn được linh hứng nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính Cô, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Cô” (Lc 2:34-35). Lời tiên tri thật kỳ lạ và bí ẩn!
Sau đó là một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã 84 tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Khi đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, Cô Maria và Chú Giuse trở về Nadarét, miền Galilê. Riêng Hài Nhi thì “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40).
Tục lệ đạo đức ngày Lễ Nến ăn sâu trong cuộc sống người tín hữu. Ở nhiều nơi, các tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép. Họ mang nến đã làm phép về thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện khi gia đình có người ốm đau, người đi xa, dịp vui mừng, dịp cưới hỏi, khi có tang chế,… Theo truyền thống vào ngày lễ nến, kỷ niệm Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thánh, giáo hội cổ võ các bà mẹ có con thơ đưa con đến nhà thờ để dâng cho Thiên Chúa. Giáo hội có nghi thức ban phép lành đặc biệt cho cả mẹ lẫn con trong ngày lễ này.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng biết dâng mọi sự để Thánh Thần hướng dẫn và thánh hóa, hầu sinh ích cho bản thân và cho tha nhân. Tất cả xin vì sáng Danh Chúa mà thôi. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người và Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU