Một chiều lang thang quanh khuôn viên Tập viện, trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải va vào mắt tôi là trùng điệp những núi những đồi. Tiếng chim hót hòa vào tiếng gió rì rào của những khóm cây, bầu khí tĩnh lặng giữa mênh mông, bao la đất trời đưa tôi về với lòng mình. Chợt những hình ảnh trong Kinh Thánh hiện về trong tôi.
Với hai biến cố trong Cựu ước, khởi đầu là hành trình Áp-ra-ham dâng con làm lễ tế trên núi như lời Đức Chúa phán với ông. (Xh 22) Tiếp đến, trong hành trình sa mạc của dân Itrael, ông Mô-sê đã lên núi diện kiến Đức Chúa, lãnh nhận chỉ thị của Người để truyền lại cho dân và trên núi Si-nai Thiên Chúa đã ký kết với dân của Người một giao ước. (Xh 24)
Trong Tân ước, cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu gắn liền với những ngọn núi. Núi cám dỗ (Mt 4,8), Người hay ngồi trên núi giảng cho dân chúng nghe (Mt 5), núi cầu nguyện ( Lc 6, 12-16), núi hiển dung (Mt 17), núi lo buồn đổ mồ hôi máu (Mt 26, 36-46), núi thập tự ( Lc 23, 33) và cuối cùng là núi thăng thiên (Mt 28, 16-20). Núi là nơi Thiên Chúa chọn để tỏ uy quyền, núi là nơi Người mạc khải cho dân, núi là nơi khởi điểm trong sứ vụ công khai, và núi cũng là nơi Người hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao.
Cuộc sống hôm nay, nhiều người tìm đến núi như một chốn bình yên. Núi như giải thoát người ta khỏi gánh nặng thường nhật. Núi giúp ta trở về với lòng mình, ôn lại những gì đã qua trong kiếp buồn vui luân chuyển. Núi cho con người được hòa nhịp với thiên nhiên, núi đưa ta gần mây, gần trời và thanh thoát hơn. Núi cheo leo, nguy hiểm như để thử thách chính mình ta … Núi cho ta cảm nghiệm về Đấng Sáng Tạo. Núi còn là nơi lý tưởng cho tôi gặp Chúa. Núi nhắc nhở tôi về một Người đã chết cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, lúc này đây, hướng về núi Cavario, nơi Chúa hiến mình vì con, xin dẫn con lần bước theo Ngài, để con cảm nếm những nỗi nhọc nhằn trên đường Thánh Giá, và dạy con can đảm bước theo dấu chân Người hôm nay và mãi mãi. Xin nâng đỡ con, lạy Chúa!
Têrêsa Võ Phương
Tập sinh MTG. Thủ Đức