NỘI DUNG CỦA BẢN NGÃ (EGO)[1]:
NHU CẦU, THÁI ĐỘ và GIÁ TRỊ[2]
Như chúng ta đã thấy, con người hoạt động trên ba cấp bậc của đời sống tâm linh và ý thức, và về cơ bản thì con người bị thúc đẩy bởi cảm xúc và / hay lý trí. Bây giờ chúng ta cần đi xa hơn để quan sát con người “từ bên trong,” nghĩa là tìm hiểu những yếu tố đã làm nên hậu cảnh của lối sống và cách thức con người lấy quyết định.
Hai câu hỏi:
1) Khi chúng ta hành động, điều gì lôi cuốn hay thúc đẩy chúng ta? Đâu là những năng lực thúc đẩy chúng ta? Đó là những câu hỏi liên quan đến “cái gì” hay nội dung của bản ngã;
2) Khi chúng ta hành động, tại sao chúng bị lôi cuốn hay thúc đẩy bởi những nội dung này chứ không phải những nội dung khác? Đó là câu hỏi liên quan đến “tại sao” hay cấu trúc của bản ngã.
A. Các Nhu cầu
1. Định Nghĩa
Nhu cầu là xu hướng bẩm sinh hướng tới hành động. Nhu cầu bắt nguồn từ sự thiếu hụt trong cơ thể hay bắt nguồn từ những tiềm năng tự nhiên của con người, những tiềm năng đó có xu hướng thể hiện ra bên ngoài.
a. Trước hết, nhu cầu là xu hướng đưa tới hành động.
Điều đó có nghĩa các xu hướng chứa đựng năng lực tâm linh; nếu không có năng lực đó, chúng ta sẽ không thể suy tư hay thực hiện bất cứ cử chỉ nào. Bởi đó, các nhu cầu thì vô cùng quý báu: Mỗi người đều không ngớt múc nguồn năng lực để yêu thương, để biết, để thiết lập những tương giao, để vượt qua những khó khăn, v.v… Quả là vô lý và bất khả thi, nếu chúng ta muốn loại bỏ mọi nhu cầu và xem các nhu cầu tương phản với lý tưởng, bởi vì chúng ta cảm thấy các nhu cầu như một điều không cao thượng cho lắm. Làm như thế tức là chúng ta muốn yêu thương mà không cần có năng lực. Hành vi yêu thương Thiên Chúa hay hành vi cưỡng bức tha nhân đều phát xuất từ cùng một nguồn năng lực, cho dù người ta hiểu và sử dụng năng lực đó vào những mục đích khác nhau.
Nhu cầu chỉ là một xu hướng. Nhu cầu tự thân thì không đủ để tạo ra hành động.
[3] Do vậy, nhu cầu không phải là tác nhân quyết định của một hành vi hay định hướng cụ thể cho hành vi. Nhu cầu cũng không phải là một “bảng chỉ đường,” mà chỉ là một “định hướng ưu tiên.” Vì nhu cầu yêu thương, chúng ta thích những tương giao thân thiện hơn những tương giao tiêu cực. Tuy nhiên, nhu cầu yêu thương không ấn định chúng ta phải tiếp xúc với tha nhân như thế nào và cũng không bao hàm những cách thức cụ thể để biểu lộ tình yêu. Định hướng cơ bản thì bẩm sinh và chúng ta còn phải học kỹ năng trong việc thoả mãn các nhu cầu. Như vậy, nhu cầu có khả năng thích nghi rất lớn: Bởi vì nhu cầu không phải là một bảng dẫn đường, nên nhu cầu có thể biểu lộ bằng rất nhiều cách thức và có thể được nhào nặn nhờ các tình huống, qua việc tập luyện và quá trình nhận thức (ước muốn lý tính). Nói cách khác, hành vi con người không bị định đoạt bởi các nhu cầu của mình một cách tất yếu và tự động: Giữa nhu cầu và hành động có một khoảng cách chi phối bởi sự quyết định của con người.
b. Nhu cầu bắt nguồn từ sự thiếu hụt của cơ thể hay phát sinh từ tiềm năng tự nhiên của con người
Câu này muốn khẳng định rằng các nhu cầu được kích hoạt bởi hoàn cảnh, bởi sự thiếu hụt về mặt thể lý hay bởi thiên hướng bẩm sinh trong bản tính con người. Chúng ta có thể nói một cách khác như sau:
1) Chúng ta không thể giản lược nhu cầu với bản năng, bởi vì bản năng bắt nguồn từ chức năng sinh học và điều khiển bởi mô hình “giải toả căng thẳng” tự động như Freud chủ trương.
[4]
2) Chúng ta cũng không thể cho rằng, bên cạnh các nhu cầu sinh lý “sơ đẳng,” thì chỉ có các nhu cầu xã hội hay nhu cầu “thượng đẳng” mà chúng ta “học được” qua môi trường xã hội hay qua các tiến trình xã hội hoá ngẫu nhiên, qua cơ chế “tăng cường quan hệ xã hội” như chủ trương của thuyết hành vi và tân thuyết hành vi, nhất là những tác giả McClelland, Dollard và Miller.
3) Có những nhu cầu bẩm sinh gắn liền với bản tính con người và có tính phổ quát.
4) Có những nhu cầu liên quan đến mỗi cấp bậc của đời sống tâm linh (thể lý, xã hội, lý tính) với những đặc tính và đòi hỏi tương ứng. Bởi đó, chúng ta không thể giản lược các nhu cầu với một động lực cơ bản mà thôi, như thể chúng chỉ là biến thể của động lực đó, và như thế, đời sống tâm linh mới có thể phong thú hơn (vượt trên những đòi hỏi, khi đứng trên một quan điểm khác).
[5]
2. Các Loại Nhu Cầu
Phần lớn các nhà tâm lý học hiện đại đều có khuynh hướng nới rộng khái niệm nhu cầu sang phạm vi lý tính – tinh thần: “Tâm lý học hiện đại đều nói đến khuynh hướng của con người bình thường là liên tục phá vỡ sự quân bình – điều bình
[6] để đạt tới những mục tiêu mới trên cấp bậc cao hơn, bằng cách chấp nhận những rủi ro và bất trắc khiến cho sự quân bình bị gián đoạn tạm thời. Khi những động cơ thúc đẩy vận hành trên bình diện nhận thức và giá trị, thì trọng tâm chi phối mọi hoạt động chính là nguyên lý mở rộng.”
Tóm lại, trên bình diện lý tính – tinh thần, chúng ta có những nhu cầu quan trọng sau đây:
- Trên cấp bậc thuần lý: Đó là nhu cầu biết mình và môi trường chung quanh, cần một căn tính tích cực, sự an toàn, thể hiện bản thân, sáng tạo.
- Trên cấp bậc tinh thần: Đó là nhu cầu tìm ý nghĩa, làm cho cuộc sống có “mục đích,” tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của thực tại, thiết lập dự phóng tổng quát cho cuộc sống và hướng tới tuyệt đối.
- Trên cấp bậc tâm lý – xã hội: Đó là những nhu cầu trên bình diện nhóm nói chung. Đó là nhu cầu được nhóm trân trọng, nhu cầu kết bạn, khám phá môi trường và được môi trường khích lệ, có khả năng tương tác hiệu quả với thực tại.
Sau khi so sánh và phân tích cặn kẽ danh sách những nhu cầu mà các nhà tâm lý đề nghị, Murray đã nhấn mạnh một số nhu cầu quan trọng hơn trong lãnh vực tâm lý và lý tính – tinh thần. Những nhu cầu đó có thể được xem là thành phần phổ biến trong bản tính con người. Dưới đây là định nghĩa của những nhu cầu ấy.
Bảng III. Định nghĩa các nhu cầu
Hạ mình: Chấp nhận thua kém. Chịu thua. Cam chịu số phận. Tùng phục sức mạnh ngoại giới cách thụ động. Than trách và xem thường bản thân. Sợ làm điều mình có khả năng làm được.
Thủ đắc: Thực hiện những việc có ý nghĩa. Thủ đắc điều gì đó cho mình. Không đắm mình trong những chuyện vô bổ. Xây dựng, sáng tạo và tương tác hiệu quả với môi trường; có khả năng.
Sáp nhập: Lôi kéo người khác đến với mình, thích cộng tác hay trao đổi với một đồng minh. Hợp tác, trao đổi ý kiến. Gắn bó và trung thành với bạn.
Gây hấn: Trả thù vì bị xúc phạm. Tấn công, làm tổn thương hay giết người khác. Phản đối và chống đối. Xúc phạm, hạ giá hay chế giễu người khác. Nói xấu người khác. Có đầu óc chống đối.
Tự lập: Thích tự do và tự điều khiển đời mình cách tích cực. Chống áp bức. Tránh né hay loại bỏ công việc do cấp trên áp đặt. Độc lập và tự do hành động theo chuẩn mực của mình. Chống lại sự kiềm chế và áp đặt.
Thay đổi (sự mới mẻ): Thay đổi môi trường, hoàn cảnh, công việc. Tránh thói quen và lặp đi lặp lại.
Tùng phục (chiều theo ý người khác): Cảm phục và ủng hộ bề trên. Ca ngợi, tôn vinh, tán dương bề trên. Đi theo một mẫu gương.
Thống trị: Chi phối hay điều khiển người khác bằng cách đề nghị, thuyết phục, truyền lệnh. Can ngăn, cản trở hay cấm đoán, thuyết phục,
đề nghị. Chỉ dạy, thông tin, giải thích, diễn giải, dạy dỗ, tổ chức.
Phô trương: Gây ấn tượng. Muốn được thấy và được lắng nghe. Tạo phấn khích, ngạc nhiên, dụ dỗ, căm phẫn, âm mưu hay cám dỗ người khác.
Lẫn tránh thiệt hại: Tránh thất bại, tổn thương thể lý, bệnh tật và sự chết. Thích sống trong những môi trường quen thuộc và có quy cũ. Tránh né tình huống nguy hiểm. Đắn đo cân nhắc. Giữ sự căng thẳng ở mức tối thiểu.
Tránh bị phê bình hay thất bại (phòng thủ): Rời xa những tình huống gây lúng túng và tránh né những hoàn cảnh có thể khiến mình xem thường bản thân: Sự khinh miệt, chế nhạo hay dửng dưng của người khác, tự trách. Không bao giờ chấp nhận sai lầm của mình. Biện hộ cho đến cùng. Nhất trí thụ động. Che đậy và tự vệ mà không có nguyên nhân.
Nuôi dưỡng: Thông cảm và đáp ứng nhu cầu của người yếu ớt, tàn tật, mệt nhọc, thiếu kinh nghiệm, ốm yếu, thất bại, bị xỉ nhục, cô đơn, thất vọng, đau ốm, tinh thần bối rối. Giúp đỡ kẻ gặp nguy hiểm, cung cấp thức ăn, giúp đỡ, nâng đỡ, an ủi, săn sóc, chữa trị. Một khuynh hướng vị tha bẩm sinh muốn giúp đỡ người khác.
Trật tự : Tổ chức và sắp đặt công việc một cách có ý nghĩa. Thiết lập hệ thống quy chiếu. Làm cho sự vật có ý nghĩa và chấp nhận bản chất của sự vật. Thường tự hỏi liệu việc mình làm hay muốn làm có triển vọng hay có giá trị gì không. Cân nhắc hậu quả của hành động. Không chỉ biết sự vật, mà còn biết sắp đặt mọi sự vào đúng vị trí và gán cho chúng một ý nghĩa.
Giải trí: Vui đùa mà chẳng có mục đích gì. Tìm thú vui hay phương thế thư giãn. Thích cười đùa và bông đùa, mơ mộng ban ngày.
Phản tác dụng (counteraction): Kiên trì khắc phục khó khăn, sự thất vọng, những điều nhục nhã hay tình huống gây lúng túng, bằng cách chống lại khuynh hướng tránh né, từ nhiệm hay rút lui khỏi tình huống có thể đưa đến những hậu quả trên đây.
Lòng tự trọng: Muốn có một căn tính thật sự vững bền và tích cực. Nhận biết phẩm chất của mình. Vui thích vì mình và việc mình làm. Việc biết mình được đặt trong một khung có hệ thống và thống nhất. Hội nhập các khía cạnh tiêu cực.
Thoả mãn tính dục: Sử dụng người khác như phương tiện tìm khoái lạc. Lôi kéo, chiếm hữu và bỏ rơi. Nhìn người khác như một thể xác, chứ không phải là con người tâm linh.
Nhìn nhận (quan tâm): Muốn được nhìn nhận, trân trọng, yêu mến, kính trọng và quan tâm. Giữ mình không để bị xem thường. Giữ gìn danh thơm tiếng tốt.
Thành công: Muốn thành công khi làm những việc khó khăn. Phát huy tiềm năng, phát triển bản thân, cố gắng trổi vượt hơn người khác bao nhiêu có thể bằng cách thể hiện các tài năng.
Trợ giúp: Bày tỏ thiện cảm trong việc trợ giúp đồng minh. Muốn được chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ, bao bọc, bảo vệ, yêu thương, khuyên bảo, hướng dẫn, nuông chiều, tha thứ, an ủi. Muốn gần người tận tình bảo hộ.
Hiểu biết: Thoả mãn tính hiếu kỳ, thích khám phá, đặt câu hỏi. Thu lượm thông tin từ cảm nhận sơ đẳng đến trừu tượng và những lý luận cao sâu hơn. Quan sát, lắng nghe, sờ mó đồ vật, và giải thích lập trường của mình đối với thực tại.
Qua danh sách trên, bạn có thể nhận thấy nội dung của các nhu cầu có thể tương phản với nhau. Một lần nữa, chúng ta đối diện với sự phức tạp và mâu thuẫn của con người.
3. Kinh Nghiệm về Các Nhu Cầu
Đến đây, chúng ta có thể tìm hiểu một vài yếu tố nhằm giải thích tại sao nhu cầu này lại trổi vượt nhu cầu kia.
a. Trước hết, sự trổi vượt của một nhu cầu là do nhu cầu đó chịu một sức ép mạnh hơn các nhu cầu khác. Rõ ràng là không phải mọi người đều có kinh nghiệm như nhau về các nhu cầu; và ngay cả trong chính bản thân mỗi người, các nhu cầu cũng không tạo nên một sự thúc ép ngang nhau.
b. Một yếu tố khác liên quan mật thiết đến sức ép của nhu cầu là mối tương quan giữa nhu cầu và lòng tự trọng.
c. Cuối cùng, điều rất hệ trọng là chủ thể có ý thức về nhu cầu của mình hay không. Nếu anh ta hiểu và nhìn nhận nhu cầu của mình cùng với sự lẫn tránh tinh vi, bấy giờ anh ta biết rõ cảm xúc của mình và nguyên nhân của các thúc bách nhất định. Trong trường hợp đó, anh ta có thể chọn một lập trường và quyết định một cách có trách nhiệm. Trái lại, nếu nhu cầu đó ẩn khuất trong vô thức, anh ta sẽ không thể hiểu điều gì đang xảy ra trong lòng. Anh ta có thể nhận biết sự thúc bách và hậu quả của nó, nhưng không thể biết được nguyên nhân, thậm chí anh ta biện minh cho sự thúc bách đó (“Tôi muốn hy sinh bản thân để phục vụ tha nhân,” nhưng thực chất là để phô trương). Do đó, anh ta ít có khả năng kiểm soát nhu cầu của mình, và vì nhu cầu đó ẩn khuất trong vô thức, nên đời sống của anh ta có thể bị xáo trộn mà anh không biết tại sao.
Như chúng ta đã thấy, nhu cầu tự nó không phải là yếu tố quyết định của hành động. Để cho một nhu cầu được cụ thể hoá bằng hành động, thì còn có sự góp phần của những yếu tố khác.
B. Thái Độ
“Thái độ là một thiên hướng của tinh thần và não bộ trong việc đáp lại tác nhân kích thích. Thái độ được hình thành nhờ kinh nghiệm và điều khiển hành vi.” Đó là định nghĩa của Allport. Ngoài ra, ít nhất còn có hai định nghĩa khác có thể giúp chúng ta hiểu bản chất của thái độ rõ hơn. Thứ nhất là định nghĩa của Katz: “Thái độ là thiên hướng của chủ thể trong việc đánh giá các biểu tượng, đồ vật hay các khía cạnh của thế giới cách thuận lợi hay không thuận lợi.” Thứ hai là định nghĩa của Rokeach: “Thái độ là một hệ thống niềm tin tương đối bền vững đối với một đối tượng hay một hoàn cảnh, và thúc đẩy chủ thể đáp lại đối tượng hay hoàn cảnh với một sự ưu tiên nhất định.”
Có một số yếu tố chung mà chúng ta cần lưu ý:
1. Cả ba tác giả đều coi thái độ như một thiên hướng trong việc đáp lại đối tượng. Do đó, thái độ là một yếu tố đi trước hành động (hiểu là động tác bên ngoài); một cách nào đó, thái độ đi trước dọn đường và đưa đến hành động, đồng thời góp phần làm cho hành động có một mục đích và một cách ứng xử, nhưng không bao giờ lẫn lộn với hành động.
2. Ba định nghĩa trên, theo những cách thức khác nhau và bổ túc cho nhau, đều nhấn mạnh những cấu tố của thái độ: Nhận thức, cảm tính và ý muốn.
- Cấu tố nhận thức ám chỉ cách thức chủ thể nhận biết đối tượng của thái độ, liên quan đến khái niệm. Theo nghĩa đó, thái độ là một quan điểm
- Cấu tố cảm tính cho thấy chủ thể cảm thấy bị thu hút hay gớm ghét đối tượng của thái độ. Cấu tố này là “yếu tố nòng cốt” của thái độ.
- Cấu tố ý muốn (thúc bách hành động) cho thấy xu hướng của chủ thể khi cư xử với đối tượng.
3. Anh hưởng của thái độ đối với hành vi không chỉ mang tính chất hướng dẫn, nhưng còn có tính năng động.
4. Mặc dầu chúng ta đang dừng lại ở phạm vi định nghĩa, chúng ta hãy tìm hiểu vai trò đặc biệt của “thái độ” so với những khái niệm khác liên quan đến hành vi.
Thái độ khác với nhu cầu: Nhu cầu là xu hướng bẩm sinh, trong khi thái độ là một xu hướng thủ đắc nhờ kinh nghiệm. Vì thế, nhu cầu có tính phổ quát, còn thái độ có tính chất đặc trưng và cá biệt.
Thói quen là một thái độ thường đưa đến hành động và luôn luôn được biểu lộ bằng một cách thức như nhau.
Quan điểm chỉ là cấu tố nhận thức mà thôi, trong khi thái độ còn bao gồm cả cấu tố cảm tính và ý muốn. Chúng ta có thể thay đổi quan điểm dễ dàng, bằng cách thay đổi yếu tố nhận thức; còn thái độ thì chống lại việc thay đổi, vì cấu tố cảm tính không dễ bị thay đổi vì những sự kiện hay thông tin mới.
Đặc điểm ám chỉ khả năng đáp lại tác nhân kích thích (những kiểu hành động thông thường), còn thái độ chỉ biểu lộ một xu hướng đáp lại tác nhân kích thích.
Tóm lại, thái độ thì linh động hơn thói quen và khó thấy hơn thói quen, hướng đến các đối tượng xã hội có đặc điểm nhân cách, ít tính chất toàn diện hơn hệ thống giá trị, có khả năng điều khiển hơn quan điểm, độc đáo hơn là toàn bộ các động cơ.
1. Chức Năng Của Thái Độ
Vì thái độ không trực tiếp đồng hoá với hành động, cho nên thái độ không chỉ có một lối diễn giải mà thôi (hành vi có ý nghĩa gì). Mọi thái độ đều có hai mặt: Phát biểu và không phát biểu, biểu lộ và không biểu lộ. Khi đối diện với một thái độ, trước hết chúng ta phải tìm hiểu lý do của thái độ đó. “Tại sao tôi tỏ thái độ ân cần tử tế? Tại sao tôi chống đối? Tại sao tôi giữ lập trường?…” Chúng ta có thể đưa ra những trả lời khác nhau, bởi vì thái độ có những chức năng khác nhau.
Chúng ta hãy xem các trường hợp sau đây:
– Thái độ sẵn sàng giúp đỡ tha nhân có thể biểu lộ đức tính hiến thân, nhưng cũng có thể là phương tiện để thoả mãn nhu cầu phô trương.
– Đứng về phe đối lập có thể là vì yêu mến sự thật, nhưng cũng có thể là phương tiện để giải tỏa sự gây hấn và gây chú ý.
– Tôn trọng ý kiến người khác có thể biểu lộ sự cởi mở, nhưng cũng có thể phát xuất từ mặc cảm tự ty, không cho người ta bộc lộ bản thân một cách thoải mái.
Những động cơ thấp kém này thường là vô thức mà chúng ta không nhận ra.
– Người ta có thể chân thành hy sinh bản thân để phục vụ tha nhân mà không hề biết rằng anh ta chỉ dừng lại ở giai đoạn ấu trĩ nhằm thoả mãn nhu cầu của mình. Khi lòng nhiệt thành ban đầu phai nhạt, sự quan tâm phục vụ cũng nhạt nhòa.
– Người ta có thể phụng sự chân lý mà không biết rằng mình đang ở trong giai đoạn phủ nhận. Anh ta chỉ cảm thấy có giá trị khi chống đối. Vì thế, nếu phải hy sinh bản thân, anh sẽ kháng cự.
– Người ta có thể nghĩ mình có tinh thần dân chủ, nhưng thật ra anh ta không đủ can đảm theo đuổi lý tưởng của mình và không có khả năng biện minh cho chọn lựa của mình.
Tuy vậy, trên thực tế thì các chức năng khác nhau cùng hiện diện trong một thái độ. Chúng ta hãy khảo sát riêng từng chức năng để hiểu rõ hơn.
a. Chức Năng Vi Lợi:
Người ta giữ một thái độ khi thái độ đó có lợi cho mình. Mối lợi đó có thể trực tiếp hay gián tiếp, nhằm tìm kiếm phần thưởng (mối lợi) hay tránh sự trừng phạt (mối nguy).
Mối lợi đó liên kết với các nhu cầu của chủ thể, nhưng chủ thể không nhận thấy sự liên kết giữa mối lợi đó với nhu cầu của mình. Chức năng này cho thấy rằng chúng ta đều có khuynh hướng làm gia tăng phần thưởng và giảm thiểu sự trừng phạt của thế giới bên ngoài. Đứa trẻ tỏ thái độ tích cực với những đối tượng làm nó hài lòng và tỏ thái độ tiêu cực với những đối tượng không làm cho nó vừa lòng. Tóm lại, chức năng vị lợi nhằm:
a. Giành lấy phần thưởng, hay
b. Tránh điều đáng ghét.
b. Chức Năng Tự Vệ
Nếu chức năng vị lợi cho phép chúng ta thiết lập tương giao hài hoà với người khác, thì chức năng tự vệ cho phép chúng ta quan hệ hài hoà với mình. Thích ứng với người khác đã là việc khó; nhưng thích ứng với bản thân lại là việc hệ trọng hơn, nhất là khi chúng ta trải nghiệm những thúc bách mà chúng ta không thể chấp nhận được. Trong khi chức năng vị lợi giúp chúng ta tránh khỏi bị xã hội trừng phạt, thì chức năng tự vệ giúp chúng ta thoát khỏi những mối đe doạ từ bên trong: Chúng ta tỏ thái độ với mục đích giữ lòng tự trọng, bảo vệ lòng tự trọng khỏi những đe doạ mà chúng ta nhận thấy một cách ý thức hoặc vô thức. Thái độ tự vệ cản trở chúng ta nhận biết sự thật của mình. Ở đây, nhu cầu cơ bản là bảo vệ hình ảnh của mình bằng mọi giá.
Với chức năng tự vệ, người ta có xu hướng che đậy sự ấu trĩ mà người ta không muốn chấp nhận bằng những hành động hoàn toàn trái ngược. Đó là trường hợp người lệ thuộc cảm xúc, anh ta hăng say làm những việc hy sinh để che đậy nhu cầu muốn được yêu thương.
c. Chức Năng Diễn Đạt Giá Trị
Ngoài chức năng vị lợi và tự vệ, thái độ còn cung cấp phương tiện để có một cuộc sống tốt hơn và diễn đạt những giá trị mà chúng ta tin là mục tiêu của đời sống.
Với thái độ diễn đạt giá trị, chủ thể hành động vì tin, chứ không nhắm mục đích vị lợi hay tự vệ.
d. Chức Năng Hiểu Biết
Đó là khi chúng ta tỏ thái độ nhằm đạt được một sự hiểu biết toàn nhập về mình và thế giới (thường được đơn giản hoá). Mọi người đều cần một khung quy chiếu để hiểu thực tại. Do đó, thái độ hiểu biết, chủ yếu là thái độ của trí tuệ, là yếu tố cấu thành các phạm trù và những điều khái quát, nhờ đó chúng ta đơn giản hoá sự phức tạp của thế giới và đưa ra một mô hình (tức là những nét khái quát của nhận thức và hành vi) để đáp lại thực tại cách thích hợp.
2. Sự Hình Thành Các Thái Độ
Theo McGuire thì thái độ được cấu thành bởi nhiều nhân tố:
- Nhân tố thể lý: Các thái độ liên quan đến tuổi tác, sự mạnh khoẻ hay bệnh tật.
- Nhân tố xã hội: Tác động của những người xung quanh, những hình thức giao tiếp bằng lời và không lời, quảng cáo, văn hoá nhóm, thể chế, v.v…
- Kinh nghiệm trực tiếp của chủ thể: Cách nhận thức thực tại, ký ức cảm xúc, hy vọng về tương lai, các chấn thương, các giai đoạn quan trọng trong sự phát triển…. Có một vô thức cảm xúc (emotional unconscious) chịu trách nhiệm chính về việc hình thành các thái độ cảm xúc hay cấu tố cảm xúc của thái độ.
E. Các Giá Trị
Bây giờ chúng ta đề cập thuộc tính thứ ba của nhân cách: Đó là các giá trị. Giá trị khác với nhu cầu, bởi vì giá trị thì không “thúc bách,” nhưng “lôi cuốn” con người hành động.
1. Định Nghĩa:
Giá trị là lý tưởng bền vững và trừu tượng liên quan đến lối sống hiện nay cũng như mục tiêu cuối cùng của cuộc sống.
Qua định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy hai loại giá trị:
- Giá trị tối hậu (terminal) liên quan đến cùng đích cuối cùng của cuộc đời mà con người muốn đạt đến
- Giá trị công cụ (instrumental) liên quan đến những cách thức hành động cần thiết, nếu chúng ta muốn đạt đến cùng đích cuối cùng. Đó là hai đòi hỏi mà chúng ta không thể từ chối (nỗi đau của khủng hoảng căn tính). Mỗi người phải quyết định về đời mình: Tôi muốn trở nên loại người nào? Làm thế nào để trở nên như thế? Tôi chọn những mục tiêu nào để thực hiện và chọn những tiêu chí nào để hành động?
Hai loại giá trị trên đây nằm trong một hệ thống các giá trị, trong đó giá trị tối hậu nằm (hay phải nằm) ở chóp đỉnh và giá trị công cụ thì lệ thuộc giá trị tối hậu. Giá trị tối hậu là giá trị tự thân, còn giá trị công cụ chỉ là phương tiện. Ví dụ, đức nghèo tự nó không có ý nghĩa gì trong đời sống Kitô hữu; nhưng là phương tiện để đạt được mục tiêu là bước theo Đức Kitô, điều này mới có ý nghĩa.
2. Các Cấu Tố
Giống như thái độ, giá trị cũng có các yếu tố nhận thức, cảm tính và ý muốn. Yếu tố nhận thức thì quá hiển nhiên: Để đối tượng trở nên một giá trị, trước hết chúng ta phải nhận biết đối tượng đó. Khi chúng ta có một giá trị, chúng ta phải biết cách hành động đúng và biết rõ mục đích cuối cùng mà ta nhắm tới. Tuy nhiên, biết mà thôi thì chưa đủ; chúng ta cần có yếu tố cảm tính, bởi vì chúng ta phải cảm nghiệm giá trị như nguồn mạch của năng lực và tác nhân kích thích hoạt động. Đàng khác, chúng ta cần có yếu tố ý muốn để giá trị có thể trở nên nguồn năng lực: Giá trị không chỉ là đối tượng để chiêm ngưỡng, nhưng phải được cụ thể hoá bằng hành động.
3. Giá Trị và Thái Độ
Giá trị là xu hướng tổng quát chứa đựng nhiều tiềm năng để biến thành hành động, còn thái độ liên quan đến các hoạt động và các hình thức hoạt động đặc thù hơn. Vì thế, người trưởng thành có thể có nhiều thái độ, nhưng thường chỉ có một vài giá trị chính yếu.
Giá trị là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống; thái độ là phương tiện để biến giá trị thành hành động.
4. Giá Trị và Nhu Cầu
Nhu cầu thì bẩm sinh, còn giá trị là hoa trái của một chọn lựa tự do và có trách nhiệm mà chúng ta tiếp thu hay khám phá được bằng cách này hay bằng cách khác.
Nhu cầu chỉ nhắm đến khía cạnh vụ lợi mà đối tượng mang lại (“cho tôi”); trái lại, giá trị giúp chúng ta nhận biết sự thật và giá trị nội tại của thực tại (“giá trị tự thân”).
Như thế, các nhu cầu chuyển động trong phạm vi nội tại, còn gía trị chuyển động trong phạm vi siêu việt. Giá trị là một khái niệm siêu việt, bởi vì giá trị bắt rễ từ tính khách quan của hữu thể, chứ không dựa trên sự đánh giá chủ quan của cá nhân.
[7]
5. Giá Trị và Quy Tắc
Có ba điểm khác biệt giữa giá trị và quy tắc:
a. Trước hết, giá trị nói đến quan điểm về cuộc sống, còn quy tắc nói đến cách sống. Do đó, quy tắc chỉ là dụng cụ chứ không bao giờ cùng đích.
b. Giá trị thì siêu việt các tình huống cụ thể, còn quy tắc là quy định cụ thể trong khi hành động (hay không được hành động), trong một tình huống rõ ràng.
c. Giá trị có tính chất cá nhân và nội giới, hình thành bởi xác tín, còn quy tắc có tính ngoại giới và dựa trên sự đồng thuận.
6. Các Loại Giá trị
Theo Frankl, có thể nêu ra ba hình thức diễn tả của giá trị, tương ứng với các chức năng. Ba loại giá trị sau đây có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa:
a. Giá trị sáng tạo là những gì chúng ta đóng góp cho đời bằng cách phát huy những quà tặng và tài năng. Chính khả năng sáng tạo mang lại giá trị cho cuộc sống, chứ chúng ta không buộc phải làm những chuyện vĩ đại thì cuộc sống mới có giá trị.
b. Giá trị thực nghiệm là những điều chúng ta nhận được từ cuộc sống, như khả năng trải nghiệm thực tại cách tích cực (ví dụ vẻ đẹp thiên nhiên, công trình nghệ thuật, một thời điểm đầy ý nghĩa nào đó…). Sự thiện và vẻ đẹp hiện diện trong cuộc sống mỗi người; khả năng thưởng thức sự thiện và vẻ đẹp mang lại cho đời sống giá trị thực nghiệm; khả năng đó làm cho đời sống chúng ta nên phong phú và giúp chúng ta hoà hợp với cuộc sống.
c.
Giá trị thái độ[8] ám chỉ thái độ tổng quát của chúng ta đối với cuộc sống, nhất là lập trường của chúng ta khi đứng trước một thực tại bất biến của cuộc sống (số phận). Nói cách khác, đó là khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, chấp nhận cuộc sống “cách tự do,” ngay cả những hoàn cảnh bi đát không thể tránh như bệnh tật, hay những hoàn cảnh hữu hạn (thể lý, tâm lý và luân lý) vốn là một phần trong cuộc sống con người.
7. Các Chức Năng của Giá Trị
Giá trị có công dụng gì? Tại sao chúng ta theo đuổi các giá trị? Những gì chúng ta đã nói về 4 chức năng của thái độ cũng áp dụng cho giá trị.
[9] Chúng ta có thể theo đuổi một giá trị vì mục đích vị lợi hay để bảo vệ hình ảnh bản thân, bởi lẽ các giá trị tự bản chất thì đúng và có khả năng lý giải thực tại. Tuy vậy, các giá trị có hai chức năng đặc trưng.
– Cung cấp căn tính cho chủ thể.
– Làm nhân tố thúc đẩy toàn thể đời sống tâm linh.
8. Đi Tìm Các Giá Trị
Chúng ta không thể sống nếu không có các gía trị, hay nói cách khác, đời sống chúng ta không thể trung lập. Thật vậy, trong thâm cung lương tâm hay trong mầu nhiệm vô thức, mọi người đều có những lý tưởng, một triết lý sống hay một “tôn giáo” riêng cho mình. Nếu ai nghĩ rằng chẳng gì có ý nghĩa, thì anh ta được tự do “chơi theo luật chơi của mình,” thậm chí đó chính là một ý thức hệ, là tiêu chuẩn hành động và “biểu tượng của sự bất tử” mà anh ta chọn” (dù không nói ra).
[10] Vì lẽ đó, tâm lý học xem các giá trị là một cấu tố tự nhiên và điểm quy chiếu cơ bản của đời sống tâm linh. Tâm lý học còn đi đến chỗ tuyên bố rằng “những hành động của chúng ta, trong tư cách là những người trưởng thành, tác giả của những quyết định và là con người, được nối kết với nhau nhờ các giá trị làm trung gian,” và “mọi quyết định đều bao hàm một sự phán đoán mặc nhiên về các giá trị.” Bất kể các giá trị đó là gì đi nữa, thì đó cũng là những gía trị mà chúng ta tiếp thu qua môi trường văn hoá; tuy nhiên chúng ta cần đánh giá lại các giá trị, vì giá trị là một cấu tố thiết yếu của tinh thần con người.
9. Tính Khách Quan Của Các Giá Trị
Không phải bất cứ giá trị nào mà chúng ta khao khát cũng có thể thoả mãn nhu cầu tự nhiên trong việc tìm kiếm ý nghĩa, nhưng chỉ các giá trị tôn trọng đặc tính riêng của việc tìm kiếm đó, tức là xu hướng tiệm tiến nhắm đến việc siêu việt. Tâm lý học không có nhiệm vụ chỉ rõ và xác lập các giá trị, nhưng có thể khẳng định là cần phải có các giá trị khách quan, bởi vì chỉ các giá trị đó mới thích hợp và thoả mãn xu hướng tâm linh.
10. Tự Do Liên Quan Đến Giá Trị
Các giá trị được giới thiệu với con người như những mệnh lệnh, nhưng không có tính cưỡng bức. Các giá trị cần được thể hiện, nhưng vẫn để cho con người tự do thực hiện hay không thực hiện. Như vậy, các giá trị thi hành một loại chức năng bó buôc, nhưng sự bó buộc này vẫn để con người tự do.
11. Giá trị và Nguồn Mạch Tôn Giáo (Religious Source)
Vấn đề giá trị tối hậu chắc chắn đòi buộc con người phải đối diện với vấn đề tôn giáo. Tự chất vấn về ý nghĩa của đời sống tức là đặt câu hỏi về nguồn gốc và số phận của con người, về việc con người lệ thuộc một nguồn mạch căn bản. Vấn đề ở đây là: Nguồn mạch nào? Nói chính xác hơn, đó là câu hỏi “ Thiên Chúa nào đây?” Hay nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh, nguồn mạch đó là Thiên Chúa hay ngẫu tượng?
[11] Nói cách khác, đời sống con người không thể trung lập dưới quan điểm tôn giáo, bởi vì không ai hiện hữu mà không có vấn đề tôn giáo.
Nguồn mạch tôn giáo dường như đáp ứng những đòi hỏi mà khoa tâm lý nêu ra như chúng ta đã thấy trên đây.
Nguồn mạch tôn giáo tôn trọng xu hướng tự siêu việt của con người, cả chiều ngang lẫn chiều dọc, và khuyến khích xu hướng đó – thúc đẩy một cách nào đó, mà với những lý tưởng thấp kém hơn, người ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Sau hết, nguồn mạch tôn giáo quan hệ rất mật thiết với chiều kích luân lý. Nguồn mạch tôn giáo không phải là một thực tại hoàn toàn trừu tượng hay lý thuyết, nhưng là sinh lực của đời sống là nơi mà con người lấy quyết định.
Hơn nữa, nguồn mạch tôn giáo không phải là điều chung chung, nhưng cho chúng ta khả năng đánh giá tư cách đạo đức của mình.
Chúng ta có thể kết luận: Dưới quan điểm của khoa tâm lý học, việc chọn theo một tôn giáo là hoàn toàn hợp lý. Việc chọn lựa đó hoàn toàn hợp lý vì tính khách quan và siêu việt của tôn giáo, vì tôn giáo tôn trọng con người và những đòi hỏi của con người, đồng thời có khả năng trả lời cho những vấn đề trọng yếu của con người.
TIẾN TRÌNH QUYẾT ĐỊNH:
ƯỚC MUỐN CẢM TÍNH VÀ ƯỚC MUỐN LÝ TÍNH[12]
Con người có cảm xúc và lý trí, và khi con người lấy quyết định thì những yếu tố của cảm xúc và lý trí tương tác với nhau.
Trước khi chúng ta quyết định hành động, thì trong nội tâm có một diễn biến: Chúng ta thấy, nhớ lại quá khứ, chờ đợi kết quả, chúng ta đánh giá, lượng giá lại và quyết định.
Trước khi hành động, chúng ta cần có kinh nghiệm, đánh giá và phê phán. Tiến trình quyết định luôn luôn bắt đầu với một “ước muốn cảm tính,” và có thể kèm theo “một ước muốn lý tính.” Sự tiếp cận đầu tiên với thực tại luôn luôn tạo nên cảm xúc. Khi một sự vật đụng chạm và thu hút tâm trí chúng ta, trước tiên chúng ta cảm nhận, sau đó mới lý luận. Do đó, có một sự tương tác giữa cảm xúc và lý trí. Chúng ta có thể xác định hai loại tiến trình làm cơ sở cho việc quyết định:
Ước muốn cảm tính: Đó là sự đánh giá đối tượng ngay tức khắc, dựa trên tiêu chuẩn “tôi thích / tôi không thích.” Ở đây, tiến trình hoạt động trên cấp bậc tâm-sinh lý và tâm lý-xã hội. Đó là tiến trình của cảm xúc, tuân theo tiêu chuẩn sở thích: Chủ thể đánh giá và hành động theo những tiêu chuẩn chỉ liên kết với “nơi đây và lúc này.” Đối tượng được đánh giá là đáng ưa hay đáng ghét vào một thời điểm và nơi chốn nhất định, bởi vì chủ thể sử dụng trực giác để nhận biết đối tượng có thể thoả mãn nhu cầu của mình hay không. Nếu đánh giá đối tượng là đáng yêu, người ta bị thúc bách hướng về đối tượng. Nếu đánh giá là đáng ghét, người ta có xu hướng lẫn tránh đối tượng.
Ước muốn lý tính: Đây là sự đánh giá thứ phát và có suy nghĩ, dựa trên tiêu chuẩn “có lợi / không có lợi cho tôi.” Trong trường hợp này, tiến trình hoạt động trên cấp bậc lý tính. Ơ đây, chúng ta không đánh giá đối tượng dựa trên sự thích thú tức thời của cảm xúc, mà dựa trên các giá trị và mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Lý trí tuân theo tiêu chuẩn phổ quát và không mâu thuẫn: Lý trí tìm hiểu, tương tác và đánh giá đối tượng dưới ánh sáng của các giá trị trừu tượng.
Ước muốn cảm tính và ước muốn lý tính
Ước muốn cảm tính
Tri giác nhận thức -> ký ức cảm xúc -> tưởng tượng về tương lai -> đánh giá theo trực giác -> cảm xúc -> (thúc bách hành động)
Ước muốn lý tính
Phán đoán có suy nghĩ và phê phán tiến trình ước muốn cảm tính -> cảm xúc tiêu biểu của con người -> (hành động chín chắn)
|
A. Ước Muốn Cảm Tính
1. Tri Giác Nhận Thức
Trước khi hành động, chúng ta cần nhận thức đối tượng một cách nào đó, thậm chí không phải lúc nào cũng chính xác. Chúng ta có thể nói tri giác nhận thức nắm bắt chính sự vật, không lệ thuộc bất cứ phản ứng cảm xúc nào của chủ thể. Đó là sự hiểu biết đơn thuần về một đối tượng (yếu tố nhận thức).
2. Đánh Giá Bằng Trực Giác
Chúng ta chưa bước lên cấp bậc suy nghĩ, mà chỉ dừng ở chức năng cảm nhận và thống nhất. Việc đánh giá này tiếp nối và hoàn thành việc tri giác nhận thức, đánh giá mối quan hệ giữa đối tượng và chủ thể. Đây chưa phải là một sự đánh giá có kiểm chứng như phán đoán, nhưng chỉ là một sự lôi cuốn – ghê tởm đối với đối tượng hay tình huống.
3. Cảm Xúc
Khi tôi đánh giá một sự vật là tốt / xấu, tôi liền có xu hướng đến gần hay tránh xa sự vật đó. Như thế là có một chuỗi hành động nối tiếp nhau: Tri giác nhận thức – đánh giá theo trực giác – cảm xúc. Cảm xúc là xu hướng đến gần đối tượng mà trực giác đánh giá là tốt, hay tránh xa đối tượng mà trực giác đánh giá là xấu (yếu tố ý chí).
Chúng ta có thể nói cảm xúc là một hình thức hiểu biết: Chúng ta quan sát tình huống với con mắt thích / không thích.
B. Ước Muốn Lý Tính
Người ta thường hành động theo khuynh hướng mang lại cho mình sự thích thú, trừ phi lý trí ra tay can thiệp. Đó là một tiến trình thẩm tra nhằm sàng lọc những kết quả đã gặt hái được.
Con người khác loài vật, bởi vì loài vật hoàn toàn bị điều khiển bởi bản năng sinh học và đáp ứng theo khuôn mẫu có sẵn. Ngoài ước muốn cảm tính, con người còn có một cách thức đáp ứng đặc trưng, có khả năng đưa ra những phán đoán có suy nghĩ.
1. Đánh Giá Có Suy Nghĩ
Khi con voi dùng chân kiểm tra mặt đất, nó phán đoán theo giác quan. Khi nhà vật lý thử nghiệm các giả thuyết, ông phán đoán bằng lý trí. Sự đánh giá thứ nhất giới hạn trong việc
tìm kiếm các dữ liệu do cảm giác cung cấp và
nối kết chúng với từng đối tượng. Trái lại, sự đánh giá thứ hai dựa trên việc lý giải các dữ liệu và từ đó rút ra một vài
điều tổng quát (cấp bậc 3 của đời sống tâm linh).
[13] Sự đánh giá bằng trực giác không được kiểm chứng một cách có ý thức, mà chỉ là xu hướng có thiện cảm / không thiện cảm với một sự vật làm cho ta thích thú / không thích thú. Trái lại, sự đánh giá lý tính thì có ý thức và đối tượng mà chủ thể đánh giá là
toàn thể quá trình phán đoán theo bản năng, được duyệt lại dưới ánh sáng của tiêu chuẩn “có lợi / không có lợi cho tôi.” Đây là một tiêu chuẩn mà chúng ta không được hiểu theo nghĩa vụ lợi, mà là đánh giá đối tượng trong tương quan với việc thực hiện các giá trị và mục tiêu mà chủ thể đã chọn: Điều làm tôi thích thú lúc này đây có hữu ích cho tôi không? (Đó là một câu hỏi mà chúng ta thường không đặt ra, bởi vì nó làm chúng ta bối rối).
Do vậy, ước muốn lý tính thì có khả năng siêu việt tình huống và các lợi ích tức thời của giây phút hiện tại, để đánh giá các dữ kiện dưới một tiêu chuẩn phổ quát hơn (nguyên tắc toàn diện). Tiêu chuẩn tốt / xấu-đối-với-tôi, mà tôi dùng để đánh giá, không có cùng một ý nghĩa đối với ước muốn cảm tính và ước muốn lý tính. Đối với ước muốn cảm tính, chủ thể cảm thấy đối tượng làm cho mình hài lòng / không hài lòng, chấp nhận được / không chấp nhận được. Đối với ước muốn lý tính, chủ thể chọn lựa không chỉ dựa trên sự thu hút của đối tượng, mà còn dựa trên sự thích đáng của đối tượng đối với chủ thể hay có hại cho chủ thể, cho dù chủ thể cảm thấy đối tượng đáng yêu. Tiêu chuẩn “có lợi cho tôi” vượt lên trên lợi ích phiến diện của cái tức thời. Hành vi ý chí không chỉ là một khuynh hướng đi đến hành động nhờ sự phán đoán trực quan, nhưng cũng đòi chủ thể phải lấy một quyết định có suy nghĩ trước khi hành động.
2. Cảm Xúc
Sự đánh giá có suy nghĩ làm phát sinh một cảm xúc (khuynh hướng muốn hành động), cảm xúc này có bản chất lý tính. Đó là một loại cảm xúc mà thú vật không có. Chủ thể cảm nghiệm một sự bình an và tự do nội tâm sau khi nhận thấy mình đã làm điều tốt và mình là tạo vật có lý trí và tự do. Trong trường hợp chủ thể không làm điều tốt, bấy giờ chủ thể cảm thấy có tội; đó là một cảm xúc lành mạnh và có suy nghĩ.
C. Các Biến Tố (Variable) Trung Gian
Do đó, việc quyết định diễn tiến như sau: Tri giác nhận thức – đánh giá bằng trực giác – cảm xúc có xu hướng đi đến hành động – đánh giá có suy nghĩ – xu hướng đi đến hành động. Tuy nhiên, quá trình quyết định không đơn giản như thế. Mỗi quyết định đều được tháp nhập với sự phát triển của con người và đặt trong bối cảnh hiện nay của toàn thể nhân cách. Hôm nay chịu ảnh hưởng của quá khứ (ký ức) và tương lai (hy vọng).
Tiến trình quyết định còn bị chi phối bởi những biến tố mà chúng ta sẽ khảo sát dưới đây.
1. Ký ức
Chất liệu chủ yếu giúp chúng ta suy tư và lý luận là ký ức. Ký ức là kho lưu trữ thông tin, nhờ đó mà chúng ta có thể hồi tưởng những sự kiện đã qua. Nhờ ký ức mà chúng ta có thể sử dụng khái niệm thời gian, khi chúng ta dựa vào quá khứ mà xem xét hiện tại và dự báo tương lai.
Mỗi tình huống mới làm chúng ta nhớ lại những tình huống tương tự chúng ta đã trải nghiệm trong quá khứ và những tác động của chúng đối với chúng ta. Nhớ lại tức là đưa ra một vài chỉ dẫn mà chúng ta đã học được trong việc đối phó với các tình huống trong quá khứ, để có thể áp dụng cho tình huống hiện nay. Có nhiều loại lý ức:
a. Ký Ức Phục Hồi (re-integrating)
Sử dụng một phần các dấu hiệu hiện tại để dựng lại một kinh nghiệm cũ. Hôm nay có một điều gì đó khiến chúng ta “nhớ lại” một giai đoạn trong quá khứ. Chúng ta không chỉ dựng lại nội dung của giai đoạn đó, mà cả mối liên hệ với thời gian và không gian.
b. Nhận Ra (recognition)
Đó là một cảm giác quen thuộc khi chúng ta nhận ra điều mà chúng ta đã thấy trước đây.
c. Hồi Tưởng (recalling)
Đó là duy trì một hoạt động mà chúng ta đã học trong quá khứ và hôm nay chúng ta có thể lặp lại.
d. Học Lại (re-learning)
Nếu chúng ta học lại một điều quen thuộc, chúng ta có thể thuộc nhanh hơn điều hoàn toàn mới.
e. Ký Ức Cảm Xúc (affective memory)
Một khi chúng ta đã trải nghiệm một cảm xúc nào đó, thì chúng ta dễ cảm nghiệm lại cảm xúc đó. Điều đó giúp ích cho việc quyết định. Vì thế, chúng ta sẽ tập trung vào loại ký ức này. Khi chúng ta đánh giá một tình huống hiện nay, chúng ta cũng nhớ lại những điều đã xảy ra trong tình huống tương tự, những điều đã tác động trên chúng ta và chúng ta đã đối phó với chúng như thế nào. Rồi chúng ta hình dung ra những điều hiện nay đang tác động trên chúng ta và chúng ta xem xét (theo bản năng hay bằng lý trí) liệu chúng có gây thiệt hại cho chúng ta hay không. Do đó, ký ức cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá và diễn giải mọi sự chung quanh chúng ta. Nhờ ký ức cảm xúc mà phản ứng cảm xúc trong quá khứ trở nên sắc bén hơn. Bởi thế, khi người ta trải qua một tình huống tương tự như trong quá khứ, người ta dễ có những phản ứng cảm xúc mà mình đã trải qua trong hoàn cảnh ấy.
(1) Ký ức cảm xúc bắt nguồn từ đâu?
Mọi kinh nghiệm mà chúng ta đã trải qua đều để lại dấu ấn cảm xúc trong tâm trí mà chúng ta không đương nhiên ý thức. Chúng ta có thể quên diễn biến, thời gian và nơi chốn của kinh nghiệm đó, nhưng cảm xúc kèm theo kinh nghiệm đó thì vẫn tồn tại trong chúng ta. Trong quá khứ, có thể là chúng ta chỉ có một kinh nghiệm đầy cảm xúc hay nhiều kinh nghiệm hoàn toàn vô nghĩa, nhưng nói chung thì những kinh nghiệm đó đã để lại cảm xúc hài lòng hay không hài lòng. Dấu ấn cảm xúc đó không biến mất: Người già đãng trí có thể quên quá khứ, nhưng không quên những cảm xúc mà mình đã trải nghiệm trong quá khứ. Ký ức cảm xúc thường được gọi là ký ức của con voi. Nó là một đĩa ghi âm lưu trữ lịch sử cảm xúc của mỗi người. Người ta có thể quên các sự kiện nhưng không quên cảm xúc kèm theo các sự kiện. Ký ức cảm xúc nằm trong vô thức và sẵn sàng đâm chồi khi gặp hoàn cảnh tương tự.
(2) Ký ức cảm xúc vận hành như thế nào?
Ký ức cảm xúc tuân theo nguyên tắc đồng dạng thật hay đồng dạng biểu tượng. Nếu chúng ta buồn hay vui vì một nguyên nhân nào đó trong quá khứ, thì khi nguyên nhân đó tái xuất hiện, nó cũng sẽ làm cho chúng ta có cảm xúc tương tự như trong quá khứ. Nếu một đứa trẻ đã bị phỏng ngón tay vì cây nến, thì mỗi khi nhìn thấy cây nến, nó sẽ có cảm xúc “lo âu đề phòng.” Nếu tôi tương quan thân mật với những nhân vật quan trọng trong quá khứ, tôi cũng dễ giao tiếp thanh thản với những nhân vật quan trọng hiện nay. Sự đồng dạng giữa quá khứ – hiện tại chỉ xảy ra trên bình diện chủ quan: Trong trường hợp đó, giữa quá khứ và hiện tại có một quan hệ biểu tượng, thường có tính chất vô thức và do các nhu cầu mâu thuẫn gây ra. Vì lẽ đó, chủ thể nối kết hoàn cảnh hiện tại và những cảm xúc quá khứ một cách không tương ứng
(3) Ký ức cảm xúc ảnh hưởng trên nhận thức
Như vậy, khi xảy ra một tình huống mới, tình huống đó sẽ mang theo một cảm xúc “tiên thiên” không do tình huống đó gây nên, nhưng do cách chúng ta nhận thức về tình huống đó. Cũng vì thế mà việc đánh giá của chúng ta không thay đổi: Chúng ta có khuynh hướng đánh giá một đối tượng như mình đã đánh giá, cho dù đối tượng đã thay đổi hay có thêm những thông tin mới. Chẳng hạn, kinh nghiệm ghen tị sẽ khiến tôi nghi ngờ người khác, mặc cho họ nỗ lực hết sức để đáng được tôi tin tưởng.
(4) Ký ức tình cảm hoạt động trong vô thức
Cảm xúc trong quá khứ không xuất hiện như một ký ức, nhưng như một cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm trong giây phút hiện tại, nơi đây và lúc này, một cảm xúc nảy sinh từ tình huống hiện tại. Cảm xúc tồn tại trong ký ức thì vượt ngoài thời gian và chúng ta hoàn toàn không hề biết rằng sự đánh giá hiện nay của chúng ta có thể là một sự đánh giá đã có trước (pre-evaluation), mà ký ức cảm xúc trong quá khứ ra lệnh cho chúng ta. Sự thường thì nhờ thông tin mới mà chúng ta điều chỉnh lại cách đánh giá, nhưng ký ức cảm xúc chính là nguyên nhân cản trở chúng ta điều chỉnh cách đánh giá của mình. Quả khó khăn khi phải điều chỉnh một kinh nghiệm.
(5) Cuối cùng, ký ức cảm xúc thì tổng quát hoá
Khi chúng ta có cảm tình với một đối tượng, thì trong vô thức, tình cảm đó được tổng quát hoá cho mọi đối tượng cùng loại. Một đứa trẻ bị chó cắn thì có xu hướng sợ mọi loại chó, từ chó lớn đến chó con, kể cả những con vật giống như chó. Nếu một người suýt chết đuối vì lật ca-nô, ông sẽ thận trọng với mọi loại thuyền bè.
2. Tưởng Tượng về Tương Lai
Ký ức trong quá khứ không phải là cơ sở duy nhất để chúng ta đánh giá các đối tượng. Nếu thế thì phản ứng của chúng ta trước một tình huống sẽ rập khuôn, lặp lại như đúc phản ứng mà chúng ta đã có trước đây. Chúng ta nhớ lại, nhưng chúng ta cũng tiên đoán tương lai. Chúng ta hình dung những điều có thể xảy đến nay mai và đánh giá những hậu quả có thể xảy ra.
3. Thái Độ Cảm Xúc
Đó là tâm trạng thường xuyên của chủ thể trong việc đáp lại một đối tượng, tạo nên bởi sự lắng đọng tiệm tiếm của những cảm xúc. Mọi loại cảm xúc đều có thể trở thành nguồn gốc của thái độ cảm xúc. Dần dần, người ta sẽ đối phó với những tình huống mới bằng một thái độ đã được ấn định trước, với nhãn quan của người cảm thấy được yêu thương, ghét bỏ, thấp kém, hơn người, có uy quyền, có khả năng hay thất bại… Bất cứ điều gì người ta quyết định thực hiện, thái độ cảm xúc sẽ sai khiến người ta đánh giá ngay lập tức và khơi gợi một cảm xúc đặc thù khi thực hiện nhiệm vụ.
4. Thái Độ Của Trí Tuệ
Ước muốn lý tính cũng đi theo một quy trình tương tự. Ngay khi sự phán đoán theo bản năng tạo ra một thái độ cảm xúc, thì sự phán đoán có suy nghĩ cũng dựa trên tiêu chuẩn “có lợi / không có lợi cho tôi” để tạo nên một thái độ của trí tuệ, đó là thói quen phán đoán có suy nghĩ. Bởi đó, khi chúng ta dựa trên các giá trị để suy tư, sự suy tư đó cũng để lại dấu vết trong ký ức cảm xúc. Nhờ ký ức cảm xúc đó, chúng ta có thói quen phán đoán có suy nghĩ (nhân đức).
Thái độ của trí tuệ không đương nhiên phát xuất từ các cảm xúc, cho dẫu cảm xúc có thể góp phần vào việc hình thành và duy trì những thái độ của trí tuệ. Thái độ của trí tuệ bắt nguồn từ những xác tín và sự đánh giá chín chắn dựa trên những luận cứ lý tính, những luận cứ này vượt xa sự suy xét đơn thuần về hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta duy trì thái độ của trí tuệ, bởi vì chúng ta xác tín rằng thái độ đó quả đúng đắn. Sự xác tín cũng được hỗ trợ nhờ cảm xúc, nhưng không phát sinh từ cảm xúc.
Mục tiêu của huấn luyện là tạo điều kiện giúp ứng sinh phát huy thái độ của trí tuệ, thái độ này không lệ thuộc sự ưng thuận thuần thuý về mặt cảm xúc.
5. Thói Quen
Thái độ, xét như một thiên hướng trong việc đáp lại các đối tượng, tự nó không đưa đến hành động. Trái lại, thói quen là thiên hướng đưa tới hành động. Người bẽn lẽn có thể bộc lộ thái độ sợ hãi, nhưng nếu anh ta hành động bất chấp sự sợ hãi, bấy giờ thái độ sợ hãi không phát triển thành thói quen, nhưng vẫn chỉ là một thái độ. Tuy nhiên, nếu anh ta nhượng bộ trước sự bẽn lẽn, bấy giờ anh ta có thói quen thoái lui khỏi xã hội. Thái độ trở thành thói quen, khi thái độ biến thành hành động.
Người ta có thể phát huy những thói quen dựa trên tiêu chuẩn “tôi thích,” và những thói quen dựa trên tiêu chuẩn “có lợi cho tôi.”
Một thói quen đã hình thành thì khó có thể loại bỏ, nhất là khi thói quen đó liên kết với cảm xúc.
D. Xung Khắc Giữa Các Khuynh Hướng Đáng Ao Ước
Ước muốn cảm tính thì đưa đến hành động, trừ phi chủ thể đánh giá lại ước muốn cảm tính của mình và phát huy những xu hướng khác hay ngược lại ước muốn cảm tính.
Trong trường hợp đó sẽ xuất hiện một sự xung khắc và tương phản giữa hai xu hướng mà chủ thể đều mong muốn. Hai xu hướng ấy phát xuất từ những nguồn gốc khác nhau. Tiêu chuẩn “tôi thích” thúc đẩy tôi đi theo hướng này, còn tiêu chuẩn “có lợi cho tôi” thúc đẩy tôi đi theo hướng khác. Vậy đâu là quyết định cuối cùng?
Những xu hướng mạnh nhất không hẳn sẽ định đoạt hành động mà chúng ta sẽ thực hiện. Chúng ta có thể hành động ngược lại với những ước muốn đầy cảm xúc và quyết định thực hiện những điều thoạt tiên ít lôi cuốn, nhưng về lâu về dài thì có lợi hơn. Nếu sự phán đoán của chúng ta đi ngược lại sự đánh giá theo bản năng và chiếm ưu thế, bấy giờ sẽ không còn xung khắc giữa hai xu hướng nữa, cho dù chúng ta vẫn khó thực hiện điều chúng ta đã quyết định bởi vì cảm xúc trái nghịch vẫn còn thu hút chúng ta.
Như vậy, xu hướng lôi cuốn chúng ta hơn không đương nhiên sẽ thắng thế. Chúng ta có thể chọn theo xu hướng ít lôi cuốn hơn, nhưng có lợi hơn.
Thậm chí con người cũng có thể nói ‘không’ dứt khoát với các quyền cơ bản như quyền tư hữu, quyền tự quyết và quyền có gia đình, và chọn lựa sự nghèo khó, tuân phục và khiết tịnh bằng cách đi ngược lại sự thúc bách của cảm xúc. Chính vì con người có hai khả năng khi lấy quyết định, cho nên con người có thể đánh giá chín chắn cảm xúc của mình và đặt cảm xúc mình trong tương quan với các giá trị, để có thể quyết định: Hành động theo các nhu cầu hay hành động theo các lý tưởng của mình, khi các nhu cầu không ăn khớp với các lý tưởng. Những chọn lựa của con người có khả năng kích hoạt những cảm xúc đặc trưng của con người.
Điều chúng tôi muốn khẳng định là con người có khả năng hành động theo ý chí. Con người không buộc phải phản ứng ngay với trò chơi cảm xúc; con người có thể kiểm soát bản thân và do đó mà trở nên một tác nhân luân lý. Chúng ta chỉ có thể phán đoán và đi theo một lập trường, khi chúng ta được giải thoát khỏi những ràng buộc tâm sinh lý và tâm lý xã hội.
Để có thể từ bỏ, chúng ta phải toàn nhập cảm tính và lý tính. Toàn nhập là đặt cảm tính lệ thuộc lý tính (chứ không loại trừ cảm tính).
Như chúng ta đã thấy, cái lô-gic của cảm tính thì tuân theo tiêu chuẩn cá biệt. Nhờ ước muốn lý tính, chúng ta có thể hòa nhập tiêu chuẩn cá biệt với tiêu chuẩn phổ quát và bất mâu thuẫn của lô-gic lý tính. Những vấn đề trên cấp bậc cảm tính chỉ có thể được giải quyết trọn vẹn trên cấp bậc lý tính. Lý tính không phủ nhận cũng chẳng huỷ bỏ cảm tính, nhưng nâng cảm tính lên một cấp bậc cao hơn nhằm tìm lối thoát cho những mâu thuẫn của cảm tính.
Cha Anthony Nguyễn Ngọc Kính – OFM.