Những tật xấu và các nhân đức. Bài 10: Tính kiêu ngạo

29
Bài giáo lý của Đức Thánh cha Phanxicô về những tật xấu và các nhân đức.
Bài 10: Tính kiêu ngạo
Vatican Media

Anh chị em thân mến,
Trong hành trình các bài giáo lý về những tật xấu và các nhân đức, hôm nay chúng ta nói đến tật xấu cuối cùng: tính kiêu ngạo. Người Hy Lạp cổ đại đã định nghĩa nó bằng một từ, có thể dịch là “huy hoàng thái quá”. Thực vậy kiêu ngạo là tự đề cao mình, tự phụ, phù phiếm. Từ này cũng xuất hiện trong loạt các tật xấu mà Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng sự ác luôn phát xuất từ tâm hồn con người (x. Mc 7, 22). Người kiêu ngạo là người nghĩ rằng mình giỏi hơn nhiều so với thực tế, là người háo hức muốn được thừa nhận mình hơn người khác, luôn muốn thấy công lao của mình được công nhận và khinh thường người khác, coi họ thấp kém hơn.
Từ diễn tả đầu tiên này, chúng ta thấy thói kiêu ngạo rất gần với tính tự dương tự đắc mà chúng ta đã trình bày trong bài trước. Tuy nhiên, nếu kiêu ngạo là căn bệnh của bản ngã con người, nó vẫn là một căn bệnh trẻ con khi so sánh với khả năng tàn phá mà kiêu ngạo có thể gây ra. Khi phân tích sự điên rồ của con người, các tu sĩ cổ đại đã nhận ra một trật tự nhất định trong chuỗi các điều xấu: bắt đầu từ những tội ghê tởm nhất, chẳng hạn như háu ăn cho đến những quái vật đáng lo ngại nhất. Trong tất cả các tật xấu thì kiêu ngạo là nữ hoàng vĩ đại. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thần khúc, Dante đặt nó ngay vào tầng luyện ngục đầu tiên: người nhượng bộ tật xấu này đều ở xa Chúa, và việc sửa đổi tật xấu này đòi hỏi thời gian và nhiều công sức hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác mà người Kitô hữu được kêu gọi.
Thực ra, bên trong sự ác này ẩn chứa tội lỗi căn bản, là tuyên bố muốn giống như Thiên Chúa. Tội của nguyên tổ chúng ta được kể trong sách sáng thế, xét cho cùng đó là tội kiêu ngạo. Tên cám dỗ nói: “Ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên giống như Thiên Chúa” (St 3,5). Các tác giả về linh đạo chú trọng vào việc mô tả những hậu quả của tính kiêu ngạo trong cuộc sống hàng ngày, để minh họa cách nó hủy hoại các mối quan hệ giữa con người với con người, để nêu bật cái ác này đầu độc tình huynh đệ mà lẽ ra phải hợp nhất con người như thế nào.
Sau đây là danh sách dài các triệu chứng cho thấy một người đang sa vào thói kiêu ngạo. Đó là một tội ác với biểu hiện thể lý rõ ràng: kiêu ngạo là một người tự phụ, “cứng cổ”, tức là cái cổ không cúi xuống được. Đó là một người có xu hướng xét đoán khinh người: tự dưng anh ta đưa ra những câu nói không thể thay đổi đối với những người khác, những người mà đối với anh ta dường như là những người kém cỏi và không có khả năng bào chữa. Trong sự kiêu ngạo của mình, chúng ta quên rằng trong Tin mừng Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta rất ít điều luật đạo đức, nhưng Ngài tỏ ra không khoan nhượng đối với một trong số điều luật đó : đừng bao giờ phán xét. Bạn nhận ra rằng mình đang đối mặt với một người kiêu ngạo khi đưa ra một lời chỉ trích nhẹ nhàng mang tính xây dựng hoặc một nhận xét hoàn toàn vô hại, anh ta phản ứng một cách quá đáng, như thể ai đó đã làm hại sự uy nghi của anh: anh ta nổi cơn thịnh nộ, la hét, cắt đứt mối quan hệ với người khác một cách bực bội.
Không có nhiều cách để ta có thể làm được với một người mắc bệnh kiêu ngạo. Không thể nói chuyện với họ, càng không thể sửa sai họ, để rồi vào một ngày họ không còn hiện diện với chính mình nữa. Bạn chỉ cần kiên nhẫn với người đó, vì đến một ngày nào đó tòa nhà của họ sẽ sụp đổ. Tục ngữ Ý có câu: “Kiêu ngạo đi bằng ngựa và trở về bằng đôi chân”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu phải đối mặt với nhiều người kiêu ngạo, và Ngài thường vạch trần tật xấu này ngay cả với những người giấu rất kín. Thánh Phêrô tự hào khoe trương lòng trung thành của mình: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (x Mt 26,33). Thế nhưng, Phêrô sớm trải nghiệm như những người khác, ông quá sợ hãi khi đối mặt với cái chết và ông không tưởng tượng được nó có thể quá gần đến như vậy. Và rồi Phêrô thứ hai, người không ngước cằm lên mà rơi những giọt lệ mặn chát, sẽ được Chúa Giêsu chữa lành và cuối cùng cũng đủ sức mang gánh nặng của Giáo hội. Trước đây Phêrô đã tỏ ra khoe khoang mà lẽ ra không cần phải phô trương, thay vào đó, giờ đây ngài là một môn đệ trung thành, như trong dụ ngôn, ông chủ có thể giao phó việc “quản lý mọi tài sản của ông” (Lc 12,44).
Ơn cứu rỗi đến từ sự khiêm nhường, phương thuốc thực sự cho mọi hành vi kiêu ngạo. Trong bài Magnificat, Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa, Đấng bằng quyền năng của mình xua trừ những kẻ kiêu căng với những ý nghĩ bệnh hoạn của tâm hồn họ. Việc cướp đoạt bất cứ điều gì từ Chúa là vô ích, như nhưng kẻ kiêu ngạo hy vọng thực hiện, bởi vì suy cho cùng thì Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta mọi thứ. Vì thế, Tông đồ Giacôbê, trước cộng đoàn của mình bị tổn thương bởi những cuộc đấu tranh nội bộ bắt nguồn từ lòng kiêu ngạo, ngài viết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân sủng cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6)…
Vì thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tận dụng Mùa Chay này để chiến đấu chống lại tính kiêu ngạo của mình.
G. Võ Tá Hoàng