Từ bỏ tất cả để sống trong bốn bức tường của dòng tu có thể nào cũng là một niềm vui đối với một số người nào đó không? Sao lại phải che đi mái tóc óng mượt, là nét duyên dáng của người con gái, bằng lúp vải đậm màu? Sao lại phải khoác lên người chiếc áo vừa đơn sơ, vừa gợi buồn như thế? Những phút vui vầy nhảy nhót trên vũ trường không thú vị hơn cái thinh lặng đến lạnh người nơi nhà nguyện sao? Một cái ôm và nụ hôn nồng cháy bên người yêu mỗi dịp lễ không hấp dẫn hơn tràng chuỗi và cây thập giá kia à? … Người ta có thể nhìn về đời tu như một cái gì đó thánh thiêng và lạ kỳ không tả nỗi. Nhưng chắc là đã không ít lần ta tự hỏi: một đời sống bỏ mình, giản dị và âm thầm như thế liệu có niềm vui nào không?
Niềm vui đầu tiên của họ là những khoảnh khắc một mình ngồi với Chúa, lúc buồn cũng như lúc vui. Họ ngồi đấy một mình! Có khi có điều gì đó để nói, có lúc chẳng có gì để thưa, nhưng điều đó không quan trọng, chỉ cần một sự hiện diện thôi. Nhìn ngọn đèn chầu lấp lóe, họ thấy phận mình của nhỏ bé và chập chờn như bóng mây, nhưng lại được diễm phúc trở nên người thân cận với Chúa. Trong sự thinh lặng thâm sâu ấy, họ thấy mình được bình an đến vô chừng, một kiểu bình an vượt xa những ngôn từ hoa mĩ nhất. Họ như được chiếm hữu cả linh hồn để vui niềm vui khi không có gì cả và không còn là gì nữa. Mặc cho đời bon chen để kiếm bạc tiền và tôn thờ nó, họ lại cảm thấy một sự tự do vô cùng lớn khi tẩy sạch khỏi tâm trí và cõi lòng mình những bợn nhơ của thế tục nhân gian. Khoảnh khắc ngồi bên Chúa trở nên châu báu của họ, là viên ngọc quý giá mà họ đã vô tình tìm thấy nơi “thửa ruộng”, rồi bán hết tất cả những gì mình có để mua cho kỳ được. Ở với Chúa, họ như được trút bỏ những mệt mỏi, những hiểu lầm, những ganh tị, những chán nản và thậm chí cả nỗi cô đơn của kiếp người tại thế. Họ quỳ gối xuống, hướng lòng lên cao, lặng ngắm cây thập giá trên kia và cảm nghiệm về một tình yêu vô lượng vô biên vô bờ bến. Một sự ấm áp lạ kỳ bỗng lan tỏa khắp cơ thể và làm con tim họ như muốn vỡ òa lên niềm hạnh phúc vì cảm thấy mình được yêu, bất chấp họ tội lỗi, họ bất xứng, đã không biết bao nhiêu lần bội phản lại ân tình cao quý kia. Ở lại với Đấng mà họ yêu, đó là niềm vui ngọt ngào nhất khiến họ đánh đổi tất cả mà chẳng thấy thiệt thòi gì.
Là một con người của Chúa thì cũng đồng thời trở thành một con người của tha nhân. Họ trở thành người mà bất cứ ai cũng có thể tìm đến để trao gửi tâm tình, để tìm kiếm sự nâng đỡ và lời chỉ dẫn khôn ngoan. Người ta tin tưởng họ vì người ta nhìn thấy nơi họ một tâm hồn thật thanh thoát và sáng trong, không vướng bận bất cứ một hạt bụi hư danh nào. Người tu sĩ tự trói buộc mình với những lời khấn chính là để được tự do với của cải vật chất, với mọi mối tương quan và mọi ý nguyện sở thích riêng của mình. Nhờ đó, họ trở thành điểm tựa cho ai cần đến, là niềm an vui cho những kẻ buồn sầu. Họ kiên nhẫn ngồi lắng nghe từng tâm tư của người khác, họ thấu hiểu từng nỗi lòng mà người ta đang mang, mà không sợ phiền nhiễu hay mất thì giờ cho công việc riêng tư của mình. Họ khóc với người khóc để giọt nước mắt kia bớt đi vị chát đắng, họ cười với người cười để niềm hạnh phúc ấy được đậm nét yêu thương. Họ trải cõi lòng mình ra thật rộng để lan tỏa đến cho mọi người tình yêu nồng ấm mà họ đã lãnh nhận được từ trời cao. Họ trở thành nơi mà những ai không thể tìm đâu được lối thoát sẽ chạy đến để xin được chỉ đường. Không là của ai để trở thành người của tất cả, ấy cũng là một niềm vui trong đời sống hiến dâng.
Như cánh chim tung tăng bay lượn trên bầu trời tự do, người tu sĩ cũng nhẹ nhàng và thanh thoát như thế. Họ không phải là những người đi du lịch, tìm chỗ nghỉ dưỡng cho bản thân, nhưng là những con người luôn sẵn sàng ra đi để vun trồng Tin Mừng cứu rỗi. Đố ai có thể đếm được bao miền đất mà họ đã đi qua! Ngay cả khi giam mình trong dòng kín, tâm hồn người tu sĩ vẫn có thể vượt qua cánh cổng đan viện, vươn đến những mảnh đất nghèo tận trời xa. Một cảm giác không ai và không có gì có thể cầm giữ chân mình thật tuyệt dịu. Họ đến những nơi không ai muốn đến, họ gặp những người chẳng ai dám gặp, để nói những điều mà họ xác tín là chân lý cứu độ nhân gian. Đi đến đâu, họ nhóm lên ngọn lửa yêu thương, để mọi người được sống an vui trong an bình và thịnh vượng. Khi mọi thứ đã ổn định, họ âm thầm cất bước ra đi khi mặt trời còn đang say giấc, để tiếp tục tung bay đến miền đất mới, với cùng một nhiệt huyết và hăng say, mà chẳng cần ai ghi ơn hay tạc tượng kính nhớ. Họ cứ đi và đi mãi, như Giêsu, thần tượng của đời họ, cho đến khi đôi bàn chân bị ghim chặt vào cây thánh giá mới thôi. Mệt mỏi đấy, vất vả đấy… nhưng với họ, đó lại là niềm vui!
Thật lạ kỳ: sự thinh lặng, sự từ bỏ và sự ứng trực ra đi là thảm họa với nhiều người, nhưng lại trở thành niềm vui của người sống đời dâng hiến. Đối với các tu sĩ, thinh lặng không phải là tự kỷ nhưng là để gặp gỡ và chuyện trò; từ bỏ không phải là mất mát, nhưng là để có và sở hữu nhiều hơn; ứng trực ra đi không phải bấp bênh nhưng là để dựng xây và nối kết. Bằng chính lối sống của mình, người tu sĩ làm thức tỉnh thế giới khỏi giấc ngủ mê lầm của công danh, tiền tài và ngẫu tượng. Họ trở thành dấu chứng chắc chắn cho sự hiện hữu của Thiên Đàng, nơi mà người ta chỉ chăm chú hướng về Chúa và không còn một sự hăm hở nào về những phù hoa. Thế đấy, niềm vui của đời dâng hiến là được trở nên chiếc thang nối liền trời và đất, hệt như cây thập giá năm xưa đứng hiên ngang cho thân mình Đấng Cứu Tinh tựa vào mà chiến đấu với sự ác. Đời dâng hiến đích thực là một cây thập giá vì nó đòi phải hy sinh rất nhiều. Nhưng Chúa cần cây thập giá ấy để treo mình lên cao mà ban phát ơn cứu độ cho muôn dân nước. Ước gì mỗi người tu sĩ thực sự trở thành cây thập giá của Chúa, luôn nằm đằng sau Chúa, dính liền với Chúa, trở thành một khí cụ trong tay Chúa, và không bao giờ là một cản trở cho công cuộc cứu thế của Chúa. Niềm vui của đời dâng hiến chỉ đơn giản là thế thôi!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ