“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11,25).
Việc Đức Giêsu phục sinh luôn là chủ đề khiến biết bao người tranh cãi từ cổ chí kim. Người chống đối thì cho rằng đó là chuyện hoang đường bịa đặt. Làm gì có chuyện người chết sống lại! Hoặc có người Chúa Giêsu chỉ “làm bộ chết” để sau đó sống lại. Về ý kiến này, Giêsu thực sự đã chết trên Thánh giá chiều ngày áp lễ Vượt Qua với sự chứng kiến của biết bao người, sau đó Người được chôn cất trong mộ. Hơn nữa, tất cả các tài liệu gốc viết về Người đều chứng minh điều này.
Đối với những ai tin vào Thiên Chúa, dĩ nhiên đây là niềm vui vô bờ, vì từ đây Thiên Chúa đã chiến thắng tử thần. Đó là “sự chiến thắng của tính yêu trên sự chết.”(Bênêđictô XVI). Từ đó, lịch sử nhân loại mở ra một giai đoạn Cứu Độ. Ước mong trước biến cố này, người trẻ chúng ta xin cho mình cảm nhận được niềm vui của Chúa Phục sinh.
Một điều chắc chắn, nếu Đức Giêsu không sống lại, xin bạn đừng tin vào Người, đừng tin vào đạo Công giáo! Đó là lời quả quyết của Thánh Phaolô khi nói với chúng ta rằng: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích.” (1 Cr 15,14). Hay có lần Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết trong Đường Hy Vọng: “Nếu không có sự phục sinh thì người Công Giáo là hạng vô phúc nhất trần gian…”. Nhưng thật hạnh phúc cho chúng ta vì Giêsu đã sống lại thật! Bằng chứng?
Nếu có mặt trong những ngày lễ Vượt Qua năm đó, các bạn sẽ thấy các môn đệ và người dân hoang mang thất vọng vô cùng. Trước đó, họ tin Giêsu sẽ giải phóng dân tộc họ, sẽ làm những điều vĩ đại cho mỗi người và cho toàn dân. Thực tế thì ngược lại. Giêsu từ khi bị bắt, Người thực sự trở nên một con chiên bị sát tế. Nhất là khi Người chết trên thập giá, giấc mộng của các môn đệ tan thành mây khói. Kẻ chạy mất dép trong Vườn Cây Dầu, người về quê kiếm sống, người ở lại thì cửa đóng then cài. Nói chung không khí vô cùng ngột ngạt khó chịu khi Thầy Giêsu chết.
Chỉ có mấy người phụ nữ sáng sớm ngày thứ nhất, họ ra thăm mộ Giêsu. Trong đó có chị Maria Madalêna, là người thấy ngôi mộ trống và liền chạy về báo tin cho các môn đệ. Ngôi mộ trống chẳng thể chứng minh thuyết phục người ta. Nhưng đó là một dấu chỉ cho thấy có một sự kiện gì đó khác thường. Từ đó các ông đến xem và chỉ có bạn Gioan của chúng ta (lúc ấy Gioan còn rất trẻ) là tin Đức Giêsu đã sống lại.
Gioan nhớ như in những lời tiên báo khi Thầy con sống: “Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” (Mc 9,31). Sau đó, chính Đức Giêsu phục sinh hiện ra với chị Maria Madalêna. (Ga 20,16-17), Người hiện ra với một nhóm phụ nữ. (Mt 28,8-10). Người nhiều lần hiện ra với các tông đồ. (Lc 24,36, và Ga 20,26-29). Rất nhiều người dân cũng hạnh phúc diện kiến Giêsu Phục sinh. (1 Cr 15,6). Với những lần hiện ra như thế, các tông đồ tin rằng Thầy mình đã sống lại thật. Từ trạng thái đau buồn sợ hãi, giờ đây họ vui mừng can đảm loan báo Đức Giêsu phục sinh cho muôn dân. Các tông đồ[1] có lý để làm chứng cho Tin Mừng phục sinh, đến nỗi dám đánh đổi mạng sống mình.
Nếu lúc nào đó bạn hoang mang về niềm tin của mình, thật quý để bạn chiếm ngắm mầu nhiệm phục sinh. Đó là nền tảng cho mọi điều chúng ta tin. Hoặc nói như lời Đức Bênêđictô XVI:
“Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.”
Bởi đó người trẻ chúng ta có lý do để vui mừng và hy vọng. Vui vì Thiên Chúa tôi theo đã chiến thắng thần chết; hy vọng vì nhờ đó tôi cũng được chung hưởng vinh quang phục sinh với Người. Từ đó cả nhân loại, nhờ Giêsu Phục sinh, mà có thể chiến thắng sự chết.
Bạn thấy Chúa Giêsu phục sinh chưa? Phần tôi chỉ thấy tượng Chúa Giêsu phục sinh mỗi khi mừng lễ Phục sinh thôi. Sau khi sống lại Chúa Giêsu cho các tông đồ xác Người[2], Người ăn uống với họ. Nhưng chúng ta lưu ý rằng thân xác ấy không thuộc về trần gian nữa, mà Người hiện diện trong vinh quang với Chúa Cha. Đó là cách thế Người hằng hiện diện với chúng ta. Dù bất cứ nơi đâu và lúc nào, Giêsu Phục sinh luôn ở với bạn, cho dù chúng ta không thấy một cách hữu hình. Trong ý nghĩa này, dường như chúng ta không được phép sống trong u buồn, sợ hãi. Theo đó nhà văn Friedrich Schiller chí lý khi quả quyết rằng:
“Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm và sống cuộc sống không có niềm vui của một người không có hy vọng.”
Đành rằng tuổi trẻ là thời gian thanh xuân và yêu đời, nhưng là người Công giáo, ước gì mỗi người trẻ chúng ta thấy niềm vui, tình yêu ấy xuất phát từ Chúa Phục sinh. Có Người, niềm vui tuổi trẻ sẽ tăng lên gấp bội, sức sống của người trẻ sẽ đủ sức xông pha giữa muôn ngàn gian khó. Ước gì bạn và tôi luôn để Chúa Phục Sinh chi phối cuộc đời, đừng để Người quá xa vắng trong mọi biến cố vui buồn của ta. Được như thế, sống vui tươi, sống khỏe mạnh và hạnh phúc và điều hoàn toàn có thể nơi người trẻ chúng ta.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
—–
[1] Tông đồ có ý chỉ người được sai đi, người loan tin. Chúa Giêsu chọn 12 Tông đồ. Trong đó có Giuđa Itcariốt là kẻ nộp Người
[2] “Sự sống của Đấng Phục Sinh không còn nằm trong lãnh vực của sinh học thể lý, của sự sống tự nhiên, nhưng vượt ra ngoài và vượt lên trên lãnh vực đó.” (Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, tr.329)