Những phẩm tính cốt yếu của hôn nhân công giáo

94

images (7)Gíáo Luật (GL) đ.1056 (x.t. đ.1134) xác định rõ rằng tính duy nhất và không thể phân ly là những phẩm tính cốt yếu của hôn nhân, dầu là hôn nhân tự nhiên.GL.đ.1056- Những phẩm tính cốt yếu của hôn nhân là duy nhất và không thể phân ly. Trong hôn nhân Kitô giáo, nhờ tính chất bí tích, những đặc điểm trên càng vững chắc.GL. Đ.1134- Hôn phối thành sự làm phát sinh giữa vợ chồng mối liên hệ tự bản chất là vĩnh viễn và đơn nhất. Ngoài ra trong hôn nhân Kitô giáo, nhờ ơn riêng của bí tích, đôi vợ chồng được củng cố và thánh hóa trong chức vụ và phẩm giá của bậc mình.

Xác định này phù hợp với tinh thần của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes), nơi số 48 Công Đồng quả quyết rằng: Những phẩm tính này là hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người (x. Mt 19, 6).

Tuy nhiên, ơn sủng bí tích chỉ đem lại sự trợ giúp đặc biệt để đôi bạn trung thành với nhau và phát huy những phẩm tính của hơn nhn. Và vì là những phẩm tính cốt yếu của hôn nhân, do đó việc loại bỏ chúng một cách ý thức khi kết hôn sẽ làm cho giao ước hôn nhân trở thành vô hiệu. Vì thế, đối với Giáo Hội, việc ly dị theo luật xã hội không hủy bỏ mối giây ràng buộc hôn nhân và những người ly dị không thể tái hôn theo giáo luật khi người bạn đời của mình còn sống.
Tính duy nhất của hôn nhân bao gồm sự chung thủy và đơn hôn.

Sự chung thủy là nghĩa vụ của hôn nhân. Do đó, nếu một trong hai người loại bỏ hay vì lý do tâm lý mà không có khả năng sống đời chung thủy, thì việc kết hôn trở thành vô hiệu, và nếu một trong hai không chu toàn nghĩa vụ này thì người bạn kia có thể xin chia tay. Chế độ đa thê hay đa phu là trở lực cho việc thiết lập một cộng đồng sống chung thực sự, vì nó ngăn cản việc trao hiến hoàn toàn cho người bạn đời và phủ nhận sự bình đẳng cũng như phẩm giá của vợ chồng trong hôn nhân.Tính vĩnh viễn của hôn nhân.Tính vĩnh viễn của hôn nhân cũng đồng nghĩa với tính chất không thể phân ly của hôn nhân. Điều này có nghĩa là mối giây liên kết nam nữ trong đời sống chung hôn nhân tồn tại mãi cho đến chết và nó không thể bị tháo gỡ do ý muốn của đôi bạn hay do quyền lực bên ngoài. Giáo Hội Công Giáo đón nhận và tuân thủ điều Chúa Giêsu đã xác quyết: Không được rẫy vợ vì bất cứ lý do gì (x. Mt 19, 5-6). Điều Chúa Giêsu tuyên bố trở thành luật phổ cập cho mọi hôn nhân. Tuy thế, Giáo Hội cũng xác định rằng trong một số trường hợp kết hôn, vì lý do đức tin hay vì lợi ích các linh hồn, Giáo Hội có quyền nhân danh Chúa Kitô tháo giải các vụ hôn phối đó.

Gia đình Việt Nam theo chế độ phụ hệ. Mặc dầu đã có nhiều tiến bộ về tâm thức cũng như về tập tục nhưng những dấu vết của truyền thống lỗi thời vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống và hoạt động của người Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn.

Trong gia tộc:

Tộc Trưởng và Tôn Trưởng đóng vai trò  quan trọng:
Tộc Trưởng có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện việc tế tự Tổ Tiên Ong Bà, giữ và bảo vệ phần Hương Hỏa[1].

Tôn Trưởng có nhiệm vụ triệu tập và giải quyết các vấn đề trong giòng tộc. Các công việc quan trọng như cưới hỏi, di chúc, chia gia tài, chôn cất… đều phải hỏi ý kiến của Tôn Trưởng.

Trong gia đình:

Gia trưởng là người đứng chủ gia đình, là người cha. Người cha có quyền quyết định hết mọi việc liên quan đến mọi người trong nhà. Quyền đó gọi là phụ quyền. Khi ông bà còn sống thì quyền đó ở trong tay ông bà[2]. Người đàn ông cũng có quyền năm thê bảy thiếp.

Người vợ là người mẹ trong gia đình. Người mẹ cũng có quyền như người cha, nhưng phải theo quyết định của người cha, vì vợ thì phải theo chồng. Người vợ lo việc trong nhà và nhiệm vụ chính là sinh con trai để nối dõi tông đường. Người vợ phải giữ Tam Tòng và Tứ Đức theo tinh thần của Khổng Giáo[3].

Con cái do cha mẹ chính thức sinh ra. Con trai có vị thế quan trọng hơn con gái. Bổn phận của con cái là giữ đạo Hiếu đối với ông bà cha mẹ.

Đạo Hiếu thấm nhuần vào tâm thức của người Việt Nam. Nội dung của Đạo Hiếu gồm có bổn phận của con cái đối với ông bà cha mẹ vì công ơn của cái ngài:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là phận con.

Bổn phận con cái gồm có: giúp đỡ cha mẹ, vâng lời tôn kính, giữ tang chế, thờ phụng và sinh con cái[4].
Việc kết hôn sinh con cái nối dõi tông đường là một trong những bổn phận quan trọng. Do đó nếu người vợ cả không có con trai thì người chồng có thể bỏ để cưới người khác, hoặc lấy thêm những người vợ thứ để có con trai[5].

Những quan niệm về gia đình cổ truyền ấy không còn phù hợp hoàn toàn với thời đại ngày nay. Điều này đã được xác minh một cách chính thức trong Luật Hôn Nhân và Gia Đình của nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Luật này quy định[6]:

1.  Giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình (Lời nói đầu).

2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình (điều 2).

1/ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng (điều 2.1).
2/ Nhà Nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái… (điều 2.5)
3/ Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng có vợ (điều 4.2).
4/ Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy (điều 6).

3. Những trường hợp cấm kết hôn:

1/ Người đang có vợ hoặc có chồng.
2/ Giữa người cùng giới tính.

Xét chung, chúng ta thấy có nhiều điều mới mẻ trong Luật Hôn Nhân và Gia Đình, đặc biệt luật pháp bảo vệ quyền tự do kết hôn, bãi bỏ chế độ đa thê, hôn nhân hạng hai, bình đẳng giữa vợ chồng, không phân biệt trai gái. Những quy định này phù hợp với những quy định của giáo luật về đơn hôn, về sự bình đẳng nam nữ. Do đó, luật hơn nhn của Gio Hội không đi ngược với phong tục tập quán tốt của dân tộc, trái lại nó giúp bảo vệ hôn nhân và gia đình bền vững theo như ý Cha.

 Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
.

[1] Recueil des avis du Comité consultatif de jurisprudence vietnamienne sur les coutumes des annamites du Tonkin en matière de Droit de famille,Hà Nội, 1930, question 2.
  BOURAYNE (L.), Le code civil annamite ou les lois annamites disposées d’après le Code civil français, Saigon 1904, titre X, modifié par le Décret du 30 mai 1932.
  CADIERE(L.),Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Tome I,Paris, Ecole Française D’Extrême-Orient, 1992 ,pp.34-44.
[2] TOAN  ANH, Nếp cũ con người Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2005, tr.10-18
[3] TOAN ANH, nt, tr.10-18
[4] PHAN KẾ BÍNH, Việt Nam phong tục, Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2003, tr.31-34
[5] TOAN ÁNH, nt, tr.10-18
[6] Luật Hôn Nhân và Gia Đình, Hà Nội, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2005, tr.7; 8-9; 11
.