Anh chị em thân mến!
Trong trang Tin Mừng hôm nay (x. Lc 12, 32-48), Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của mình thường xuyên cảnh giác. Tại sao vậy? Là để hiểu được lối đi của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, bởi vì Thiên Chúa liên tục bước qua cuộc đời của mỗi người. Và Ngài chỉ cho thấy cách để sống tốt sự cảnh giác này : “Các con hãy sẵn sàng, hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (c. 35). Đó là cách sống. Trước hết, “thắt lưng cho gọn”, một hình ảnh nhắc lại thái độ của người hành hương, sẵn sàng lên đường. Thái độ đó không bắt nguồn từ ngôi nhà đầy tiện nghi và yên ổn, mà bắt nguồn từ việc từ bỏ chính mình, mở lòng ra với sự đơn sơ và tín thác vào lối bước của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng đang hướng dẫn chúng ta hướng đến mục đích tiếp theo. Thiên Chúa luôn đi cạnh chúng ta và thường xuyên đồng hành để hướng dẫn chúng ta, để chúng ta không mắc sai lầm trên bước đường khó khăn này. Thực vậy, người tin tưởng vào Chúa biết rõ rằng đời sống đức tin không phải là điều gì đó tĩnh tại nhưng là năng động! Đời sống đức tin là một hành trình liên lỉ, để hướng đến những giai đoạn mới, mà chính Thiên Chúa chỉ dẫn ngày này qua ngày khác. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên, Thiên Chúa của những điều mới mẽ, mới lạ thực sự.
Phong cách đầu tiên là “thắt lưng cho chặt”, tiếp đến chúng ta được yêu cầu phải cầm “đèn cháy sáng”, để có thể chiếu sáng bóng đêm. Nghĩa là chúng ta được mời gọi sống niềm tin đích thực và trưởng thành, có thể chiếu sáng mọi “bóng tối” của cuộc đời. Tất cả chúng ta đều biết điều đó, mỗi người đều có những ngày và đêm tối tâm linh thực sự. Ngọn đèn đức tin đòi phải được nuôi dưỡng liên tục, bằng sự gặp gỡ từ trái tim đến trái tim với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện và trong việc lắng nghe Lời Chúa. Tôi nhắc lại điều mà nhiều lần tôi đã nói với anh chị em : hãy luôn mang một cuốn Tin mừng nhỏ trong túi, trong giỏ xách để đọc. Đó là một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, gặp gỡ Lời của Ngài. Ngọn đèn gặp gỡ Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện và trong lời của Ngài được ủy thác cho chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người : do đó, không người nào có thể ẩn thân cách kín đáo trong sự chắc chắn về ơn cứu độ của mình mà không quan tâm đến tha nhân. Thật là một sự tưởng tượng khi tin rằng người ta có thể tự chiếu sáng lòng mình. Không, đó là tưởng tượng. Niềm tin đích thực mở lòng mình cho tha nhân và thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hiệp thông cụ thể với anh chị em, nhất là với những người đang sống trong sự túng nghèo.
Và để giúp chúng ta hiểu được thái độ này, Chúa Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn về những người đầy tớ đang đợi ông chủ đi ăn cưới trở về (x. 36-40), vì thế, tôi đang trình bày một khía cạnh khác của sự cảnh giác : đó là sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ sau cùng và dứt khoát với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta sẽ gặp Ngài, sẽ nhìn thấy Ngài vào ngày đó. Mỗi người trong chúng ta đều có ngày giờ gặp gỡ cuối cùng của riêng mình. Chúa nói : “phúc cho những đầy tớ nào khi chủ trở về mà vẫn còn tỉnh thức… và nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ” (x. c37-38). Bằng những lời ấy Chúa nhắc cho chúng ta biết rằng cuộc sống là một hành trình hướng về cõi vĩnh hằng; do đó, chúng ta được mời gọi phát triển tất cả mọi tài năng mà chúng ta có, đừng bao giờ quên rằng: “chúng ta không có thành trì bền vững nơi này, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Dt 13,14). Trong viễn cảnh này, mọi khoảnh khắc đều trở nên quý giá, vì vậy cần phải sống và hành động trên thế gian này bằng việc khao khát quê hương trên trời : chân đạp đất, đi trên mặt đất, làm việc trên mặt đất, làm điều tốt trên mặt đất, và tâm hồn thì hướng về trời.
Thực sự chúng ta không thể hiểu được cái cốt lõi của niềm vui tuyệt đỉnh này, nhưng Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu qua việc so sánh với ông chủ, người đang nhìn thấy những tôi tớ vẫn tỉnh thức khi ông trở về : “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c.37). Niềm vui vĩnh cửu nơi thiên đàng được biểu lộ như vậy đó : tình thế đảo ngược, và những người đầy tớ, tức là chúng ta, không còn phục vụ Thiên Chúa nữa, nhưng chính Thiên Chúa sẽ phục vụ chúng ta. Và đây là những gì mà giờ đây Chúa Giêsu làm : Ngài cầu nguyện cho chúng ta, Chúa đoái nhìn chúng ta và cầu nguyện cùng Cha cho chúng ta, Chúa Giêsu phục vụ chúng ta giờ này, Ngài là đầy tớ của chúng ta. Đây sẽ là niềm vui sau hết. Ý nghĩa về cuộc gặp gỡ sau cùng với Chúa Cha, giàu lòng thương xót, đong đầy niềm hy vọng cho chúng ta, và khích lệ chúng ta dấn thân không ngừng cho sự thánh hóa của chúng ta và để xây dựng một thế giới công bình và huynh đệ.
Nhờ lời cầu bầu của Đức trinh nữ Maria, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong sự dấn thân này.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: Vatican.va