GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Nội quan hay ngoại quan?

Nội quan hay ngoại quan?

Con người không nên sống “hai mặt” hoặc “hai lòng” nhưng lại rất cần thiết phải có “hai tôi”!

“Hai tôi” ở đây muốn nói rằng có một “tôi” thứ hai luôn luôn phản tỉnh về “tôi” đang sống. Cái “tôi phản tỉnh” này quan sát những gì xảy ra bên trong lẫn bên ngoài tôi. Nếu nhìn vào bên trong bản thân tôi thì nó được gọi là kỹ năng nội quan, tức là kỹ năng quan sát và đọc ra những chuyển động nội tâm của mình. Ai cũng cần có kỹ năng nội quan để biết và làm chủ chính mình trong mọi tình huống của đời sống.Con người không nên sống “hai mặt” hoặc “hai lòng” nhưng lại rất cần thiết phải có “hai tôi”!

Cùng một sự kiện nhưng sẽ có các kiểu phản ứng khác nhau tùy người. Do đó nếu biết quan sát nội tâm thì sẽ mỗi người sẽ hiểu rõ hơn về chính bản thân mình: lạc quan hay bi quan, bình tĩnh hay bối rối, cứng nhắc hay linh động, nghiêm khắc hay dễ dãi… Như vậy kỹ năng này sẽ giúp mỗi người trả lời cho câu hỏi: Tôi là người “như thế nào”? Cái “tôi phản tỉnh” sẽ nhìn về những chuyển biến sắc thái cảm xúc nơi chính mình như một kho tàng chất liệu phong phú để hiểu con người mình một cách khách quan và đầy đủ hơn.

Ngoài ra, cái “tôi” thứ hai này cũng cần phản tỉnh về những gì xảy ra bên ngoài nhưng là một phần cuộc sống của tôi; có thể gọi đây là kỹ năng ngoại quan. Khác với kỹ năng nội quan, chất liệu dùng để phản tỉnh lần này không chỉ riêng tôi nhưng người khác cũng có thể nhận thấy được nơi tôi. Kết quả thu thập được sẽ trả lời cho câu hỏi về những “gì” trong đời tôi. Tôi có thể phản tỉnh về những suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình để xem có gì đúng, có gì sai. Ngoài ra tôi cũng có thể phản tỉnh về hành vi của người khác cũng như về tất cả những biến cố xảy đến trong cuộc đời tôi để rút ra được bài học cho riêng mình. Do đó, khi phản tỉnh về những sự kiện xảy ra trong đời tôi, tôi sẽ nhận ra mọi sắc thái làm nên cuộc đời mình, từ đó có thể có những điều chỉnh trong cung cách hành xử của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống.

Người tu sĩ đặc biệt cần đến cái “tôi” thứ hai này để nhận ra ý Chúa nhờ việc nhìn vào sâu thẳm nội tâm và quan sát những gì xảy đến trong cuộc đời mình. Thói quen phản tỉnh giúp người tu sĩ vừa hiểu hơn về chính mình và vừa thấy Chúa đang đồng hành với mình trong mọi tình huống. Do vậy câu hỏi người tu sĩ đặt ra cho chính mình không những là “gì” mà còn là “như thế nào”: không những tôi đã làm được những gì mà còn là tôi đã làm những điều đó với tâm tình như thế nào; không những Chúa đã cho tôi có được những gì mà còn là Chúa đã yêu thương tôi như thế nào qua những điều đó.

Với kỹ năng nội quan, người tu sĩ nhận ra Chúa ban cho mình những phẩm tính tốt đẹp có thể giúp ích cộng đồng, đồng thời cũng thấy nơi mình những phẩm tính không phù hợp với đời tu cần phải cố gắng điều chỉnh. Bên cạnh đó, khi nhìn lại những biến cố đã trải qua, người tu sĩ sẽ thấy được Chúa có cách dạy dỗ mình trong mọi biến cố, qua thành công lẫn thất bại, qua quyết định sai lầm cũng như đúng đắn, của bản thân cũng như của người khác.

Tóm lại, nếu không có cái “tôi” thứ hai với kỹ năng nội quan thì tiếng gọi yêu thương của Chúa âm thầm đánh động bên trong tâm hồn mỗi người sẽ không được nghe thấy bởi sự lấn át của  những âm thanh xáo động làm con người hoang mang sợ hãi. Tương tự, thiếu kỹ năng ngoại quan thì những biến cố có thể là dấu chỉ của Chúa trong đời cũng chẳng được nhận ra giữa bao nhiêu thứ hấp dẫn khác đang thu hút sự chú ý của con người. Rối cuộc con người như có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe!

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia hai môn đệ trên đường Emmaus đã chợt bừng tỉnh khi nhận ra Chúa qua việc bẻ bánh, nhờ đó họ nhớ lại tâm hồn mình đã bừng cháy khi được nghe Chúa giải thích về Kinh Thánh. Xin cho chúng con có con mắt đức tin biết phản tỉnh để nhận ra Chúa luôn đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường đời. Lạy Chúa Giêsu, xin làm bừng cháy lửa mến yêu Chúa trong lòng chúng con mỗi khi chúng con lắng nghe Lời Chúa. Amen.

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

dongten.net

Exit mobile version