Những năm Thìn trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam
Thế kỷ XVII
1652 – Nhâm Thìn:
– Tác phẩm Lịch sử Vương quốc Đàng ngoài (bản tiếng La Tinh) của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại Rôma.
– Tác phẩm Tường trình về Đàng Trong của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại Paris. Trong tác phẩm này, Alexandre de Rhodes tường thuật hoạt động truyền giáo của ngài ở Đàng Trong vào năm 1644-1645, trong đó nhắc đến việc bắt đạo năm 1644 và cuộc tử đạo của Thầy giảng Anrê Phú Yên ngày 26-07-1644.
1664 – Giáp Thìn:
Ðức Giáo hoàng Alexandrô VII chính thức công nhận Hội Thừa sai Paris. Hội ra đời năm 1660 và có công lao rất lớn trong việc truyền giáo tại Việt Nam.
1676 – Bính Thìn:
Hai linh mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona, dòng Đa Minh, đến truyền giáo tại Phố Hiến (Hưng Yên).
Thế kỷ XVIII
1700 – Canh Thìn:
Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra sắc chỉ cấm đạo.
1712 – Nhâm Thìn:
Chúa Trịnh Cương (1709-1729) ra sắc chỉ cấm đạo thứ 2 (trong 4 sắc chỉ vào các năm 1709, 1712, 1721, 1722).
1736 – Bính Thìn:
Chúa Trịnh Giang (1729-1740) ra sắc chỉ cấm đạo.
1760 – Canh Thìn:
Thánh Martinô Tạ Ðức Thịnh, linh mục tử đạo, chào đời tại Kẻ Sặt, Hải Dương,
1772 – Nhâm Thìn:
Thánh Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu), linh mục tử đạo – chào đời tại Năng A, Nghệ An.
1796 – Bính Thìn:
– Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng – trùm họ, giáo dân tử đạo – chào đời tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng,
– Thánh Giuse Phạm Trọng Tả – cai tổng, giáo dân tử đạo – chào đời tại Quần Cống, Nam Ðịnh,
– Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự – linh mục dòng Ða Minh, tử đạo – chào đời tại Ninh Cường, Bùi Chu.
Thế kỷ XIX
Năm 1808 – Mậu Thìn:
– Thánh Anrê Trần Văn Trông – binh sĩ, giáo dân tử đạo – chào đời tại Kim Long, Huế,
– Thánh Phêrô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie) – Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, tử đạo – chào đời tại Beynat, Tulle, Pháp.
– Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc) – trùm họ, giáo dân tử đạo – chào đời tại Kẻ Lái, Quảng Bình.
– Thánh Micae Hồ Ðình Hy – quan thái bộc, giáo dân tử đạo – chào đời tại Như Lâm, Thừa Thiên.
– Thánh Phêrô Nguyễn Văn Ðường – thầy giảng tử đạo – chào đời tại Kẻ Sở, Hà Nam.
1820 – Canh Thìn:
Thánh Tôma Trần Văn Thiện – chủng sinh, tử đạo – chào đời tại Trung Quán, Quảng Bình.
1832 – Nhâm Thìn:
Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang – thầy giảng Dòng ba Ða Minh, tử đạo – chào đời tại Trà Vi, Nam Ðịnh.
1844 – Giáp Thìn:
Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI chia giáo phận Đàng Trong thành 2 giáo phận mới:
– Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm Lục tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên do Đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi làm Đại diện Tông tòa.
– Giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) với Đại diện Tông tòa là Đức cha E.T. Cuénot Thể.
1856 – Bính Thìn:
Ngày 13-02 (nhằm mồng 8 Tết Bính Thìn), Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng chịu xử trảm tại Ninh Bình, dưới thời Tự Đức.
Thế kỷ XX
1928 – Mậu Thìn:
Đức cha Allys Lý, GP Huế, nâng La Vang lên hàng giáo xứ.
1940 – Canh Thìn:
ĐGH Piô XII bổ nhiệm tân Giám mục Gioan Maria Phan Ðình Phùng làm Giám mục phó giáo phận Phát Diệm.
1964 – Giáp Thìn:
– Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam được nâng lên hàng Tỉnh Dòng.
– Đức cha Giuse Lê Quý Thanh được tấn phong Giám mục ngày 13-02, nhằm mồng Một Tết Giáp Thìn. Ngài được ĐGH Gioan XXIII bổ nhiệm làm Giám mục phó Phát Diệm. Tông sắc bổ nhiệm được ban hành năm 1963. Ngài là cháu ba đời của nhà bác học Lê Quý Đôn.
– Các giám mục miền Nam tham dự Công đồng Vatican II từ 14-09 đến 21-11. Kết thúc khoá họp này, có ba văn kiện được công bố: 1) Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 2) Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, 3) Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Ðông Phương Orientalium Ecclesiarum. Đồng thời ĐGH Phaolô VI công bố Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Giáo Hội.
1976 – Bính Thìn:
– Tháng 5, Ðức TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng Giáo phận Hà Nội, được ÐGH Phaolô VI chọn làm Hồng Y. Ngài là Hồng Y tiên khởi của Việt Nam.
– Ðức cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, Giám mục phụ tá giáo phận Sài Gòn, tạ thế ngày 2-10, sau 10 năm làm giám mục phụ tá TGP Sài Gòn.
– Tháng 12, bản dịch Kinh Thánh của linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn được xuất bản tại Sài Gòn, với số lượng phát hành 10.000 quyển.
1988 – Mậu Thìn:
– Ngày 21-01, Ðức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988), Giám mục GP Đà Nẵng, từ trần.
– Ngày 8-06, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988), TGP Huế, từ trần.
– Ngày 19-06, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong 117 chân phước Tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh.
– Ngày 14-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm tân GM Giuse Nguyễn Văn Yến làm giám mục phó GP Phát Diệm.
– Ngày 19-12, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng (1921-1988), Giám mục GP Xuân Lộc, từ trần.
Thế kỷ XXI
2000 – Canh Thìn:
– Giáo Hội tại VN cùng với Giáo Hội khắp nơi trên thế giới cử hành Năm Thánh Tôn vinh Chúa Ba Ngôi và sống Bí tích Thánh Thể.
– Đoàn giám mục Việt Nam dự Hội nghị lần VII của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu ở Samphran, Thái Lan (từ ngày 3 đến 13-01).
– Ngày 05-03, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị chứng nhân tiên khởi của Việt Nam (26-07-1644), lên bậc Chân phước.
– Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội, từ ngày 01 đến 02-05.
– Ngày 27-05, Đức TGM Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Toà Thánh, làm việc với ông Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Roma, về những vấn đề có liên quan giữa Toà Thánh và Việt Nam.
– Tháng 8, đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Đại hội Quốc tế giới trẻ ở Roma.
– Từ ngày 02 đến 07-10, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội Thường niên tại Hà Nội. Các giám mục đã gửi thư mục vụ mời gọi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tích cực sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng. HĐGMVN quyết định tổ chức lạc quyên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm để lập quỹ dự phòng cứu trợ thiên tai và dự định mở rộng hoạt động với một số Uỷ ban giám mục mới như: Giáo lý, Bác ái Xã hội, Văn hoá và Phúc Âm hoá.
– Từ ngày 23 đến 27-10, tọa đàm về “Một số vấn đề về Văn hoá Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ XX” do Uỷ ban Giám mục về Giáo dân tổ chức tại toà Tổng giám mục Huế.
Nguồn: WHĐ