Những cây xương rồng nở hoa

121

Những cây xương rồng nở hoa

VRNs (23.06.2011) – Sài Gòn –  Được sự giới thiệu của một người chị hiện đang là giảng viên của trường Đại Học Dân Lập Văn Lang (ĐHDLVL), tôi đã may mắn có được một khoảng thời gian, dù ngắn ngủi, hết sức ý nghĩa. Tôi được chứng kiến và trò chuyện với các bạn đang theo học khóa đào tạo Công nghệ thông tin của trường ĐHDLVL dành cho những người khuyết tật. Khóa học do tổ chức CRS (tổ chức cứu trợ phát triển) của Hoa Kỳ tài trợ.

Bước vào lớp học dành cho người khuyết tật, ấn tượng đầu tiên là những hình ảnh vô cùng xúc động. Một bạn nam khuyết tật chân, đi lại khó khăn đang đẩy xe lăn cho một bạn nữ. Hai bạn bị khiếm thính đang truyền nhau cái earphone và cười đùa vui vẻ. Có bạn thì liệt nửa người, chân tay co quắp. Bạn thì mang nạng gỗ, bạn đi xe ba bánh… Khi chị bạn giới thiệu tôi, mọi người cùng đưa tay lên chào. Đây là cách các bạn trong thể hiện sự thân thiện, chào đón thay vì vỗ, vì một số bạn trong lớp bị khiếm thính, không cảm nhận được tiếng vỗ tay náo nức.

Ngày hôm đó, cũng thực sự là một thử thách đối với tôi để có thể trò chuyện với mọi người. Ngoài các bạn bị khuyết tật vận động, còn có các bạn bị khiếm thính, khiếm thị nữa nên việc làm thế nào để thông hiểu nhau là hết sức khó khăn.

Trước đây, tôi vẫn tưởng, những người khuyết tật là gắn liền với trầm tư, một sự e dè vốn dĩ với nhiều mặc cảm. Nhưng hôm nay, tôi biết mình thực sự lầm, vì các bạn ấy hết sức cởi mở, thân thiện. Trên những gương mặt ấy luôn là những nụ cười. Đôi khi, tôi kể một câu chuyện vui nào đó, họ cười, nhưng theo nhiều kiểu, đơn giản vì những khuyết tật khác nhau. Ở họ toát lên một vẻ đẹp bình dị tận tấm lòng, một nghị lực hiếm có. Họ hòa đồng với nhau, cùng học cùng chơi, cùng nỗ lực phấn đấu để đạt được ước mơ, những ước mơ vốn dĩ không dành riêng cho ai. Không ai muốn sống một cuộc đời mãi nương tựa người khác, các bạn ấy cũng thế.

Một bạn chia sẻ “nếu là con chim, là chiếc lá thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”. Nhìn các bạn ấy, tôi chợt cảm thấy, bên trong những con người không may mắn ấy là những trái tim đầy yêu thương và chia sẻ.

Khi tôi hỏi đến những khó khăn trong việc tiếp thu bài học. Các bạn chia sẻ: “Nếu nói không có khó khăn thì không đúng, nhưng phải cố gắng thật nhiều, vì bản thân, và vì các thầy cô. Các thầy cô còn khó khăn hơn tụi mình rất nhiều khi phải từ tốn dùng đủ mọi cách để tất cả tiếp thu bài học tốt nhất”. Trong chính lớp học đấy tình đoàn kết này, ngày ngày họ thực hiện ước mơ của mình, ước mơ được học hành, được đứng vững bằng chính đôi chân mình. Không những thế, họ còn rất sẳn sang tham gia các hoạt động hội đoàn, thi đấu cờ tướng. Một bạn còn khoe những giải thưởng lớp đã cùng nhau giành được. Có bạn cũng thật lòng sẻ chia: “có những khoảnh khắc thật khó khăn, nhưng khó khăn nhất vẫn là những lúc bệnh tật chèn ép luôn cả ước mơ. Thật may mắn vì mình vẫn đứng vững cho tới lúc này”.

Vui vẻ là thế, tươi cười là thế, nhưng khi được hỏi về ước mơ của mình, nhiều bạn đã lắc đầu e ngại. Hầu hết các bạn đều ước “có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân”. Có bạn lại ước “mọi ánh mắt nhìn người khuyết tật như những người bình thường khác”.

Nếu được phép so sánh, tôi xin được ví họ như những cây xương rồng mọc trên sa mạc khô cằn. Đầy nghị lực, tràn trề nhựa sống, vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Và rồi, những cây xương rồng ấy nở hoa.

Thục Nhi,

nhóm 3- Online II