Những vấn đề chung quanh Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô
I. Thập giá
1. Nói tới Thập giá là nói tới đau khổ. Tại sao đức Giêsu lại phải chịu đau khổ như vậy?
Thánh Anselmô (1034-1109) đã để lại câu trả lời gây tác dụng sâu xa tới hậu thế, nhưng ngày nay đã bị chống đối. Thánh Anselmô dùng tới những phạm trù “xúc phạm và đền bù” (satisfactio) để giải thích lý do của cái chết của đức Giêsu trên thập giá. Học thuyết này có thể tóm tắt như sau:
Tội lỗi của con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa vô cùng, và đáng hình phạt phải chết đời đời. Đành rằng Thiên Chúa có thể tha thứ sự xúc phạm đó, nhưng làm như vậy thì không xứng hợp với lẽ công bằng. Sự xúc phạm cần phải được đền bù cân xứng. Thế nhưng tuy con người có khả năng phạm tội song lại không thể đền bù sự xúc phạm được, bởi lẽ sự xúc phạm tới Thiên Chúa có tính cách vô cùng, mà con người thì hữu hạn, cho nên đâu thể nào đền bù cân xứng được. Vì lẽ đó đức Kitô, Con Thiên Chúa, phải đứng ra chết thay cho con người để mà đền bù sự công thẳng của Thiên Chúa. Đức Kitô đã gánh chịu trên thân xác mình hết tất cả các sự đau khổ mà loài người đáng phải lãnh vì tội của mình (Cur Deus homo 2,18).
Lập luận vừa rồi rất phù hợp với quy tắc công lý pháp đình nhân loại (tương quan giữa tổn thiệt với đền bù), nhưng tiếc rằng nó lại không trung thực với hình ảnh của Thiên Chúa của Tân ước! Thiên Chúa đâu phải là một ông quan tòa khắc nghiệt, đòi tội nhân phải trả nợ cho tới đồng xu cuối cùng? Ngài là mục tử đi tìm con chiên lạc, ngài là người cha mở tiệc mừng đứa con hoang đàng trở về cơ mà!
Thay vì nhìn thập giá dưới góc cạnh của công lý đền bù, ta có thể nhìn nó dưới góc cạnh của tình yêu. “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con một của mình cho nó” (Ga 3,16; xc. Rom 8,32). Thiên Chúa yêu thương con người bất chấp tội lỗi của nó. Tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ nơi đức Giêsu. Đức Giêsu đã yêu thương ta nên đã trao hiến mình cho ta” (Ep 5,2). Đức Giêsu không nuôi dưỡng căm hờn đối với những kẻ đã giết mình cách oan ức, đối với những kẻ đã tỏ ra vô ơn bạc nghĩa. Ngài vẫn tiếp tục yêu họ, yêu cho đến chết, và còn cầu nguyện tha thứ cho ho nữa. Tấm gương yêu thương của đức Giêsu muốn hé mở cho con người tội lỗi thấy tình yêu của Chúa Cha: ngài không ngừng yêu thương họ và mời gọi họ hãy tin tưởng đón nhận tình yêu ấy, một tình yêu có khả năng tái tạo cuộc sống (= hòa giải canh tân; cuộc sống mới).
2. Ai chịu đau khổ trên thập giá?
Câu trả lời đã quá hiển nhiên rồi: đức Giêsu chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá. Thế nhưng vài tác giả muốn đi xa hơn. Đức tin đã chẳng nói rằng đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người đó ư? Nơi đức Kitô, hai bản tính đã chẳng kết hợp thành một ngôi vị đó sao? Thế thì thử hỏi: có thể nói được rằng đức Kitô đau khổ xét cả về nhân tính cũng như xét cả về thiên tính hay không? Nếu đức Kitô đau khổ xét cả về thiên tính, thì có thể nói được rằng Thiên Chúa đau khổ hay không? Nếu nói rằng Thiên Chúa đau khổ, thì có thể nói rằng cả Chúa Cha cũng đau khổ hay không?
Những câu hỏi này đi ngược với triết học cổ truyền về một Thiên Chúa bất biến, hằng cửu. Thế nhưng phải chăng đây chính là sự khác biệt căn bản giữa Thiên Chúa của Kinh thánh với Thiên Chúa của các triết gia? Thiên Chúa của Kinh thánh không lạnh lùng trơ trơ như tượng đá, nhưng là Thiên Chúa của lòng lân tuất, mủi lòng xót xa trước sự đau khổ cơ cực của con người. Những câu hỏi này đã được Lutêrô khêu lên và được Jurgen Moltmann (một thần học gia Tin lành ở thế kỷ 20) lặp lại và đào sâu thêm. Chủ trương về “một Thiên Chúa đau khổ nơi đức Kitô” cũng được các nhà thần học công giáo lưu ý, như: Hans Kung, Jean Galot, Hans Urs Von Balthasar. Tuy rằng các nhà thần học tỏ ra dè dặt khi nói về sự đau khổ của Thiên Chúa, nhưng ai nấy cũng đồng ý rằng cần phải nhìn ngắm thập giá của đức Kitô thì mới khám phá ra được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, một khuôn mặt không giống như các nhà triết học suy luận (thánh Phaolô đã chẳng gọi thập giá là sự điên rồ đối với triết học Hy lạp đó sao?), lại càng khác xa những điều mà cảm xúc tự nhiên phóng dọi lên.
Tiếng kêu của đức Giêsu trên thập giá “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi” (Mc 15,34) đã trở thành đề tài suy tư cho nhiều tác giả tu đức: phải chăng đức Giêsu đã cảm thấy sự cô đơn tuyệt đối ở trên thập giá?
Cho dù hiểu thế nào về sự bỏ rơi ấy, nhưng chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh liên đới hàm chứa trong cái chết của đức Giêsu: ngài chết vì người khác, cho người khác. Hai cánh tay giang ra như muốn ôm ấp tất cả mọi người.
II. Sự Phục sinh
Trong quá khứ, cao điểm của Kitô học là thập giá, nơi hoàn tất chương trình cứu chuộc, còn sự phục sinh được coi như một thứ phụ chương. Các tác phẩm Kitô học gần đây đã đặt sự phục sinh ở đầu và ở trung tâm. Sự phục sinh liên hệ tới thân thế cũng như sự nghiêp của đức Kitô.
1. Sự Phục sinh và thân thế của đức Kitô
Theo khuynh hướng Kitô học từ trên đi xuống (mô hình của Phúc âm thứ bốn) thì đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người. Còn theo khuynh hướng Kitô học từ dưới đi lên, thì đức Giêsu được Thiên Chúa tôn vinh qua việc phục sinh (mô hình của sách Tông đồ công vụ, thí dụ: 2,36;5,30-31; các thư của thánh Phaolô, thí dụ Rôma 1,3-4). Có thể dung hòa được hai khuynh hướng đó hay không? Đó là cả một vấn đề hóc búa được đặt ra cho các nhà chú giải Kinh thánh cũng như cho các nhà thần học. Dù sao chăng nữa, việc nghiên cứu các bản văn Tân ước cho thấy rằng sự phục sinh của đức Kitô không có nghĩa là cuộc cải tử hoàn sinh như kiểu phục sinh của ông Ladarô. Sự phục sinh của đức Kitô được diễn tả với những từ ngữ như : sự tôn vinh (Ga 12,23; 17,1; Cv 3,13) , trở về với Chúa Cha (Ga 13,13; 20,17), ngự bên hữu Chúa Cha (Cv 5,31; Rm 8,34; Col 3,1), được siêu tôn là Đức Chúa (Cv 2,33.26; Pl 2,9) , được đặt làm Chủ tể muôn loài thọ sinh (Cv 10,42; Rm 14,9; Kh 1,18). Nói cách khác, căn tính của đức Kitô được biểu lộ hoàn toàn nơi sự Phục sinh. Mầu nhiệm Nhập thể đã che khuất căn tính đó, bởi vì đức Kitô đã “tự hủy” (kenosis: Pl 2,7) chấp nhận thân phận tôi tớ.
2. Sự Phục sinh và sự nghiệp của đức Kitô
a- Sự phục sinh không những chỉ ảnh hưởng tới bản thân của đức Kitô mà còn có liên quan đến toàn thể chương trình cứu rỗi. Lời khẳng định của thánh Phaolô về thập giá của đức Kitô đã ghi sâu vào tâm khảm của các Kitô hữu: “Tôi không muốn biết chuyện gì khác ngoài đức Giêsu Kitô và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2); nhưng chúng ta hãy đọc tiếp lời khẳng định khác nữa không kém phần đanh thép: “Nếu đức Kitô dã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu đức Kitô đã không sống lại thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi” (1Cr 15,14.17). Nói khác đi, ơn cứu độ của chúng ta được hoàn tất nơi sự phục sinh của đức Kitô. Đức Kitô mở đầu sự sống lại cho toàn thể nhân loại, làm cho con người vượt thắng sự chết, biểu hiệu của sự dữ cuối cùng đè nặng trên thân phận con người. Chiều kích cứu độ của mầu nhiệm phục sinh được sách Giáo lý Hội thánh công giáo nói tới ở số 651-655.
b- Hơn thế nữa, dựa theo thư của thánh Phaolô gửi Roma 8,19-23, chúng ta có thể nói được rằng sự Phục sinh của đức Kitô không những chỉ mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại mà còn cho cả vũ trụ vật chất nữa. Thực vậy, trong khi nhiều triết thuyết và tôn giáo coi vật chất và thân xác là cái gì xấu xa bỉ ổi, thì đức tin Kitô giáo tuyên xưng rằng: Thiên Chúa đã nhận lấy một thân xác của con người qua việc nhập thể, và đã cho thân xác đó được hưởng vinh quang thiên quốc. Nơi thân xác vinh quang của đức Kitô, vật chất đã được cứu rỗi. Chúng ta có thể đọc thấy tư tưởng đó ở Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của công đồng Vaticano II, số 39.
c- Một khía cạnh khác của ơn cứu rỗi do mầu nhiệm Phục sinh là việc trao ban Thánh Thần xuống cho nhân loại. Chúng ta có thể đọc thấy tư tưởng này trong các tác phẩm của thánh Gioan và thánh Phaolô. Thánh thần được trút xuống cho nhân loại do đức Kitô phục sinh (Ga 20,22; 1Cr 15,45). Nơi khác, chúng ta đọc thấy rằng chính Thánh Thần đã phục sinh thân thể của đức Giêsu và sẽ phục sinh thân xác của chúng ta (Rm 8,11). Ngoài ra cần thêm rằng thân xác của đức Kitô phục sinh đã nên “thần khí” (2Cr 3,18), nhờ đó mà ngài có thể hiện diện với chúng ta khắp nơi khắp chốn mọi ngày cho đến tận thế. Thần học về sự hiện diện của đức Kitô trong bí tích Thánh thể cần được viết lại trong viễn ảnh đó. Vài lối nói như là:”Đức Kitô cô đơn ở trong nhà tạm, chúng ta hãy đến an ủi Ngài”, xem ra không đúng với sự thực. Đức Kitô phục sinh không còn cô đơn nữa! Cần phải nói ngược lại: chính chúng ta mới là kẻ cô đơn trên đường lữ thứ; vì thế chúng ta tìm đến đức Kitô để xin Ngài an ủi chúng ta qua “việc giải thích Sách thánh và qua việc bẻ bánh, như xưa Ngài đã làm cho các môn đệ trên đường về Emmaus”.
Hoa Trang
Thời sự Thần học – Số 16 -Tháng 06/1999