Nỗi đau

66

NỖI ĐAU

2Trong phận người, chúng ta phải đối diện với muôn vàn nỗi đau. Nỗi đau có khi được ẩn giấu bên trong nhưng cũng có lúc tỏ hiện bên ngoài. Chúng gây nên cảm giác tê tái, đau nhói. Có người mang nỗi đau thể xác nhưng cũng có người mang nỗi đau tinh thần. Cũng có không ít người gánh chịu cả hai nỗi đau ấy. Đó là tình trạng những phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở miền sông nước nghèo mà tôi có dịp ghé thăm.

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú, người phụ nữ đáng thương phải chống chọi với hai con “vi rút” đáng sợ luôn tấn công làm cô đau đớn. Một con chuyên đục khoét, ăn mòn phần cơ thể nhỏ bé, rồi để lại những khối mủ sưng tấy khiến cô ngày đêm phải tẩy rửa nhưng không sao ngăn chặn được. Gia đình nghèo khó cộng với nhận thức ít ỏi, cô lo lắng và không dám đến bệnh viện khiến cho bệnh trạng mỗi ngày thêm nặng nề. Nhưng nỗi đau bên ngoài ấy chẳng sánh bằng với những gì cô đang chịu trong lòng do con “vi rút vô tâm” của các thành viên trong gia đình gây nên. Từ khi cô bị bệnh, người chồng đã quay lưng với cô. Anh ta đánh đập và chửi rủa vợ một cách tàn ác, anh ta muốn cô mau chết đi. Cách hành xử của kẻ vũ phu thật đáng lên án nhưng chẳng ai đả động vì quan niệm “đèn nhà ai nấy sáng” của xóm giềng. Người phụ nữ ấy chỉ còn biết khóc ! Đau quá, cô khóc. Khóc và đau !

Tôi cũng có dịp đến với những đứa trẻ đáng thương trong một ngôi nhà nhỏ. Thoạt nhìn, tôi cứ ngỡ các em là chị em theo kiểu con cậu, con cô, nhưng không ngờ chúng cùng một người mẹ sinh ra. Mỗi em một khuôn mặt, một tích cách thể hiện cho một “kẻ sở khanh”. Lợi dụng sự thơ ngây, non trẻ của em gái nhỏ, những kẻ sở khanh đã tán tỉnh và bước qua đời em cách dễ dàng, rồi cao chạy xa bay để lại cho em những “món quà”. Em mới lớn, chưa hiểu sự đời, chưa cảm được sự gian dối của kẻ xấu, cũng chưa được đón nhận một tình yêu chân chính nào, em đã phải gánh chịu nỗi đau này. Em theo bạn đi đến vùng đất lạ bên Mã Lai, để lại đoàn con của em nheo nhóc cho mẹ nuôi giúp. Em đi kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống của mẹ con em. Ở nhà, bà ngoại mượn tiền chăn đàn vịt để nuôi những “tàu há mồm” đang tuổi lớn. Lo việc ăn uống cho đàn cháu đã là một gánh nặng, vậy mà các cháu lại đến tuổi đến trường. Ngoại lo lắng. Những đứa trẻ cùng mẹ khác cha vẫn cứ lớn lên nhờ tình thương của ngoại và người mẹ phương xa, còn những người cha kia thì biệt tăm. Tương lai của các em sẽ đi về đâu ? Liệu rằng các em sau này có khá hơn người mẹ đáng thương, hay cũng sẽ vào ngõ cụt.

Vậy đấy, cuộc đời của hai người phụ nữ và những trẻ em nghèo này chỉ là số nhỏ trong muôn vàn cảnh đời éo le. Không biết còn bao nhiêu người phụ nữ và trẻ em đang phải chịu nỗi đau như thế trên mảnh đất nghèo tôi đã ghé thăm ? Còn bao nhiêu đứa trẻ ra đời không có cha thừa nhận ? Và còn biết bao nhiêu phận người phụ nữ phải lưu vong bên xứ người ? Họ là những con người nhỏ bé, đáng thương bị người đời bỏ rơi, quên lãng. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng, hơn ai hết, họ đang cần tình thương, cần sự chia sẻ đỡ nâng, cần sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần (Mt 25, 31-46), vị họ chẳng thể tự làm gì trong hoàn cảnh của chính họ.

Hình ảnh những người phụ nữ và trẻ em nơi vùng truyền giáo đã giúp tôi hiểu hơn ơn gọi và sứ mạng mà tôi đang theo đuổi. Tôi có trách nhiệm với họ cụ thể trong lời cầu nguyện, trong các việc hy sinh của tôi để dâng lên Thiên Chúa những nỗi đau mà họ đang gánh chịu, cùng cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ, chữa lành, và cho họ niềm tin tưởng. Tôi cũng nài xin Thiên Chúa tác động trên tình người, tình đời, để con người biết nhận phần trách nhiệm, biết quảng đại chia sẻ, để yêu thương họ, làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp và tươi sáng hơn.

 

Maria Nguyễn – Tập viện MTG Thủ Đức