Nhìn lên bầu trời

74

Những bức ảnh tuyệt vời từ Kính Viễn Vọng James Webb cho thấy hàng trăm thiên hà cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, nhiều thiên hà mà trước đây chúng ta không hề biết chúng tồn tại. Nhìn những bức ảnh này và suy ngẫm về sự bao la của vũ trụ khiến bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé.

Việc hướng tầm nhìn của bạn sang hướng khác, đến lĩnh vực lượng tử, vừa hấp dẫn vừa gây lầm lẫn. Một loạt các hạt tiểu nguyên tử đáng kinh ngạc và sự phức tạp siêu phàm của sự tương tác giữa chúng cũng có thể khiến bạn cảm thấy nhỏ bé, mặc dù đó là một số thực tế nhỏ nhất mà chúng ta biết. Thực tế rất… kỳ diệu. Nó vô cùng đẹp nhưng đồng thời cũng đáng sợ.

Kitô hữu luôn hiểu rằng chúng ta rất nhỏ bé trong phạm vi mọi sự. Thánh Vịnh gia thắc mắc: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:5; Tv 144:3) Trong tầm nhìn Ptolemaic về vũ trụ mà Dante kế thừa, trái đất của chúng ta là trung tâm của vật chất, nhưng “trung tâm” là điểm thấp nhất. Ma quỷ là trung tâm tuyệt đối. Mọi thứ khác đều “ở trên” và những sinh vật tồn tại ở trên thông minh hơn và nhìn thấy nhiều hơn chúng ta. Đó chỉ là món quà của Thiên Chúa siêu việt mà con người được tạo dựng “kém các thiên thần một chút.”

Khi chúng ta gia tăng khả năng nhìn nhiều thứ hơn, cả lớn và nhỏ, chúng ta thấy rằng có rất nhiều những thứ lớn hơn và nhỏ hơn chúng ta tưởng. Thật kỳ lạ, điều này đôi khi gia tăng sự kiêu ngạo của con người, như thể chúng ta là chủ nhân của vũ trụ vậy. Nhưng những gì các bức ảnh này nên làm là đâm thủng sự ảo tưởng về ưu thế của con người. Chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu tìm hiểu chiều cao và chiều sâu của thực tế.

Tuy nhiên, thật tuyệt vời khi chúng ta có thể biết bất kỳ điều gì trong vấn đề này. Hãy tưởng tượng: chúng ta đang nhìn thoáng qua những thiên hà cách chúng ta hàng tỷ tỷ năm ánh sáng. Chúng ta thấy bảo tàng về sự sống vũ trụ. Một số trong những thiên hà đó có thể đã biến mất từ lâu. Ánh sáng từ chúng đã đi hàng tỷ năm. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy chúng bằng nhãn quan của Chúa, trông chúng sẽ khác, nếu chúng vẫn tồn tại.

Nhưng chúng ta hãy xem xét một chút rằng “cách nhìn của Chúa” – tầm nhìn của Đấng là Nguồn Gốc của Tất Cả Hữu Thể và Sự Tốt Lành, Đấng không chỉ tạo dựng các thiên hà đó và tất cả các định luật vật lý chi phối chúng, với tất cả các nguyên tử và vi lượng (hạt quark) trong chúng và những người giữ cho chúng liên tục tồn tại.

Hãy nghĩ xem: bạn sẽ như thế nào khi được chia sẻ nhãn quan của Thiên Chúa? Bạn muốn chia sẻ điều gì trong Thị Kiến Hạnh Phúc? Mọi nguyên tử và vi lượng trong mọi thiên hà và bản chất của từng chút của “Chất Tối” giờ đây sẽ hiển nhiên đối với bạn. Thiên Chúa nhìn thấy tất cả ngay lập tức, bởi vì Ngài giữ cho mọi thứ luôn tồn tại trong mọi thời điểm.

Khi bạn nhận ra rằng vũ trụ rộng lớn như thế nào trong tất cả các phần nhỏ bé, liên quan lẫn nhau, và nếu bạn tin rằng Thiên Chúa luôn ghi nhớ tất cả điều đó cùng một lúc, bạn đi đến kết luận phiền toái rằng sự khác biệt về trí thông minh giữa chúng ta và con ốc sên là không gì có thể so sánh với sự khác biệt giữa Thiên Chúa và chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhưng chúng ta đừng quá tự mãn.

Khi chúng ta xem xét sự rộng lớn của vũ trụ, nó có thể khiến chúng ta cảm thấy mình giống như hạt nhỏ nhất trong đại dương bao la. Mọi người tự hỏi: “Liệu Chúa có thể chăm sóc tôi không? Có quá nhiều điều đang diễn ra, hàng tỷ người với rất nhiều vấn đề và tôi thì quá nhỏ bé.”

Đối với các Kitô hữu, có hai manh mối về điều này. Thứ nhất, nếu Thiên Chúa có thể tạo ra tất cả hàng tỷ tỷ thiên hà với vô số tỷ tỷ vi lượng, lepton và neutrino, đồng thời tiếp tục quản lý tất cả chúng mọi lúc, tôi cho rằng Ngài vẫn có thể chăm sóc vài tỷ người trên trái đất và vẫn giải quyết các vấn đề của bạn.

Nhưng Ngài thì sao? Nếu Ngài quá vĩ đại, quá rộng lớn và mạnh mẽ như vậy, tại sao Ngài lại quan tâm đến một cá thể nhỏ bé này trên một hành tinh không ở đâu cả? Đó là nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể đi vào.

Đặc điểm Sự Nhập Thể chính là ý tưởng rằng Sự Cứu Độ phụ thuộc vào một người tại một thời điểm trong lịch sử, điều này làm cho số phận của vũ trụ dường như được cân bằng trên đầu đinh ghim. Chúng ta xác định rằng ở Con Người đó là hiện thân của Tình Yêu đã tạo dựng tất cả vũ trụ. Bạn và tôi được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Chỉ là một hạt vô nghĩa trong đại dương mênh mông hư vô? Hay một khí cụ vô giá của tình yêu vô hạn?

Kitô giáo liên quan sự căng thẳng không thể phủ nhận giữa sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ, và sự nhỏ bé cùng với sự gần gũi của Đấng nhập thể trở thành con người vào một thời điểm duy nhất trong lịch sử và chịu chết trên thập giá để bày tỏ tình yêu dành cho chúng ta.

Điều đó giống như hai mặt của một sợi dây. Bạn đi quá xa theo một hướng để có được cảm giác về sự vĩ đại của Thiên Chúa, và bạn có thể vuột mất sự hiện diện của Ngài với tư cách là người duy nhất trong lịch sử. Một cái gì đó lớn như vậy có thể nằm gọn trong một gói nhỏ hay không?

Nhưng bạn có thể kéo quá mạnh theo hướng khác và vuột mất sự vĩ đại của Thiên Chúa. Chúng ta nói: “Tại sao Chúa không làm X?” Cứ như thể kiến thức của chúng ta đủ rộng và sâu để hiểu được sự khôn ngoan của Thiên Chúa vậy. Hơi lạ đối với những người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm món gì cho bữa tối khi tưởng tượng rằng họ có thể biết rõ hơn Chúa về cách vận hành của vũ trụ.

Thiên Chúa không chỉ giống chúng ta mà còn vĩ đại hơn và thông minh hơn, giống như một trong những siêu nhân ngoài hành tinh của Marvel. Thiên Chúa ở trong một liên minh khác. Khi bạn cho rằng mình đã hiểu được sự lớn lao như thế nào, hãy nhìn lại những bức ảnh đó và xem xét sự rộng lớn của vũ trụ. Sau đó, hãy nhìn vào hình tượng Chúa Kitô và Mẹ Maria. Hãy ghi nhớ hai điều đó trong tâm trí nếu bạn có thể. Đó là bí quyết.

RANDALL SMITH

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)