Nhìn vào ba cuộc đối thoại để Tin Mừng thấm nhập theo Đức tin

62

Nhìn vào ba cuộc đối thoại

để Tin Mừng thấm nhập theo Đức tin

1. Đại hội Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu nhóm họp tại Giáo phận Xuân Lộc từ ngày 10 đến 16-12-2012 là một biến cố lớn.

Riêng đối với tôi, biến cố quan trọng này nhắc cho tôi về ba đối thoại, để Tin Mừng có thể thấm nhập vào Á châu nói chung và vào Việt Nam nói riêng. Ba đối thoại đó đã được Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới chỉ rõ cho các Giáo Hội tại Á châu, trong lời  kêu gọi ngày 20-10-1012 vừa qua. Đó là đối thoại với các nền văn hoá địa phương, đối thoại với các tôn giáo truyền thống, đối thoại với người nghèo.

Ba đối thoại trên đây được Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu nhận định càng ngày càng rõ từ nhiều năm nay.

Nhận định rõ đã là quý hoá. Nhưng thực hiện điều nhận định rõ còn quý hoá hơn nhiều.

2. Tại Việt Nam, nhận định rõ về ba đối thoại xem ra chưa được phổ biến sâu rộng. Còn thực hiện ba đối thoại đó xem ra lại rất tuỳ tiện. Hậu quả được báo hiệu là Hội Thánh Việt Nam xem ra đang bước dần tới nguy cơ bị đẩy vào một hoàn cảnh rất khó khăn cho sự thấm nhập của Tin Mừng.

3. Viễn cảnh đó tất nhiên là không vui. Với lương tâm trách nhiệm đối với Tin Mừng và Hội Thánh, tôi cầu xin Chúa Giêsu soi sáng cho tôi biết xưa Chúa đã đưa Tin Mừng thấm nhập vào thế gian một cách cụ thể thế nào?

Chúa dạy tôi hãy dùng đức tin mà nhìn Chúa trong Phúc Âm. Tôi vâng làm như vậy. Dần dần tôi thấy ba đối thoại, mà Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới vừa nhắc đến, đã được chính Chúa Giêsu thực hiện một cách rất cụ thể rõ ràng tại Do Thái. Đơn giản như sau:

Về đối thoại của Chúa Giêsu với nền văn hoá dân tộc thì đối thoại đó được thực hiện cụ thể bằng sự Người hội nhập vào nền văn hoá của Đất Nước mình.

Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu luôn tỏ vẻ tự hào về những tổ tiên đã có công dựng Nước và giữ Nước Do Thái là Đất Nước Chúa chọn để giáng sinh.

Chúa Giêsu được thánh sử Matthêu ghi rõ: Người là: “con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham. Từ tổ phụ Abraham đến vua Đavít là 14 đời. Từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là 14 đời. Và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô cũng là 14 đời” (Mt 1,1-17). Như thế quốc tịch của Chúa Giêsu là Do Thái. Người công dân ưu tú này có một lý lịch, đáng tự hào trước Tổ Quốc và quốc dân Do Thái.

Là công dân Do Thái, Chúa Giêsu gắn bó với lề luật của Đất Nước mình. Người quả quyết: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ lề luật Maisen hoặc là các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Nếu nền văn hoá dân tộc là hiếu với tổ tiên, yêu thương đồng bào và gắn bó với Quê Hương, thì Chúa Giêsu đã hội nhập sâu vào nền văn hoá như thế của dân tộc mình.

Tất nhiên, Chúa Giêsu xuống trần là để thiết lập “một vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Vua). Nhưng tất cả những đức tính tốt đẹp của Nước Chúa kể trên đều sẽ được thấm nhập dần dần vào Do Thái qua cái khung văn hoá của Đất Nước Do Thái. Thành công nhiều hay ít, lâu hay mau, là chuyện không ở quyền con người định đoạt. Chỉ biết hội nhập đó là con đường Chúa chọn, không thể đổi thay.

4. Về đối thoại với các tôn giáo truyền thống tại Do Thái, thì đối thoại của Chúa là trân trọng những giá trị chính đáng của các tôn giáo đó.

Thực vậy, khi nêu gương bác ái, Chúa Giêsu đã chỉ vào người ngoại đạo Samari (x. Lc 10,29-37).

Khi nêu gương đức tin, Chúa Giêsu đã khen ông đại đội trưởng ngoại đạo thành Caphacnaum. Chúa nói: “Tôi nói cho các ông hay: Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9).

Khi nêu gương lòng biết ơn, Chúa Giêsu đã không ngại nói rõ trường hợp mười người phong cùi được Chúa chữa lành, nhưng chỉ có một người ngoại đạo Samari trở lại cám ơn Chúa (x. Lc 17,11-19).

Trân trọng những giá trị chính đáng của các tôn giáo truyền thống nơi mình đến, chính là một đối thoại tốt để Tin Mừng thấm nhập vào nơi đó, Chúa Giêsu đã đề cao cách đối thoại ấy. Cách đề cao đó thường không làm hài lòng người đạo Chúa. Phải can đảm lắm mới dám làm.

5. Về đối thoại với người nghèo, thì đối thoại của Chúa Giêsu là ưu tiên lo cho người nghèo.

Ưu tiên lo cho người nghèo, là một chọn lựa của Chúa Giêsu được khẳng định qua lời Người giảng, qua việc Người làm, và qua lối sống của Người suốt cả cuộc đời.

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ưu tiên yêu thương giúp đỡ người nghèo khổ trong nhiều bài giảng. Nhất là trong bài giảng về ngày phán xét chung, Chúa sẽ căn cứ vào việc yêu thương giúp đỡ người nghèo khổ, để phân biệt người được thưởng và người bị phạt. Bởi vì Chúa coi việc yêu thương giúp đỡ người nghèo khổ như việc làm cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).

Chính Chúa Giêsu đã rất yêu thương cứu giúp những người nghèo khổ. Từ việc chữa bệnh, trừ quỷ, làm phép lạ cứu đói, đến việc đề cao những đức tính tốt của người nghèo khổ, nhất là sự họ được Chúa yêu thương.

Ưu tiên lo cho người nghèo khổ còn được Chúa Giêsu thực hiện nhất là bằng chính lối sống của Người. Người sống như kẻ nghèo để chia sẻ thân phận kẻ nghèo.

Đối thoại với người nghèo là ưu tiên lo cho họ như thế đấy. Cách đó được Chúa chọn, để Tin Mừng thấm nhập vào dân chúng.

6. Khi nhờ đức tin, mà nhận ra ba cách đối thoại trên đây của chính Chúa Giêsu, tôi tự hỏi mình rằng: Tôi có theo Chúa Giêsu mà cụ thể hoá ba đối thoại bằng thái độ dấn thân như vậy không? Câu hỏi này cũng cần đặt ra cho Hội Thánh Việt Nam nói chung, và cho từng cộng đồng đức tin tại Việt Nam nói riêng.

Rất mong Đại Hội Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu lần này tại Việt Nam sẽ là một hy vọng cho Á châu, đặc biệt là cho Việt Nam. Hy vọng sẽ rất đáng kể, nếu mọi người tin Chúa quyết tâm trở về với đức tin đích thực, để theo gương Chúa Giêsu, mà đối thoại như Chúa Giêsu, nghĩa là:

– Hội nhập vào nền văn hoá dân tộc.
– Trân trọng những giá trị chính đáng của các tôn giáo truyền thống.
– Ưu tiên lo cho người nghèo.

Chỉ đức tin đích thực là gặp gỡ sống động và thân mật với Chúa Giêsu, mới có được một thái độ khiêm nhường và dấn thân như thế trong các đối thoại. Chứ các thứ đức tin biến chất, sẽ phá hoại xã hội hơn là cải thiện.

Xưa Chúa Giêsu đã nói một lời rất bi quan: “Khi Con Người đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất này nữa không?” (Lc 18,8). Tôi hiểu Chúa muốn nói về đức tin đích thực. Chứ các thứ đức tin biến chất sẽ không ngừng phát triển tưng bừng.

Trong Năm Đức Tin này, tôi xin Chúa thương giúp tôi và mọi người tin Chúa trong Hội Thánh của tôi, biết thức tỉnh, mà trở về  với đức tin đích thực. Chỉ đức tin đích thực mới có Tin Mừng đích thực. Chỉ đức tin đích thực mang Tin Mừng đích thực mới cần đi vào Đất Nước Việt Nam này, cho dù phải gặp những khó khăn không sao tránh được.

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 11 năm 2012
ĐGM. GB Bùi Tuần