Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam – được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ này ngày 13-01-2011, đã viếng thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ chiều 18-04-2011 đến Chúa nhật 1-05-2011
Tổng hợp chuyến viếng thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu tiên
của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli,
Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam
WHĐ (3.05.2011) – Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam – được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ này ngày 13-01-2011, đã viếng thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ chiều 18-04-2011 đến Chúa nhật 1-05-2011.
Trong cuộc viếng thăm này, ngài đã đặt chân đến 7 giáo phận, gồm Tổng giáo phận Hà Nội, Tổng giáo phận TP.HCM và 5 giáo phận khác thuộc giáo tỉnh Sài Gòn, gặp gỡ và trao đổi với hầu hết các giám mục tại Việt Nam vì đây là dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên, với đông đảo linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân. Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã tham dự và cử hành Tuần Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, tham dự Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục, dự nghi lễ đặt viên đá đầu tiên cho Trụ sở của HĐGM VN tại Tp. HCM, dự lễ tấn phong Đức Giám mục phó Giuse Nguyễn Tấn Tước tại Nhà Chung giáo phận Phú Cường…
Chuyến viếng thăm đã diễn ra trong bầu khí thân mật, chân thành và cởi mở, lắng nghe để hiểu biết lẫn nhau. Qua các bài giảng trong thánh lễ, các bài nói chuyện và nhất là qua trả lời các câu hỏi của cử tọa, vị Đại diện đã để lại một ấn tượng tốt nơi những người có dịp gặp, nghe và trao đổi với ngài.
Xin ghi lại ở đây sơ lược một số ý tưởng và vấn đề cũng nhữ cảm nghĩ ngài đã trình bày trong các cuộc tiếp xúc với các thành phần khác nhau của Giáo hội công Giáo Việt Nam trong lần viếng thăm đầu tiên này.
Chức vụ Đại diện
Trước tiên, trả lời câu hỏi của một chủng sinh, vị Đại diện Tòa Thánh đã có dịp giới thiệu chức vụ và công việc của ngài với người Công giáo Việt Nam:
* Sứ thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio): Về ngoại giao, Sứ Thần Tòa Thánh là vị đại diện Tòa Thánh xét như một quốc gia bên cạnh chính phủ nước sở tại (tương đương với đại sứ). Còn về mục vụ, ngài là vị đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Giáo hội Công giáo sở tại.
* Khâm sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate): Về ngoại giao, Khâm sứ Tòa Thánh không phải là đại diện Tòa Thánh bên cạnh chính phủ sở tại như các đại sứ vì chưa có quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên. Còn về mục vụ, ngài là vị đại diện Đức Giáo Hoàng bên cạnh Giáo hội Công giáo sở tại. Tuy nhiên, ngài được chính phủ sở tại nhìn nhận như một pháp nhân và từ đó có đủ tư cách và thuận lợi ra vào quốc gia đó để làm việc với Giáo hội Công giáo địa phương.
* Đại diện Tòa Thánh (Apostolic Representative): Về mặt ngoại giao và mục vụ, vị Đại diện Tòa Thánh cũng có vai trò tương tự như hai chức danh ở trên. Tuy nhiên, ngài chưa được nhìn nhận hoàn toàn như một pháp nhân và chưa được rộng quyền ra vào làm việc với Giáo hội Công giáo sở tại một cách hoàn toàn tự do. Vì thế, vị Đại diện Tòa Thánh (đặc biệt ở Việt Nam) cần thông báo cho phía sở tại về ngày giờ đến, nơi đến và công việc sẽ làm với Giáo hội Công giáo địa phương. Đây là một vai trò tạm thời để chuẩn bị cho vai trò Khâm sứ Tòa Thánh và Sứ thần Tòa Thánh.
Đức Tổng giám mục Girelli cũng cho biết thêm: Hiện nay, ngài kiêm nhiệm cả ba chức vụ trên ở 5 quốc gia khác nhau: làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và Đông Timor; làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei; và làm Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam (Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, tại Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2011).
Trong cuộc gặp gỡ với các Đức giám mục Việt Nam tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, sáng thứ ba 26-04, Đức cha Đại diện Tòa Thánh giải thích rõ ràng về nhiệm vụ của ngài trên cơ sở các điều khoản 362-367 của bộ Giáo luật 1983. Với tư cách Đại diện không thường trú, ngài được Chính phủ Việt Nam nhìn nhận như Đặc sứ của Đức giáo hoàng đối với Giáo hội Việt Nam, nhưng không thực thi nhiệm vụ ngoại giao (vì tiến trình thiết lập bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam chưa hoàn tất) (WHĐ (27.04.2011).
Khó khăn trong sứ vụ ngoại giao
Trong cuộc viếng thăm Đan viện Cát Minh, Sàigòn, chiều 28-4, Đức Tổng giám mục L. Girelli cũng nói đến một số khó khăn ngài gặp phải trong sứ vụ ngoại giao của ngài: Như ở Indonêsia, khi ba người Công giáo bị kết án xử tử oan, ngài đã hết sức nỗ lực can thiệp nhưng cuối cùng chỉ giúp họ sống thêm được vài ngày! Hay khi những tuyên bố của Đức Thánh Cha về Hồi giáo bị hiểu lầm, Tòa Khâm sứ của ngài ở Inđônêsia bị người địa phương bao vây phản đối dữ dội. Nhưng ngài đã tiếp xúc, giải thích, giúp thấu hiểu và giải toả được những căng thẳng (WGPSG).
Qua câu trả lời câu hỏi của một nữ tu Cát Minh, chúng ta được biết vị Đại diện Tòa Thánh của chúng ta đi tu từ năm 11 tuổi, chịu chức vào năm 1978, và qua 8 năm làm cha phó, ngài đã đi học ngoại giao và làm khâm sứ ở nhiều nơi trên thế giới. (WGPSG).
Giáo hội Công giáo Việt Nam
Đáp lời Đức Tổng giám mục Phêrô, Hà Nội, trong Thánh lễ làm phép dầu tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, sáng ngày 19 tháng 4, vị Đại diện Tòa Thánh đã nói đến lòng ngưỡng mộ, trìu mến và sâu xa của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đối với Giáo hội tại Việt Nam. Ngài nói: “Về phương diện lịch sử, Giáo hội Công giáo Việt Nam trong đất nước này đã đóng góp và tiếp tục đóng góp cho di sản nhân loại tôn giáo những giá trị đạo đức cũng như chia sẻ những băn khoăn đúng đắn về tương lai của Giáo hội cũng như trách nhiệm cho công ích. Chúng ta cảm ơn Chúa vì sự gia tăng về con số linh mục, chủng sinh và các tu sĩ tại Việt Nam, cũng như sự trưởng thành của giáo dân trong đời sống cộng đoàn. Nhân danh Đức Thánh Cha, tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa và lòng cảm ơn đối với tất cả anh chị em vì đức tin sống động và mạnh mẽ tại đất nước này, luôn trung thành với Giáo hội và Đức Thánh Cha. Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho sứ vụ của tôi để tôi có thể đóng góp phần nào vào đất nước và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam
Tại cuộc gặp gỡ các linh mục Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, sáng thứ Tư 27-4-2011, được hỏi về sự khác biệt giữa Giáo hội tại Việt Nam và tại các nước ngài đang phục vụ, Đức TGM Girelli cho biết: khi đến Tòa Giám mục Sài Gòn, ngài cảm thấy như đang sống trong một Vatican thu nhỏ! Ngài nói vui rằng ngài có thể sẽ đề nghị Đức Thánh Cha đến nghỉ hè tại Việt Nam! Câu nói của vị Đại diện khiến chúng ta nhớ lại cảm nghĩ tương tự của Đức ông Parolin (nay là Tổng giám mục, Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela) trong phái đoàn Tòa Thánh sang trao đổi và làm việc với nhà nước Việt Nam trước đây. Đức ông Parolin khi ấy còn triển khai thêm cảm nghĩ của ngài: không như một Tòa giám mục vắng lặng, tại Tòa giám mục Sài Gòn, ngài đã được chứng kiến bầu khí sinh động với các văn phòng có nhiều người ra vào, hoạt động sôi nổi…
Tuy nhiên, Giáo hội này không phải là không có những khó khăn, hạn chế. Vị Đại diện nhận xét: Đời sống đạo ở Việt Nam đang mạnh mẽ, nhưng cũng đang có những thách đố vì những giới hạn: Giáo hội không được mở trường học (trừ Nhà trẻ), bị giới hạn trong những hoạt động từ thiện và y tế… Đề cập đến Phúc âm hoá, ngài cho rằng khi truyền giáo phải nhấn mạnh đến phẩm giá cao cả của con người: tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa (WGPSG).
Và trong thánh lễ tại nhà thờ Chính tòa Mỹ Tho, ngày 30 tháng 04, Đức TGM còn bày tỏ nỗi ưu tư về những khó khăn cụ thể như việc đào tạo những thế hệ trẻ ngày càng trở nên khó khăn, vì sự chuyển biến không ngừng của xã hội. Sự di dân từ vùng quê lên các thành thị, sự suy thoái của những giá trị truyền thống tốt đẹp, sự phá thai, sự ly dị là những thách đố nghiêm trọng đối với căn tính của người Kitô hữu, và đối với công việc mục vụ trong các giáo xứ (web Giáo phận Mỹ Tho).
Giáo dục linh mục và giáo dân
Trong buổi gặp gỡ thân tình với các Đức giám mục Việt Nam vào sáng thứ ba 26/04, tại Phòng hội Phaolô Nguyễn Văn Bình của Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, Đức Tổng giám mục Girelli Đại diện Tòa Thánh ngỏ lời cám ơn Hội thánh Việt Nam và tạ ơn Chúa, vì trong bao nhiêu năm qua công cuộc Loan báo Tin mừng vẫn được tiếp nối và phát triển mạnh mẽ, biểu lộ qua con số tín hữu và ơn gọi kitô hữu linh mục, tu sĩ, giáo dân dấn thân vẫn gia tăng và rất năng động.
Ngài nói: một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần cho điều đó chính là sự hiệp nhất: hiệp nhất giữa các giám mục với nhau, giữa giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân với nhau, giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa Thánh.
Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý, Giáo hội cần quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ giáo dục các kitô hữu trong ơn gọi linh mục, độc thân dâng hiến, và giáo dân trưởng thành, những lãnh đạo tương lai, để trực diện với tình hình xã hội hôm nay vốn đang bị bao phủ bởi não trạng duy vật, duy thế tục và dửng dưng. Đức cha Đại diện Tòa Thánh kết thúc bài nói chuyện bằng cam kết sẵn sàng hết lòng chu toàn sứ vụ của mình trong tinh thần hiệp thông và hợp tác, và học hỏi từ các Đức cha để giúp ngài hiểu ngày một hơn Giáo hội và đất nước con người Việt Nam (WHĐ, 27.04.2011).
Linh mục
Tại Thánh lễ làm phép dầu, ngày lễ bày tỏ sự hiệp thông, mối liên kết chặt chẽ của các linh mục với Đức giám mục của mình, vị Đại diện nói: Linh mục là những người cộng tác với Đức giám mục trong nhiệm vụ phục vụ Giáo Hội địa phương. “Mỗi anh em (linh mục) có nhiệm vụ khác nhau nhưng Chúa gọi và đòi hỏi mỗi người có một tâm hồn, một trái tim trong sạch lớn lao để phục vụ Chúa và tha nhân. Điều đó đòi hỏi linh mục không sống cho chính mình nhưng sống cho người khác, như Chúa Giêsu – Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ… (Thánh lễ làm phép dầu tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, sáng ngày 19 tháng 4 năm 2011).
Chủng sinh
Trong chuyến viếng thăm này, xem ra Đức Tổng giám mục Girelli đã dành cho các chủng sinh một sự ưu ái đặc biệt. Tại Hà Nội, ngài đã thăm Đại chủng viện, nói chuyện và dâng thánh lễ. Trong bài chia sẻ Tin mừng, Đức Tổng giám mục Girelli đã lấy hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ để hướng anh em chủng sinh đến việc học hỏi nơi Vị Thầy Đáng Kính lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ tha nhân. Được gợi hứng từ biến cố thiết lập bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, Đức Tổng giám mục đã giúp anh em chủng sinh hiểu sâu hơn về ý nghĩa và vai trò của thiên chức linh mục trong thế giới hôm nay. Từ đó, ngài mời gọi anh em chủng sinh hãy cố gắng hơn nữa trong việc tu luyện để có thể trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước..
Trong buổi nói chuyện với các chủng sinh của Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn sáng thứ năm ngày 28-04, đề cập đến vấn đề giáo dục và đào tạo tại Chủng viện, Đức TGM ngỏ ý muốn để lại cho các chủng sinh ba chữ: Học tập, Cầu nguyện và Kỷ luật. Học tập để biết Chúa Kitô. Cầu nguyện để gặp Chúa Kitô. Kỷ luật để nên trưởng thành như Chúa Kitô. Trưởng thành là biết làm chủ mình, điều khiển được bản thân của mình.
Được hỏi về hướng giải quyết khi có căng thẳng Đạo – Đời, Đức TGM mời gọi ngắm nhìn cách ứng xử của Đức Giêsu: “Trả cho Xêda những gì của Xêda, và trả cho Chúa những gì là của Chúa.” Chúa không làm cách mạng đánh đuổi người Rôma thì Giáo Hội cũng thế. Chúa Giêsu tôn trọng chính quyền, nhưng đồng thời Ngài cũng xác định sự tự do của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội không làm chính trị, nhưng đem Lời Chúa đến cho mọi người. Và Lời Chúa soi sáng mọi sự (WGPSG).
Tại Đại chủng viện Cần Thơ ngày 30-04, Đức TGM khuyên nhủ các chủng sinh hãy thực hiện 3 chữ: Prayer (cầu nguyện), Study (học hành) và Discipline (kỷ luật) (WGPSG).
Đời sống tu
Vào chiều thứ Ba ngày 26-4-2011, tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM đã có cuộc chào thăm và gặp gỡ trao đổi với hơn 400 tu sĩ Việt Nam và Đức TGM Girelli, vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam đã cầu chúc các tu sĩ luôn là chứng nhân cho cuộc hành trình đi từ Nấm Mồ đến cuộc Phục Sinh vinh hiển nhờ thực hiện ba lời khấn của mình (WGPSG).
Khi đến thăm Đan viện Cát Minh Sài Gòn vào chiều ngày 28-4, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo đã nói Dòng Kín là một trong những cột trụ chính của Giáo hội Việt Nam. Cột trụ thứ nhất là các nhà rao giảng Tin Mừng, mang Lời Chúa chiếu soi vùng đất này. Cột trụ thứ hai là các Thánh Tử đạo Việt Nam, lấy máu mình làm chứng cho niềm tin, và là hạt giống nảy sinh các tín hữu. Cột trụ thứ ba là Dòng Kín, là trái tim của Giáo Hội với đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ của mình (WGPSG).
Từ lo âu đến hy vọng
Chúng ta có thể xem câu trả lời của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli cho câu hỏi của một giáo dân trong cuộc gặp gỡ của ngài với giáo dân tại nhà thờ Chính tòa Sài Gòn về cảm tưởng của ngài khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Đại diện không thường trú tại Việt Nam và sau nhiều ngày tiếp xúc với Giáo Hội Việt Nam, như một kết luận cho bài tổng kết này:
“Tôi nhận được bài sai làm đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam trước lễ Giáng Sinh. Tôi nghĩ chắc Chúa cũng muốn sinh ra một lần nữa ở Việt Nam. Tôi thấy một phần vui, hãnh diện và tự hào; phần còn lại thì vừa lo lắng vừa có chút sợ hãi. Vui vì đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội, đặc biệt là đối với Việt Nam. Nó là sự thay đổi lâu dài, mặc dù là đại diện không thường trú, nhưng nó là một tương quan bình đẳng lâu dài. Sợ và lo âu, không biết có hoàn thành được sứ vụ mà Đức Thánh Cha giao cho mình hay không? Từ khi đến thăm viếng Việt Nam tới ngày hôm nay, sự tiếp đón nồng hậu, lòng tốt và sự quan tâm của anh chị em đã xóa hết tất cả những lo âu của tôi. Mặc dù tôi không được ở đây, nhưng tôi có thể nói với anh chị em là ngày hôm nay, tôi cảm thấy ở đây giống như ở nhà mình vậy. Tôi sẽ trở về Singapore cuối tuần này, nhưng tôi chắc chắn rằng tim tôi sẽ ở lại chỗ này.”