Những đức hạnh đáng quý của người phụ nữ

247

images906130_anhdong_hoa3Đối với cha mẹ dù mẹ ruột hay mẹ chồng cũng trọn bề hiếu thảo. Đối với chồng là người bạn đường chung thủy, đoan chánh hiền từ, đối với các con là người mẹ hiền âu yếm dịu dàng. Đối với kẻ ăn người làm là người chủ khoan hồng độ lượng. Đối với bạn bè hàng xóm, biết tương thân tương ái.

Trong cuộc sống đời thường, ai cũng ước muốn có một gia đình hạnh phúc. Song để có được gia đình hạnh phúc, vui tươi, đầm ấm không thể thiếu một người vợ đảm đang đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh hiền hậu nết na, hiếu thảo.

Người xưa đặt chữ Công lên hàng đầu. Điều đó nói lên khả năng, tài khéo léo, sự đảm đang, sự quán xuyến mọi việc của gia đình. Có được người vợ giỏi, gia đình nhà chồng càng thêm sung túc, chồng thảnh thơi lo công danh sự nghiệp, con cái được săn sóc chu đáo và được học hành đàng hoàng. Đức Thầy khuyên:

Công là phải sửa làm sao

Làm ăn các việc tầm phào chẳng nên

Mình là gái mới lớn lên

Đừng cho công việc hớ hênh mới là

Công nói lên sự siêng năng, cần kiệm, có tài làm kinh tế, biết đỡ đần cho cha mẹ, hy sinh cho chồng con, biết sống chia sẻ với mọi người, không quá ham lợi mà làm điều phi nghĩa, xúi giục chồng con tạo nhiều ác nghiệp.

Bà Tú Xương:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò bao quãng vắng

Eo xèo mặt nước buổi đò đông.

Bà Phan Bội Châu đảm đang lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái để chồng an tâm đi tìm đường cứu nước.

Trong thời đại mới, người đàn bà “hiện đại” còn cần có học thức, tài năng, không chỉ bó gọn trong phạm vi gia đình như thêu thùa, may vá… mà tiến xa hơn đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, nữ doanh nhân thành đạt…

Dung là sắc đẹp đáng quí của người phụ nữ. Napole’on đệ tam có nói “Một người đàn bà đẹp làm thỏa mãn đôi mắt, một người đàn bà đức hạnh làm thỏa mãn trái tim, một đàng là một kho tàng, một đàng là đồ trang sức”. Câu nói ý nhị nầy cho ta thấy một người đàn bà có hai phương diện. Vẻ đẹp vật chất thường có tính cấp thời nhưng vẻ đẹp tinh thần sống mãi với thời gian. Ở đời, người ta thường ca tụng sắc đẹp kiều diễm bên ngoài chớ mấy ai chú trọng đến tâm hồn cao thượng hay tấm lòng quí báu của người đàn bà đức hạnh. Mua hàng mặc có người thích hoa hòe sặc sỡ nhưng hàng ấy có bền chắc hay không, họ cũng không chú ý lắm. Lại có lắm thứ cây xấu nhưng khi được đóng thành bàn ghế, nhờ sơn phết bên ngoài cũng bán chạy như thường. Napole’on còn nói “Phụ nữ là những bông hoa có linh hồn. Không có người phụ nữ xấu chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp mình”. Cái đẹp từ tâm hồn còn hơn nhiều lần cái đẹp hình thức bên ngoài. Vẻ đẹp trong tâm hồn khó mua được. Đức Thầy khuyên:

Chữ dung là phận đàn bà

Vóc hình tươi tắn, đứng đi dịu dàng

Dầu cho mắc chữ nghèo nàn

Cũng là phải sửa phải sang mới mầu

Người đẹp mà biết tự trọng, khiêm nhường… được khen ngợi. Người xấu mà biết trau dồi đức hạnh càng được mọi người mến thương. ĐứcThầy khuyên:

Cả tiếng kêu bạn gái má hồng

Đem son phấn điểm tô tổ quốc

Thật thú vị khi chữ ngôn được đặt trước chữ hạnh.Chính chữ công kết hợp nhuần nhuyễn với chữ ngôn mới làm nên đức hạnh cao quí của người phụ nữ.

Ca dao ta có câu:

Chim khôn hót tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

Hay:

Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Lời nói tạo nên phước đức hay tạo nên nghiệp ác, trầm luân muôn thuở. Lời nói của Án Anh giúp vua Tề khỏi mang tiếng bất nhân chỉ vì một con ngựa quí mà giết chết một mạng người.Thật là “Lắt léo chi có ba tấc lưỡi” vinh nhục sống chết cũng do nó mà ra.

Người đàn bà đức hạnh nói năng lễ phép lịch sự,giao tiếp khéo léo dịu dàng, ứng xử lịch thiệp thông minh, có văn hóa, có sức truyền cảm cuốn hút lòng người dễ thành công trong mọi việc. Đức Thầy khuyên:

Ngôn là lời nói mặc dầu

Cũng cho nghiêm chỉnh mới hầu khôn ngoan

Đừng dùng lời tiếng phang ngang

Thì cha với mẹ mới an tấm lòng

Hay:

Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch

Khi thốt ra đoan chánh hiền từ

Hạnh làm cho tổ ấm gia đình thêm hạnh phúc. Đối với cha mẹ dù mẹ ruột hay mẹ chồng cũng trọn bề hiếu thảo. Đối với chồng là người bạn đường chung thủy, đoan chánh hiền từ, đối với các con là người mẹ hiền âu yếm dịu dàng. Đối với kẻ ăn người làm là người chủ khoan hồng độ lượng. Đối với bạn bè hàng xóm, biết tương thân tương ái. Khi gia đình sung túc, biết ăn cần ở kiệm, không se sua đua đòi, biết sống chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó cô đơn, làm nhiều việc từ thiện. Lúc gia đình túng hụt khó khăn, biết buôn tảo bán tần, một nắng hai sương. Dù hoàn cảnh có xoay chiều chuyển hướng như thế nào, người đàn bà đức hạnh cũng vững tay lèo lái con thuyền hạnh phúc vượt qua sóng gió. Nàng Tô Thị trông chồng hóa đá vọng phu. Thiếu phụ Nam xương, Vũ Thị Thiết, đêm đêm nhớ chồng, chỉ bóng mình trên vách, để dạy con thưa cha về. Chồng mãn lính trở về, ẩm con thăm mộ mẹ, nghe con nói tối nào cha cũng về, ông không phải là cha tôi. Không rõ khúc nôi, cơn ghen nổi lên, chàng mắng chưởi vợ thậm tệ, rồi đuổi đi. Mặc dù hàng xóm hết lòng minh oan, nhưng vẫn không lay chuyển được lòng người chồng khắc nghiệt. Nàng buồn lòng nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vận. Vua Lê Thánh Tôn đến đấy, thấy miếu thờ khói hương nghi ngút, hỏi ra biết cớ sự, lấy làm thương cảm đề thơ:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương,

Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ,

Làn nước chi cho lụy đến nàng,

Chứng quả có đôi vừng nhật nguyệt,

Giải oan chi mượn đến đàn tràng

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.

Ngày nay, đất nước độc lập và phát triển. Gia đình và xã hội ngày càng văn minh đã giải phóng phụ nữ, thực hiện sâu rộng quyền bình đẳng giới,chấp cánh ước mơ cho người phụ nữ vươn lên. Nhiều phụ nữ có học hàm, học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên… đầy đủ tài năng và thành đạt… Họ là điển hình cho lớp phụ nữ hiện đại, nhưng lúc nào cũng là người vợ hiền dâu thảo, người mẹ đáng kính, biết cách dạy con nên người hữu dụng có đức có tài. Ở nước ta, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011- 2016) là 24,4% cao thứ hai khu vực và đứng thứ 48 thế giới. Nữ giảng viên đại học, cao đẳng 48,9%.

Thời chiến tranh, đất nước ta có biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng. Họ là những người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ hiền nhân hậu, người công dân yêu nước. Nước mắt mẹ không biết bao nhiêu lần trước khóc cha khóc chồng, sau lần lượt khóc con hết đứa này đến đứa khác nhưng lòng mẹ vẫn bất khuất kiên trung, có khi phải chịu cảnh lao tù  khổ sở. Thật đáng kính thay những bà mẹ Việt Nam anh hùng! Người xưa có câu: Vợ hiền là của báu trong nhà, Tôi hiền là báu vật của quốc gia.

Nữ tín đồ PGHH làm tròn Tứ ân, không ngừng học hỏi khoa học kỹ thuật… sống đầy đủ những đức hạnh cao quí: công, dung, ngôn, hạnh, chung thủy, tự tin, tự trọng… cùng phụ nữ cả nước đóng góp tích cực vào mọi lãnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng… đưa đất nước tiến tới: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Cao Huệ