Những câu chuyện cổ tích hôm nay
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những kho tàng cổ tích. Nội dung của chuyện cổ tích thường chứa đựng những bài học sâu sắc giúp cho con người hướng thiện và trưởng thành. Chuyện cổ tích là những chuyện từ thời xa xưa, lâu lắm rồi, không biết ai là tác giả. Thực ra, tác giả của những câu chuyện cổ tích là tất cả công chúng. Những câu chuyện cố tích phản ánh niềm mơ ước, nguyện vọng của con người, mong được hạnh phúc trong cuộc sống và muốn đẩy lui tàn ác, bất công. Chuyện cố tích là chuyện của hôm qua, nhưng lại hàm chứa những bài học cho hôm nay. Nội dung của chuyện cổ tích thường chứa đựng lời khuyên: nếu làm điều lành thì được hạnh phúc thanh thản, nếu làm điều ác sẽ phải đau khổ trầm luân.
Xã hội hôm nay văn minh phát triển, nói đến những câu chuyện cổ tích xem ra có vẻ hoang đường và phi thực tế. Tuy vậy, xung quanh chúng ta vẫn đầy rẫy những câu chuyện “thật như bịa”, những “chuyện lạ có thật”. Không biết có phải là lạm dụng từ ngữ khi chúng ta gọi một chuỗi những câu chuyện lạ hôm nay là “chuyện cổ tích hiện đại”? Chuyện “cổ tích” hiện đại không có những nhân vật huyền thoại như những tiên ông hay thần linh từ trời cao giáng thế, nhưng là những con người bằng xương bằng thịt. Có thể đó là những người rất nghèo ăn bữa nay lo bữa mai, nhưng cũng có thể đó là những người đại gia giàu có thường “ném tiền qua cửa sổ. Vâng, những câu chuyện cổ tích hiện đại thật phong phú, phản ánh muôn mặt của cuộc sống này.
Nội dung của những câu chuyện “cổ tích” thời này trước hết là những gương sáng trong cuộc đời. Vào thời gạo châu củi quế này, một người nghèo mà không tham lam, nhặt được tiền rơi trả lại cho người đánh mất quả là một chuyện khác thường. Đó là trường hợp của ông Trần Văn Cho (61 tuổi), trú tổ 28, phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng. Ông nhặt được 45 triệu đồng, liền đem đến Công an phường để trả cho người bị mất (ngày 16-12-2011). Những bà tiên trong chuyện cổ tích ngày xưa nay hóa thân nơi những người phụ nữ nghèo nhưng tần tảo nuôi hai con theo học đại học như trường hợp của chị Lường Thị Thương, ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa – Báo điện tử Tin Mới, 16-12-2010). Những vị tiên vị thần hiện đại hôm nay là những thày cô giáo miệt mài lên vùng cao đem cho trẻ nghèo cái chữ, giúp cho các em có một tương lai. Đó còn là những thày cô dạy học ở trường khiếm thị, câm điếc. Công việc này đòi hỏi sự hy sinh và nhất là phải có một tấm lòng. Họ cần mẫn như những người lái đò, đưa từng đợt khách qua sông, vui vẻ chấp nhận cuộc sống đơn giản, nghèo nàn. Vẫn còn đó trong xã hội của chúng ta những cô dâu hiếu thảo như nàng Cúc Hoa, những con trai thương mẹ như Hàn Bá Du đời nhà Hán, những người bạn chân thành quảng đại như chàng Dương Lễ. Bên cạnh những người sống đời thường, còn có những linh mục, nữ tu, những vị tăng, ni âm thầm ngày đêm chăm sóc người cùi, trẻ em mồ côi, người già bất hạnh. Họ giống như những đóa hoa đẹp, góp phần tô điểm cho nền văn hóa Việt đã có truyền thống bốn ngàn năm thêm rực rỡ và tỏa ngàn sắc hương.
Vâng, nếu kể ra thì còn rất nhiều những nhân vật đời thường đã trở thành huyền thoại trong cuộc sống ồn ào và cạnh tranh hôm nay. Họ đang hy sinh cố gắng để làm dịu nỗi đau của tha nhân, đồng thời giúp người khác hướng thiện. Sự đóng góp của họ có thể là âm thầm nhỏ bé, nhưng là những viên đá xây nền văn minh của tình thương và sự sống. Thật vậy, khi giúp đỡ người khác, chính bản thân chúng ta sẽ trở nên nhân bản và thánh thiện hơn. Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, linh mục Werenfried van Straaten người Hòa Lan đã có sáng kiến thiết lập một tổ chức giúp người nghèo có tên là “Hội trợ giúp các Giáo hội đang gặp khó khăn”, trụ sở chính đặt tại Đức. Ngài đã có một lời phát biểu rất ý nghĩa: “Bạn hãy cố gắng làm việc thiện để giúp anh chị em nghèo. Có thể việc chúng ta làm không đáng kể là bao so với nhu cầu quá lớn của những người đau khổ hôm nay, nhưng tôi đoan chắc với bạn rằng, những việc tốt đẹp ấy sẽ giúp ít nhất là cho hai người có một lương tâm thanh thản. Những cố gắng chân thành ấy sẽ giúp ít nhất hai người tiến gần hơn tới sự hoàn thiện. Hai người đó là bạn và tôi”.
Cùng với những người tốt trong xã hội, tiếc thay, vẫn còn những nhân vật làm cho con người mất lòng tin. Bức tranh quý chừng nào cũng vẫn còn những khiếm khuyết. Vườn hoa đẹp đến đâu cũng không thoát những con sâu. Và thế là, xung quanh chúng ta vẫn còn đó những câu chuyện “cổ tích của thời hiện đại” phản ánh những góc tối của bức tranh cuộc đời.
Này nhé, một ông quan lớn đến cấp thứ trưởng Bộ Y tế (Ông Cao Minh Quang) mà lại “khai nhầm học vị” tiến sĩ, để rồi khi dân phát hiện thì mọi người mới biết. May mà ông này không khai nhầm là bác sĩ để trực tiếp mổ bệnh nhân, giống như một ông phi công người Hàn quốc không có bằng lái máy bay mà vẫn ký hợp đồng cầm sinh mạng cả trên trăm người với Vietnam Airlines.
Để nghiên cứu tình hình giao thông nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn tại thủ đô Hà Nội, một giáo sư người Mỹ tên là Seymour Papert đã muốn đi nghiên cứu thực địa. Khi đang cố gắng để qua ngã tư, ông giáo sư 78 tuổi này đã bị xe máy tông đến mức hôn mê lúc 4g chiều 7-12-2006. Một câu chuyện đau thương nhưng cũng mang tính khôi hài. Người bạn đi cùng ông tên là Uri Willensky kể lại, Ông Papert bị tai nạn liền ngay sau khi ông vừa nói: “Tôi thực sự kinh ngạc và e ngại giao thông ở đây”.
Nhân dịp đến Hà Nội tham dự một hội nghị về Interpol (Cảnh sát Hình sự quốc tế chống tội phạm) lần thứ 80, một vị khách người Singapore đã được một tài xế taxi của Hà Nội “thử nghề”: chỉ với một “cuốc” taxi với quãng đường hơn 10 km, anh tài xế bắt khách phải trả 200 USD và 100 đô la Hồng Kông. Chiếc điện thoại đời mới Iphone 4 khách để quên cũng bị tài xế “quên” tiếp (chuyện xảy ra ngày 28-10-2011).
Danh sách những câu chuyện “thật như bịa” còn được nối dài với những trường hợp bác sĩ thiếu y đức, vô lương tâm, dửng dưng trước nỗi đau của người bệnh và làm họ chết oan. Đó là những thày giáo cô giáo đáng lẽ phải dạy cho học sinh đạo lý làm người, nhưng lại làm những điều đồi bại với học sinh. Làm nhuốc nhơ hình ảnh người thầy đáng kính từ bao đời trong tâm thức người Việt. Đó là những người cha người mẹ đang tâm bỏ con mình qua tội ác phá thai, hoặc giết hại con mình bằng việc đày đọa, như ném hai con xuống giếng (xảy ra ngày 16-4-2011, thủ phạm là Y Ngơn, tại Đắc Lắc), hoặc ném con 4 tháng tuổi xuống đất dẫn đến tử vong (xảy ra ngày 24-12-2011, thủ phạm là Nguyễn Trường Duy, 28 tuổi, ở xã Đồng Phú, Long Hồ, Vĩnh Long). Đó là người chồng cạn tình cạn nghĩa dán bản cáo phó thông báo lễ tang vợ ngay khi vợ mình còn sống (chuyện xảy ra ngày 25-12-2011, thủ phạm là Bạch Thành Phong, 35 tuổi ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).
Điều đáng báo động là những chuyện “cổ tích” đại loại như trên đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Phải chăng con người thời nay vô cảm trước sự ác? Phải chăng tình người nơi số đông đã bị tắt lịm do cơn lốc của lối sống ích kỷ, duy vật và hưởng thụ?
Suy nghĩ về những hiện tượng xã hội trên đây, chúng ta mới ngẫm ra một điều: những gì đang xảy ra trong cuộc sống hôm nay, sẽ là những câu chuyện cổ của tương lai. Mỗi người đều đóng vai một nhân vật trong những câu chuyện ấy. Có thể tôi dang là một nàng công chúa giàu có sang trọng mà đầy lòng nhân ái, cảm thông. Có thể tôi đang là một ông tiên thường đến giúp người đau khổ bất hạnh. Nhưng cũng có thể tôi đang là một người gian ác vô trách nhiệm với tha nhân, hoặc đang là một mối tai họa đối với những người đang sống xung quanh mình.
Những dòng suy tư này được viết vào ngày lễ Giáng Sinh, ngày mà cả thế giới đều hân hoan mừng sinh nhật của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người. Câu chuyện Giáng Sinh không phải chuyện cổ tích, nhưng là biến cố lịch sử. Sự kiện Bêlem là câu chuyện của quá khứ, đồng thời cũng là biến cố của hôm nay. Đức Giêsu đã chọn thân phận con người. Người nên giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Cuộc đời của Người cũng là một câu chuyện, một lịch sử. Trong lịch sử – cuộc đời ấy, Đức Giêsu đã đến với những người bất hạnh để đỡ nâng và khích lệ họ. Người đã sống đúng nghĩa là một người phục vụ. Chúng ta hãy đón nhận sứ điệp từ hang đá Bêlem. Đó là sứ điệp “làm người”. Chính mỗi người phải lãnh lấy việc viết lại cuộc đời mình trong một chuỗi những câu chuyện cổ tích bất tận. Tôi là nhân vật nào trong chuỗi dài những câu chuyện cổ tích ấy? không ai có thể trả lời thay tôi được. Khi cố gắng noi gương Chúa Giêsu và thực hiện giáo huấn của Người, chúng ta sẽ trở nên những sứ giả hòa bình, nhân chứng của tình yêu trong câu-chuyện-cuộc-đời hôm nay.