Những thách đố đối với Đức Tin trong xã hội hôm nay
Thế nhưng, sống trong xã hội hôm nay, người tín hữu Việt Nam đang phải đối diện với những thách đố như là những nguyên nhân chính làm cho nhiều người đánh mất Đức Tin, hoặc xa rời Giáo Hội và dửng dưng với việc thực hành Đạo.
Trong bối cảnh của Năm Đức Tin, chúng ta cùng suy nghĩ về những thách đố tiêu biểu đối với Đức Tin:
1- Vô thần duy vật
Thách đố trước hết đối với Đức Tin chính là môi trường mà chúng ta đang sống và “hít thở”, đó là một xã hội vô thần duy vật. Đây một xã hội tự bản chất chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và quyền lực. Sự chối bỏ Thiên Chúa sẽ là nguyên nhân đưa tới sự sa đọa của con người và xã hội. Khi một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, người ta sẽ tạo ra những “thiên chúa khác” nơi một con người hoặc nơi vật chất như người Do Thái trong Cựu Ước đã đúc ‘bò vàng” để thờ như thờ Thiên Chúa. Xã hội chạy theo sức hấp dẫn của đồng tiền. Của cải và quyền lực lên ngôi. Thang giá trị đạo đức bị đảo lộn. Người ta tôn thờ tiền thành tiên. Có tiền mua tiên cũng được! Người ta tìm cách kiếm tiền để có quyền và có quyền thì càng kiếm được nhiều tiền. Người ta đề cao những gì “mình có” mà ít quan tâm và trau dồi những gì “mình là”. Đồng tiền trở thành phép thử. Muốn biết một người như thế nào thì hãy “nhúng người đó vào dung dịch đồng tiền”. Trong xã hội đó, nhiều người Công Giáo cũng bị cuốn vào ma lực của đồng tiền, nên đánh mất Niềm Tin, xa rời Giáo Hội. Trước thách đố này, chúng ta cần nhớ lại Lời Chúa dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6, 24).
2- Gian dối và lừa lọc lên ngôi
Thách đố thứ hai của Đức Tin đó là xã hội Việt Nam đang bị báo động bởi đầy dẫy những bất công, lạm quyền và giả dối lan tràn. Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Mấy câu thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội:
“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi,
Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,
Chân lý chân giò một giá thôi.”
Sống trong môi trường như thế, nhiều người lập luận: người ta gian dối mà mình trung thực là mình thiệt! Có những người Công Giáo cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận đủ cách để làm sao mình có lợi.
Chúa Giêsu dạy chúng ta – những người tin vào Người, hãy sống thật thà và ngay thẳng dù phải trả giá vì niềm tin: “Có thì nói có, không thì nói không. Còn thêm thắt điều gì là do Ma Quỷ” (Mt 5, 37).
3- Sự đề cao hưởng thụ cá nhân
Chưa hết, chúng ta đang phải đối diện với một nền văn hóa bị thống trị bởi lối sống hưởng thục ích kỷ, trong đó, con người chạy theo lối sống hưởng thụ cá nhân, biến người khác như một món hàng để chiếm đoạt và mua bán. Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau tương quan trao đổi và lợi ích kinh tế. Xã hội này đã sinh ra những đứa con “quái thai” trong cách sống: bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ! Khi sống theo lối sống này, con người trở nên ích kỷ, quy ngã, hời hợt, và ít quan tâm đến người khác, thiếu khả năng liên vị, không biết tôn trọng và yêu thương người khác. Quan sát cách hành xử của người Việt Nam ở nơi công cộng và nhất là khi tham gia giao thông, ta cũng thấy người ta tranh giành nhau, chụp giật và manh mún theo kiểu mạnh ai người ấy thắng, cá lớn nuốt cá bé. Cách sống nói lên não trạng và tâm tính con người hôm nay. Đó là một tình trạng đáng buồn cho xã hội Việt Nam hôm nay!
Người Công giáo cần thức tỉnh trước những lối sống này. Tin Mừng của Chúa Giêsu dạy chúng ta sống quảng đại, biết tôn trọng và yêu thương người khác như chính mình (Mt 22, 38-39).
4- Chủ trương duy tương đối
Còn có một thách đố lớn hơn đối với Đức Tin mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo, đó là chủ trương duy tương đối. Chủ trương này khiến cho con người hôm nay không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mục luân lý hay giá trị đạo đức khách quan nào nữa. Tất cả là tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý và sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân. Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay.
Để chống lại lối sống này, người Công giáo được mời gọi trở về với các Chân Lý Đức Tin, trung thành với các giá trị Tin Mừng và kiên nhẫn thực hành Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống của mình.
Thay lời kết
Trên đây là những thách đố của Đức Tin mà chúng ta có thể kể ra. Những lối sống và não trạng trên không chỉ phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới, nhưng chúng đã và đang len lỏi vào các ngõ xóm, các xứ đạo của Việt Nam. Đức Tin của người Kitô hữu như con thuyền giữa biển khơi, bị đong đưa, trôi dạt bởi những làn sóng đó.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có lý khi khẳng định: “Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo là điều tiêu biểu cho một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội ngày nay” (Phát biểu tại Assisi nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-2011). Theo Đức Thánh Cha, nguyên nhân sâu xa của những thách thức đối với Giáo Hội ngày nay là khủng hoảng Đức Tin. Hơn bao giờ hết, con người cần có Thiên Chúa; nếu không có Thiên Chúa, trần gian sẽ biến thành hỏa ngục.
Có lẽ đây là một trong những lý do chính mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI quyết định mở Năm Đức Tin cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Năm Đức Tin là thời gian và cơ hội quý báu giúp mọi Kitô hữu “tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô” đồng thời, “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” (Tự sắc Porta Fidei, số 2 và 9).
Ngày khai mạc Năm Đức Tin 14/10/2012 tại Giáo Phận Vinh
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương