Nước Mặn, nơi phôi thai chữ quốc ngữ

88

Nước Mặn, nơi phôi thai chữ quốc ngữ

Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng hai thế kỷ. Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm bốn thời kỳ: thời kỳ phôi thai, thời kỳ hình thành, thời kỳ phát triển và thời kỳ hoàn tất. Thế nhưng, ai là người đi tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ? Và nơi sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ diễn ra ở  đâu? Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phải chăng Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên công việc sáng chế chữ Quốc ngữ?

Nước Mặn là tên gọi của một phố thị cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Qui Nhơn vào thế kỷ XVII-XVIII. Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông-Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Nước Mặn cũng là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII. Cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn: An Hoà, Lương Quang thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay.

Lịch sử chữ Quốc ngữ ngay từ đầu đã gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền đạo Thiên chúa giáo ở Việt Nam. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” khi nhắc lệnh cấm người theo đạo Gia Tô dưới triều Lê Huyền Tông có ghi: “Đạo Gia Tô theo bút ký tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1553) đời Lê Trang Tông, có người Tây Dương là I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ” (1)(ngày nay thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định). Do vậy, các sử sách Công giáo tại Việt Nam thường coi năm 1553 là mốc khởi đầu cho việc mở đạo. Tuy nhiên đây chỉ là bước dò dẫm, chưa có kết quả đáng kể trong việc truyền bá đạo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam.

Trong địa hạt tôn giáo, các miền truyền giáo tại Việt Nam được Tỉnh Dòng Tên của Nhật Bản, liên hệ với các Toà Giám mục Bồ Đào Nha ở Malacca và Macao, chính thức thành lập ở Đàng Trong vào năm 1615 (2) và ở Đàng Ngoài vào năm 1627 (3).

Ngày 14/2/1614, Nhật Hoàng Daifusana ban lệnh cấm giảng đạo, trục xuất các nhà truyền giáo. Để khỏi “lãng công” vì tình hình khó khăn ở Nhật, các nhà truyền giáo bị trục xuất về Ma Cao quá đông, Dòng Tên cử 4 thừa sai sang Đàng Trong gồm linh mục Francesco Buzomi, Diego Carvalho người Bồ Đào Nha, hai trợ sĩ José và Paolo người Nhật Bản. Phái đoàn của Buzomi tới Hải Phố (Hội An) ngày 18/01/1615 (4).Ở đây, công đoàn Nhật Bản đã hình thành, linh mục Buzomi và linh mục Cavalho dùng tiếng Nhật chăm sóc giáo dân tại đây. Năm 1617, linh mục Francesco de Pina và một tu sĩ được phái sang, chẳng may lúc này Đàng Trong bị mất mùa vì hạn hán. Người dân cho rằng vì bỏ đạo của ông bà tổ tiên mà theo đạo mới, nên tai hoạ ập tới. Do đó qui trách nhiệm cho các thừa sai và Đạo mới, các thừa sai bị áp lực trục xuất, linh mục Pina được các giáo dân Nhật ở Hội An bảo vệ (5). Đầu năm 1618, linh mục Pina cùng linh mục Buzomi và linh mục Cristoforo Borri (mới đến Hải Phố cùng linh mục Pedro Marquez) đi Qui Nhơn, linh mục Marquez với một thầy Dòng Tên ở lại vơi giáo dân Nhật kiều. Linh mục Borri là người ghi sử liệu khá nhất về truyền giáo Nam Hà (6) từ đầu năm 1618 tới năm 1622, ông ghi: “Các cha Francesco Buzomi, Francesco de Pina và tôi rời Hải Phố đi Pulucambi (7) với quan trấn tỉnh này. Suốt hành trình, quan trấn đối với chúng tôi hết sức lịch sự và nhã nhặn. Ông cho chúng tôi ở cùng đoàn, dành riêng cho chúng tôi và người thông dịch một chiếc thuyền, hành lý chúng tôi để ở một thuyền khác, chứ không ngổn ngang bên chúng tôi. Suốt trong mười hai ngày đi trong những điều kiện thoải mái như thế, sớm chiều ghé vào các cửa khẩu hoặc phố xá tỉnh Quảng Nghĩa, nơi mà quan trấn có quyền như ở trong tỉnh Pulucambi …

…Qua tám ngày, chúng tôi giải bày mong muốn ở thị trấn để dễ truyền Đạo hơn ở trong dinh giữa cánh đồng, xa thị trấn tới ba dặm. Vì thương mến, quan trấn không muốn xa chúng tôi, nhưng hy sinh quyền lợi cho dân chúng, và gạt lòng yêu thích qua bên, quan truyền xây cho chúng tôi một ngôi nhà tiện nghi trong thị trấn Nuocman …” (8).

Đầu thế kỷ XVII, Đàng Trong – Xứ Quảng là một miền đất chung bao gồm cả Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức ở Việt Nam. Do vậy, các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ thường cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế loại chữ mới này ở Việt Nam mà cụ thể là ở Đàng Trong – ở Xứ Quảng vào năm 1615, khi các nhà truyền giáo Dòng Tên chính thức mở đạo ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại trong các tài liệu lưu trử khá đầy đủ.

Tuy nhiên, xét riêng về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ, nhiều học giả cho rằng thời điểm quan trọng nhất phải là khi có thêm linh mục Francesco de Pina (người Bồ Đào Nha) từ Ma Cao được cử sang giúp thêm cho Linh mục Francesco Buzomi. Trước khi Pina sang, giáo đoàn của linh mục Buzomi nhờ biết tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc nên họ có thể giao tiếp với kiều dân người Nhật Bản và người Trung Hoa sống ở Hội An, để tiếp xúc với người Việt Nam họ phải nhờ người phiên dịch.

Mặc dù đến Việt Nam muộn hơn so với một số giáo sĩ khác, nhưng Pina lại là giáo sĩ Châu Âu đầu tiên nói thành thạo tiếng Việt, điều này đã được các giáo sĩ đến sau như: Gaspar Luiz và Alexandre de Rhodes xác nhận. Những bản dịch các văn bản Ki-tô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francesco de Pina. Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên rửa tội là Phê-rô; kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này rất hữu ích trong công việc của Pina. Bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo ghi:“Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai  mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng …Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…”(9).

Trong các tài liệu viết tay ở Ma Cao của João Roiz và Gaspar Luiz vào năm 1621 có nói đến các giáo sĩ Dòng Tên Đàng Trong đã soạn thảo sách giáo lý bằng chữ Nôm ngay từ năm 1620 với sự công tác của người Việt dịa phương. Đây là bản tường trình hàng năm của tỉnh Dòng Tên Nhật Bản do linh mục João Roiz soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi về cho Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã dựa theo các báo cáo ở Đàng Trong gửi về. Thừa sai Gaspar Luiz khai thác từ bức thư đề ngày 17/12/1621 ghi: “Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, giúp ích rất nhiều, vì không những trẻ em hoc thuộc lòng sách đó, mà người lớn cũng học…” (10). Mặc dù chưa sang Việt Nam nhưng hai tài liệu viết tay của Roiz (viết bằng tiếng Bồ Đào Nha) và của Luiz (viết bằng tiếng La tinh) có thể tìm thấy một số chữ Quốc ngữ như: Unsai “ông sãi”, ungue “ông nghè”, Cacham “Kẻ Chàm”, Nuocman “Nước Mặn” …Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng: có lẽ cuốn sách chữ Nôm này chỉ ở dạng chép tay và được những người công giáo Việt Nam sử dụng, còn đối với các giáo sĩ Dòng Tên thì họ dùng bản phiên âm chữ La tinh (tức là như kiểu chữ Quốc ngữ) của cuốn sách này mà người có công soạn thảo là linh mục Pina.

Tài liệu đầu tiên về chữ Quốc ngữ hiện nay biết được là những ghi chép của linh mục Christoforo Borri in trong cuốn sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” Xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631.Tuy nhiên,  chữ Quốc ngữ trong đó Borri đã sử dụng là chữ La tinh hoá được ông ghi chép từ những năm ở Đàng Trong khi ông ở Nước Mặn với hai linh mục Buzomi và Pina từ năm 1618 đến 1621. Chữ Quốc ngữ lúc này của Borri chưa có qui cách chặt chẽ, có chữ phiên âm theo tiếng Ý, có chữ phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha và chưa thấy dấu ghi thanh, ngoại trừ dấu huyền là có sẵn trong tiếng Ý (có  lẽ do hạn chế các con chữ của nhà in lúc đó bị thiếu những dấu ghi thanh mà Borri có thể đã sử dụng khi ông soạn thảo văn bản): Cacciam “Kẻ Chàm”,Nuoecman/Nuocmon/Nuocman “Nước Mặn”, omgne “ông nghè”, Chiuua “Chúa”, Chiampa “Champa”, ciam “chẳng”, doij “đói”, con gnoo “con nhỏ”, da an het“đã ăn hết”, scin mo caij “xin một cái”…

Những tài liệu viết tay đầu tiên có chữ Quốc ngữ do các linh mục khi đang truyền giáo ở Đàng Trong viết hiện còn lưu giữ được là bức thư của Francesco de Pina viết năm 1623, bức thư của Alexandre de Rhodes viết năm 1625, bản tường trình của Gaspar Luiz năm 1626, bản tường trình của Antonio de Fontes năm 1626, bức thư của Francesco Buzomi viết năm 1626.

Trong số các giáo sĩ, Alexandre de Rhodes đến Việt Nam muộn (cuối năm 1624), nhưng là người duy nhất ra vào nhiều thời gian ở cả hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài (Đàng Trong 7 năm, Đàng Ngoài 4 năm). Ba tác phẩm chữ Quốc ngữ của ông  in năm 1651 là: “Phép giảng tám ngày”, “Văn phạm Việt ngữ” và“Từ điển Việt-Bồ-La”. Trong gần hai thế kỷ, mãi cho đến lúc xuất hiện cuốn từ điển “La-Việt” của Taberd năm 1838 (11), ba tác phẩm ấy vẫn là những công trình duy nhất áp dụng hệ thống chữ viết này được in.

Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần La tinh vào tiếng Việt Nam. Và Hội An / Thanh Chiêm / Đà Nẵng / Quảng Nam được xem như là cái nôi của chữ Quốc ngữ.

Trong những năm gần đây, các học giả đã nhìn nhận lại: Việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây. Giai đoạn đầu phải kể đến sự đóng góp thuộc về các tên tuổi như Pina, Borri, Buzomi. Công lao của các giáo sĩ khác như: Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau – những giai đoạn hình thành, phát triển và hoàn tất chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.

Ba nơi chủ yếu các vị thừa sai Dòng Tên ở và hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1615 là Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An – Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định). Nhưng Nước Mặn là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên và Cha Bề trên Buzomi ở tại đây.  Francesco de Pina sang Việt Nam năm 1617 gặp lúc người ta săn đuổi các thừa sai, Pina được các giáo dân Nhật ở Hội An bảo vệ. Do vậy, trong thời gian này Pina khó có điều kiện tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt, mà phải đến đầu năm sau (1618) khi quan trấn phủ Qui Nhơn ra Hội An đón ông cùng linh mục Buzomi, linh mục Borri và hai thầy Diaz, Augustino về ở tại Nước Mặn thì ông mới có điều kiện học tiếng Việt. Ông ở đây hai năm, sau đó quay trở lại Hội An, Thanh Chiêm và mất đột ngột năm 1625. Chiristoforo Borri sang Việt Nam chỉ ở Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1621 trở về lại Ma Cao.

Cần chú ý rằng: những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và các học giả dựa trên những tài liệu lưu trử nhận định: phần thiết yếu do công của Pina, bỡi vì theo thói quen thực hiện các biên bản hàng năm của các tu sĩ Dòng Tên, “linh mục”, tác giả không minh nhiên được nêu tên, nhưng lại ghi rất chi tiết về sự giúp đỡ của một văn nhân Việt Nam trong việc dịch kinh và chuyển mẫu tự La tinh. Ba tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tạo cơ sở truyền giáo Pulucambi (Qui Nhơn), lúc công trình này tiến hành là: linh mục Buzomi, linh mục Pina và linh Borri. Chúng ta hiểu rằng các công trình được thực hiện dưới sự giám sát của Buzomi, cựu Bề trên cơ sở truyền giáo Đàng Trong và hiện là Bề trên cơ sở địa phương, nhưng những tác nhân chính yếu thực hiện công trình này là linh mục Pina và chàng thanh niên Việt Nam cộng tác với ông ấy.

Như vậy, Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, lập giáo đoàn tại Nước Mặn và Nước Mặn là thí điểm truyền giáo tiên khởi do Cha Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm. Cha Bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Việt Nam sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ.
—————————

CHÚ THÍCH:
(1)  Khâm định Việt sử thông giám cương mục. tập II. Nxb. Giáo dục. 1998. tr.301.
(2)  Xem thư của G João Rodrigues Giram gửi Nuno Mascarenhas, từ Ma cao 26.2.1615: ARSI (3)  Xem Giuliano Baldinotti, “Viagem de Tunkim” và “Breve relacap” (1626): Lisbonne, Biblioteca da Ajuda, “Jesuitas na Asia” quyển 49/v/31, tr.15-24; Pero Marques “Anua de Tunkim an~o 1627” đề ngày 25.7.1627:ARSI, JAP-SIN quyển 88, tr. 11-18, v.v.
(4)  Lm JMT Nguyễn Thế Thoại “Công giáo trên quê hương Việt Nam”. quyển 1. lưu hành nội bộ. 2001. tr.64
(5)  Lm JMT Nguyễn Thế Thoại. Sdd .Tr.70-71.
(6)  Phía nam sông Gianh – Đàng Trong.
(7)  Borri muốn nói Qui Nhơn.
(8)  Lm JMT Nguyễn Thế Thoại. Sdd. Tr. 67-68
(9)  “Rực sáng một vì sao”. Nhiều tác giả. Nxb. Tôn giáo. Hà NộI. 2006. tr. 74-75.
(10)        Gaspar Luis “Histoire de ce qui S’est Passe en – tiree des lettres ecrites des annees 1620 Jusqu’à 1624…”. Paris 1628. p. 127-128. theo NTT. Sdd tr. 71.
(11)        Jean Louis Taberd “Dictionnarium Annamitico – Latium” Serampore (Ấn Độ). 1838.

THAM KHẢO THÊM:
·         Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm đình Khiêm. “Giáo Sĩ Đắc Lộ và tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên” Tinh-Việt Văn –Đoàn. Sài Gòn. 1961.
·         Nguyễn Văn Hoàn. “Chữ Quốc ngữ trong sách cuả Christoforo Borri in năm 1631”. Tạp chí ngôn ngữ, số 1, 1969.
·         Lý Toàn Thắng. “Đất Quảng trong tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ”. Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 343, 2004.
·         Nguyễn phước Tương, “Cần có cái nhìn đổi mới về chữ Quốc ngữ”. Tạp chí Xưa & Nay, số 90. 2001.

          Nguyễn Thanh Quang
Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định
236B Lê Hồng Phong. TP. Qui Nhơn.
ĐT: 0986956665
.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Quang
Nguồn tin: Tác giả