Tin Giáo hội Giáo huấn Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục...

Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa chương 3 thư thứ nhất của thánh Phêrô, viết rằng: “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,8-9.14-15).

ĐTC nói: Thư thứ nhất của thánh Phêrô có một động lực ngoại thường. Cần phải đọc nó hai ba lần để hiểu năng lực ngoại thường ấy.  Nó trao ban an ủi và hoà bình lớn, vì khiến cho chúng ta nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhất là trong những lúc tế nhị khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhưng đâu là bí quyết của bức thư này? Đó là câu hỏi. Tôi biết là ngày hôm nay anh chị em sẽ lấy Tân Ước và tìm thư thánh Phêrô và đọc nó chậm chậm, để hiểu bí mật và sức mạnh của bức thư này. Đâu là bí quyết của bức thư này?   ĐTC trả lời như sau:

Bí quyết ở trong sự kiện bức thư này trực tiếp đâm rễ trong lễ Vượt Qua, nơi trọng tâm của mầu nhiệm mà chúng a đang cử hành, bằng cách làm cho chúng ta nhận ra ánh sáng và niềm vui phát xuất từ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thực sự sống lại, và đây là một lời chào cần trao cho nhau trong các ngày lễ Phục Sinh: “Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô đã sống lại!”, như biết bao nhiêu dân tộc vẫn làm. Chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô đã sống lại, Ngài sống giữa chúng ta. Ngài sống và ở trong từng người chúng ta. Chính vì vậy thánh Phêrô mạnh mẽ mời gọi chúng ta thờ lậy Chúa trong tim (c.16). Chúa đã ở trong đó từ khi chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội, và từ đó Ngài tiếp tục canh tân chúng ta và đổi mới cuộc sống chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu và Thần Khí của Ngài.

** Đó chính là lý do tại sao thánh Tông Đồ nhắn nhủ chúng ta giải thích lý do niềm hy vọng nơi chúng ta (c. 16): niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, không phải là một điện thoại di động, không phải là một mớ của cải giầu sang: không! Niềm hy vọng của chúng ta là một Người, là Chúa Giêsu, mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta, bởi vì Chúa Kitô đã phục sinh.

Các dân tộc slave chào nhau, thay vì nói “chào ban ngày” “chào ban chiều”, thì trong các ngày lễ Phục Sinh họ chào nhau với câu “Chúa Kitô đã sống lại”, “Christos voskrese!”. Và họ hạnh phúc nói điều đó! Đó là lời chào ban ngày và chào ban chiều họ trao cho chúng ta: “Chúa Kitô đã sống lại!”

Khi đó chúng ta hiểu rằng không phải trao ban lý do cho niềm hy vọng này trên binh diện lý thuyết, bằng lời nói, nhưng nhất là với chứng tá cuộc sống, và điều này ở bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn kitô. Nếu Chúa Kitô sống và ở trong chúng ta, trong con tim chúng ta, khi đó chúng ta cũng phải để cho Ngài hữu hình, không dấu kín Ngài và để ngài hành động trong chúng ta. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu phải luôn ngày càng  trở thành gương mẫu của chúng ta: gương mẫu cuộc sống và chúng ta phải học hành xử như Chúa đã hành xử. Làm cùng điều Chúa Giêsu đã làm. Niềm hy vọng ở trong chúng ta, như thế, không thể bị dấu kín trong chúng ta, trong con tim chúng ta: nó sẽ là một niềm hy vọng yếu ớt, không có can đảm đi ra ngoài, làm cho mình được thấy; nhưng niềm hy vọng của chúng ta, như lộ rõ trong thánh vịnh 33, mà thánh Phêrô trích lại nói, cần phải biểu lộ ra ngoài qua hình thái tuyệt diệu và không thể nhầm lẫn được của sự dịu dàng, tôn trọng và lòng tốt đối với tha nhân, cho tới chỗ tha thứ cho người làm điều ác cho chúng ta. Một người không có niềm hy vọng, không tha thứ được, không trao ban ủi an của sự tha thứ và không có sự an ủi tha thứ. 

** Phải, bởi vì Chúa Giêsu đã làm như thế và tiếp tục làm qua những kẻ biết nhường chỗ  trong con tim và cuộc sống của họ cho Ngài, với ý thức rằng sự dữ không được chiến thắng bằng sự dữ, nhưng với sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu. Các kẻ tội phạm mafia nghĩ rằng có thể chiến thắng sự dữ với sự dữ, và họ báo thù và làm biết bao điều mà tất cả chúng ta đều biết. Nhưng họ không biết sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu là gì. Tại sao vậy? Bởi những kẻ tội phạm mafia không có niềm hy vọng. Anh chị em hãy nghĩ tới điều ấy. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Đấy là lý do tại sao thánh Phêrô khẳng định rằng “đau khổ vì làm vịêc thiện thì tốt hơn vì làm điều ác” (c. 17): nó không muốn nói rằng đau khổ thì tốt, nhưng muốn nói rằng khi chúng ta khổ đau vì sự thiện, chúng ta hiệp thông với Chúa, là Đấng đã chấp nhận chịu khổ và bị đóng đinh trên thập giá để cứu rỗi chúng ta. Vậy cả chúng ta nữa trong các hoàn cảnh nhỏ bé nhất hay lớn lao nhất của cuộc sống, khi chúng ta  chấp nhận khổ đau vì sự thiện thì cũng như là chúng ta gieo vãi chung quanh mình các hạt giống của sự phục sinh và sự sống, và làm rạng ngời lên  trong bóng tối ánh sáng của lễ Phục Sinh.  Chính vì thế thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta luôn luôn trả lời “bằng cách cầu chúc sự lành” (c. 9): phúc lành không phải là một hình thức bề ngoài, không phải chỉ là dấu chỉ của sự lễ phép, nhưng là một ơn cao trọng, mà chúng ta là những người đầu tiên đã nhận lãnh và có khả thể chia sẻ với các anh chị em khác. Nó là lời loan báo tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không đo lường, không cạn kiệt, không bao giờ suy giảm và là nền tảng đích thật niềm hy vọng của chúng ta.

Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta cũng hiểu tại sao Tông Đồ Phêrô gọi chúng ta là “có phúc” khi chúng ta phải đau khổ vì công lý (c. 13) Không phải chỉ vì một lý do  luân lý hay khổ hạnh, mà bởi vì mỗi một lần chúng ta nhận lấy phần của nhừng người rốt hết, bị gạt bỏ ngoài lề, hay chúng ta không đáp trả sự dữ bằng sự dữ, nhưng tha thứ, không báo thù, tha thứ và chúc phúc, mỗi lần chúng ta làm điều này, là chúng ta rạng ngời lên như dấu chỉ sống động và toả sáng hy vọng, và như thế trở thành dụng cụ ủi an và hoà bình, theo con tim của Thiên Chúa. Như thế hãy tiến lên với sự dịu dàng, hiền hậu, dễ thương, và làm việc lành cả cho những người không yêu chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào sinh viên học sinh và tín hữu đến từ Pháp và Bỉ và cầu mong Chúa Kitô phục sinh sống trong tâm lòng chiếu sáng khiến cho họ trở thành dấu chỉ rạng ngời tình yêu của Chúa. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Indonesia, Hồng Kông, Malaysia, Đại Hàn, Việt Nam và Hoà Kỳ, đặc biệt nhóm các linh mục trường Bắc Mỹ đang theo học tại Roma. Ngài cầu chúc lộ trình Mùa Chay dẫn đưa mọi người tới niềm vui phục sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân trong ơn thánh của Chúa Thánh Thần.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, đặc biệt học sinh trường ĐHY von Galen Telgte và Maria Ward Neuburg bên sông Donau. Ngài cầu mong các lễ nghi Tuần Thánh giúp canh tân niềm tin phục sinh và giúp đem niềm hy vọng của Chúa Kitô đến với người khác.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC hy vọng Tuần Thánh giúp chiêm ngắm cuộc Khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Chúa, và giúp tín hữu trở thành dụng cụ tình yêu thương của Chúa cho mọi người.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC nói trong các ngày đầu tháng tư chúng ta nhớ tới biến cố Đức Gioan Phaolô II về nhà Cha. Ngài đã là một chứng nhân lớn của Chúa Kitô, là người nhiệt thành bênh vực đức tin,  đã chuyển hai sứ điệp lớn của lòng thương xót và Fatima cho thế giới. Sứ điệp thứ nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, và sứ điệp thứ hai liên quan tới chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên sự dữ, nhắc nhớ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Chúng ta hãy đón nhận các sứ điệp ấy để chúng thấm nhập cuộc sống và mở toang cửa lòng cho Chúa Kitô.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào gia đình các quân nhân đã ngã gục trong các sứ mệnh hoà bình do ĐC Santo Marcianò, Tổng tuyên uý quân đội Italia hướng dẫn, cộng đoàn Rwanda tại Italia, và các tiến sĩ Hiệp hội quốc gia nông nghiệp và rừng cây Italia, cũng như các thành viên tham dự đại hội do Hội đồng toà thánh Văn hóa tổ chức nhằm suy tư về tương lại nhân loại dưới ánh sáng các ngành y khoa và giá trị ngàn đời của luân lý. Ngài cũng chào cộng đoàn Gioan XXIII chuyên cứu giúp các phụ nữ nạn nhân của mại dâm, và mời tín hữu Roma tham dự buổi đi đàng Thánh Giá cho các phụ nữ bị đóng đanh vào ngày thứ sáu mùng 7 tháng tư tại Garbatella.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội mừng kính thánh Vinh Sơn Ferrer, dòng Đaminh. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nhân học nói chuyện với Chúa, tránh nói các lời vô ích và tai hại; người đau yếu học tín thác nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh trong mọi lúc như thánh nhân; và các cặp vợ chồng mới cưới xin thánh nhân bầu cử cho để biết quảng đại dấn thân trong sứ mệnh là cha mẹ gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời

Linh Tiến Khải

 

Exit mobile version