GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Những tâm tình thiết yếu để mừng Kim khánh , Ngân khánh

Những tâm tình thiết yếu để mừng Kim khánh , Ngân khánh

  1. Tâm tình BIẾT ƠN

Thánh Lễ là chóp đỉnh và trung tâm của đời sống cầu nguyện và thờ phượng, cũng như đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Tất cả đều xuất phát từ Thánh Lễ và qui hướng về Thánh Lễ, vốn chính là mầu nhiệm tạ ơn. Chính Chúa Giêsu đã đòi hỏi lòng biết ơn đó khi chữa lành mười người phung cùi (x. Lc 17, 11-19). Và cũng chính Ngài làm gương cho chúng ta trong việc biết ơn Thiên Chúa (x. Mt 11,25; Lc 10,21).

Lòng biết ơn giống như chiếc chìa khóa vạn năng mở được tất cả mọi cánh cửa, mà quan trọng nhất là cửa lòng, lòng Chúa và lòng người. Trái lại, lòng vô ơn cũng giống như chiếc chìa khóa vạn năng khóa chặt mọi cánh cửa và khóa xong rồi hủy bỏ nó đi, có muốn mở trở lại cũng không còn mở được nữa, mà nguy hiểm nhất vẫn là cửa lòng, lòng người cũng như lòng Chúa.

Chúng ta cám ơn Chúa đã tạo dựng chúng ta từ hư vô đến hiện hữu trong một quê hương thấm đẫm máu anh hùng tử đạo và trong một gia đình công giáo đạo đức. Từ đó, Ngài lại đã kêu gọi chúng ta theo Ngài sống đời thánh hiến. Chúng ta cám ơn tổ tiên ông bà cha mẹ và gia đình huyết tộc đã công khó sinh thành dưỡng dục, đào tạo chúng ta nên người, rồi quảng đại hiến dâng chúng ta cho Chúa và Giáo Hội qua Giáo phận thân yêu của chúng ta.

Chúng ta cám ơn Mẹ Giáo phận, cám ơn các Bề trên hữu trách, các nhà đào tạo và các anh em, là gia đình thiêng liêng của chúng ta gồm nhiều thế hệ tuổi đời và tuổi tu với tình phụ tử và huynh đệ, đã đón nhận, chọn gọi và đào tạo chúng ta nên linh mục như hôm nay với Kim – Ngân Khánh. Chúng ta cám ơn tất cả mọi người, Bề Trên, bề dưới cũng như các anh em bạn bè đồng trang đồng lứa đã, đang và sẽ tiếp tục làm ơn làm ích cho chúng ta bằng sự thông cảm, hy sinh, thương yêu, nâng đỡ chúng ta chu toàn trách nhiệm trên hành trình sứ vụ thừa tác và cho đến cuối cuộc đời trần thế.

Chúng ta cám ơn tất cả những ai vì vô tình hay hữu ý, kể cả các hoàn cảnh thăng trầm của Giáo Hội và xã hội, đã gây nên những thử thách đau khổ, hầu nung đúc cho cuộc đời làm người, làm con Chúa và làm linh mục được như ngày hôm nay. Chúng ta nghĩ một cách tích cực rằng những thử thách đau khổ đó là cơ hội hồng phúc Chúa cho chúng ta đền phần tội của mình và thêm công phúc trước mặt Chúa, vì chỉ có Chúa là người nói lời đánh giá cuối cùng. Nói tóm lại là chúng ta rất biết ơn vì những gì chúng ta có được hôm nay là nhờ ơn Chúa và công lao hy sinh vất vả của rất nhiều người, từ những việc hiển hách vinh dự đến những việc tay chân âm thầm khuất lấp.

Một giai thoại minh họa kể rằng có hai người cùng đi tìm lối đi lên Thiên Đường. Thấy hai người đói lả, Chúa cho mỗi người một suất cơm. Một người nhận suất cơm cảm động lắm, cứ cám ơn rối rít. Còn người kia nhận suất ăn không hề động lòng, cứ làm như đương nhiên là mình phải được như vậy. Sau khi ăn, Chúa chỉ cho người đã nói lời “cám ơn” lên Thiên Đường, còn người kia bị từ chối. Kẻ bị từ chối không phục, bèn nói: – Chẳng lẽ chỉ vì tôi quên nói “cám ơn”?! Chúa trả lời: – Không phải quên, mà là không có lòng biết ơn, không nói ra được lời cám ơn. Người không biết cám ơn không biết yêu thương người khác, cũng không đáng được người khác yêu thương. Anh chàng kia vẫn không phục: – Vậy thiếu nói hai chữ “cám ơn” cũng không thể chênh lệch đến thế? Chúa đáp: – Biết làm thế nào được, bởi vì lối lên Thiên Đường rải bằng lòng biết ơn và cửa vào Thiên Đường chỉ có dùng mật khẩu là lời cám ơn mới mở được. Còn địa ngục thì khỏi cần.

ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta phải đòi hỏi việc giáo dục sống biết ơn, nhớ ơn: phẩm giá con người và công bằng xã hội đều đi qua đó. Nếu cuộc sống gia đình và cộng đoàn lơ là lối sống này, cả cuộc sống xã hội cũng sẽ mất nó. Đối với một tín hữu, lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một kitô hữu không biết nói cám ơn là một người đã quên đi tiếng nói của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ câu Chúa Giêsu hỏi khi chữa mười người phong cùi mà thấy chỉ có một người trong bọn họ trở lại cám ơn: Không phải 10 người đã được lành sạch sao, chín người kia đâu không thấy ai trở lại cám ơn Thiên Chúa, mà chỉ có người ngọai này? (x. Lc 17,18)[1].

  1. Tâm tình XIN LỖI

Khi đọc Kinh Cáo Mình, chúng ta khẳng định: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Lỗi tại tôi nên tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng và anh chị em tha lỗi cho tôi. Lời Kinh rất đẹp và ấn tượng, nhưng điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có thật sự hối lỗi hay không? Một trong những ngôn từ đẹp đẽ và uy lực nhất trong cuộc sống, đó là lời ‘xin lỗi’. Chúng ta biết rằng ai cũng có lỗi lầm và sai phạm ít hay nhiều, vô tình hoặc hữu ý, nên lời ‘xin lỗi’ trong mọi hoàn cảnh đều rất quan trọng. Xin lỗi là bước đầu của hòa giải, là cầu nối của sự cảm thông và là nền tảng của sự bình an trong tâm hồn. Lời ‘xin lỗi’ xem ra rất đơn giản nhưng rất khó thực hiện. Nó đòi hỏi một thái độ khiêm nhu, hạ mình, thành thật và chạnh lòng. Sống chung với nhau qua cách ứng xử hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi mọi sự va chạm và hiểu lầm. Dù sống bên nhau và gần nhau lâu, nhưng chưa hẳn đã cảm thông và hiểu nhau. Có nhiều điều rất nhỏ như một câu nói gắt gỏng, một lời diễu cợt, một thái độ hờ hững có thể làm phật lòng nhau.

Cách chữa lành hiệu qủa và nhanh nhất là lời ‘xin lỗi’. Ai biết nhận lỗi và xin lỗi là người khôn ngoan và cao thượng. Lời ‘xin lỗi’ sẽ giúp phá vỡ tất cả các bức tường ngăn cách, ghen ghét, thù hận và hiểu lầm. Người dám nói lời xin lỗi là người chiến thắng, thắng mình và thắng người. Lời ‘Xin Lỗi’ cần có đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt cấp bậc và vị thế. Đẹp biết bao khi bề trên biết xin lỗi kẻ dưới, thầy xin lỗi trò, chồng xin lỗi vợ, vợ xin lỗi chồng, cha mẹ xin lỗi con cái, con cái xin lỗi cha mẹ, trò xin lỗi thầy, anh chị em và bạn bè xin lỗi lẫn nhau. Gia đình sẽ sống trong bầu khí an vui, cộng đoàn sẽ an lạc và thế giới sẽ hòa bình.

Nhận lỗi về mình là một cung cách cao đẹp. Biết xin lỗi, chúng ta sẽ được lợi nhiều điều. Chúng ta sẽ tránh được biết bao đổ vỡ và nghi kỵ. Cuộc sống sẽ an vui. Tâm hồn được thanh thản và an lạc. Quan trọng nhất là chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (x. 1 Ga 1,9).

Việc nhận lỗi cũng mang lại bình an cho tâm hồn. Thánh Đô-rô-thê-ô, viện phụ nhắc nhở: “Ai nhận mình có lỗi thì khi gặp điều chi phiền lòng, bất hạnh, nhuốc nhơ, tủi hổ hay bất cứ nỗi sầu khổ nào khác, người ấy cũng vui vẻ chấp nhận hết. Họ nghĩ rằng mình có phải chịu tất cả những điều đó thì cũng đáng, nên không gì có thể làm họ dao động. Hỏi có ai thanh thản hơn người ấy chăng? Nếu ai vì lòng kính sợ Thiên Chúa mà xét mình kỹ lưỡng, hẳn sẽ không bao giờ thấy mình hoàn toàn vô tội, nhưng đã có những việc làm, lời nói hay thái độ nên cớ cho anh chị em bực mình. Nếu người ấy thấy mình không có lỗi lúc bấy giờ, thì hẳn có lúc họ đã làm khổ người anh chị em kia, không vì chuyện này thì cũng vì chuyện khác ; hoặc có khi đã làm cực lòng một người anh chị em nào khác nữa chăng. Và vì thế người ấy đáng phải chịu nỗi khổ này bởi đã phạm nhiều tội trong những dịp khác”[2].

Chúng ta xin lỗi Chúa vì chúng ta đã nhận lãnh bao nhiêu hồng ân của Chúa, ơn phần hồn ơn phần xác, mà có khi chúng ta đã không sử dụng hết và cho nên, lại có khi còn có thể phá hư ơn Chúa vì yếu đuối tội lỗi nữa. Khi còn là một ứng sinh, mỗi lần tôi đến thăm ra về, ông bác linh mục già hưu Michel Nguyễn Văn Tường đều cho tôi một lời khuyên: khi thì nhớ dùng ơn Chúa cho nên nghe, khi khác lại đừng phá hư ơn Chúa nghe. Chúng ta xin lỗi cha mẹ và gia đình huyết tộc vì chúng ta đã không làm chi đền đáp được công ơn, mà lời cầu nguyện có khi cũng còn thiếu sót hoặc lơ là. Chúng ta xin  lỗi mọi người thân yêu trong gia đình thiêng liêng là Mẹ Giáo Phận, Đấng Bản Quyền, Anh Em Linh mục và Giáo dân về những thiếu sót trong bổn phận, trong ứng xử, trong tính tình, có khi đã trở nên thánh giá nặng hơn bắt người khác phải vác, nhất là trong việc nêu gương sống cao độ ba lời khuyên Phúc Âm: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.

Chúng ta xin lỗi tất cả những ai mà chúng ta đã không làm gương sáng, lại có khi còn gây gương mù gương xấu, hẹp hòi ích kỷ, ghen tương đố kỵ, thành kiến. Chúng ta xin lỗi tất cả những ai mà bản thân chúng ta vì yếu đuối hoặc vì tính tình hay thiếu hiểu biết và khả năng nên đã lỗi bác ái, cảm thông và công bằng, khiến họ phải mắc lỗi hay chịu đau khổ, có khi mất cả ơn gọi, vì là người sống đời linh mục thừa tác, chúng ta có trách nhiệm liên đới và sẽ không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình, mà còn kéo theo nhiều người khác nữa.

Hơn thế nữa, chúng ta còn phải biết nhìn nhận những thiếu sót lầm lỗi của chúng ta đối với kỳ vọng của các đấng Bề trên, cũng như những bất cập thái quá và gương xấu của chúng ta trong việc góp phần đào tạo lẫn nhau và đào tạo các thế hệ đàn em của chúng ta, trong tiến trình đồng bộ ba bước được đào tạo, tự đào tạo và đào tạo ứng sinh. ĐTC Phanxicô nói: “Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Trong gia đình và cộng đoàn, nơi người ta không xin lỗi thì bắt đầu thiếu dưỡng khí, nước tù đọng. Biết bao nhiêu vết thương đối với lòng yêu mến, biết bao nhiêu xâu xé trong các gia đình và cộng đoàn bắt đầu với sự mất đi lời nói qúy báu “Xin lỗi” này[3].

  1. Tâm tình THA THỨ

Có lỗi mà phải đi xin lỗi làm hòa là lẽ tất nhiên, nhưng mà nhiều khi cũng thật là khó! Ấy vậy mà Chúa lại đòi hỏi phải đi xin lỗi làm hòa với người có lỗi với mình, cả khi đang dâng của lễ trên bàn thờ lên Chúa (x. Mt 5, 23-26). Tự sức mình, chúng ta không làm nổi, cần phải có ơn Chúa tác động mạnh. Vì khi chưa tha thứ hay không thể tha thứ được, tâm hồn chúng ta trĩu nặng, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tha thứ để tâm hồn được nhẹ nhàng, thanh thản[4].

Thánh Syrilô dạy: “Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người… Nếu bạn có bất bình với ai, hãy tha thứ đi. Bạn đến để đón nhận ơn tha tội thì bạn cần phải tha thứ cho kẻ xúc phạm đến bạn[5]. Và ĐTC Phanxicô cũng nói: “Hãy tha thứ, hãy cho thấy sự kiên nhẫn. Thật không phải dễ dàng sống trong một cộng đoàn. Ma quỷ lợi dụng sự khác biệt của anh chị em, để dẫn đến bất hòa chia rẽ. Hãy nâng niu tình bạn, tình yêu mến nhau giữa anh chị em. Một tu viện không phải là một luyện ngục, mà phải là một gia đình… Chúng ta hãy suy nghĩ và xin ơn tha thứ về những gì chúng ta làm cho bạn bè, cho người khác, là chúng ta làm cho Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu ở trong họ”.

Hãy nhớ lời xin của chúng ta trong Kinh Lạy Cha “Xin tha cho chúng con NHƯ chúng con tha cho người có lỗi với chúng con” và lời kết luận của Chúa Giêsu “Nếu các con không thật lòng tha thứ cho nhau thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho các con đâu”. Khi cảm thấy khó tha thứ, mỗi người hãy lắng lòng nghe tiếng Chúa và tiếng lương tâm mình, xét mình và viết vào giấy điều/người mình muốn xin lỗi nhưng khó xin lỗi, điều/người mình muốn tha thứ nhưng khó tha thứ, điều/người mình đang cảm thấy cực lòng, điều/người mình không thể tha thứ, cả điều mình cảm thấy khó tha thứ cho chính mình, cứ dằn vặt hận mình tại sao lại làm thế, tại sao lại để xảy ra như thế, viết ra cả tội khó chừa, tính xấu khó bỏ. Rồi buông bỏ và trao phó cho Chúa tất cả. Không cho ai xem, và cũng không ai tò mò xem người khác đã viết cái gì. Chúng ta âm thầm cầu nguyện và sẽ đốt cho chúng cháy tan đi trong lửa, như xoá hết dấu vết trong tâm hồn và ký ức chúng ta, để cho quá khứ qua đi, vì mình không thể thay đổi được quá khứ, với mục đích tạo cho tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhàng, an vui, đổi mới trong ơn thánh và tình thương tha thứ của Chúa Phục Sinh[6].

Thánh Phaolô dạy: “Anh chị em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh chị em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh chị em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh chị em, thì anh chị em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh chị em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14). Còn ĐTC Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa không bao giờ biết mỏi mệt để tha thứ, Ngài giữ chúng ta trong vòng tay ôm ấp mới, là vòng tay có khả năng tái tạo chúng ta, cùng giúp chúng ta tự mình đứng dậy một lần nữa và tiếp tục cuộc hành trình. Bởi vì đây là cuộc sống của chúng ta: không ngừng đứng lên và tiếp tục cuộc hành trình của mình”.

  1. Tiến trình bốn bước tâm lý và thiêng liêng để Tha Thứ

Trong cuộc sống, đã có chung thì thế nào cũng có đụng, và có đụng thì hẳn phải có đau. Chúng ta sẽ dùng tiến trình bốn bước tâm lý và thiêng liêng để giải quyết các nỗi đau do người khác gây ra cho mình hầu có thể tha thứ và giữ tâm hồn bình an thanh thản:

a) Coi Người Khác Là Vô Ý: Lấy ý ngay lành mà nghĩ rằng họ vô ý, thì chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ bỏ qua, chẳng hạn nếu ai dẫm phải chân chúng ta rất đau, nhưng họ bảo rằng ‘Xin Lỗi, tôi vô ý’, chúng ta sẽ bỏ qua được dễ dàng. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta bài học từ trên thập giá. Ngài xin Chúa Cha tha thứ và còn biện hộ cho những kẻ làm khổ và giết Ngài: Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết.

b) Coi Người Cố Ý Là Nạn Nhân: Với người cố ý này, chúng ta hãy coi họ là nạn nhân của chính ác tâm của họ. Đối với nạn nhân, chúng ta thường thương hại. Và khi thương hại ai thì tâm lý chúng ta cảm nhận là chúng ta ở trên người đó, đồng thời có thể coi thường, thậm chí coi khinh họ, dù họ là ai đi nữa! Với cảm nhận đó, nỗi đau của chúng ta như thể được xoa dịu, tâm lý chúng ta được bù đắp, giải tỏa. Xin nhớ đây là vấn đề tâm lý, không phải vấn đề thiêng liêng hay quyền bính gì cả mà ngại, và chúng ta chỉ giải quyết trong lòng mình, chứ đâu có nói hay tỏ thái độ ra bên ngoài với ai đâu. Nếu lẫn lộn hai lãnh vực này thì không những tâm lý không giải tỏa được gì, mà còn có thể bị mặc cảm vô phép, hoặc có lỗi.

c) Nghĩ Đến Việc Tốt Nhất Chúa Làm Cho Mình

Chúa luôn tìm điều tốt nhất cho con cái Ngài (x. Mt 7,11; Lc 11,13), và mọi sợi tóc trên đầu chúng ta đều được đếm cả rồi, thậm chí mỗi sợi tóc chúng ta rụng xuống Chúa cũng biết (x. Lc 12,7. 21,18). Vậy thì chuyện ai đó bất công làm chúng ta bị tổn thương đau khổ là quá lớn so với chuyện một sợi tóc rụng, lẽ nào Chúa không biết? Chúa biết mà Chúa vẫn để xảy ra như vậy, tại sao? Thánh Phaolô dạy rằng Chúa luôn biến mọi sự nên tốt cho những ai yêu mến Chúa. Chúa chịu trách nhiệm về mọi việc Chúa làm, và trong tất cả mọi việc Chúa làm, Chúa đều nhắm cái gì đó tốt đẹp nhất cho chúng ta, dù bây giờ chúng ta chưa có thể biết được cái tốt đẹp đó là gì. Nhưng tin vào sự thượng trí và tình thương vô hạn của Chúa, chúng ta cảm tạ Chúa về cái tốt đẹp nhất mà Chúa đang dành sẵn đó, và chúng ta sẽ không còn buồn giận hay căng thẳng nữa, trái lại lòng chúng ta sẽ cảm thấy bằng an, thanh thản.

d) Có Lòng Biết Ơn Đối Với Người Gây Ra Đau Khổ Cho Chúng Ta: Chúa có thể trực tiếp làm điều tốt nhất ấy cho chúng ta, nhưng có thể Ngài dùng qua trung gian người gây đau khổ cho chúng ta đó, vì Quyền năng Chúa có thể biến đổi điều xấu thành điều tốt, rút ra cái tốt từ cái xấu. Như thế người làm cho chúng ta bị tổn thương ấy trở thành dụng cụ để Chúa thực hiện điều tốt nhất cho chúng ta, và chúng ta phải có lòng biết ơn đối với người đó. Ví dụ người thân chúng ta ở xa nhờ người mang lại cho chúng ta một món quà, chúng ta biết ơn người thân cho quà lẫn người mang quà đến. Cũng thế, chúng ta biết ơn Chúa và biết ơn người Chúa dùng để làm điều tốt nhất cho chúng ta. Từ cảm giác buồn giận hay đau khổ đi đến lòng biết ơn, vấn đề không còn đè nặng nữa, và lòng chúng ta sẽ trở nên thanh thản, bình an và nỗi đau hay xung đột đã được giải quyết. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghĩ cách tích cực về nỗi khổ bất công ấy là cơ hội và phương thế Chúa cho chúng ta đền phần tội của mình và nên thánh mà cảm tạ Chúa và biết ơn người gây đau khổ.

Xin Chúa chúc lành và soi sáng cho chúng ta hiểu và vận dụng đúng tiến trình bốn bước này, mà hai bước đầu có tính cách tâm lý, còn hai bước sau có tính cách thiêng liêng hơn, không lẫn lộn nhưng phối hợp các bước này giúp chúng ta giải quyết được xung đột và có được tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản, bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Chúng ta có thể ví cách hành động của Chúa Giêsu như tác dụng của một thiết bị lọc nước: giữ những thứ không sạch lại và cho chúng ta dòng nước tinh khiết. Ngài đã lấy đi tội của chúng ta, biến đổi chúng và mang lại ơn cứu độ; Ngài đón lấy hận thù, biến đổi nó và mang lại tình yêu; Ngài đón lấy ghen tương đố kỵ, biến đổi nó và mang lại sự nâng đỡ; Ngài đón lấy phẫn uất, biến đổi nó và mang lại thương cảm; Ngài đón lấy nhục hình, biến đổi nó và đem lại tha thứ. Đó là mẫu gương cho chúng ta trong việc xử lý căng thẳng và phẫn uất bằng cách chấp nhận, biến đổi và đẩy chúng ra khỏi tâm hồn và đời sống chúng ta. Chúng ta không chỉ ngưỡng mộ những gì Chúa Giêsu đã làm, mà phải bắt chước những gì Ngài làm và phải làm như thế.

Lạy Chúa từ nhân
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người,
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem thứ tha vào nới lăng nhục
Đem an hòa vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng
Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Đem niềm vui đến chốn u sầu

Lạy Chúa xin hãy dạy con
Tìm an ủi người hơn được người ủi an
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

  1. Tâm tình CẦU CHÚC

Nhân dịp mừng Kim – Ngân Khánh, chúng ta cầu chúc cho nhau những gì tốt đẹp nhất và sẽ tiến bước qua từng ngày mới để đi thêm một bước mới quan trọng trên hành trình dâng hiến, có người chỉ an nhàn với bổn phận được Bề trên giao phó, có người phải vất vả lo lắng gánh vác trọng trách làm Bề trên/nhà đào tạo, làm trưởng một ban bệ gì đó, ngày đêm lao tâm khổ tứ, lo cho lợi ích phần hồn phần xác của giáo dân sao cho đúng ý Chúa và đẹp lòng Chúa.

Cầu chúc mọi người đều nhận được phần thưởng của lòng quảng đại cảm thông thương xót của Chúa, hơn là bởi những gì mình đã làm được, luôn cảm nhận hạnh phúc và quyết tâm theo Chúa cho đến cùng, không hề do dự hay hối tiếc. Chính hạnh phúc tỏa chiếu nơi niềm vui ngời lên trong ánh mắt và nụ cười làm chứng tá cho Nước Chúa sẽ cổ vũ cho những ơn gọi tiếp nối chúng ta trong tương lai, bởi sự hấp dẫn của tình thương gắn bó với Chúa và Giáo Hội, Giáo phận, Giáo xứ. Vâng, xin cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

  1. Tâm tình CẦU NGUYỆN

Người ta thường nói Lễ Kim Khánh gắn liền với kim tĩnh, mỗi ngày qua đi và một ngày mới đến là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại đời người sinh-lão-bệnh-tử, không ai tránh được không qua những chiếc cầu này, để tận tâm nâng đỡ nhau: không có gì chắc chắn sẽ đến như cái chết, không có gì công bằng và nghiêm ngặt cho bằng cuộc phán xét chung thẩm, không có gì cay đắng và khủng khiếp cho bằng hỏa ngục, và không có gì dịu ngọt hạnh phúc cho bằng thiên đàng.

Chúng ta phải cầu nguyện, vì nếu Chúa không ban ơn và thực hiện thì bao nỗ lực và lời cầu chúc của chúng ta dù có tốt đẹp mấy đi nữa cũng vô hiệu. Cầu nguyện cho các thân nhân, ân nhân huyết tộc và thiêng liêng đã qua đời được an hưởng bình an hạnh phúc trong Nước Chúa. Cầu nguyện đặc biệt cho những ai mà đường đi dưới thế đã gần cùng gần hết vì bất cứ lý do gì, vì không ai biết được lúc nào Chúa vạch đường ranh giới chấm dứt cuộc đời mình, biết đâu là trong hôm nay hay ngày mai, (trong các tai nạn giao thông, có ai nghĩ trước được đó là chuyến đi cuối cùng của mình không), hầu biết tận dụng thời giờ còn lại để hòa giải với Chúa và với mọi người trước khi quá muộn, ngõ hầu được tâm hồn bình an thanh thản trước lúc ra đi.

Chúng ta phải luôn cầu nguyện, vì với Chúa không gì là không thể, chính Chúa Giêsu đã dạy “Nếu không có Thầy, các con chẳng làm được chuyện gì” và chúng ta ai cũng từng trải nghiệm “mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên”. Đặc biệt chúng ta cầu nguyện để được nhận lãnh dồi dào ân sủng Lòng Chúa Thương Xót, biến lòng thương xót của Chúa thành lối sống của chúng ta, và thực thi lòng thương xót của chúng ta cho nhau và cho mọi người, nhất là những người kém may mắn hơn chúng ta về thể chất cũng như tinh thần, tri thức và thiêng liêng.

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS 

 

 [1] Trong buổi tiếp kiến ngày 13/5/2015 – http://vietcatholic.org/News/Html/137542.htm.

[2] Trích sách Giáo lý của thánh Đô-rô-thê-ô, viện phụ – Bài đọc 2 Kinh Sách thứ ba tuần 9 TN

[3] http://vietcatholic.org/News/Html/137542.htm.

[4] Xin giới thiệu cuốn sách LÀM SAO THA THỨ? – Giải Pháp Chữa Lành Cho Khổ Nạn Lạm Dụng Tình Dục.

[5] Trích bài giáo huấn của thánh Syrilo, GM Gierusalem, bài đọc 2 Kinh Sách thứ Bảy tuần XIII TN.

[6] x.Nghi Thức Xin Lỗi – Tha Thứ – Chữa Lành và 12 giai đoạn của sách Làm Sao Tha Thứ?

Exit mobile version