Nỗi nhớ mùa Xuân

67

 Mến tặng những người đón Xuân khi không còn Mẹ Cha!

 
Xuân vui sao lại nhớ? Mà có nhiều cái để nhớ sao lại nhớ Mẹ? Tất nhiên cái gì cũng có lý do. Nhưng cũng nên “xác định” ngay: Đâu phải cứ vui là không nhớ, và nhớ đâu hẳn là buồn. Thực tế cho thấy rằng có khi NỖI BUỒN nằm ngay trong NIỀM VUI, và ngược lại. Chẳng có gì tuyệt đối, thế mới là Triết-Lý-SỐNG, chứ còn… (?!) chả là gì, nghĩa là không cần bàn!
Công Cha và nghĩa Mẹ, không cái nào hơn cái nào. Không có cái này thì không thể có cái kia – và ngược lại. Nhưng vì con người vốn “yếu” nên “đuối”, thế nên mới có chuyện “phân biệt” hoặc “so đo” mà thôi. Cũng vậy, thiên nhiên thì phải đủ Trời – Đất, Âm – Dương. Không thì chỉ là… KHÔNG! Tương tự, H2O là Nước, nếu không có H hoặc O thì sao? Vấn đề là chỗ đấy!
Thôi, phàm nhân thì mình cứ “đứng trên đất” một cách bình thường, đừng “lơ lửng” hoặc “ở trên cao”, chóng mặt lắm!
Tất nhiên người ta có nhiều cái để nhớ, nhưng có lẽ không cái nhớ nào bằng nhớ Mẹ. Bạn còn Mẹ, xin chúc mừng. Bạn mất Mẹ, xin chia buồn – dù là ngày Xuân. Cái “mất” ở đây mang nhiều ý nghĩa – ví dụ: có thể là “xa” Mẹ theo dạng nào đó, dù bạn vẫn đang… “có” Mẹ.
Tôi là một trong những người BẤT HẠNH nhất thế gian này. Tại sao? TÔI KHÔNG CÒN MẸ. Đơn giản lắm. Chắc hẳn những người chưa “mất Mẹ” (nhưng/và rồi sẽ mất) thì không thể nào hiểu được cảm giác như tôi lúc này – lúc Xuân về gần, Tết đến sát. Có lẽ vì vậy mà tôi thấy “lạ” khi nghe và “thấm” cả ca từ lẫn giai điệu ca khúc “Đêm Giao Thừa Nhớ Mẹ” (1) của NS Tiến Luân (2) – tác giả của ca khúc quen thuộc “Quê Em Mùa Nước Lũ”. Vâng, “lạ” lắm, có lẽ không thể diễn tả bằng phàm ngôn.
Ca khúc viết ở âm thể thứ tạo cảm giác “buồn lạ”. Cấu trúc bài gồm 2 phần, nói theo “chuyên môn” là A và B, nhưng mỗi phần đều được lặp lại thài A-Á-B-B’. Thi thoảng, ca khúc này được tác giả “điểm xuyết” trong giai điệu đôi chỗ với dấu hóa bất thường khiến tăng thêm cảm giác “lạ” ấy.
Dù muốn hay không thì Xuân vẫn đến, nghĩa là năm cũ phải qua. Giây phút đó rất linh thiêng, người ta gọi là giao thừa hoặc đêm trừ tịch. Xuân thiêng liêng và tình mẫu tử cũng thiêng liêng. Ns Tiến Luân chắc hẳn là người không còn Mẹ nên mới cảm nhận được cái “khoảng thiếu Mẹ” trong lúc giao thừa: “Đêm nay con đón giao thừa, bên mái nhà năm xưa, nhưng sao tim thấy nghẹn ngào, nhớ Mẹ hiền hôm nao. Ngày xưa, tuổi thơ mong đến giao thừa, để con được Mẹ lì xì, rồi được khoe áo mới ngày xưa”.
Nhà mình vẫn là nhà mình, chẳng có gì lạ. gia đình vẫn bình thường, không có gì rắc rối. Bao mùa Xuân rồi vẫn thế. Nhưng bỗng dưng Xuân này lại khác thế? Khó diễn tả lắm! À, thì ra cái “khác” đó là “vắng bóng Mẹ”. Đông đã tàn, Xuân đã về, sao lòng con lại lạnh thế? Mà sao con lại ngu đột xuất thế nhỉ? Thì cũng là điều hợp lý thôi!
Thời gian không chờ đợi ai. Và Xuân về thật, không mơ hồ, không ảo tưởng. 0 giờ rồi. Xa gần đều chứng kiến tỏ tường: Pháo hoa sáng rực trời. Mẹ cũng đã “đi xa” thật rồi: “Đêm nay con đón giao thừa, với kỷ niệm ngày xưa, lung linh trong khói sương mù, bóng Mẹ về bên con. Mẹ ơi, năm nay con lớn khôn rồi, con ước chi còn Mẹ để Mẹ con mình đón giao thừa”. Ví dụ con có trăm tuổi thì vẫn là con của cha mẹ, vẫn là “nhỏ bé” đối với cha mẹ. Ca dao Việt Nam chí lý quá:
Có Cha có Mẹ thì hơn
Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây
Mất Cha hoặc mất Mẹ thì “đờn con” chẳng còn chơi được hợp âm nào nữa. Có một câu hỏi mà không ai trả lời được: “Năm xưa dưới máy nhà tranh, đón giao thừa đơn sơ, dưa mứt miền quê nhưng hạnh phút vô bờ, sao giờ đây khi lớn khôn rồi, con đón giao thừa mà lòng thấy đơn côi?”. Tất cả đều rất bình thường mà sao hóa vô thường quá!
Âu cũng là quy luật muôn thuở. Buồn để mà buồn. Vui để mà vui. Ai hiểu thì sẽ hiểu. Ai không hiểu thì vẫn mãi chẳng hiểu. Chuyện gì đến sẽ đến. Chuyện gì không đến sẽ chẳng bao giờ đến. Nhưng hỏi ai bây giờ? Thôi thì hỏi mùa Xuân xem sao: “Xuân ơi, xuân đến rồi đi, mang cho đời tuổi mới. Sao Mẹ tôi ra đi mãi không về?”. Có trời mới trả lời được. Xuân về, vì nhớ Mẹ nên buồn, thôi thì “hờn dỗi” một chút để gọi là “Xuân-của-đứa-con” vậy. Ước mơ dù không bao giờ là thật nhưng vẫn ước mơ để có Mùa Xuân Thật: “Thôi thì Xuân xin hãy trả tôi về, tuổi thơ năm nào còn Mẹ bên tôi, chỉ có bên Mẹ đời là vạn niềm vui, có bên Mẹ đời là vạn mùa Xuân”.
Có lẽ ai đã từng phải khóc vì mất Mẹ thì mới hiểu hết câu hát này: “Chỉ có bên Mẹ đời là vạn niềm vui, có bên Mẹ đời là vạn mùa Xuân”. Câu hát rất ư bình thường, không hề văn hoa, không hề bóng bẩy, thế mà vẫn kỳ lạ lắm.
Mẹ thật kỳ diệu. Mẹ là tất cả. Thật hạnh phúc khi có Mẹ, nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu bạn đã trưởng thành mà vẫn còn Mẹ, và bạn lại càng hạnh phúc hơn nữa khi bạn tới tuổi tri thiên mệnh mà vẫn còn Mẹ. Hạnh phúc đó được nhân lên gấp bội khi bạn được cùng Mẹ vui đón Xuân về.
Nhưng thật bất hạnh và thật đáng thương đối với những trẻ em sớm mất Mẹ, nỗi khổ thể lý không bằng nỗi khổ tâm can. Có nước mắt nào đủ để chảy trôi hết nỗi buồn mồ côi? Có lẽ chỉ những người con nào không còn Mẹ mới khả dĩ thấm nỗi buồn mồ côi!
Thật đúng như trong nhạc phẩm “Mùa Xuân Nhớ Mẹ” (3), Ns Trịnh Lâm Ngân (4), cũng là Ns Nhật Ngân, đã bày tỏ: “Chỉ bên Mẹ là mùa xuân thôi”. Với con người, đó chính là Mùa Xuân đích thực – tình yêu đôi lứa cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Mất vợ/chồng vẫn còn mùa Xuân, nhưng mất Mẹ là vĩnh viễn mất mùa Xuân.
Có một ca khúc nói về “nỗi nhớ Mẹ ngay trong giây phút Giao Thừa”, nhưng tiếc rằng tôi không biết chính xác tác giả và tựa bài. Xin được gọi là Nhạc sĩ Khuyết Danh (ai biết xin chỉ dùm). Ca khúc này được viết ở nhịp 4/4, âm thể thứ, giai điệu da diết và sâu lắng, ca từ gần gũi với cuộc sống. Có thể đây là một ca khúc phổ thơ, vì ca từ thấy là một bài thơ thất ngôn, gồm 4 đoạn.
Nếu bạn không còn Mẹ, khi nghe ca khúc này thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy tủi thân lắm, thậm chí bạn có thể khóc được!
Đêm giao thừa là giây phút giao mùa, rất linh thiêng. Ngày Tết, chúng ta dễ nhận thấy sự hy sinh và tần tảo của Người Mẹ. Ai cũng vui, còn Người Mẹ luôn âm thầm chịu đựng. Công ơn Người Mẹ làm sao kể xiết! Ca dao đã ví von về Người Mẹ:
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm những vì sao
Đố ai đếm được công lao mẫu từ
Ns Trịnh Lâm Ngân tâm sự: “Rồi một mùa Xuân đã đi qua, để đón mùa Xuân mới lại về, ngồi đây nấu bánh trong đêm vắng, con nhớ Mẹ xưa lúc giao thừa”. Ngày xưa, nhất là ở những vùng quê, nhà nào cũng tự gói bánh chưng, bận rộn từ sáng sớm. Gói bánh xong, người ta phải nấu bánh chưng suốt hơn 10 giờ, khi bánh đã chín thì cũng là lúc chuẩn bị đón giao thừa. Niềm vui đơn sơ nhưng rất kỳ diệu.
Ông hồi tưởng: “Những đêm nhớ Tết còn mưa bão, Mẹ nấu cho nhà ăn Tết vui, lựa từng hạt đậu, lon nếp mới, nấu bánh chưng ngon rước ông bà”. Phụ nữ Việt Nam là thế, đặc biệt là những bà Mẹ quê: Cần cù, tận tụy, chu đáo từ những điều nhỏ nhất, chăm sóc chồng con từng chút, còn mình thì sao cũng được, không đòi hỏi gì. Người Mẹ làm tất cả vì con, nêu gương cho con cái về lễ nghĩa, về đạo hiếu, về việc kính nhớ tổ tiên: “Nấu bánh chưng ngon rước ông bà”.
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là những điều cần phải sống cho trọn vẹn. Vui Xuân nhưng không được quên bổn phận với thần linh, với người thân, với xóm làng: “Ngày Xuân, Mẹ dắt con đi lễ chùa, chúc mừng cô bác gần xa”. Và ước nguyện những điều tốt lành cho nhau: “Chúc cho một năm an khang, hạnh phúc, nhà nhà quê mình bình an, phát tài, phát lộc đầu năm”.
Nhạc sĩ nhớ hình ảnh thân quen nhất: “Cầm bao lì xì đỏ mà vui, Mẹ chúc cho con lớn thành người”. Mẹ tế nhị vậy mà con cái nào có hay. Chắc Mẹ cũng buồn, nhưng vì tình thương mà Mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả, miễn sao con cái vui thì Mẹ cũng thấy vui.
Nhưng đó là Xuân ngày xưa, còn Tết ngày nay con buồn lắm, vì Mẹ đã vào cõi vĩnh hằng rồi, con có hối hận và muốn làm cho Mẹ vui một chút cũng không còn được nữa. Âm dương cách biệt rồi! Nhạc sĩ ngậm ngùi thổ lộ: “Xuân nay đón Tết không còn Mẹ, con nhớ Mẹ xưa lúc giao thừa”.
Tâm sự ngày Xuân của những người con mồ côi thật là buồn, nhưng đó là nỗi buồn cần thiết và ý nghĩa, vì nhờ đó mà người ta có thể sống tốt hơn, biết cảm thông với những con người đau khổ khác, biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khác,… Như vậy, mùa Xuân có dấu vết nỗi buồn nhưng hoàn toàn đầy ý nghĩa tích cực.
Người Công giáo thật là may mắn, vì dù Người Mẹ trần gian không còn, chúng ta còn có một Người Mẹ tuyệt vời khác: Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Người Mẹ trần gian còn tận tụy yêu thương tới mức chúng ta không thể hiểu hết, phương chi là tình yêu thương của Mẹ Thiên Chúa. Mô tả về Đức Mẹ, Thánh Denis nói: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng”.
Còn Thánh Giám mục Phanxicô Salê (Francis de Sales) khuyên: “Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn”. Những người biết hành động như vậy thì thật là hạnh phúc. Và chắc chắn Đức Mẹ cũng vui mừng có những người con biết tin tưởng như thế!
Xin được nhắc lại lời nhận xét tinh tế của NS Trịnh Lâm Ngân: “Chỉ bên Mẹ là mùa xuân thôi”. Người Mẹ nhắc tới ở đây bây giờ là Người Mẹ Tâm Linh, ai cũng cần – dù bạn còn Mẹ hay không còn Mẹ.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Ngài đã ban cho chúng con Người Mẹ trần gian, đặc biệt hơn lại ban cho chúng con Người Mẹ Tuyệt Vời là chính Mẹ Thiên Chúa. Lạy Mẹ Maria, xin đừng bao giờ để chúng con mồ côi Mẹ. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa Xuân đích thực của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
 
________________________
(1)

https://www.youtube.com/watch?v=z3gB0c_ZubA

(2) Ns Tiến Luân tên thật là Nguyễn Hoàng Tuấn, sinh năm 1955 tại Saigon, là “cây” guitar bass nổi tiếng ở phòng trà Queen Bee trước 1975 – quen gọi là BAR (Anh ngữ). Anh là cựu thành viên ban nhạc của Ns Quốc Dũng một thời ở Nhà hát Quận 10 hồi thập niên 1980-1990. Anh từng biên tập và hòa âm phối khí cho một số trung tâm băng nhạc tại Saigon. Trong khoảng hơn trăm ca khúc của anh có một số bài nổi tiếng như: Mong Em Còn Ngày Mai, Những Trái Tim Hồng, Chờ Anh Hát Lý Duyên Tình, Nợ Em Một Khúc Dân Ca, Phải EM LÝ NGựA Ô, Lao Xao Mùa Xuân, Điệu Nhạc Xuân,…
Ca khúc “Quê Em Mùa Nước Lũ” được yêu thích với tiếng hát ca sĩ Hương Lan, với ca từ não nuột đến se lòng, mỗi khi miền Trung ruột thịt chìm trong cảnh tang thương do bão lũ tàn phá.
Ns Tiến Luân bộc bạch: “Tôi sáng tác ‘Quê Em Mùa Nước Lũ’ năm 2.000 từ sự gợi ý của ca sĩ Hương Lan. Qua truyền hình, tôi bàng hoàng xúc động khi ống kính quay cận cảnh một bà mẹ ngồi thu lu trong góc tối ôm xác đứa con ướt sũng, gương mặt mẹ thất thần dường như bà đã khóc con đến không còn nước mắt”. Đó là thành công!
(3) “Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi, đời con giờ đây đang còn lênh đênh,…”

(4) Trịnh Lâm Ngân là một nhóm nhạc thành lập năm 1962 và hoạt động đến năm1975, tên lấy từ nghệ danh ghép của các nhạc sĩ: Trần Trịnh, Lâm Đệ (không tham gia việc sáng tác) và Nhật Ngân. Những sáng tác tiêu biểu của nhóm là Mùa Xuân Của Mẹ, Người Tình Và Quê Hương, Qua Cơn Mê, Xuân Này Con Không Về, Yêu Một Mình,…