Nữ tu Mến Thánh Giá sống Đức tin trong đời sống Thánh hiến

112

Nữ tu Mến Thánh Giá sống Đức tin trong đời sống Thánh hiến

DSC_2638WGPSG — “Nữ tu Mến Thánh Giá sống Đức tin trong đời sống Thánh hiến”. Đó là chủ đề của khoá thường huấn năm 2013 của Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá, từ thứ Hai 05/08/2013 đến thứ Sáu 09/08/2013, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM.

Tham dự khoá bồi dưỡng có khoảng 300 nữ tu thuộc 24 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam.

Đúng 7g00, Ban Tổ chức đã niềm nở đón tiếp các nữ tu Mến Thánh Giá đến từ các giáo phận, và ân cần hướng dẫn các vị vào Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Sau đó, đại diện Ban Điều hành đã có lời chào mừng các tham dự viên, và thông tin về những ngày làm việc.

Thánh lễ khai mạc lúc 9g00 do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá TGP. TPHCM, chủ sự. Mở đầu Thánh lễ, Đức cha đã hướng ý cho cộng đoàn: “Khoá thường huấn phát xuất từ ý thức của chính mình là học hỏi và bồi dưỡng thêm để chu toàn sứ vụ mình đã lãnh nhận. Học hỏi thêm không phải bằng kiến thức mà còn chia sẻ bằng chính kinh nghiệm”. Đức cha nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong những ngày học hỏi trao đổi này. Cách riêng, ngài cũng phó dâng mọi sự nơi Mẹ Maria trong ngày Hội Thánh cử hành Lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả.

Sau phần công bố Lời Chúa, Đức cha chia sẻ về “Vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn” theo hai điểm sau:

Lãnh đạo bằng lòng thương xót

Bài đọc 1, sách Dân số (Ds 11, 4b-15) kể chuyện dân Itsael lưu lạc trong hoang địa, lâm vào cảnh thiếu thốn khó khăn và than trách ông Môisê. Lúc đó, Môisê là người lãnh đạo cộng đoàn. Ông than thở với Chúa: “Sao Ngài làm khổ tôi tớ Ngài, tại sao con lại không đẹp lòng Ngài khiến Ngài đặt tất cả gánh nặng trên lên con. Có phải con cưu mang tất cả dân này không? Có phải con sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con hãy bồng nó vào lòng như vú nuôi bồng trẻ thơ” (Ds 11, 11-12). Đức cha gợi ra những động từ diễn tả hành động của người mẹ: “cưu mang”, “sinh ra”, “ẵm”, “bồng”. Và ngài nói: “Từ đó, tôi nghĩ là trong tầm nhìn của Môisê, lãnh đạo là lãnh đạo bằng tình mẫu tử, bằng lòng thương xót”. Ngài minh chứng lãnh đạo bằng lòng thương xót qua hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị Giáo hoàng của lòng thương xót. Người ta thống kê hơn bốn tháng thi hành nhiệm vụ Giáo hoàng của ngài, những từ nào ngài dùng nhiều nhất. Từ thứ nhất: “niềm vui”, và từ thứ hai: “lòng thương xót”. Có một anh phóng viên nổi tiếng ở Rôma nói: Có người đề nghị gọi ngài là “Giáo hoàng của người nghèo”, có người lại đề nghị gọi ngài là “Giáo hoàng của dân chúng”. Còn anh ta đề nghị gọi Ngài là “Giáo hoàng của lòng thương xót”.Đức cha nhấn mạnh: “Người lãnh đạo phải lãnh đạo bằng tình yêu và lòng thương xót”.

Lãnh đạo bằng sự khiêm tốn

Trong Cựu Ước: Môisê lãnh đạo dân Chúa; còn trong Tân Ước: Thánh Phêrô được Chúa trao trách nhiệm lãnh đạo Hội Thánh. Trong số các tông đồ, Phêrô là người bị Chúa mắng nhiều nhất. Hôm nay, trong Tin Mừng (Mt 14,22-36), Chúa mắng ông là kẻ hèn tin; chỗ khác, Chúa còn gọi ông là “Sa tan, cút ra đằng sau Ta”. Tuy nhiên, Chúa vẫn trao trách nhiệm lãnh đạo Hội Thánh cho Phêrô. Đức cha chia sẻ tiếp: “Từ đó, tôi mới nghĩ đến sự lãnh đạo khiêm tốn. Đây không phải là lời khuyên đạo đức: Chúng ta phải làm thế này hay làm thế kia. Nếu là lời khuyên đạo đức thì coi chừng, đó là đạo đức giả vờ, trở thành cuốn “đắc nhân tâm thứ hai”, không phải là Tin Mừng. Sự lãnh đạo khiêm tốn này phát xuất từ kinh nghiệm bản thân. Kinh nghiệm của Thánh Phêrô là kinh nghiệm của sự mong manh, yếu đuối; của phận người. Ngài tuyên xưng rất long trọng, mà ngay sau đó, lại phản bội một cách quá dễ dàng! Chúng ta phải coi chừng mình! Tất cả chúng ta đều phải nhìn nhận rằng bản thân mình mong manh, nhiều lỗi lầm và nhiều yếu đuối! Chính kinh nghiệm bản thân trong đời sống thiêng liêng, thúc đẩy chúng ta thi hành trách nhiệm lãnh đạo trong khiêm tốn. Nhiều khi sự thể hiện quyền hành là một cách thế che dấu sự mặc cảm, tự tị ẩn sâu ở bên trong! Nếu mình vững vàng tin tưởng phó thác vào Chúa, trong sáng và ngay thật thì không cần phải dùng đến quyền hành theo nghĩa sức mạnh của bạo lực, của đe dọa, mà là của tình yêu thương và lòng khiêm tốn”.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức cha nhắc đến chủ đề của tuần thường huấn: “Nữ tu Mến Thánh Giá sống Đức tin trong đời sống Thánh hiến”. Sống đức tin trong chính trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn với hai câu hỏi: “Mình Tin vào ai?” Một khi đã trả lời “Tin vào Thiên Chúa” rồi, chúng ta sẽ trả lời câu thứ hai: “Thiên Chúa nào?” Đó là “Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của lòng thương xót, Thiên Chúa của khó nghèo. Thiên Chúa khiêm tốn nơi Đức Giêsu Kitô”. Khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa, người lãnh đạo sẽ thể hiện dung nhan của một Thiên Chúa mà mình “Tin”. Có nghĩa là cung cách lãnh đạo phải bằng lòng thương xót và sự khiêm tốn”.

Tiếp theo là lời nguyện tín hữu và phần Phụng vụ Thánh Thể. Sau phần hiệp lễ, một vị đại diện Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá dâng lời cảm ơn Đức cha.

Kết thúc Thánh lễ khai mạc khóa thường huấn là nghi thức tưởng niệm Đấng Sáng lập. Sau khi đã đọc bức tâm thư của Đức cha Pierre Lambert de La Mortte gởi 2 nữ tu tiên khởi, các chị Tổng Phụ trách thuộc 24 Hội dòng Mến Thánh Giá đã cung kính niệm hương trước di ảnh Đấng Sáng lập.

Thánh lễ và nghi thức tưởng niệm kết thúc vào lúc 10g30.

DSC_2580

Sơn Nữ