Thường nỗi sợ đáng ghét và chẳng ích lợi gì. Thế nhưng, thực tế cho thấy có những nỗi sợ thật đáng sợ, như sợ phải đối diện với sự ra đi vĩnh viễn của những người thân yêu nhất; nhưng cũng có những nỗi sợ nếu không có nó còn đáng sợ hơn, như khi con người không còn biết sợ làm điều sai điều xấu; lại có những nỗi sợ rất ích lợi, như việc sợ mất cơ hội để làm điều tốt.
Có những nỗi sợ chỉ là ký ức của một tuổi thơ: sợ con thuồng luồng, sợ ông kẹ, con ngáo ộp,… Khi đã lớn, đã hiểu, con người ta không còn sợ những điều như thế, thậm chí còn bật cười mỗi khi nhớ lại, với câu thắc mắc: “Không hiểu sao lúc ấy mình lại sợ nó như thế!”
Có những nỗi sợ mang cả hai mặt. Một mặt nó mãi đeo bám, khiến người ta co lại chẳng dám làm gì. Học hành, thi sợ không đậu; đậu vào trường tốt sợ học không theo kịp không tốt nghiệp được; tốt nghiệp sợ không có được việc làm tốt. Ra đời, quá sợ thất bại đến chẳng dám khởi sự việc gì; chỉ lo sẽ bị lừa dối và phản bội trong tình yêu đến độ chẳng dám yêu ai; …Vì quá lo sợ nên nỗi sợ che lấp tất cả, để rồi toàn thấy điều tiêu cực và càng lo sợ thêm, chẳng dám đối diện.
Thực ra những nỗi sợ như thế không chỉ có mặt tiêu cực, mà còn có thể đem lại kết quả tích cực. Sợ rớt, tôi được thúc đẩy để cố gắng ôn luyện kỹ lưỡng bao nhiêu có thể hầu mong đậu được. Sợ không thể tốt nghiệp, tôi chăm chỉ học với hết khả năng của mình. Nếu chưa đạt được kết quả tốt, tôi biết đó làm tất cả những gì tốt nhất tôi có được cho đến hiện tại, và tương lai tôi sẽ tìm cách cải thiện để có kết quả tốt hơn. Tương tự như thế trong công việc và tình yêu, tôi nỗ lực hết mình, đón nhận thực tại có những thách đố và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Như thế nỗi sợ thay vì là một cản trở tiêu cực, lại là một yếu tố tích cực thúc đẩy tôi không ngừng tiến lên.
Có những nỗi sợ khởi phát từ thái độ tiêu cực nhưng mang lại kết quả tích cực: sợ phạm tội, sợ làm điều xấu. Sợ làm điều xấu giúp ngăn chặn con người tụt dốc luân lý. Sợ luật pháp giúp con người sống theo khế ước và thỏa thuận chung của xã hội. Và kết quả tích cực chỉ có khi xã hội ấy được vận hành bởi hệ thống luật phục vụ ích chung, mưu cầu điều đúng đắn, tốt đẹp.
Có những nỗi sợ hoàn toàn tích cực: sợ mất cơ hội làm việc tốt, sợ mất dịp đem lại bình an hạnh phúc cho con người. Với nỗi sợ này, con người được thúc đẩy để tranh thủ làm điều tốt bao nhiêu có thể. Nếu nỗi sợ này là nỗi sợ của toàn nhân loại, có lẽ thế giới sẽ không còn những nỗi sợ đáng sợ, nhưng chỉ còn những nỗi sợ đáng yêu!
Khi đó, ngay cả điều đau khổ và hãi sợ nhất là việc phải chứng kiến những người thân yêu nhât chết đi cũng chẳng còn quá thách đố. Thật vậy, khi hiểu rằng sự ra đi vĩnh viễn của người thân yêu nhất là một điều thật đáng sợ, tôi cố gắng sống tốt lành, trao gởi săn sóc và yêu thương cho người thân yêu bao nhiêu có thể trong lúc hiện tại này, khi họ còn sống. Như thế, tôi chẳng còn quá đau khổ, sợ hãi khi họ qua đời, vì đã là người ai rồi cũng đến lúc phải chết. Hơn nữa, tất cả những gì tốt đẹp có thể làm, tôi đã làm cho người thân yêu ấy rồi. Thế thì, điều khiến họ an bình và hạnh phúc ra đi là thấy chúng ta hạnh phúc bình an hay thấy chúng ta quằn quại trong đau khổ sợ hãi?
Như thế, nỗi sợ đâu còn đến nỗi đáng sợ như con người ta vẫn thường sợ, mà còn đáng yêu là khác. Cuộc sống thực sự cần những nỗi sợ đáng yêu và tốt lành. Vì lẽ đó, nỗi sợ là món quà giúp cho cuộc sống con người nên tốt đẹp hơn, khi con người hiểu thấu đáo và biết vận dụng chúng theo hướng tích cực và ích lợi.
Tôi đang mang nơi mình nỗi sợ nào? Liệu có đáng phải sợ như thế chăng? Đâu là nỗi sợ tôi cần loại bỏ để tránh những nguy hại cho tôi, người thân, người lân cận? Có nỗi sợ nào quí giá tôi cần gìn giữ hầu mong cuộc sống của bản thân, của gia đình và xã hội tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn?
Vinhsơn Phạm Văn Đoàn, S.J.