Những tật xấu và các nhân đức. Bài 9: Ghen tị và kiêu ngạo

35
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô về những tật xấu và các nhân đức.
 
Bài 9: Ghen tị và kiêu ngạo
Vatican Media
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta xem xét hai tật xấu chết người mà chúng ta thấy trong các bản liệt kê lớn mà truyền thống tâm linh đã để lại cho chúng ta: ghen tị và kiêu ngạo.
Chúng ta bắt đầu với ghen tị. Nếu đọc trong Kinh thánh (x. St 4), chúng ta thấy dường như nó là một tật xấu lâu đời nhất: lòng căm thù của Cain đối với Abel bùng lên khi anh ta nhận ra rằng những hy sinh của em mình đều đẹp lòng Chúa. Cain là con đầu lòng của Adam và Eva, là người đã hưởng phần gia tài đáng kể của cha mình. Tuy nhiên, chỉ cần một chút thành công của người em mình là Abel cũng khiến cho Cain trở nên buồn rầu. Vẻ mặt của người ghen tị luôn buồn rầu: ánh mắt cúi xuống, có vẻ anh ta liên tục thăm dò mặt đất, nhưng thực ra anh không thấy gì cả, bởi vì tâm trí của anh bị che lấp bởi những tư tưởng xấu xa. Ghen tị, nếu không được kiểm soát, nó dẫn đến sự căm ghét người khác. Abel bị giết bởi tay Cain, kẻ không chịu đựng nổi hạnh phúc của em mình.
Ghen tị là một tội ác được nghiên cứu không chỉ trong môi trường kitô giáo: nó đã thu hút sự chú ý của các triết gia và các học giả thuộc mọi nền văn hóa. Về cơ bản, có một mối tương quan giữa yêu và ghét. Bạn muốn sự ác cho người khác, nhưng bạn đang thầm muốn giống như người đó. Tha nhân là sự tỏ mình của điều mà chúng ta muốn sẽ trở thành, và thực tế thì chúng ta không phải như vậy. Sự may mắn của người khác dường như là sự bất công đối với chúng ta: chắc chắn – chúng ta nghĩ – mình xứng đáng nhận được những thành quả hoặc vận may tốt đẹp hơn người đó.
Căn nguyên của tật xấu này chính là ý niệm sai lầm về Thiên Chúa: chúng ta không chấp nhận rằng Thiên Chúa có “phép toán” của Ngài và nó khác với chúng ta. Ví dụ, trong dụ ngôn của Chúa Giêsu và những người thợ được ông chủ gọi đi làm vườn nho cho ông vào những giờ khác nhau trong ngày. Những người đến trước tin rằng họ được trả lương cao hơn những người đến sau cùng. Nhưng ông chủ trả lương cho tất cả mọi người như nhau và ông nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 15). Chúng ta muốn áp đặt cái luận lý ích kỷ của mình lên Thiên Chúa, trái lại luận lý của Thiên Chúa là tình yêu. Những của cải mà Chúa ban cho chúng ta được dùng để chia sẻ. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô khích lệ các Kitô hữu: “Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Đây là phương thuốc cho sự ghen tị!
Chúng ta chuyển sang tật xấu thứ hai mà chúng ta xem xét hôm nay: kiêu ngạo. Nó song hành với con quỷ ghen tỵ, và cả hai tật xấu này đều tiêu biểu cho người đang khát vọng trở thành trung tâm của thế giới, tự do bóc lột mọi thứ và mọi người, đối tượng của mọi lời khen ngợi và yêu mến. Kiêu ngạo là thổi phồng lòng tự trọng và vô căn cứ. Người kiêu căng sở hữu một “cái tôi” cồng kềnh: không có sự đồng cảm và không nhận rằng trên thế giới này ngoài mình ra còn có người khác nữa. Các mối quan hệ của người đó luôn mang tính công cụ, được đánh dấu bởi sự áp bức người khác. Con người của anh ta, những chiến công, thành công của anh ta phải được cho mọi người thấy: mãi mãi anh luôn là kẻ ăn mày sự chú ý. Và nếu đôi khi những phẩm chất của anh ta không được thừa nhận tức thì anh ta trở nên giận dữ. Những người khác thật bất công, họ không hiểu, không xứng tầm. Evagrius Ponticus, trong một bài viết của mình đã mô tả câu chuyện cay đắng của một số tu sĩ bị trừng phạt vì kiêu căng. Chuyện xảy ra là sau những thành công đầu tiên trong đời sống thiêng liêng, vị đó cảm thấy mình đã đến đích, và rồi anh lao vào thế giới để nhận được lời khen ngợi. Nhưng anh ta không hiểu rằng anh chỉ mới bắt đầu lộ trình thiêng liêng, và cơn cám dỗ rình rập sớm khiến anh ta sa ngã.
Để chữa lành kẻ kiêu ngạo, các bậc thầy tâm linh không đưa ra nhiều phương thuốc. Bởi vì, xét cho cùng chứng kiêu ngạo tự nó có phương thuốc để chữa trị: những lời khen ngợi mà kẻ kiêu căng hy vọng gặt hái được trên thế gian sớm sẽ quay lưng lại với anh ta. Và biết bao nhiêu người bị lừa phỉnh bởi hình ảnh sai lầm về bản thân, sau đó đã rơi vào những lỗi lầm mà họ sớm sẽ xấu hổ.
Hướng dẫn hay nhất để thắng vượt thói kiêu căng có thể tìm thấy nơi chứng từ của thánh Phaolô. Vị Tông đồ luôn phải đối mặt với một khuyết điểm mà ngài không bao giờ có thể khắc phục được. Ba lần cầu xin Chúa giải cứu ngài khỏi đau khổ ấy, nhưng cuối cùng Chúa Giêsu đã trả lời: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Từ ngày đó Phaolô được thả tự do. Và kết luận của ngài cũng phải là của chúng ta : “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cor 12:9).
G. Võ Tá Hoàng