GÓC SUY TƯ SUY TƯ Những câu chuyện mùa Chay

Những câu chuyện mùa Chay

MỘT NGÀN ĐỒNG LẺ…

 

Tình người nó vẫn luôn nồng ấm như một thứ tình được ủ kĩ. Nhưng thời khắc ta cảm thấy được xuân nhất là khi đem niềm vui ấy chia sẻ đến với mọi người. Những tích góp dù nhỏ nhặt nhất cũng làm ấm lên giữa dòng đời bởi những nụ cười thánh thiện khi ta mang cái thiện tâm gói gém trong cái duyên của đất trời mà trao tặng thì thật dù nhỏ bé cũng ý vị bao nhiêu…

Một lần nữa mùa chay lại đến – mùa Cứu Độ lại rót xuống bao nhiêu Hồng Ân, lại thêm nhiều điều để cảm nghiệm, ngẫm suy… Mùa chay đến, mỗi câu nói thốt ra đều cảm thấy hơi thở đượm buồn đã cận kề môi miệng vì nếu ai để tâm đều thấy cảnh vật và nhân sinh, thứ gì cũng nhuốm một thứ úa vàng của tội lỗi. Nhưng cái thiêng liêng là “thứ chết đi mà trổ sinh hoa trái”! Trong lúc chờ đón giờ khắc thiêng liêng ấy, có biết bao cảm xúc, bao nhiêu điều mà con người ta mong muốn được chia sẻ với nhau… Đầu mùa chay, tôi thấy thời gian cứ vội vội, vàng vàng. Vội vì thấy mùa chay đến sớm hơn mọi năm, nhưng điều quan trọng đâu phải là việc sớm – muộn mà tôi nghĩ cái cốt lõi là “tinh thần của mùa Chay”.

 
Giây phút này, những ngày đầu mùa chay, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật. Câu chuyện về “Một ngàn đồng lẻ”… Câu chuyện xảy ra với một người bạn của tôi. Chuyện là về người em trai của nó, người đã dành tặng cho bạn tôi một món quà ý nghĩa. Món quà chỉ đáng giá một ngàn đồng lẻ…

 
Nhà nó có hai anh em thì nó là chị gái đầu đang học ở Hà Nội, trọ gần tôi. Và sau nó là đứa em trai. Tôi chẳng nhớ tên nữa, chỉ nhớ em trai nó là một người cao và gầy. Em trai nó là một đứa yếu ớt và bệnh viện đối với nó gần như là ngôi nhà thứ 2. Căn bệnh tâm thần phân liệt đã khiến nó trở thành một người đặc biệt, nó không được bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Nó không đi học nữa. Căn bệnh đối với nó và cả gia đình là một sự đả kích lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Bao nhiêu năm đã qua, nó cũng đã đỡ hơn nhiều, nhận biết được người thân và mọi thứ nhưng vẫn như một tâm hồn trẻ thơ, vô lo,… Tuy rằng giờ đây nó cũng đã biết táy máy sửa mấy thứ đồ điện tử bị hỏng hóc, so với quê nghèo thì cũng được coi là một nghề kiếm ra tiền. Nhưng một sự heo hút về tâm hồn người trẻ khiến cho nó đã khó hòa hợp lại càng trầm cảm và im lặng.

 
Nhưng lạ lùng thay, có một thứ duy nhất nơi nó từ trước tới giờ không thay đổi đó là tình thương nó dành cho chị gái. Cho dù mỗi lần đứa bạn tôi về quê nó không có gì để cho vì được bao nhiêu tiền nó mang đưa mẹ hết, không giữ lại đồng xu, cho dù chỉ với những lời động viên cọc cằn và khô cứng của chàng thanh niên thôn quê, nhưng tôi cảm nghiệm tình thương nó dành cho chị gái mình luôn trọn vẹn…

 
Tối 29 Tết. Nó cứ cầm ví lật ra giở vào, thỉnh thoảng lại nhìn chị vẻ ấp úng. Một cái ví được một anh họ cho, có lẽ đã lâu lắm không được giở ra, đôi chỗ đã bị rách và mốc meo,… Đoán biết nó có điều gì muốn nói, đứa bạn tôi tiến lại gần lên tiếng: “Trong ví có nhiều tờ không mà em đếm lâu thế?” Nó vờ hỏi đùa vậy chứ thực ra nó thừa biết em trai mình làm gì có đồng nào, ở nhà làm nông với mẹ, đi đâu cũng phải xin mẹ mà mẹ nó thì chẳng bao giờ đưa cho ai dư được nửa đồng, mà dù có dư hay thỉnh thoảng ai nhờ sửa giúp cái đồ điện tử hỏng hóc, được bao nhiêu thì rồi em trai nó cũng gửi lại mẹ hết. Nó nghe rồi cũng cười đáp lại : “Em nỏ làm ra tiền thì lấy mô ra tiền? Chỉ có tờ một ngàn đồng, em giữ từ Tết năm ngoái tới giờ Chị cầm lấy mua chi thì mua, mua dầu gội đầu còn được hai gói đó…không thì giữ làm kỉ niệm cũng được” Nó vừa nói vừa nhìn chị gái nó cười…

Nghe nó nói mà người chị gái đứng như chôn chân xuống đất, cả người bất thần trong câm lặng, một cảm giác thật khó tả, thật khó nói ra thành lời, người chị thấy nóng và nghẹn ngào hết thảy cả con người. Sững sờ hết nhìn nó rồi lại nhìn tờ một ngàn đồng, lúc này nó đã lôi nó ra khỏi ví, … Tờ một ngàn đồng đang càng lúc càng gần. Trước mặt đứa bạn tôi, một tờ tiền nhàu nát, in hằn những nếp gấp ngang dọc vì ở trong túi quần lâu ngày, đứa em cố gắng vuốt đi vuốt lại để là thẳng tờ tiền đang cầm trên tay và cứ đắn đo đẩy nó sang phía chị của mình… Một ngàn đồng. So với cuộc sống chốn thị thành thì chỉ như một tờ giấy đã nhàu nát hết hạn sử dụng. Nhưng bây giờ trên tay đứa em trai, nó như là một của quý cần được lưu giữ. Ngập ngừng một lúc đứa em nói tiếp : “Em biết chị đi học vất vả, nỏ có tiền, em cũng muốn mừng tuổi và cho chị nhiều hơn nhưng em nỏ có chi để cho chị cả, …” nó nói rồi lại như ngại ngùng, thấy chị gái không đáp, nó im lặng đứng nhìn, tay rụt lại chút ít,… 
 
Đứa bạn tôi vẫn bất động trong bao nhiêu ý nghĩ, sao lúc này nó lại không thể nói ra được câu gì cả,… Nó thấy lòng mình nóng rực, nhưng trái tim thì quặn thắt… Không biết là vì bất ngờ quá trước lời nói của đứa em, hay quá hạnh phúc vì được em dành cho tất cả những gì mình có, hay thấy tội nghiệp và thương em mình nữa,… Dòng lệ đã dâng lên tận khóe mi, chỉ chực trào ra là tuôn tràn mất… Người chị vờ quay đi chỗ khác, ít giây định hình, quay lại cố cười gượng gạo… định cố nói cho được lời cảm ơn thì vừa lúc có đứa bạn qua nhà chơi, chó sủa, nó sợ quá la lên. Người chị vội chạy ra đuổi con chó, đứa em đút lại tờ tiền vào ví rồi chạy ra theo sau đuổi con chó đi xa hơn cho đến lúc nó không sủa nữa…

 
Cả ngày hôm đó dù làm gì, hay nói chuyện với ai, tờ một ngàn đồng vẫn cứ in rõ trước đôi mắt. Hình bóng gầy gò và những lời nói của đứa em trai cứ văng vẳng bên tai… Hôm sau, người chị định gội đầu thì thấy hết dầu gội, tiện thể thấy mẹ đi ra nên nhờ mẹ mua hộ cho gói dầu gội đầu. Nhưng mẹ bảo, mẹ không lại chỗ quán, thế là nó định đun nước ấm xong sẽ đạp xe đi mua. Đúng lúc có cuộc gọi đến, tôi chạy vào nghe máy, rồi xuống bếp đun nước luôn. Nước sôi, xuống nhà lấy xe đạp thì thấy nó không còn ở đó nữa, định hỏi đứa em xem có dựng chỗ khác không thì gọi mãi không thấy trả lời. Chạy đi tìm mãi cũng không thấy, ngờ ngợ… không lẽ…?

 
Một lúc sau nghe tiếng xe đạp ngoài ngõ, đứa bạn tôi chạy ra… trên tay em trai nó đúng là… hai gói dầu gội đầu! Nó đứng ngẩn người, em đạp xe lại gần chỗ nó, nghịch đạp một vòng quang, cười rồi chìa tay ra : “Em đi mua dầu gội về,thấy em  đạp nhanh không? Chị gội đi không nước nguội mất…” Người chị gái chỉ biết lí nhí : “Chị cảm ơn!”. Vừa nói vừa chạy vội ra giếng để kịp cho nó không thấy những giọt nước mắt đã lăn dài trên má… Vừa vuốt nước lên mặt, nó còn nghe tiếng em nó với theo … “em đi xe ni quen, đạp tí đến nơi ấy mà, ở nhà cũng nỏ mần chi cả”…

Một ngàn đồng, em mừng tuổi năm mới, người chị chưa kịp nhận thì nó đã dùng mua hai gói dầu gội. Một ngàn đồng – đó là tất cả tài sản mà đứa em nó có, nhưng thật cái giá trị của tình cảm, tình thương không thể đo đếm được bằng những giá trị hiện hữu… Nó không thể kiềm chế nổi dòng nước mắt đang tuôn tràn. Cúi xuống gội đầu, nước mắt hòa vào những gáo nước ấm nóng, cứ chút ít lại phải vuốt mặt, thở bằng miệng… Nó nghẹn ngào vì thứ tình cảm đó. Thứ tình cảm vẹn nguyên chưa bao giờ đổi thay từ khi đứa em được sinh ra và có trí khôn cho đến bây giờ. Nghĩ thế nó lại thấy hổ thẹn với lòng mình khi nghĩ lại cách ứng xử của mình… nhiều lúc nó đối xử với em nó như một người bị bệnh, dù vẫn thương nhưng tình thương nó chăm sóc em mình không trọn vẹn…
 
Bởi vì nó bị bệnh, bởi vì mang thập giá cho cả gia đình nên không thể tìm cho mình niềm hạnh phúc được biết về những mùa xuân tuổi trẻ. Xuân đối với nó, mỗi lần đến, mỗi lần qua đều trôi đi trong lặng lẽ… Bởi vì thế mà nó không lấy đâu ra nhiều hơn để cho chị gái mỗi lần về quê. Tôi biết nó muốn cho chị mình nhiều hơn, nó cũng muốn chăm sóc và mua cho chị những thứ đắt tiền và quý giá hơn, cũng muốn lo cho chị ăn học đầy đủ… Nhưng bởi vì nó không có gì để cho… Nhiều lúc nó muốn nói lời động viên an ủi những lúc chị mình buồn, hay những dịp Tết đến, nó cũng muốn chúc chị mình những lời tốt đẹp hơn. Nhưng một con người cộc cằn, nó chỉ biết chúc chị sức khỏe và học giỏi; rồi chỉ biết nhắc nhở chị ăn nhiều vào cho béo lên… Chỉ thế thôi, nó chỉ có thể dành cho chị gái những thứ nhỏ nhặt nhất, nhưng thứ gì cũng vẹn nguyên như giá trị thật của nó… Nhưng vậy là trọn vẹn, nó đã cho chị mình hết cả tấm lòng và trọn vẹn sự yêu thương! Nó đã cho đi tất cả. Đứa bạn tôi đã bao lần quay mặt đi để đỡ lấy những giọt nước mắt lăn vội. Bước chân ra tàu, đứa em trai chạy theo “… em vừa sửa xong chiếc điện thoại, loại này tốt hơn cái chị đang dùng, chị cầm lấy đi…” rồi nó dúi vào tay chiếc điện thoại mới sửa được, lần mò vào túi áo rút chiếc điện thoại cũ của chị mình ra rồi chạy biến…

 
Những ngày đầu tiên của mùa Chay, trời lạnh làm chân tay tê buốt, hà hơi còn thấy rõ từng làn hơi bay ra nhưng chắc hẳn rằng mỗi người đều cảm nhận thấy ấm lòng theo từng cung bậc riêng… Có ai đó đang quây quần trong một căn phòng ấm cúng, có ai đó đang nâng ly lên để chúc cho nhau một tuần mới tốt lành! Và cũng có những người trẻ tuổi đang đi giữa đất trời để góp vui câu ca, tiếng nhạc! Cái lạnh cũng phải nhảy múa lên mà ghen tỵ với duyên tình… Đâu đó một vài cô gái sẽ e ấp đi bên người yêu – giữa cái say nồng của đất trời. Một cơn gió thoáng qua làm tung bay làn tóc rối. Sẽ có những cái níu tay thật chặt, sẽ có những cái xiết tay thật khẽ nhưng đủ ấm áp để cảm nhận mình đang ngập tràn hạnh phúc… Ai đó đang quỳ trong nhà thờ tĩnh tâm, hòa giải. Ai đó đang được Cha gỡ nút thắt cho những mối tơ vò,… Và có lẽ đứa em trai cũng cảm thấy vui lắm khi nghĩ về người chị gái đang cười mỗi khi thức dậy… Đứa bạn tôi hẳn chắc rằng quá đỗi hạnh phúc khi biết đứa em trai luôn dành trọn cho mình sự yêu thương nguyên vẹn. Còn với tôi, Tôi hạnh phúc và thấy ấm áp lắm, bởi tôi được nhìn thấy mọi người cười, hình ảnh một ngàn đồng đọng lại mãi mãi như những nốt nhạc rộn rã đang vang lên, lắng lại một nốt luyến là hình ảnh đứa em trai gầy gò nghĩ về người chị gái…

Mùa chay Thánh đã theo xuân về với con người, viết tiếp nhạc khúc mới với những nốt nhạc réo rắt tươi vui thay cho gam trầm buồn của suốt một mùa đông băng giá. Sự vẹn nguyên được đo bằng cái mà tâm thức mình đặt vào đó. Một ngàn đồng lẻ của em khiến một trăm ngàn lần lẻ một đồng tôi phải cảm nghiệm mà khâm phục. Tôi chưa gặp em nhưng tôi mến em lắm, người em cao và gầy, em có một nét gì đó giống một người cũng đã dành cho tôi trọn vẹn tình thương…

Tình người nó vẫn luôn nồng ấm như một thứ tình được ủ kĩ. Nhưng thời khắc ta cảm thấy được xuân nhất là khi đem niềm vui ấy chia sẻ đến với mọi người. Những tích góp dù nhỏ nhặt nhất cũng làm ấm lên giữa dòng đời bởi những nụ cười thánh thiện khi ta mang cái thiện tâm gói gém trong cái duyên của đất trời mà trao tặng thì thật dù nhỏ bé cũng ý vị bao nhiêu…

 Tác giả bài viết: CĐV – News

 

Câu Chuyện CỤC THAN HỒNG

 

Hôm đó là một tối thứ hai trong tuần, công tác mục vụ ở giáo xứ nhỏ nầy tương đối rảnh rỗi. Bên ngoài tiết đông, trời giá lạnh. Cha xứ và cậu thanh niên, con tinh thần của ngài ngồi đàm đạo với nhau bên bếp lửa hồng. Cha xứ đã ngoài 70 tuổi còn cậu thanh niên mới chừng 25 và đang theo học thần học tại một Học Viện Công Giáo.

 

Đề tài nói chuyện hôm đó của hai bố con là giáo luật và luân lý .

 

Hai bố con đang có vẻ tâm đầu ý hợp bổng cậu trai nổi nóng lớn tiếng :

 

– Con đã chán ngấy cái thói lên mặt dạy đời của một số ông cha xứ rồi, đặc biệt là ông Cha H. ở giáo xứ của con. Không biết đến lúc nào mấy vị nầy mới nhận thức được cái tội giả hình của mình? Chủ nhật tới con sẽ nằm nhà không đi lễ nữa. Con vẫn có thể sống đạo tại tâm mà !

 

Trước giọng điệu thất thường nầy của cậu trai, ông Cha già vẫn thản nhiên. Không một lời,ngài lặng lẽ đi tới lò sưởi, cầm đôi đũa sắt gắp một cục than hồng bỏ ra bên ngoài rồi trở về ghế ngồi. Hai bố con lặng lẽ ngồi nhìn cục than hồng. Cục than hồng đang hừng hực đỏ từ từ nguội dần và cuối cùng chỉ còn lại một cục than đen và một mớ tro tàn.

 

– Thôi, con hiểu rồi. Cậu trai lên tiếng. Con hiểu bố muốn dạy con cái gì rồi. Con sẽ cố gắng thêm một lần nữa !

 

Phải, có nhiều lúc ta bực bội Giáo Hội, gay gắt phê bình Giáo Hội đến nỗi nghĩ rằng ta có thể sống niềm tin của mình ngoài Giáo Hội, ngoài xứ đạo của mình ! Nhưng nghĩ cho cùng, Giáo Hội là ai, Giáo xứ là ai nếu không phải là anh là tôi, là cộng đoàn những người tin vào Đức Kitô. Nếu như cộng đoàn đó đã đạt tới sự thánh thiện rồi thì những người như tôi như anh sẽ cảm thấy mình rất lạc lỏng chơ vơ và có lẽ chúng ta phải nằm lại bên vệ đường mà thôi !

 

Bởi vậy cái cơ cấu gọi là Giáo Hội, Giáo Xứ hay Cộng Đoàn mà đôi lúc ta phê bình đó tuy nó chưa hoàn thiện thật nhưng chính là cái môi trường luôn nâng đỡ ta, dìu dắt ta và cho ta nghị lực để luôn bước tới. Thoát ly nó ta cũng sẽ như cục than hồng kia một khi đã ra khỏi bếp lửa thì chỉ còn lại một cục than đen và một mớ tro tàn nguội lạnh mà thôi.

 

Mùa chay chính là thời điểm giúp ta nhận thức đưọc tầm quan trọng của một cộng đoàn dân Chúa mà ta là một phần tử. Đừng đứng ngoài cuộc. Giáo Hội, Giáo xứ, Cộng Đoàn và chính Thiên Chúa đang cần mỗi người chúng ta.

 

CÂU CHUYỆN NHỮNG HẠT GẠO

 

Tuần rồi, bé Trinh, 6 tuổi vào nhà xứ gặp cha xứ hý hửng khoe :

 

–          Cha ơi, coi nè, chén gạo con đầy những hạt gạo mùa chay!

 

–          Nói cha nghe coi thử, hạt gạo mùa chay là cái gì đâu?

 

–          Uả, mẹ con hông nói cho cha nghe sao? Từ đầu mùa chay, anh chi em con thi đua nhau làm việc thiện, hễ đứa nào làm được một việc tốt thì bỏ một hạt gạo vào trong cái chén của mình. Cứ cuối tuần là tổng kết. Tuần nầy con đoạt giải nhất đó cha vì con có nhiều hạt gạo hơn các anh chị của con.

 

–          Wau !  Con giỏi qúa. Kể cha nghe coi, những việc tốt con làm là việc gì đâu?

 

–          Con không nói đâu!

 

–          Tại sao vậy?

 

–          Vì mẹ bảo, khi tay phải làm việc thiện thì đừng cho tay trái biết!

 

–          Wau!   Bé ngoan quá.

 

        (…)

 

Tò mò, mấy ngày sau, cha xứ tìm hiểu thêm về chuyện những hạt gạo mùa chay của bé Trinh thì được biết chuyện các cháu làm chỉ là những chuyện nhỏ nhặt thôi như : bớt 2000 đồng quà sáng để bố thí cho người nghèo, lượm rác trong nhà thờ, giảm thời gian chơi games ngoài phố, nhường cho em miếng thịt mà mình thích nhất, gắng đi học giáo lý đúng giờ, không cãi lộn hay văng tục ngoài đường, gặp người lớn thì cúi đầu chào vv..

 

Phải đó chỉ là những chuyện nhỏ nhưng nó đã mang lại cho gia đình bé Trinh một bầu khí hết sức lành mạnh và ấm cúng : anh chị em hòa thuận nhau, trên kính, dưới nhường. Đó là chưa nói tới cái giá trị giáo dục để con em ý thức được ngay từ tấm bé và trong đời sống mỗi ngày cái gì nên làm và cái gì không nên làm .

 

Ma qủi thường cám dỗ ta không phải những chuyện lớn lao như trường hợp thánh Antôn mà là những điều nhỏ nhặt: ngủ nướng thêm năm mưới phút có là bao ! Lấy cắp vài chục ngàn trong hầu bao của mẹ cũng chẳng thấm vào đâu . Nói dối mẹ để đi chơi với bạn trai một đôi lần cũng chẳng sao…Nhưng lần hồi 5 phút sẽ thành một giờ, vài chục ngàn sẽ thành vài trăm ngàn, một đôi lần sẽ thành một thói quen!

 

Làm sao để chống lại những cám dỗ nầy? Bằng những cố gắng mỗi ngày và trong những hành động cụ thể dù rất nhỏ nhoi và hành động với ý thức và lòng tin yêu. Mùa chay chính là cơ hội tốt! 

 

“ CON MUỐN TA LÀM GÌ CHO CON? ” (Lc 18, 41)

Hãy giúp con bắt đầu gom góp những hạt gạo mùa chay.

Nguồn: hontrexito.com

Exit mobile version