Nỗi lòng Giáng Sinh

124

 

sapins-noel-026Đêm Noel là đêm Con Chúa giáng trần. Ngày nay, Lễ Giáng Sinh không còn mang tầm vóc riêng của tôn giáo, mà đã trở thành lễ hội quốc tế.
Đêm Noel có nhiều thứ “khác thường”, từ cảm xúc tới ngoại cảnh, mỗi người mỗi vẻ, với tâm trạng khác nhau, ngay cả người mang tâm trạng buồn vẫn cảm thấy chút gì đó “chộn rộn”. Giáng Sinh vẫn là Giáng Sinh, nhưng mỗi người có cách “nhìn” và cảm nhận vẻ đẹp khác nhau trong đêm Noel. Riêng NS Tuấn Lê (1) lại chỉ thấy đẹp ở “Tà Áo Đêm Noel” (2). Và đó cũng là cách ông trải nỗi lòng của người chiến sĩ nơi chiến tuyến địa đầu.
Đêm Noel, người lính ngồi vừa gác đồn vừa nhìn hỏa châu sáng vừa nghe tiếng chuông giáng sinh vang vọng: “Tiền đồn xa vắng heo hút trong màn tối, từng đóm hỏa châu le lói soi cuối trời, chầm chậm chuông ngân đâu đấy nghe buồn tênh, báo tin mùa lễ thánh, báo tin mừng Chúa sinh”. Có lẽ nhờ hồi chuông vang trong đêm vắng nên người lính mới kịp nhận biết là đêm Noel, chứ súng đạn rền vang, tử thần lúc nào cũng rình rập, còn đâu mà nhớ tới thời gian!
Ngày nay, những người Việt Nam khoảng 40 tuổi trở xuống không biết thế nào là “hỏa châu”, NS Hàn Châu (sinh 1947) gọi là “Những Đóm Mắt Hỏa Châu”. Đó là loại trái sáng bắn lên bầu trời vào ban đêm, chỉ cần một trái thì ánh sáng cũng đủ giúp thấy rõ như ban ngày đừng nói chi nhiều trái phát sáng. Nhìn xa xa rất đẹp, như những ánh sao băng “xẹt” chầm chậm…. Hỏa châu rơi xuống từ từ nhờ chiếc dù nhỏ “treo” nó giữa bầu trời.
Đêm Noel, chàng chỉ thích “tà áo màu xanh” vì đó là tà áo nàng mặc mấy khi hai người cùng tham dự Thánh lễ đêm Giáng Sinh năm xưa: “Kỷ niệm năm ấy trong phút giây chợt đến, tà áo màu xanh tha thướt đi lễ đêm, cùng quì bên nhau xin Chúa cho niềm tin, chắp tay cầu Ơn Thánh, cùng nhau mơ ước xây mộng lành”. Nàng đi với chàng như vậy là nàng “chịu đèn” rồi. Lòng chàng tràn ngập hạnh phúc ngập trong Chúa giáng sinh, đúng là Đêm Bình An thật.
Nhưng… Cuộc đời thường có những cái NHƯNG, NẾU, BỞI,… rất đáng quan ngại. Chàng thổ lộ: “Tôi đã được yêu, nhưng lòng còn e ấp lối. Đạo, đời ngăn đôi đứa đôi nơi, nhưng mà tôi tin có Chúa Trời. Tôi đi, đi vì chiến cuộc quê hương, áo học sinh nhuốm bụi đường, nhớ hoài người tôi đã thương”. Yêu nhau đấy, nhưng chàng lại thấy sợ. Sợ vì khác đạo, sợ vì chàng là binh sĩ tác chiến, nay đây mai đó. Cụ Nguyễn Du nói câu “độc” thật:“Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không”.
Yêu cứ yêu. Lo vẫn lo. Sợ vẫn sợ. Thân nam nhi vừa nợ nhà, vừa nợ tình, vừa nợ nước. Biết sao được! Thời gian thấm thoắt, mới đó mà đã mấy năm xa nàng rồi. Đêm Noel, chàng ngồi ôm súng lạnh như tiền mà nỗi nhớ lại nóng hổi: “Từ miền khu chiến trông ánh sao mà nhớ… tà áo màu xanh năm ấy anh vẫn chờ, một mùa Noel hai đứa nghe niềm vui, hát chung một ca khúc: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”. Ước mơ thật giản dị mà cũng không được, vì rõ ràng đêm nay chàng ngồi gác nơi biên giới đìu hiu lạnh giá, còn nàng thì sao? Nàng có mặc chiếc áo dài màu xanh kỷ niệm? Chàng chỉ còn biết cầu nguyện cho hòa bình để hai người cùng đi lễ, cùng cầu xin Chúa Hài Đồng chúc lành cho tình yêu của hai người, và chung lời hát mừng Con Chúa giáng sinh…
Ai cũng có những nỗi lòng riêng, tác giả sách Ai Ca đã từng than thở: “Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con phải mỏi mòn tiêu hao” (Ac 3:20). Hãy chân thành bày tỏ với Thiên Chúa, vì Ngài là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6:8). Nếu không biết thân thưa gì với Ngài, hãy theo “công thức cầu nguyện” mà chính Chúa Giêsu đã trực tiếp dạy các tông đồ: Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13).
Hòa bình nghĩa là không còn chiến tranh bằng bom đạn, gươm giáo, nhưng trong hòa bình vẫn có chiến tranh. Tại sao? Đó là chiến tranh về tâm lý, chiến tranh về ý thức hệ, chiến tranh về tâm linh,… thậm chí là chiến tranh với chính mình. Bao giờ hết những cuộc chiến đó mới có hòa bình đích thực. Thế giới đại đồng cũng chỉ có trong lý tưởng, chưa thực sự xuất hiện. Thật vậy, chiến tranh vẫn xảy ra hằng ngày trong gia đình, xã hội, đoàn thể, dòng tu,…
Loại hòa bình đích thực chỉ có thể xuất hiện tại Vương Quốc của Thiên Chúa: Nước Trời, Thiên Đàng. Nguyện xin Chúa Hài Đồng thấu hiểu nỗi lòng của chúng con, nhất là trong Mùa Giáng Sinh này!
TRẦM THIÊN THU
.
(1) NS Tuấn Lê là tác giả một số ca khúc khác cũng phổ biến như Hờn Anh Giận Em, Lá Thư Đô Thị, Ngày Ấy Mình Yêu Nhau,…
(2) http://www.youtube.com/watch?v=fEko1JDlJlw – Ghi chú: Hầu như các bản khác nhau trên internet đều thấy không đúng lời so với bản gốc, một số từ bị thay đổi ở vài chỗ. Ví dụ: “…báo tin mùa lễ thánh, báo tin mừng Giáng Sinh” thì lại là “ánh sao hiền lấp lánh,…”, hoặc “cùng quì bên nhau…” thì lại là “nàng quỳ bên me đôi mắt nhung huyền xinh, chắp tay nguyện Kinh Thánh, thầm mơ tôi ước xe mộng lành”.