Nụ Hôn

43

Quá khứ không tốt của một người sẽ để lại cho họ lỗ hổng của mặc cảm và tăm tối. Nhưng một khi lỗ hổng ấy được lấp lại sẽ mở ra một tương lai phẳng phiu, tươi sáng hơn. Có những người đã dùng nụ hôn để lấp đầy hay đào sâu thêm lỗ hổng cuộc đời của họ. Những câu chuyện nổi tiếng trong Tin Mừng nói về nụ hôn, như nụ hôn của người phụ nữ tội lỗi, của người cha nhân hậu, của Giuđa, của Đức Giêsu,… diễn tả rõ nét điều đó.

Người phụ nữ có Nụ Hôn Của Ăn Năn Hối Lỗi. Trong trình thuật Thánh Luca ghi lại thì chị ấy là một người tội lỗi nổi tiếng trong thành (x. Lc 7, 36-50). Khi nhận ra vũng tội là một lỗ hổng đang tiếp tục đào khoét mình, chị đã quyết tâm trám nó lại. Chị tìm đến Chúa. “Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân người. Chị lấy tóc mình mà lau rồi hôn chân Người” (Lc 7,48). Chị chẳng hề quan tâm đến dư luận đang dè bỉu, vùi dập mình. Gạt đi tất cả, chị đã để cho nụ hôn của mình được chạm vào chân Đấng cứu độ. Và rồi cái u uẩn và bóng đen dày đặc nơi cái lỗ hổng kia bị lấp lại. Cuộc đời chị từ nay đổi mới. Như một tấm gương phẳng lặng, chị nhìn thấy mình rõ hơn, và rồi chị là người môn đệ đầu tiên được Chúa sai đi loan báo Tin Vui: Chúa Đã Sống Lại.

Người cha có Nụ Hôn Bao Dung Tha Thứ. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu cho thấy những tham vọng đã đưa con người con thứ sa đà vào lỗi tội. Nhưng khi hỗi lỗi trở về anh thực sự bàng hoàng trước thái độ đón nhận của người cha : “Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”(x. Lc 15,20). Với lòng xót thương vô hạn, người cha đã trao cho đứa con mình những nụ hôn của sự tha thứ, thương yêu. Nụ hôn đó đã khỏa lấp đi một hố sâu trong tâm hồn đứa con trai. Nụ hôn phục hồi và tái lập một cuộc sống mới : “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại” (x. Lc 15, 24). Ông đã dùng nụ hôn để bày tỏ tình yêu thương không giới hạn đối với đứa con của mình.

Ngược lại, Giuđa – kẻ nổi tiếng về Nụ Hôn Lừa Tình – đã dùng nụ hôn để phản bội Thầy mình:“Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (x. Mt 26,48). Anh ta che giấu tâm địa giả trá dưới cái hôn của người môn đệ hiếu kính trao cho thầy. Ngay sau đó, nụ hôn bội nghĩa đã đào cho anh một một lỗ hổng như cống ngầm tối tăm đưa anh đến cái chết đau khổ. Nó lên ánh anh rằng chính anh vĩnh viễn khước từ hồng ân cứu độ cho riêng anh.

Còn Đức Giêsu – Người có Nụ Hôn Cứu Độ, khi nhận vác cây thập tự lên đồi Canvê để chịu án tử, đã ôn hôn nó với thái độ bình tĩnh đón nhận và sẵn sàng hiến dâng. Hôn Thập Giá, Người nói lên tình yêu vô hạn của mình: Người sẽ nằm trên nó, sẽ chết với nó để cứu chuộc nhân trần; Người sẽ dùng nó xoa dịu những đố kỵ và vô cảm của đám đông đang say máu kết án Người; Người sẽ treo thân trên nó với khao khát ôm trọn cả đau thương vào trái tim bao dung của Người. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trong cái thảm khốc gần kề của sự chết, Người vẫn để nụ hôn của mình chạm vào Thập Giá. Nụ hôn đó lấp hết mọi lỗ hổng là tội lỗi, sự chết, những nghi kị, sự phản bội của thế gian dành cho Thiên Chúa Cha của Người….

Nhìn lại mình, tôi tự hỏi: Còn tôi, nụ hôn nào tôi đang chạm vào Chúa, vào tha nhân? Hành trình cuộc đời luôn mời gọi tôi yêu thương trao gửi nụ hôn của mình. Nụ hôn để tôi quyết định lấp lại hay khơi lên những lỗ hổng của cuộc đời….

Nguyễn Bình, Thanh tuyển sinh MTG Thủ Đức