Những thách thức đang chờ Đức Giáo hoàng mới

67

Những thách thức đang chờ Đức Giáo hoàng mới

Mật nghị hồng y tại Vatican đã có kết quả với việc bầu một hồng y người Agentina làm người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Báo chí Pháp ngày 14-3-2013 dành ưu tiên đặc biệt cho sự kiện này với nhận định chung: Đức Giáo hoàng mới là niềm kỳ vọng cải cách Giáo Hội cùng với những nhiều hồ sơ hóc búa mà những người tiền nhiệm chưa xử lý xong.

Nhật báo Công giáo La Croix đăng một bức ảnh lớn của Đức Giáo hoàng vừa được bầu – Giáo hoàng Phanxicô – với dòng tựa “Đức Giáo hoàng đến từ phía nam”. Nhật báo cánh tả Pháp Libération cũng dành trang nhất đăng ảnh vị tân Giáo hoàng cùng với các hồng y tham gia Mật nghị đứng trên ban công Đại Thánh đường Thánh Phêrô để chào giáo dân. Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro cũng dành trang nhất đăng ảnh người vừa đắc cử Giáo hoàng với hàng tít lớn: “Phanxicô, Đức Giáo hoàng của tình bác ái”.

Cả ba tờ báo đều ghi nhận rằng Giáo hội Công giáo La Mã vừa trải qua hai sự kiện đặc biệt: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm là một sự kiện đặc biệt xưa nay hiếm, và giờ đây các hồng y tham gia mật nghị đã bầu một người thuộc Dòng Tên đầu tiên và là người Mỹ Latinh đầu tiên vào vị trí Giáo hoàng.

Cả ba tờ báo đều ghi nhận về xuất thân bình dân của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Qua đó, các tờ báo lược lại cuộc sống giản dị và gần gũi tầng lớp bình dân của tân Giáo hoàng. Từ đó, các tờ báo nhận định, Giáo hoàng Phanxicô là “Đức Giáo hoàng của người nghèo”, luôn biết lắng nghe tiếng nói của những người bất hạnh nhất trong xã hội.

Le Figaro bày tỏ lạc quan khi đăng bài xã luận trên trang nhất với dòng tựa: “Gương mặt của niềm hy vọng”; Libération cũng có bài xã luận mang tên “Quyền lực”; và La Croix thì đăng bài xã luận: “Bắt đầu một chặng đường”. Cả ba bài xã luận đều cho rằng Giáo hoàng Phanxicô là một nhân vật mang tính “chuyển tiếp”, là nhân vật có thể đứng giữa hai cánh bảo thủ và canh tân trong Giáo hội Công giáo.

Nhiều thách thức đang chờ đón Giáo hoàng Phanxicô

Chính vì ngài là niềm kỳ vọng, nên trên vai ngài sẽ là một gánh nặng của những yêu cầu cải tổ. Về chủ đề này, La Croix đăng bài: “10 hồ sơ nóng của vị tân Giáo hoàng”; Libération thì có bài: “5 việc chờ đón Giáo hoàng Phanxicô”. Cả hai tờ báo đều tập trung vào một số hồ sơ được cho là những thách thức lớn nhất của tân Giáo hoàng Phanxicô.ITALY-VATICAN-POPE-PRAYER-SANTA MARIA MAGGIORE

Thứ nhất là hồ sơ cải cách Giáo hội Công giáo. Hai tờ báo nêu rõ, trải qua nhiều vụ tai tiếng thời gian qua, uy tín và hình ảnh của Giáo hội Công giáo đã bị tổn hại. Nào là những xì căn đan lạm dụng tình dục, nào là sự thiếu minh bạch tài chính, nào là bị chỉ trích không theo kịp thời đại… Đó là những hồ sơ hóc búa cần phải xử lý của người kế nhiệm Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Thứ hai là hiện tượng suy yếu của Công giáo tại Châu Âu. Một trong những minh chứng được đưa ra, là chỉ trong vòng 10 năm, số trẻ em con nhà Công giáo được rửa tội tại Pháp đã giảm đến 100.000 lượt. Các tờ báo nhận định, xì căn đan các tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em rùm beng ở Đức, Ireland, hay ở Bỉ, đã góp phần vào việc mất uy tín của Công giáo tại Châu Âu.

Thứ ba là vấn đề quan hệ với Hồi giáo. Vấn đề này nổi lên trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo. Vatican tỏ ra lo lắng cho số phận của những người Công giáo chiếm thiểu số trong các xã hội có đa số là người Hồi giáo.

Kế đến là những vấn đề liên quan đến xã hội hiện đại, như phá thai hay hôn nhân đồng tính. Những vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc tín hữu Công giáo.

Đặc biệt đáng chú ý là Libération nêu ra hồ sơ Công giáo tại Trung Quốc và cho rằng đó cũng là một trong những thử thách đang chờ Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tờ báo nhắc lại, từ nhiều năm nay, tại Trung Quốc đã tồn tại hai Giáo hội Công giáo, một hoạt động chính thức do nhà nước Trung Quốc điều khiển, một hoạt động ngầm hướng về Vatican. Vấn đề là làm sao biết được bên nào trong hai giáo hội nêu trên có ảnh hưởng nhiều hơn đến tín đồ Công giáo tại Trung Quốc, làm sao định lượng được mức độ tự do của các tín đồ Công giáo ở đất nước này.

Tóm lại, hàng loạt khó khăn đang chờ tân Giáo hoàng Phanxicô. Và cũng như tờ báo Công giáo La Croix đặt tựa cho bài xã luận của mình: “Điểm khởi đầu của một chặng đường”. Hay như nhận định trong bài xã luận của nhật báo Libération là liệu vị tân Giáo hoàng “sẽ dẫn dắt Giáo Hội và tín hữu về một hướng cởi mở hơn đối với các vấn đề liên quan đến phụ nữ, đến giới tính; hay là ngài cũng sẽ cứng nhắc như những người tiền nhiệm”.

Thế nhưng, dù sao thì sự bầu chọn Giáo hoàng Phanxicô, một người Dòng Tên đầu tiên và là người Mỹ Latinh đầu tiên, cũng cho thấy một tín hiệu cởi mở trong Giáo hội Công giáo, cũng cho thấy một tương lai có nhiều hy vọng như tựa đề của bài xã luận của tờ Le Figaro: “Gương mặt của niềm hy vọng”.

 Lê Phước

Nguồn: RFI