Những Trích Dẫn Tiêu Biểu Trong Tuân Huấn Niềm Vui Đức Tin của ĐTC Phanxicô

30

tông-huấnĐức Thánh Cha Phanxicô vừa mới công bố Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng). Trong Tông Huấn dài 224 trang này, ĐTC trình bày rất nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm: phúc âm hóa, hòa bình, bài giảng, công bình xã hội, gia đình, tôn trọng sáng tạo, đức tin và chính trị, đại kết, đối thoại liên tôn, và vai trò của người nữ và người giáo dân trong Giáo Hội.

Chỉ sau mấy ngày công bố, Tông Huấn này đã được người Công Giáo trên toàn thế giới đón nhận một cách hết sức tích cực. Linh mục James Martin, S.J. cho rằng “chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Một trong những từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong Tông huấn này chính là tình yêu (154 lần), tiếp đến là niềm vui (109 lần), người nghèo (91 lần), bình an (58 lần),… Vì Tông Huấn này khá dài và chưa có bản dịch việt ngữ, chúng tôi xin gửi đến quý vị độc giả một số đoạn trích tiêu biểu trong Tông Huấn này.

 

1.  Nguy cơ lớn nhất trong thế giới hôm nay, vốn bị lan tràn bởi chủ nghĩa tiêu thụ, là sự sầu khổ và cay đắng của một trái tim tự mãn nhưng đầy thèm muốn, háo hức theo đuổi những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị chai lỳ. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín bởi những mối bận tâm và tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được lắng nghe, niềm vui nhẹ nhàng của tình yêu Ngài không còn được cảm nhận, và khao khát về sự thiện sẽ bị tiêu tan.

2. Tôi mời gọi mọi Ki-tô hữu, ở mọi nơi, trong chính khoảnh khắc này, đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giê-su Ki-tô, hay ít nhất mở chính mình ra để Ngài đến mới mình. Tôi muốn các tín hữu làm điều này mỗi ngày. Đừng ai nghĩ rằng lời mời gọi này không có ý nghĩa với mình, vì “không ai bị loại ra khỏi niềm vui được Thiên Chúa mang đến”.

3. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; chính chúng ta là những người mệt mỏi tìm kiếm lòng thương xót của Người.

4. Tin Mừng, nơi phản chiếu vinh quang thập Giá Đức Ki-tô, luôn luôn mời gọi chúng ta hãy vui lên.

5. Có những Ki-tô hữu sống đời sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục sinh. Tôi biết rằng niềm vui ấy không phải được diễn tả cùng một cách trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, đặc biệt là trong những khoảnh khắc khó khăn. Niềm vui thích nghi và thay đổi, nhưng niềm vui luôn tồn tại ít nhất như một tia sáng phát xuất từ niềm xác tín cá nhân biết rằng mình được yêu thương vô vàn, vượt ra ngoài tất cả.

6. Thật không thích hợp cho Đức Giáo Hoàng thay thế các Giám Mục địa phương trong việc nhận định tất cả những vấn đề phát sinh trong lãnh thổ của các ngài. Theo nghĩa này, tôi cảm thấy cần phải thăng tiến một “sự phân quyền” bổ ích.

7. Vì tôi được mời gọi sống điều tôi đề nghị người khác, nên tôi cũng phải nghĩ về cuộc hoán cải của Đức Thánh Cha. Với tư cách là Giám Mục Roma, bổn phận của tôi là mở ra với những đề nghị giúp thực thi sứ vụ của tôi một cách trung thành hơn với ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn trao ban cho nó và cho nhu cầu truyền giáo hiện nay. (số 32)

8. Tất cả chân lý mạc khải rút ra từ cùng một nguồn mạch và được tin nhận nơi cùng một đức tin, nhưng một vài chân lý quan trọng hơn vì chúng trao ban một sự diễn tả trực tiếp đến trung tâm của Tin Mừng. Trong cốt lõi cơ bản này, điều tỏa sáng là vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ lộ trong Đức Giêsu Kitô Chịu Chết và Phục Sinh. (số 36)

9. Tôi muốn nhắc lại với các linh mục rằng tòa giải tội không phải là một tòa tra khảo nhưng đúng hơn là nơi gặp gỡ với lòng thương xót Thiên Chúa, khích lệ chúng ta để làm điều lành càng nhiều càng tốt. Một bước nhỏ, giữa bao nhiêu giới hạn của con người, làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn đời sống bề ngoài có vẻ luôn đúng mực nhưng không phải đương đầu với những thách đố đáng kể nào. Mọi người cần được sự an ủi và khích lệ của tình yêu cứu độ Thiên Chúa đụng chạm đến, một tình yêu nhiệm mầu vốn luôn hoạt động nơi mỗi người, vượt trên và vượt xa những lỗi lầm và sa ngã của họ. (44)

10. Bí Tích Thánh Thể, mặc dù là sự viên mãn của đời sống bí tích, không phải là một giải thưởng dành cho người hoàn thiện, nhưng là thần dược hữu hiện và lương thực dành cho kẻ yếu đuối. (47)

11. Tại sao khi một người già vô gia cư chết vì dãi gió dầm mưa lại chẳng ai quan tấm đến, nhưng khi thị trường chứng khoán rớt hai điểm lại trở thành một tin nóng hổi?

12. Đức Thánh Cha yêu thương mọi người, người giàu cũng như người nghèo, nhưng nhân danh Đức Ki-tô, ngài có nhiệm vụ nhắc nhở người giàu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo.

13. Sở dĩ thách đố tồn tại là để vượt qua! Chúng ta hãy là những người thực tế, nhưng đừng đánh mất niềm vui, lòng dũng cảm và sự dấn thân được đổ đầy bởi niềm hy vọng nơi chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị cướp đi niềm hăng say sứ mạng.

14. Nếu ai cảm thấy khó chịu vì những lời của tôi, tôi sẽ trả lời họ rằng tôi nói với họ với lòng yêu mến và với ý hướng tốt lành nhất, hoàn toàn không vì lợi ích cá nhân và ý thức hệ chính trị. Lời của tôi không phải là lời của một kẻ thù hay kẻ đối địch. Tôi chỉ quan tâm đến việc giúp đỡ những người đang làm nô lệ cho chủ nghĩa cá nhân, dững dưng và nảo trạng tập trung vào chính mình, giúp họ gỡ mình ra khỏi những xiềng xích vô giá trị ấy và để đạt đến một cách sống và một lối nghĩ nhân bản hơn, cao quý hơn và trổ sinh hoa trái nhiều hơn, và sẽ mang phẩm giá cho những ai hiện diện trên trái đất này.

15. Giáo hội không có ý muốn ngăn cản sự phát triển phi thường của khoa học. Trái lại, Giáo hội vui mừng và thậm chí là vui sướng đón nhận tiềm năng lớn lao mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Bất cứ khi nào khoa học – tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của mình – đưa ra những kết luận mà lý trí không thể từ chối, thì đức tin không đối nghịch với nó.

16.  “Là những người Ki-tô hữu, chúng ta không thể xem Do thái giáo là một tôn giáo xa lạ; chúng ta cũng không đánh đồng người Do thái với những người được mời gọi từ bỏ ngẫu tượng để quay về phục vụ Thiên Chúa đích thực.”

17. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành những Ki-tô hữu giữ vết thương của Chúa trong tầm tay. Nhưng Đức Giê-su muốn chúng ta đụng chạm đến nỗi đau con người, đụng chạm đến thân xác đau khổ của người khác. Ngài muốn chúng ta không còn tìm kiếm những nơi ẩn náu của cá nhân hay cộng đoàn để lẫn trốn vòng xoáy đau thương của con người, thay vào đó chúng ta phải đi vào thực tại của đời sống con người và cảm nhận được sức mạnh của sự thắm thiết dịu dàng. Bất cứ khi nào làm như thế, đời sống chúng ta sẽ trở nên tuyệt diệu và chúng ta kinh nghiệm một cách mạnh mẽ cái gì là trở nên một dân, một phần của một dân.

Nguyễn Minh Triệu sj