Niềm vui và Vẻ đẹp của Tình yêu Hôn nhân

94
Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ra Tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu (Amoris Laetitia). Tông huấn này tổng kết tất cả các ý kiến của các Giám mục qua 2 cuộc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới và của chính ngài.
 
Để tìm hiểu về Tông huấn này, ngày 24-09- 2016 vừa qua, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức Chuyên đề số 242: “Niềm vui và Vẻ đẹp của Tình Yêu Hôn Nhân” do cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐGMVN, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn, trình bày.
 
Diễn giải
 
Tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu, đặc biệt nói về đời sống Hôn nhân – Gia đình. Vì đời sống gia đình ngày nay không được quan tâm, bị tan tác, bị tấn công bởi nền văn hóa thế tục, văn hóa tạm bợ.
 
Trước khi đi vào chủ đề Niềm vui của Tình Yêu, chúng ta lướt qua thực trạng của hôn nhân gia đình ngày nay. Thực trạng đó không chỉ toàn mặt tối, mà vẫn còn nhiều mặt sáng, nhiều gia đình Kitô giáo vẫn tiếp tục sống trung thành với một tình yêu phong nhiêu; nhiều Kitô hữu dẫu có ly thân, ly dị, nhưng vì tin vào Chúa, vẫn tiếp tục sống làm chứng cho tình yêu trung thành bất khả phân ly; vẫn tiếp tục sống đơn thân bằng tất cả bổn phận và trách nhiệm của mình, mà không đi bước nữa. Đức Thánh Cha và các nghị phụ đã lên tiếng cảm kích, cám ơn, tri ân các Kitô hữu đó. 
 
Nhưng dường như những mặt tối đang lấn át những mặt sáng này, đó là những hiện tượng ly dị, ly thân, hôn nhân đổ vỡ. Tại Sàigòn này, năm 1995, theo thông kê những cặp ly hôn khoảng chừng hơn 30.000 cặp mỗi năm. 20 năm sau, năm 2015 con số ly hôn hơn 60.000 cặp mỗi năm. Người ta ước tính tại Sàigòn, con số ly hôn trên 32%, có nghĩa là có 10 cặp kết hôn, sau một ít năm, có 3 cặp ly hôn. Đó chỉ là con số thống kê nơi tòa án, trong thực tế, còn cao hơn nữa.
 
Ngoài vấn đề tình dục và giới tính còn có vấn đề sinh sản. Việt Nam là một trong ba quốc gia phá thai nhiều nhất thế giới. Trong Thông điệp Humanae Vitae, năm 1968 của Chân phước Phaolô VI nói đến vấn đề này. Nhu cầu diễn tả tình yêu qua thân xác giữa hai vợ chồng với nhau là nhu cầu thường xuyên, nhiều hơn nhu cầu sinh sản. Yêu thương, bổ túc cho nhau trong suốt cuộc đời, và sinh sản, giáo dục con cái là hai mục đích không thể tách lìa của hôn nhân. Tuy nhiên, ngày nay, con người đã cắt đứt hai mục đích này. Cho nên, ngừa thai và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, là những vấn nạn khiến nhiều gia đình tan tác.
 
Thách đố khách quan của thời đại hôm nay.
 
1. Tình trạng hiện tượng di dân. Ngày nay, người ta di động rất nhiều để kiếm kế sinh nhai, để học hành, kể cả để đi tu… đa số là người di dân. Không phải chỉ người nghèo mới di dân, mà cả người trí thức đi làm việc xa nơi chốn của mình. Có người đi hằng tuần, hằng tháng, thậm chí hằng năm mới về đoàn tụ gia đình một lần. Nói chung, xã hội hôm nay, trên mọi miền đất nước, mọi quốc gia, có đặc trưng là con người di dộng. Mà nếu đã di động thì đời sống quy tụ của một gia đình chắc chắn có ảnh hưởng. Những bữa cơm hằng ngày ở rất nhiều gia đình dường như không còn. Cho nên, nó còn tiếp tục ảnh hưởng lên cuộc sống hôn nhân gia đình.
 
2. Về văn hóa. Đức Thánh Cha gọi nền văn hóa ngày nay là nền văn hóa xả rác, nền văn hóa thải bỏ. Nghĩa là người ta dùng các đồ vật, mỗi khi có trục trặc là loại bỏ. Từ đó, thói quen suy nghĩ, cái gì còn hữu ích thì dùng, cái gì lỗi thời hay hư hỏng thì loại bỏ, điều này ảnh hưởng đến quan hệ bạn bè, ngay cả vợ chồng: hễ còn yêu, còn hữu ích, thì còn ở lại với nhau; chừng nào cảm thấy chán, hết yêu, thì bỏ nhau. Cho nên, Đức Thánh Cha gọi là nền văn hóa phế thải, loại bỏ.
 
Vậy, kết hôn để làm gì? Đâu là ý nghĩa của hôn nhân? Nhưng nếu không kết hôn thì nhu cầu sinh lý của con người nam – nữ làm sao giải quyết?
 
Ngày nay, người ta đâu còn tin vào Thiên Chúa, sống tình trạng thế tục hóa, mà tình trạng sống chung là một thực trạng của xã hội. Người ta không dám kết hôn nữa vì sợ những hệ quả của việc ly dị là phải chia gia tài, chia con cái và còn đủ thứ mọi rắc rối… Vì thế, tốt nhất không kết hôn, chỉ sống chung thôi, khi nào còn sống chung được thì sống, khi nào không còn sống chung được nữa thì chia tay. Hậu quả của việc chia tay là hệ quả của giao ước riêng tư với nhau, chứ không phải giao ước công khai có tính xã hội của hôn nhân. Hiện trạng này đã lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội ngày nay, đến nỗi ĐTC Phanxicô và các Thánh Bộ đã ra những chỉ thị, những nghĩa vụ để nói với các mục tử biết chăm sóc cho cả những người đó, đừng coi họ là những kẻ tội lỗi, rối rắm, đáng lên án nguyền rủa, mà hãy coi họ là những con chiên lạc cần được yêu thương, quan tâm, để ý, dẫn dắt, chăm sóc, để đưa họ trở về con đường sống, là con đường chân lý. Cho nên, cần phải kiên nhẫn, ta gọi đó là mục vụ cho những hoàn cảnh khó khăn, chông chênh, trái quy tắc. Không phải chỉ có những cặp sống ngoài hôn nhân, trước hôn nhân, sống thử, mà còn sau khi ly dị họ lại sống với một cuộc kết hợp mới không hôn nhân mà ta gọi là ly dị tái hôn.
 
Con số ly dị trong 5 năm đầu sau khi kết hôn là 70%. Con số ly dị từ 22 đến 30 tuổi là 60%. Như vậy, tuổi trẻ có nguy cơ nhiều hơn. Điều này nói lên “nhận thức và kinh nghiệm sống” phản chiếu qua tuổi tác. Càng lớn tuổi và có kinh nghiệm nhiều, càng có nhận thức không để mình bị cuốn theo xu hướng của người đời. Họ có suy nghĩ độc lập, chín chắn và chịu trách nhiệm nên ít có nguy cơ ly hôn. 
 
Sự thể như vậy, ai sẽ dám lập gia đình? Giống câu hỏi ngày xưa người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Người ta có được phép rẫy vợ mình không? Chúa hỏi lại luật Môsê dạy gì: Họ nói: “Môsê cho phép ly dị”. Chúa nói: “Vì con người lòng chai dạ đã nên Môsê mới cho phép, chứ “thuở ban đầu” thì không như vậy”. Tình yêu vợ chồng chính là phản chiếu một cách hữu hình tình yêu trung thành của Thiên Chúa đối với con người. Do đó, “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Cho nên, dù có bao nhiêu Thượng Hội Đồng trong tương lai cũng không thay đổi luật này.
 
Vậy, Tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu có gì mới?
 
Cái mới không nằm trong quy luật, định luật, giáo luật mà ở trong trái tim mới của các mục tử, của các đôi bạn. 
 
Mục tử phải thể hiện dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, phải đi ra để đi tới từng con chiên, những con chiên bị thương tổn đáng được thương xót. Những con chiên đi lạc, hãy cùng lạc với chiên một chút, rồi từ từ dẫn chiên về đàn. Cho 
nên, người mục tử đó phải chịu bị thương, chịu lấm lem, chịu bầm dập. ĐTC Phanxicô nói: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình…”. Đó là phía các mục tử.
 
Còn phía các đôi bạn cũng cần có trái tim mới. Trong Tông huấn đã bộc lộ điểm son, nét mới là “Niềm Vui”. Niềm Vui chính là từ khóa của Tông huấn này, không phải một tình yêu duy lý trí, một tình yêu đau đớn, chua cay, đắng đót với hai hàng nước mắt, rơi vào vô vọng, mà là một tình yêu dẫu với hai hàng nước mắt nhưng trong tận đáy sâu thẳm của con tim vẫn có một niềm tin, một niềm hy vọng, niềm vui để sống.
 
Do đâu có Niềm Vui? Trong chương IV của Tông huấn diễn tả con người không chỉ là hữu thể vật chất mà còn là hữu thể tinh thần. Niềm vui tình ái giữa nam nữ cũng là niềm vui chính đáng. Niềm vui vợ chồng, niềm vui gia đình là những niềm
vui rất chính đáng. Nhưng niềm vui mà Đức Giêsu Kitô muốn cống hiến và mời gọi ta, không chỉ được diễn tả qua nụ cười mà còn qua hai hàng nước mắt. 
 
Vậy niềm vui đó hệ tại bởi cái gì và bởi đâu?
 
ĐTC Phanxicô chú giải đoạn thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, chương 13, 4-7. “Bài Ca Đức Mến”
 
Tình yêu mà Giáo hội mời gọi đôi bạn khi tiến tới hôn nhân thì phải phát triển tình yêu thuở ban đầu với đầy cảm xúc đam mê ấy, mỗi ngày tiến xa hơn về lãnh vực tinh thần, mà tình yêu ấy phát xuất từ Đấng bị thương và chết trên thập giá và đã sống lại. Chính sự phục sinh của Đấng bị thương và chết trên thập giá ấy là chứng từ thuyết phục. Niềm vui của những người gặp gỡ sự đau khổ của Đức Giêsu Kitô trong cuộc đời mình, niềm vui của kẻ biết mình được yêu bởi một tình yêu của một người
đã chết vì mình và đã sống lại.
 
Bài Ca Đức Mến nói gì?
 
Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, 
không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật.
 
Ðức mến tha thứ tất cả, 
tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
 
Nhưng Tình yêu này cao siêu quá, làm sao theo nổi?
 
Hằng ngày đôi bạn sống với nhau bằng tình yêu cảm xúc. Nhưng nếu chỉ có sống tình yêu cảm xúc mà không vươn tới tình yêu tinh thần thì ta sẽ đi vào ngõ cụt. Vì thế, hai mặt nhân bản và tâm linh là hai mặt không thể tách rời đối với tình yêu của con người, và chính trong đó mà ta cảm nghiệm được niềm vui của tình yêu.
 
Ngay những tính từ trong Bài Ca Đức Mến cũng không thuần túy tinh thần, mà nó cũng diễn tả ở trong thân xác. Tình yêu thì “nhẫn nhục”. Ngay chữ đầu tiên cũng đã diễn tả cảm xúc của thân xác. Khi ta nhẫn nhục chịu đựng một người thì sự khó chịu mà ta phải mang lấy do người ấy gây ra, làm ta tổn thương, đau khổ, đó là cảm xúc. Nhưng với một trái tim bằng một tình yêu đích thực mà Thiên Chúa ban cho ta, thì ta mới có khả năng chịu đựng nhẫn nhục, dung thứ, nhưng trong tin tưởng và trong hy vọng. Cho nên, một tình yêu đích thực là một tình yêu có trái tim lớn, biết chịu đựng tất cả, biết tin tưởng tất cả, biết hy vọng tất cả.
 
Ta tin tưởng, hy vọng điều gì? Hy vọng một ngày nào đó người ấy ăn năn sám hối quay về với mình ư?
 
Niềm hy vọng mà Đức Mến chân thật muốn diễn tả không phải quy về mình mà quy về Đức Kitô, về Thiên Chúa. Chừng nào còn quy về mình thì đó chưa phải là một tình yêu chân thật. Tình yêu chân thật là đi ra khỏi mình như Đức Kitô. Chính khi đi ra khỏi mình thì sẽ tìm lại được chính mình. Chính khi ta chấp nhận chết đi cho mình thì ta lại được sống lại. Kinh Hòa Bình là một kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi và là kinh nghiệm của các vị thánh.
 
Để cảm nghiệm được logic đó, và chính Đức Giêsu cũng đã nói: “Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, ai chịu mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được”. Nếu ta tin vào Đức Giêsu Kitô thì hãy sống với logic đó. Muốn có niềm vui thì chấp nhận nỗi đau đớn của kẻ đành mất, cho đi, hy sinh, hiến dâng … (những hành vi này thường không đem lại cảm giác dễ chịu mà nhiều khi rất khó chịu), nhưng một trái tim có tình yêu thần linh ấy sẽ chịu đựng được, nhờ sức mạnh của ân sủng sẽ chữa lành.
 
Cho nên, điều mà ta hy vọng không phải là một ngày kia người ấy sẽ hối cải trở về với ta, mà người kia gặp được Chúa, ăn năn sám hối trở về với Chúa là chân lý, để được ơn cứu độ (có thể gần cuối đời người kia mới gặp được kinh nghiệm đó). Những cuộc ly dị tái hôn, không dễ dàng mà người kia quay về lại với tôi, cho dẫu sau này có nhận ra lỗi lầm, hối hận, muốn quay về, cũng không còn khả năng quay về. Không nhẫn nhục nào mà không có thương đau, mà nếu không nhẫn nhục là không có yêu. Bởi vậy, yêu thì nhẫn nhục.
 
Nhưng khi ta nhìn vào những cảm xúc mang tính nhân bản trong tình yêu này như thế nào?
 
Bởi vì, tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu nhập thể, dẫu Ngài chính là Thiên Chúa, đã mang lấy thân xác để trở thành một con người và Ngài cũng mang cả những niềm vui – nỗi buồn, cả những thành – công thất bại trong thân xác của Ngài. Như thế, dẫu tình yêu là Đức Mến nhưng vẫn phải mang lấy cảm xúc, cảm xúc là yêu, vui – buồn, thích – không thích, chán – hy vọng. Như vậy, trong số những cảm xúc này mạnh mẽ đến nỗi có khi đem đến những hậu quả kinh khủng và đam mê. Đam mê có đặc trưng của sự manh mẽ cực kỳ lớn, mà tình yêu là thứ đam mê duy nhất mạnh mẽ trong trái tim của người yêu nó. Mang những vết thương vì người mình yêu, tình yêu đam mê lại là một tình yêu quảng đại nhất.
 
Chữ đam mê (passion) còn có một nghĩa nữa là đau khổ (the Passion), vừa là đam mê vừa là đau khổ. Vậy, hai nghĩa này có dính líu gì đến nhau không?
 
Hai nghĩa này chỉ là một. Vì đam mê là đau khổ, vì không phải lúc nào cũng mang cảm giác sung sướng. Tình yêu đam mê hàm ý trong đó là nỗi đau khổ, vì đam mê tình yêu có một năng lượng vô cùng lớn và đồng thời cũng hết sức quảng đại vì không tính toán.
 
Chính vì thế, nếu nó được đầu tư vào đúng đối tượng thì đó là một tình yêu giải thoát, còn nếu sai đối tượng thì nó trở thành phá vỡ cực kỳ lớn. Ghen tương là mặt trái của tình yêu đam mê, chúng ta đã thấy hậu quả ghen tương tiêu cực trong tình ái như thế nào.
 
Chữ đầu tiên của tình yêu thật là “nhẫn”, mà nhẫn là phải chịu đau, mà đau thì rất khó chịu. Vì thế, khi yêu thì chịu khó chứ đừng khó chịu. Cho nên, Đức Giêsu nói: “cửa vào Nước Trời là cửa hẹp” phải chịu khó mà vào, chứ đừng tìm cửa rộng dễ dãi mà vào, vì sẽ dẫn vào nơi hư vong. Tình yêu trong sự nhẫn nhục đó là tình yêu trong sự tin tưởng, vì không tin tưởng, không hy vọng thì ta khó nhẫn nhục được. Những thành quả của những giọt máu của các thánh tử đạo đã đổ ra thường thấy xuất hiện của thế hệ sau, chứ thường không thấy xuất hiện trong thế hệ của vị thánh tử đạo. Vì thế, hãy tin tưởng những giọt máu mà ta hy sinh hôm nay chắc chắn sẽ có những hạt giống mới xuất hiện.
 
Cho nên, hơn bao giờ hết trong việc giáo dục con cái ngày nay đề cao giá trị của sự hy sinh, của sự phục vụ biết quên mình mà không nhìn đến bản thân. Có bao nhiêu cha mẹ dạy con, ráng học đi để sau này con phục vụ, để sau này con làm lợi ích cho nhân loại, để con đem một điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng, cho những người nghèo. Đa số cha mẹ dạy con, ráng học giỏi đi con để sau này làm kỹ sư, bác sĩ, làm bộ trưởng, làm linh mục, giám mục, hồng y… theo nghĩa tương quan của thế tục. Bởi vì, người ta còn lẫn lộn giữa vinh quang trần thế và vinh quang siêu vời của tinh thần.
 
Như vậy, nói đến Niềm Vui Của Tình Yêu sao toàn là những khó khăn của đau khổ, đó là những nghịch lý, mà chỉ có ai cảm nghiệm, trải qua thì mới hiểu được. Chúa không chê bỏ những cảm xúc ban đầu của tình ái ở nơi người nam, người nữ, vì đó là thụ tạo mà Chúa đã dựng nên, nơi sự thu hút năng lượng tính dục và tình ái. Nhưng Chúa mời gọi con người đi thêm một bước nữa, đó là Tình Yêu Đích thật, mà ta gọi là Đức Mến. Vì niềm vui của thuở ban đầu do tình ái mang lại thì vẫn còn đó là niềm vui phiêu du, chóng qua, mong manh.
 
Khi cảm xúc không còn thì nhiều người cho rằng đã hết yêu, mà hết yêu thì chia tay, tại sao phải làm khổ nhau làm gì? Đó là não trạng của con người thời nay, não trạng thế tục hóa, họ không tin có một thực tại ở bên kia, không tin vào mầu nhiệm, họ không tin rằng cho đi là nhận lãnh, họ không tin rằng chết đi là sống lại, họ không tin vào Đấng đã chịu chết treo trên thập giá, đã chết và đã phục sinh. Chính ở điểm này là tôn giáo. Cái điều nhân bản hết sức lại là tôn giáo. Tôn giáo không nằm ở đâu xa, hay ở trong nhà thờ, nhà nguyện, mà ở trong những giọt mồ hôi, trong những giọt nước mắt của sự chịu đựng những khó khăn hằng ngày, nó trở thành là niềm vui, là ơn cứu độ. Cho nên, dẫu nhọc nhằn, dẫu cảm thấy đau đớn, dẫu khó chịu mà ta vẫn cảm thấy niềm vui. Nó cũng là một cái gì đó thuộc cảm xúc chứ không thuần túy trừu tượng tinh thần. Cảm nghĩ đó không diễn tả được nhưng nó có thật ngay tại đời này chứ không phải đợi tới đời sau.
 
Chia sẻ
 
Trong phần chia sẻ cảm nhận của những người tham dự, một bạn trẻ đưa ra câu hỏi:
 
* Một người mẹ có 2 đứa con, vợ chồng thường xuyên xung đột và gây khổ cho nhau, ảnh hưởng đến kinh tế và giáo dục con cái, Chị cho rằng: “hôn nhân không hạnh phúc thì tốt nhất là chia tay”, và chị đã ly dị. Nhiều người ủng hộ ý kiến của chị, nhưng cũng có nhiều người không tán thành, vì 2 đứa con sống thiếu cha. Vậy, quyết định của chị ấy có đúng hay không?
 
Cha Luy trả lời:
 
Giáo luật của Giáo hội cũng sự trù cả trường hợp này. Thí dụ: ngay cả những người ký đơn ly dị dân sự, không phải ai cũng có tội. Nếu ngày nào người vợ cũng bị hành hạ đánh đập, thậm chí bị đe dọa đến sinh mạng của người vợ hay của con cái, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình? Để bảo vệ mạng sống, bảo vệ sự bảo đảm cuộc sống gia đình với những người còn lại, chỉ còn cách là ký đơn ly dị, vì nếu cứ tiếp tục cái đà này làm sao sống nổi, và để ngăn ngừa tội ác có thể xảy ra trong tương lai đang chực chờ.
 
Ly dị theo hành động khách quan thì tự nó đã là có tội rồi, nhưng còn tùy từng trường hợp. Đối với người tin Chúa, khi mình ký đơn ly dị dân sự thì trong trái tim của mình vẫn tiếp tục tin tưởng, hy vọng, cầu nguyện, sao cho một ngày nào đó người kia được ăn năn sám hối trở về, và mình cũng vậy, chứ không phải chỉ có người kia. Bởi vì, để có được tình yêu thì phải có hai chiều và cả hai cũng phải sám hối trở về với sự thật. Có thể trong trường hợp này mình đúng, còn nhiều trường hợp khác mình sai, cũng có thể mình có phẩm chất gì đó khiến cho người kia dẫn đến thái độ như vậy cho đến ngày hôm nay, không chắc là mình hoàn toàn vô tội. Ý thức như vậy thì dẫu phải ký vào đơn ly dị dân sự như một cách để bảo đảm sinh mạng và bảo đảm cuộc sống của những người còn lại, thì trong trái tim của người môn đệ Đức Kitô vẫn không ly dị. Đó là ý nghĩa của chữ “ly thân”, để tiếp tục còn tin tưởng, còn hy vọng, để nói với thế gian rằng: Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa vẫn tiếp tục trung thành ngay cả khi dân Ngài phản bội, mà đôi bạn này là hình ảnh bí tích của tình yêu đó. Đó là hành động khi người ta ly dị khách quan.
 
Ngược lại, trong khi người ta chưa ly dị khách quan, người ta vẫn sống chung như vợ chồng, nhưng trong trái tim người ta đã gạt bỏ hình ảnh người kia hoàn toàn ra khỏi cuộc đời của mình rồi. Nghĩa là mỗi người sống cuộc sống riêng tư, có thể họ vẫn chung một mái nhà, vẫn đi về như hai kẻ ở trọ. Khi ấy, mặc dầu theo nghĩa bên ngoài là ly thân, nhưng bên trong họ đã ly dị rồi, và như thế mới là tội đối với lương tâm Kitô giáo. Vậy không thể bởi hành động khách thể bên ngoài cho bằng trong lương tâm.
 
Cho nên, Tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu này lại là một điểm son, ĐTC Phanxicô và các nghị phụ nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò lương tâm. Lương tâm của chủ thể là tòa án cuối cùng chứ không phải ở tòa án Giáo hội hay tòa án đời. Bởi vì, cũng có nhiều người rất khéo léo qua mặt được tòa án Giáo hội để xin tiêu hôn, nghĩa là Giáo hội xác nhận một cuộc hôn nhân nào đó không thành sự qua việc mình đưa ra chứng cứ này, chứng cứ kia… Cuối cùng, chỉ có Thiên Chúa mới hiểu thấu suốt trong trái tim mỗi người, chứ Giáo hội không thể thấy hết được, nhưng vẫn phải có cái gì đó trong cuộc sống về đạo, đó là những gì mà chúng ta cần phải hiểu rõ. Niềm tin không cho phép ta loại bỏ khỏi trái tim mình hình ảnh của người kia. Vì thế, vẫn phải tiếp tục cầu nguyện cho người kia và cầu nguyện cho chính mình gặp được Chúa, nghĩa là chính mình cũng phải sám hối, vì không ai vô tội hoàn toàn cả. Kết cuộc của ngày hôm nay, dẫu lỗi của người kia nhiều hơn, nhưng trong đó cũng có một phần lỗi của tôi nữa, đã góp phần vào đi đến kết cuộc ngày hôm nay.
 
Cho nên, mỗi một ngày ta phải cố gắng làm sao được giải hòa, “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Trong đời sống vợ chồng, lỗi ly dị hôm nay là lỗi của nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm trước đó, vì vợ chồng đã không có sự hiệp thông, mà sự không hiệp thông đó thể hiện qua việc không đối thoại mỗi ngày, vì không đối thoại làm sao có sự hiệp thông. Chính Thiên Chúa tự Ngài đã là đối thoại.
 
Trong tâm lý giáo dục, người ta phân loại đối thoại có 3 cấp bậc: Tán gẫu, tranh luận và tâm sự.
 
– Tán gẫu: Chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện nhà thờ, chuyện làm ăn… đó là chất keo dán tình cảm hai người. Nhiều cuộc đổ vỡ vì người ta không dùng chất keo này, cứ im lặng, im lặng sinh ra nghi ngờ, nghi ngờ sinh ra xung đột, xung đột phát sinh ra căng thẳng. Thường xuyên tán gẫu và khi gặp những chuyện cần mổ xẻ thì tranh luận.
 
– Tranh luận: Trong khi tranh luận, ta phải hiểu rằng đó là những chuyện bình thường trong đời sống vợ chồng. Tranh luận để nói rõ cảm xúc, đừng giấu diếm, ghét nói ghét, thích nó thích, giận nói giận, cần bộc lộ ra và tìm ra sự thật để giải quyết vấn đề.
 
Có một số nguyên tắc trong khi tranh luận là đừng dùng những ngôn ngữ thấp hèn từ lưng quần trở xuống; đừng bao giờ dùng bạo lực, lỡ dùng bạo lực thì đừng dùng từ cổ trở lên; đừng tìm trọng tài của cả hai phía dù bên nội hay bên ngoại, nếu cần thì tìm một trung gian tinh tế tư vấn và quan sát; đừng tìm điểm yếu của đối phương mà xoáy vào để tìm phần thắng về mình, vì khi ta thắng là ta thua, vì sẽ mất nét vui tươi, tốt đẹp trong đời sống đôi bạn. Muốn thắng là chịu thua, mỗi người chịu thua một chút để cả hai cùng thắng, đó mới là mục đích cuối cùng. Chứ không phải tôi thắng hay người kia thắng, nếu cứ thắng hoài coi chừng sắp tan vỡ. “Nhẫn một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một chút thì thấy biển rộng núi cao”.
 
– Tâm sự: Đây mới là điều quan trọng. Có những điều mà chỉ có hai người một xương một thịt nói với nhau. Nhiều khi vợ chồng chưa có một giây phút nào dành riêng cho nhau, ngồi với nhau để tâm sự, mà chỉ nói về chuyện hóa đơn tiền nhà, tiền điện, tiền học của con cái, tiền lương …giây phút tâm sự giữa hai người là chất xúc tác làm đậm nét tình yêu của đôi bạn, là chất nuôi dưỡng và phát triển tình yêu.
 
Lời kết
 
Bởi vì, Kitô giáo không phải là một chủ nghĩa duy ý chí, mà là một Thiên Chúa nhập thể làm người. Cho nên, ngay khi ta gặp đau khổ ta vẫn gặp được niềm vui. Đó là ý nghĩa mà ĐTC Phanxicô muốn nói, và cái lạ, cái mới là làm sao các mục tử truyền được điều này cho các bạn trẻ sắp kết hôn, để các bạn trẻ hiểu được thế nào là niềm vui đích thực khi yêu, phải có tình yêu tinh thần thì mới đạt được tình yêu đích thực ấy. Nhưng đó là một kinh nghiệm của hồng ân, chứ không phải ta cố gắng nỗ lực bằng sức con người mà có được. Một đàng ta phải ra sức mỗi ngày là cầu xin, đức tin là một ơn. Có nhiều người muốn tin như ta mà không tin được. Tình yêu đích thực này là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong gặp gỡ của cuộc khổ nạn, đó cũng là một ơn.
 
Như vậy, hãy vui lên khi gặp đau khổ, thử thách, gian nan và chịu khó tỏ ra dịu dàng, nhẫn nhục, khiêm hạ, chứ đừng khó chịu, ghen ghét, hận thù.
 
Kết thúc buổi chia sẻ, cha Luy đặt ra một câu hỏi: Anh chị em có cảm nghiệm được niềm vui trong đau khổ không?
 
Antôn Pađôva Mặc Trầm Cung