Bài suy niệm của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền tin tại quãng trường thánh Phêrô – Chúa nhật V Mùa chay, 18/03/2018
Anh chị em thân mến
Tin mừng hôm nay (x. Ga 12,20-33) kể lại cho chúng ta sự kiện xảy ra trong những ngày cuối đời Chúa Giêsu. Quang cảnh diễn ra ở Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đến trong dịp lễ Vượt qua của người Do thái. Một số người Hy lạp cũng đến dự lễ nghi này; họ là những người bị thúc đẩy bởi những cảm xúc tôn giáo, bị lôi cuốn bởi niềm tin của dân Do thái, và sau khi nghe nói về vị tiên tri vĩ đại này, họ tìm đến Philipphê, một trong 12 môn đệ, họ nói với ông: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 12,21). Thánh Gioan đã làm nổi bật câu này khi đặt trọng tâm vào động từ “thấy”. Trong điển ngữ của thánh sử, động từ này có nghĩa là đi xa hơn cái vẻ bề ngoài để đón nhận mầu nhiệm của một con người. Động từ “thấy” mà thánh Gioan sử dụng đạt đến tận tâm hồn, thấu hiểu đến tận nội tâm con người, bên trong con người.
Phản ứng của Chúa Giêsu đó là gây kinh ngạc. Ngài không trả lời bằng tiếng “ưng thuận” hay “từ chối”, nhưng nói là : “đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (c. 23). Những lời ấy, trước hết có vẽ như phớt lờ đi câu hỏi của những người Hy lạp, thực tế đó là câu trả lời chân thật cho họ, bởi vì ai muốn nhận biết Chúa Giêsu thì phải nhìn vào thập giá, nơi Chúa Giêsu mạc khải vinh quang của Ngài.
Nhìn vào bên trong của Thập giá. Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, không phải là đồ vật mang tính trang trí hay phụ kiện trang phục – đôi khi bị lạm dụng – nhưng đó là dấu chỉ tôn giáo để suy ngắm và thấu hiểu.
Trong hình ảnh của Chúa Giêsu bị đóng đi, Đấng tự tỏ lộ mầu nhiệm sự chết của Con người như là hành động trỗi vượt của tình yêu, nguồn mạch sự sống và ơn cứu rỗi đối với con người trong mọi thời đại. Trong các vết thương của Chúa chúng ta được chữa lành.
Chúng ta có thể nghĩ: “tôi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh như thế nào? Như là một tác phẩm nghệ thuật, để xem nó đẹp hay không? Hay tôi nhìn vào bên trong, vào trong những vết thương của Chúa Giêsu cho đến tận con tim của Chúa? Tôi nhìn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa bị hủy diệt cho đến chết, chết như một nô lệ, như là tội phạm? Anh chị em đừng quên điều này: hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, nhưng hãy nhìn bên trong của Ngài. Có một lòng sùng kính tuyệt vời là đọc một kinh Lạy Cha cho mỗi trong năm vết thương: khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta tìm cách đi qua các vết thương của Chúa Giêsu, bên trong, tận trái tim của Ngài. Ở đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan của mầu nhiện Chúa Kitô, sự khôn ngoan vĩ đại của thập giá.
Và để giải thích cho ý nghĩa về cái chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh và Ngài nói: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (c.24). Chúa muốn người ta hiểu rằng, biến cố tột cùng của Ngài – tức là thập giá, cái chết và phục sinh – là một cử chỉ phong phú – các vết thương của Ngài đã chữa lành chúng ta – một sự phong phú sẽ mang lại hoa trái cho nhiều người. Như thế Chúa tự ví mình như hạt lúa mì gieo vào lòng đất sinh ra sự sống mới. Nhưng như thế vẫn chưa đủ: Chúa đã phải chết để cứu chuộc loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi và ban cho con người một cuộc sống mới được hòa giải trong tình yêu. Tôi đã nói là “để cứu chuộc con người”, nhưng cũng để cứu chuộc tôi, bạn, và tất cả chúng ta, từng người trong chúng ta, Chúa đã trả giá đắt. Đó là mầu nhiệm của Chúa Kitô. Hãy hướng đến những vết thương của Ngài, vào bên trong, suy ngắm, gặp thấy Chúa Giêsu, nhưng ở bên trong.
Và đây là sự năng động của hạt lúa mì, được hoàn thành nơi Chúa Giêsu, điều đó cũng phải được hiện thực nơi chúng ta là những người môn đệ của Chúa. Chúng ta được mời gọi để thực hiện quy luật vượt qua là chấp nhận mất cuộc sống này để nhận được nó trong cuộc sống mới và đời đời. Và đâu là ý nghĩa của việc mất sự sống này? Tức là để trở nên hạt lúa mì nghĩa là gì? Nghĩa là ít nghĩ về mình hơn, ít nghĩ đến những thú vui của mình hơn, và phải biết “nhìn thấy” và ra đi gặp gỡ những người túng thiếu là tha nhân của chúng ta, đặc biệt là những người bé mọn. Vui vẻ làm việc bác ái đối với những người đang đau khổ trong thể xác và tính thần đó là cách thức chân thật nhất để sống Tin mừng, đó là nền tảng cần thiết để các cộng đoàn của chúng ta phát triển trong tình huynh đệ và đón nhận nhau. Tôi gặp thấy Chúa Giêsu, nhưng phải gặp Ngài ở sâu bên trong. Bước vào trong các vết thương của Ngài và suy ngắm về tình yêu của trái tim Ngài dành cho bạn… cho tôi và cho tất cả mọi người.
Xin Đức Trinh nữ Maria là người đã luôn hướng lòng mình về Con của Mẹ, từ máng cỏ Bêlem cho đến thập giá trên đồi Calvario, xin Mẹ giúp chúng ta gặp thấy Chúa, nhận biết Chúa giống như Chúa muốn, để chúng ta có thể sống, được Chúa chiếu soi, và mang đến cho thế giới hoa trái công bằng và bình an.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ