Nữ Giáo hoàng?
Rồi bạn viết tiếp: “Mấy hôm nay, cư dân mạng lại tiếp tục xôn xao về một bộ phim mới sắp được công chiếu tại Việt Nam nhân liên hoan phim Đức 2011, cuốn phim Nữ giáo hoàng, với những lời quảng cáo hết sức thu hút: một bộ phim với những cảnh quay hoành tráng về châu Âu thời Trung cổ, một bộ mặt khác về Giáo Hội Thiên Chúa giáo La Mã, tác giả bộ phim là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của điện ảnh Đức. Bộ phim sẽ được công chiếu với vé mời tại TP. HCM, vào những ngày cuối tháng 9 tới”.
Câu hỏi căn bản được đặt ra ở đây là: Nữ giáo hoàng là một nhân vật có thật trong lịch sử hay chỉ là huyền thoại? Các học giả cho biết truyền thuyết này bắt đầu xuất hiện từ tiền bán thế kỷ 13, trong cuốn Chronica universalis Mettensis của Jean de Mailly. Tác giả định vị nhân vật nữ giáo hoàng (nhưng không cho biết tên tuổi) xuất hiện vào năm 1099. Đại khái là một phụ nữ cải trang thành nam nhân, rồi vì có nhiều tài năng nên len lỏi vào làm việc trong Tòa Thánh, lên đến hồng y và cuối cùng làm giáo hoàng. Câu chuyện bị bại lộ khi “bà giáo hoàng” có bầu và lại sinh con đúng lúc đang leo lên ngựa trong cuộc rước nên bị phát giác, sau đó bị hành hình! Nghe thật hấp dẫn. Thế này mà làm thành phim thì ‘ăn tiền’ quá!
Sau này còn có nhiều người khác dựa vào câu truyện của Jean de Mailly để thêm thắt chi tiết. Chẳng hạn Martin of Opava trong Chronicon Pontificum et Imperatorum vào cuối thế kỷ 13, nói rõ tên của nữ giáo hoàng là John Anglicus và triều đại của bà nằm giữa Đức Lêô IV và Bênêđictô III.
Câu truyện này đã trở thành truyền thuyết qua nhiều thế hệ, đến độ ngay cả một số người công giáo cũng tin! Rất tiếc là câu truyện này chẳng có cơ sở lịch sử nào. Ngay cả Oxford Dictionary of Popes cũng phải đưa ra kết luận: “Không có bằng chứng về nhân vật nữ giáo hoàng ở bất cứ thời điểm nào”. Còn bộ Từ điển bách khoa Công giáo (Catholic Encyclopedia) cho biết: “Tác giả Martin xếp triều đại của nữ giáo hoàng vào giai đoạn giữa Đức Lêô IV và Bênêđictô III, đó là điều không thể có, vì Đức Lêô IV qua đời ngày 17-7-855, và ngay sau đó, Đức Bênêđictô III được hàng giáo sĩ và dân Roma bầu làm giáo hoàng… Không hề có giai đoạn trung chuyển giữa hai vị giáo hoàng này, do đó không thể có chuyện nữ giáo hoàng ở đây”.
Chuyện như thế đã rõ. Nhưng tại sao truyền thuyết đó thỉnh thoảng lại rộ lên, cụ thể là trong thời hiện tại? Trong cuốn The New Anti-Catholicism, tác giả Philip Jenkins cho rằng truyền thuyết này lại đang nổi lên vì phong trào nữ quyền và chủ trương chống công giáo muốn vận dụng nó để tấn công Giáo Hội.
Lá thư của bạn học viên còn viết tiếp: “Thế giới ngày nay dường như quá sợ hãi sự thật và công lý, chính vì thế nó tìm mọi cách để tấn công vào thành trì của công lý và sự thật – Giáo Hội của Chúa. Đáng buồn là công chúng lại quá dễ dàng rơi vào cạm bẫy của họ, trong đó có cả những người công giáo. Con tự hỏi Giáo Hội có phần nào trách nhiệm không, khi không lên tiếng cảnh báo con cái mình. Chưa bao giờ con nghe cha xứ nhà thờ con nhắc nhở giáo dân về những cạm bẫy của truyền thông, những phim ảnh, sách báo chống phá Giáo Hội. Hay điều này phải xuất phát từ sự cảnh giác của mỗi người Kitô hữu, phải luôn luôn tín thác đức tin của mình. Thật nhiều khó khăn cho giới trẻ giữa xã hội muôn vàn cạm bẫy thời nay để bước chân theo Chúa và Hội Thánh”.
Thật đáng mừng khi có những anh chị em giáo dân “tỉnh táo” và “mạnh mẽ” như thế. Nếu người công giáo nào cũng tỉnh táo và mạnh mẽ như thế, có lo gì chuyện xuyên tạc của truyền thông. Nữ giáo hoàng rồi cũng chìm vào quên lãng như Mật mã Da Vinci thôi. Và lời Tin Mừng lại vang lên: “Ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Gioan 1,5).
Thiên Triệu