Gia đình, nền tảng của xã hội, có được bền vững hay không là tùy thuộc vào mối tương quan vợ chồng. Vợ chồng có hạnh phúc với nhau thì mới có thể xây dựng gia đình mình hạnh phúc được. Nguyên nhân làm cho vợ chồng không hạnh phúc là vì mối tương quan giữa hai người có những bất ổn. Cho nên, thay vì vợ chồng trở nên một để cùng tạo dựng hạnh phúc cho nhau và xây dựng gia đình hạnh phúc, họ trở nên gánh nặng cho nhau, gây ra những đau khổ cho nhau, và làm tan rã gia đình. Vậy đâu là điều vợ chồng cần quan tâm để tạo được mối tương quan tốt với nhau trong đời sống vợ chồng? Có những yếu tố, mà ta gọi là những chiều kích, vợ chồng cần quan tâm để có được mối tương quan tốt với nhau.
Chiều kích tinh thần
Hôn nhân không chỉ đơn giản là một hợp đồng trong một thời gian nhất định, nhưng là một khế ước, và mang tính vĩnh viễn cho đến khi vợ hoặc chồng qua đời. Mối tương quan vợ chồng được đặt nền tảng trên tình yêu, đó là thứ tình yêu giống như tình yêu Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, Hiền Thê của Ngài. Tự hiến cho và vì hạnh phúc của người phối ngẫu phải là điều ưu tiên một của những vợ chồng Kitô giáo. Thực tại tinh thần của hôn nhân trong đời sống hằng ngày của vợ chồng được hoạch định qua việc: 1/ Nhận biết và thấu hiểu rằng Thiên Chúa đã dẫn đưa họ đến với nhau và đã đính ước họ với nhau. Vì vậy, Thiên Chúa luôn hiện diện trong mối tương quan vợ chồng của họ. 2/ Trở nên mẫu mực cho đời sống hôn nhân Kitô giáo. 3/ Sẵn sàng hy sinh vì người khác; bởi lẽ, yêu là hy sinh và hy sinh là yêu. Đức Kitô dùng thập giá để bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, thập giá hằng ngày của đời sống hôn nhân có thể được dùng như là cỗ máy tình yêu của vợ chồng trong việc thực hiện giới răn quan trọng của Đức Kitô: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” 4/ Trân trọng và ngưỡng mộ thế giới họ đang sống, cùng với vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã tạo dựng cho họ như là những quà tặng của cuộc sống.
Chiều kích tâm lý
Sự hòa hợp tâm lý bao gồm cả sự giao tiếp, sự thích nghi, sự khác nhau giữa nam và nữ, bản chất của tình yêu vợ chồng và việc tình yêu đó được thể hiện thế nào trong hôn nhân. Vấn đề sống còn của đời sống hôn nhân là sự giao tiếp. Vì trong giao tiếp, dù bằng lời nói hay không bằng lời, hôn nhân được thể hiện như là tình bạn. Đời sống hôn nhân sống động là nhờ vào những lời nói. Sự thinh lặng có thể giết chết đời sống hôn nhân, vì nó dẫn đến sự buồn chán: kẻ thù của hôn nhân. Sự giao tiếp bằng lời nói, điều làm cho đời sống hôn nhân được sống động, nên được thể hiện trong hình thức đối thoại, bao gồm cả việc trao gởi thông điệp và việc phản hồi những thông điệp đó. Cả hai vợ chồng nên là những người biết lắng nghe, vì lắng nghe là cách chồng hay vợ tự hiến mình cho người bạn của mình, và là cách tốt nhất để chồng nói với vợ “anh yêu em”; hay vợ nói với chồng “em yêu anh”. Sự giao tiếp không bằng lời nói như ôm hoặc hôn, là những dấu hiệu của tình cảm ấm áp và làm thăng tiến mối tương quan vợ chồng cách hiệu quả. Ngoài việc giao tiếp, sự thích nghi được với người khác là dấu hiệu của sự trưởng thành. Vì sự thích nghi liên tục đòi hỏi một sự trưởng thành ở mức độ cao, đó là sự thích nghi không chùn bước khi phải đối diện với những điều không hài lòng, khó khăn và áp lực. Thực thế, trong đời sống hôn nhân người này cần phải học biết để thích nghi với người kia, vì có sự khác biệt giữa người nam và người nữ. Chính sự khác biệt này là nguyên nhân cho những bất đồng giữa hai vợ chồng. Việc vợ chồng ý thức được những đặc điểm và khác biệt giữa họ sẽ ngăn ngừa được những xung đột và bất đồng xảy ra trong đời sống hôn nhân. Người nam và người nữ thì bình đẳng, mặc dù họ có những khác biệt. Họ có thể không giống nhau, nhưng trước mặt Chúa họ là những con người bình đẳng trong mục đích của cuộc sống và trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả họ được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, và vì thế họ đều bình đẳng với nhau về nhân phẩm.
Bản chất của tình yêu hôn nhân được dựa trên căn bản của tình yêu của Đức Kitô yêu thương Hội Thánh. Khi vợ chồng biết chấp nhận nhau với những khác biệt và tôn trọng nhau như người bạn bình đẳng, họ sẽ yêu nhau bằng tình yêu tự hiến, nghĩa là vợ chồng yêu nhau không phải để chiếm đoạt nhau, nhưng là hy sinh cho nhau, mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Như vậy, bằng những cử chỉ yêu thương dành cho nhau, họ làm cho đời sống và tình yêu vợ chồng được sống động; người này luôn ý thức sống vì người kia; và cả hai luôn ý thức sống vì nhau.
Chiều kích thể lý
Chiều kích thể lý trong hôn nhân làm cho câu nói “hai trở nên một xương một thịt” trở thành hiện thực. Với việc truyền sinh như là mục đích ưu tiên một và củng cố tình yêu vợ chồng là mục tiêu thứ hai, tính dục trong hôn nhân là một trong những cách biểu lộ tình yêu tốt nhất giữa vợ chồng. Mặc dù vấn đề tính dục là không thể thiếu trong hôn nhân, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất. Tình yêu mới là yếu tố quan trọng nhất. Một hành vi tính dục đầy yêu thương giữa hai vợ chồng sẽ làm cho đời sống hôn nhân thêm vững mạnh và củng cố mối tương quan vợ chồng. Để làm cho hành vi tính dục trở thành một hành vi xác thực của tình yêu, vợ chồng cần phải ghi nhớ rằng, hành vi tính dục đó phải làm thỏa mãn cả hai người chứ không phải một người, thường là người chồng. Họ cũng cần ý thức rằng, sự thỏa mãn trong quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ là khác nhau. Người đàn ông thường đạt đến sự khoái cảm sớm hơn người đàn bà. Vì thế, người chồng cần phải hiểu biết điều này để có thể giúp vợ mình cũng đạt đến sự khoái cảm trong quan hệ tính dục. Để làm được điều này, trong khi quan hệ tính dục, cả hai vợ chồng cần phải có sự âu yếm, dịu dàng, quảng đại đối với nhau, và hiểu được tâm trạng của nhau, nhất là người chồng cần phải hiểu được tâm trạng của vợ. Sự không thỏa mãn trong quan hệ tính dục giữa hai vợ chồng sẽ ảnh hưởng xấu đến mối tương quan vợ chồng của họ, làm cho tình yêu giữa họ dễ bị đổ vỡ.
Hơn nữa, sự khiết tịnh của đời sống hôn nhân cần phải được quan tâm trong sự hợp nhất thể lý. Vì, việc quan hệ tính dục giữa vợ chồng còn có một chiều kích linh thánh, đó là sự tự hiến cho nhau, như sự tự hiến của Đức Kitô dành cho hiền thê của Ngài là Giáo Hội. Đó là một sự tự hiến hoàn toàn trong tình yêu, nghĩa là chính tình yêu điều hướng mọi khát khao tính dục của vợ chồng.
Chiều kích kinh tế
Tiền thì tốt và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của gia đình. Nhưng khi tầm quan trọng đó được thổi phồng như là cùng đích của đời sống gia đình thì tiền trở thành nguyên nhân gây ra sự xung đột vợ chồng và gây đổ vỡ trong gia đình. Khi vợ chồng quá chú tâm đến vấn đề tiền bạc thì sẽ không còn thời gian dành cho nhau. Vợ chồng cần quan tâm và cùng nhau lo toan kinh tế cho gia đình, nhưng không vì thế mà đánh mất hết những giá trị gia đình. Muốn vậy, vợ chồng phải thống nhất với nhau trong việc hoạch định cho vấn đề thu chi trong gia đình, tránh những hiểu lầm, để trong khi cùng nhau lo vấn đề kinh tế cho gia đình, thì đồng thời cũng gìn giữ được những giá trị và thăng tiến tình cảm vợ chồng.
Chiều kích xã hội
Hôn nhân là một định chế xã hội, vì thế nó ảnh hưởng đến những người khác trong cộng đoàn. Theo thứ tự ưu tiên của tình yêu trong hôn nhân, tình yêu của vợ chồng đối với nhau là ưu tiên một, kế đến là đối với con cái, và thứ ba là đối với cha mẹ, và rồi đối với những người khác trong xã hội. Thực vậy, vợ chồng không chỉ có trách nhiệm đối với nhau, với con cái và những người thân trong gia đình và dòng họ, mà còn có trách nhiệm đối với cộng đoàn xã hội nơi họ sinh sống, vì gia đình, tự nó, không phải là một hòn đảo. Khi họ sống tốt trách nhiệm đối với nhau trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc là họ đang chu toàn trách nhiệm đối với xã hội. Tình yêu của họ dành cho nhau, cho con cái và những người thân trong gia đình sẽ lan tỏa ra cộng đoàn xã hội. Những việc làm tốt của họ sẽ ảnh hưởng tốt đến xã hội. Và trong khi họ phục vụ nhau thì họ cũng phải có trách nhiệm phục vụ những anh chị em đồng loại.
Chiều kích giáo dục
Trong hôn nhân, chiều kích giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng. Đây là chiều kích mà vợ chồng, trong trách nhiệm làm cha mẹ, phải thực hiện cùng với nhà trường và xã hội theo ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, trách nhiệm giáo dục con cái chính là thuộc về cha mẹ, và đây cũng là một trong những mục đích của hôn nhân Kitô giáo. Từ nơi gia đình, đứa trẻ cảm nhận được tình yêu mà cha mẹ dành cho nó, tìm được sự bảo vệ an toàn, và học được những bài học đầu tiên cho cuộc đời, nhất là bài học yêu thương. Và qua cách sống của cha mẹ, nó sẽ học được bài học để phân định đúng – sai trong mọi mối tương quan và việc làm. Vợ chồng, trong vai trò làm cha mẹ, có trách nhiệm giáo dục con cái, nhưng họ cần phải ý thức rằng họ không phải là chủ sở hữu những đứa con của họ. Họ chỉ là những người quản lý, những người được trao phó trách nhiệm. Thiên Chúa mới là chủ sở hữu thực sự những đứa con của họ. Chính vì thế, trong khi giáo dục con cái, cha mẹ cần phải quan tâm đến việc giáo dục chúng theo đường lối và ý định của Thiên Chúa muốn cho chúng. Ý thức được như vậy, cha mẹ sẽ thoát ra khỏi sự độc đoán trong khi giáo dục con cái, tôn trọng chúng và giúp chúng ngày càng trưởng thành hơn trong nhân cách sống, đặc biệt là trưởng thành trong nhân cách của người con Chúa.
Tóm lại, trong đời sống hôn nhân, mối tương quan vợ chồng đóng một vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố làm cho hôn nhân giữa hai vợ chồng được bền vững. Thế nhưng, để mối tương quan đó trở thành yếu tố giúp cho hôn nhân bền vững, vợ chồng cần phải biết xây dựng mối tương quan đó dựa trên những chiều kích mà hôn nhân đòi hỏi. Nếu vợ chồng không tạo được mối tương quan tốt với nhau, chắc chắn sẽ không thể tạo dựng hạnh phúc cho nhau, và không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, và như vậy gia đình sẽ không thể là phần tử tốt góp phần xây dựng một xã hội và Giáo Hội tốt đẹp và vững mạnh được. Đức Mẹ và thánh Giuse nơi gia đình Thánh Gia vẫn luôn là mẫu gương tuyệt vời cho các vợ chồng trong việc thiết lập mối tương quan tốt đối với nhau.
Hương Quê.
(Tài liệu tham khảo: FABC Papers, No. 46i, The Laity And The Family)