Tại Việt Nam, tuy đã có luật mới về Hôn nhân và Gia đình quy định rõ rệt những điều kiện kết hôn, nhưng Đạo Hiếu và việc thờ kính Tổ Tiên vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến tâm thức của nhiều người trong việc hôn nhân. Mục đích chính của hôn nhân, người ta vẫn nghĩ, đó là sinh con cái nối dõi tông đường. Mục tiêu này pha lẫn với việc đề cao thể diện, gia thế giàu có, thường ảnh hưởng đến ý kiến của cha mẹ, đến sự lựa chọn và quyết định của những người kết hôn. Do đó có thể làm phương hại đến sự ưng thuận trong hôn nhân và có thể làm cho việc kết hôn không thành sự.
1. Hôn phối bị ép buộc.
Luật Giáo Hội[1] và Luật Hôn Nhân Việt Nam[2] đều quy định: việc kết hôn là hoàn toàn tự do, không bị ép buộc bởi bất cứ ai. Nguyên tắc này phát xuất từ luật tự nhiên và áp dụng cho tất cả mọi cuộc kết hôn. Ở Việt Nam, sự nể sợ ý kiến cha mẹ, ông bà, dưới hình thức chu toàn Đạo Hiếu bị coi như là một loại áp lực khá nghiêm trọng. Có khi dẫn đến bạo lực thể lý, có khi là sự đẩy đuổi hắt hủi hay một sự chế tài về tiền bạc của cải như tước quyền thừa kế, nhưng thường là sự dọa nạt la rầy nặng nề, đối xử tàn tệ hoặc áp lực tâm lý khác. Những trường hợp này có thể trở thành nặng nề không chịu nổi và để cho yên chuyện, đẹp lòng cha mẹ, đành phải bằng lòng kết hôn[3]. Cũng có những trường hợp cha mẹ gả bán đứa con gái của mình cho một người giàu có để có của hồi môn nhiều, để trả nợ hoặc để giải quyết một khó khăn nào đó về dân sự[4].
Trong những trường hợp này, lý do để kết hôn là sự áp lực của gia đình, sự giàu có, sự thăng tiến xã hội hoặc một mục tiêu nào đó bên ngoài khiến cho cô gái phải vâng lời hoặc giả đò vâng lời cha mẹ. Cô ta vẫn bày tỏ ra bên ngoài sự ưng thuận một cách hợp luật, nhưng đối tượng của sự ưng thuận đã bị cố ý loại trừ. Có nghĩa là ngoài tỏ vẻ ưng thuận nhưng trong không muốn kết hôn với người đó[5]. Sự ưng thuận của cô gái bị thương tổn hay nói đúng hơn cô không ưng thuận. Như vậy hôn phối không thành.
2. Kết hôn với điều kiện.
Theo luật tự nhiên, hôn nhân là một sự dấn thân tự nguyện vào một định chế tự nhiên. Chế độ “đơn thê đơn phu” không những đáp ứng lại những đòi hỏi của luật tự nhiên, hỗ trợ cho sự kết hợp sống chung mà còn bảo đảm cho sự bình đẳng giữa người nam và người nữ. Trong khi đó việc chấp nhận đa thê, dầu như một biện pháp để đạt mục tiêu sinh con, thì cũng không chấp nhận được, vì nó hi sinh tính duy nhất và vĩnh viễn của hôn nhân. Do đó, khi người nam loại bỏ tính duy nhất và vĩnh viễn của hôn nhân, kết ước với điều kiện là người nữ phải có con thì việc kết ước ấy không thành. Vì chính trong trường hợp này, anh đã dành quyền được ra khỏi sự ràng buộc của lời cam kết để ly dị hoặc để lấy một người khác, hoặc vợ thứ[6]. Theo GL. đ.1084 §3, sự son sẻ (không có con) không ngăn cấm hay hủy bỏ hôn phối, trừ trường hợp ghi ở điều 1098- Ai kết hôn do bị lừa để ưng thuận về một phẩm cách nào đó của người kia, mà phẩm cách ấy xét về chính bản chất có thể gây xáo trộn trầm trọng cho cuộc sống chung vợ chồng, thì việc kết hôn đó không thành.
Về điều kiện trinh tiết cũng vậy. Đối với tâm thức người Việt Nam, đặc biệt ngày trước, trinh tiết của người con gái là điều kiện quan trọng cho việc kết hôn. Trong cử hành hôn phối, có thể có trường hợp khi trao lời cam kết, người nam dành quyền bỏ vợ nếu nàng không còn trinh tiết. Theo GL. đ.1102 §1, đây là một điều kiện tương lai, nên sự ưng thuận hôn nhân coi như chưa hoàn thành và được coi như một sự loại bỏ hoàn toàn. Do đó hôn phối không thành.
Vì thế, Giáo Hội khuyên các bậc cha mẹ, họ hng, không nên theo cách suy nghĩ cũ để ép uổng hay đặt điều kiện trong việc kết hôn của con cái bằng bất cứ hình thức, phương cách nào.