Nhìn lại 12 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô

1
Từ tháng 3 năm 2013, một làn gió mới đã thổi qua lòng Giáo hội Công giáo hoàn vũ, đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình mục vụ chưa từng có: triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô – vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh, cũng là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu chọn vào ngôi vị kế vị Thánh Phêrô.
Cuộc lựa chọn gây bất ngờ
Tháng 2 năm 2013, cả thế giới chứng kiến điều chưa từng xảy ra trong suốt 600 năm: Giáo hoàng Bênêđictô XVI quyết định thoái vị. Trong một Giáo hội đang đối mặt với hàng loạt thách đố: bê bối lạm dụng tình dục, khủng hoảng truyền thông, sự suy giảm ơn gọi và niềm tin nơi giới trẻ, ai sẽ là người kế nhiệm?
Người ta nghĩ đến các vị hồng y nhiều ảnh hưởng từ châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Nhưng chính lúc ấy, trong thinh lặng của các cuộc họp tiền mật nghị, một giọng nói từ Nam bán cầu vang lên. Hồng y Bergoglio – khi ấy đã 76 tuổi – trình bày một viễn tượng về một Giáo hội khiêm hạ, nghèo khó và hướng ngoại. Bài phát biểu đó – theo nhiều hồng y – “như lửa chạm vào rơm khô”. Và vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, thế giới Công giáo chứng kiến khoảnh khắc lịch sử: Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, Argentina, được bầu chọn làm Giáo hoàng. Ngay từ giây phút đầu tiên xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đã mang đến một hình ảnh giản dị, đầy nhân bản và khiêm nhường, khiến cả thế giới xúc động.
Tông hiệu và tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi
Chọn tông hiệu Phanxicô – theo tên vị thánh nghèo thành Assisi, người từng sống triệt để vì người nghèo và Tin Mừng – Đức Thánh Cha Bergoglio đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ: ngài muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo, một Giáo hội không khép kín trong tháp ngà quyền lực mà sẵn sàng sống giữa lòng thế giới.
Vậy nên, trong tông huấn Evangelii Gaudium. năm 2013 – được xem như “tuyên ngôn” mở đầu triều đại – ngài đã lên tiếng cách mạnh mẽ:
“Tôi thích một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo hội bệnh tật do bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của chính mình.”
Một Giáo hội đi ra
Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến một Giáo hội *đi ra*, tìm đến các vùng ngoại vi – không chỉ địa lý, mà cả tinh thần. Ngài không ưa lý thuyết suông, cũng không đặt giáo điều lên trên con người. Ngài muốn Giáo hội “như bệnh viện dã chiến”, băng bó vết thương chứ không lên án.
Cội nguồn tư tưởng truyền giáo của Đức Phanxicô đã nhen nhóm từ trước đó – cụ thể là trong “Tài liệu Aparecida” năm 2007, văn kiện tổng kết Hội nghị Giám mục Mỹ Latinh mà Hồng y Bergoglio giữ vai trò chủ đạo soạn thảo. Tài liệu này đặt nền tảng cho một Giáo hội mở ra sứ mạng truyền giáo “châu lục”, lấy người nghèo, dân ngoại vi, môi sinh và lòng đạo bình dân làm trung tâm.
Tư tưởng ấy được ngài tiếp tục khai triển trong các văn kiện sau này như Querida Amazonia (2020), và đặc biệt là trong lời mời gọi hướng đến một “Lễ Hiện Xuống mới” – không chỉ giới hạn ở Mỹ Latinh mà cho toàn Giáo hội: “Một sứ mạng phải đến với mọi người, phải thường trực và sâu sắc”.
Sau khi được bầu, Đức Phanxicô đã chuyển hóa lời kêu gọi Aparecida thành hành động toàn cầu. Từ các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro cho đến các văn phòng lạnh lẽo ở Vatican, ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Giáo hội không phải là câu lạc bộ của những người công chính, mà là nơi trú ngụ cho tội nhân.”
Một Giáo hội “lộn xộn” vì yêu thương
Trong lần đầu tiên tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro (2013), Đức Phanxicô đã “gây bão” với phát biểu táo bạo:
“Tôi muốn một sự lộn xộn. … Tôi muốn loại bỏ chủ nghĩa giáo sĩ trị, tính thế tục, sự khép kín này trong chính chúng ta… Bởi vì những điều này cần phải được thoát ra!”
Đằng sau sự “lộn xộn” ấy là một dự phóng mục vụ dựa trên lắng nghe, phân định và đồng hành – ba từ khóa chính trong đường hướng “hiệp hành” mà ngài đã thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt qua Thượng Hội đồng Giám mục kéo dài từ 2021–2024 với mục tiêu canh tân toàn diện đời sống Giáo hội.
Chính trong cái “lộn xộn” ấy, một tinh thần mới nảy nở: sự cởi mở, đối thoại, và cả lòng thương xót sâu sắc. Năm 2015, Đức Phanxicô tuyên bố “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, với hàng ngàn “Nhà truyền giáo lòng thương xót” được sai đi khắp nơi, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí tích Hòa giải như con đường chữa lành và tái sinh.
“Todos, todos, todos!” – Tất cả đều được đón nhận
Một khẩu hiệu gắn liền với ngài: “Todos, todos, todos!” (“Tất cả, tất cả, tất cả!”) – thể hiện mong muốn rằng không ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều này được thể hiện rõ trong các tông huấn như Amoris Laetitia (2016), Querida Amazonia (2020), và đặc biệt là qua Thượng Hội đồng về Hiệp hành (2021–2024).
Trong tiến trình “Hiệp hành”, Đức Phanxicô khuyến khích toàn thể Dân Chúa – không chỉ giám mục hay linh mục – cùng lắng nghe, thảo luận và đồng hành. “Giáo hội không thể chỉ là một kim tự tháp, mà là một đoàn lữ hành”.
Thượng Hội đồng này, kết thúc vào tháng 10/2024, đang từng bước tái định hình cấu trúc và phương thức hoạt động của Giáo hội trong thế kỷ XXI – không phải bằng những tuyên bố long trọng, mà bằng việc lắng nghe từ bên dưới.
Giáo hội phục vụ sứ mạng, chứ không bảo vệ đặc quyền
Cùng với tiến trình hiệp hành, Đức Phanxicô cũng đã thực hiện một cải tổ sâu rộng cơ cấu Giáo triều Roma qua Tông Hiến Praedicate Evangelium (2022), trong đó, lần đầu tiên, Thánh Bộ Truyền giảng Tin Mừng đứng đầu danh sách, thay cho Bộ Giáo lý Đức tin – điều có tính biểu tượng rất mạnh. Đối với Đức Phanxicô, điều này nhấn mạnh rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo, không phải quản trị.
Tông Hiến này cũng mở đường cho giáo dân – cả nam và nữ – tham gia lãnh đạo các bộ phận trung ương của Vatican, điều chưa từng xảy ra trong các triều đại trước. Nó thể hiện một bước tiến mới trong việc thúc đẩy vai trò của giáo dân và phụ nữ trong sứ vụ và quản trị của Giáo hội. Dù không thiếu tiếng nói phê bình cho rằng cải tổ vẫn chưa đi đủ xa, không thể phủ nhận rằng triều đại Phanxicô đã khơi mở một động lực mới về sự tham gia rộng rãi trong lòng Giáo hội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng. Từ các Thượng hội đồng về Gia đình (2014-2015) đến các sắc lệnh gây tranh cãi như Traditionis Custodes (2021) – hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống – hay Fiducia Supplicans (2023) – cho phép chúc lành phi phụng vụ cho các cặp đồng giới và những ai sống trong “tình trạng bất thường” – Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần đứng giữa những chỉ trích từ cả hai phía.
Ngài bị phê phán là “không rõ ràng”, “mơ hồ về giáo lý”, thậm chí là “phá vỡ truyền thống”. Ngược lại, nhiều người cấp tiến lại thất vọng vì ngài không tiến xa hơn nữa – chẳng hạn như vẫn giữ quan điểm truyền thống về chức linh mục chỉ dành cho nam giới. Tháng 5 năm 2024, trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS, ngài phát biểu dứt khoát: “Việc truyền chức linh mục và phó tế cho phụ nữ là điều không thể bàn cãi”.
Năm 2024, tài liệu Dignitas Infinita một lần nữa nhấn mạnh các lập trường cổ truyền của Giáo hội về phá thai, trợ tử và ý thức hệ giới tính. Đức Phanxicô rõ ràng đã xác định: những giới hạn giáo lý vẫn còn đó – và không phải điều gì cũng có thể thay đổi.
Một nhà kiến tạo hòa bình và đối thoại
Không chỉ là vị mục tử của Giáo hội Công giáo, Đức Phanxicô còn nổi lên như một nhà lãnh đạo đạo đức toàn cầu. Trong thời đại phân cực, xung đột và khủng hoảng sinh thái, ngài trở thành một tiếng nói kiên định kêu gọi hòa bình, đối thoại và công bằng xã hội.
Các nỗ lực ngoại giao của ngài, như vai trò trung gian trong việc tái thiết lập quan hệ giữa Mỹ và Cuba, hoặc những lời kêu gọi đầy tính ngôn sứ về Ukraina, Palestine, Myanmar… cho thấy một mô hình “ngoại giao của lòng thương xót” – không nhằm bảo vệ vị thế, nhưng nhằm khơi mở đối thoại.
Thông điệp Fratelli Tutti là một bản tuyên ngôn về một nền chính trị của tình huynh đệ – chống lại xu hướng dân túy, bảo hộ, và chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi. Trong Laudato Si’, ngài không chỉ nói với tín hữu Công giáo, mà với toàn thể nhân loại, về một nền sinh thái toàn diện, nơi sự sống con người, môi trường và công bằng xã hội không thể tách rời nhau.
Sự hiện diện của ngài tại G7 năm 2024 – với một bài diễn văn về trí tuệ nhân tạo và phẩm giá con người – là minh chứng mạnh mẽ về ảnh hưởng đạo đức toàn cầu mà ngài đang xây dựng, không bằng quyền lực vũ khí, nhưng bằng lẽ phải và lòng nhân.
Giáo hoàng của những điều nhỏ nhất
Dù vậy, điều làm nên dấu ấn đặc biệt của Đức Phanxicô không nằm ở các văn kiện dày cộm, mà ở những hành động đơn sơ mà bất ngờ. Một vị Giáo hoàng từ chối sống trong dinh tông tòa, chọn ở tại Nhà Thánh Marta. Một người hay ghé thăm tù nhân, rửa chân cho phụ nữ Hồi giáo, đón tiếp người di cư, gọi điện cho những người đau khổ.
Ngài biến Vatican từ một pháo đài quyền lực thành một mái nhà đón tiếp. Với những ai bên lề xã hội – người nghèo, người tị nạn, người đồng tính, người ly dị – Đức Phanxicô không hứa sẽ thay đổi mọi luật lệ, nhưng luôn cố gắng lắng nghe và mở cửa.
Giờ đây, khi nhìn lại 12 triều đại Giáo hoàng, người ta có thể thấy rõ: Đức Phanxicô không phải là nhà cách mạng theo nghĩa phá bỏ. Ngài là người cải cách – một cải cách âm thầm, dựa trên đối thoại, lòng thương xót và sự bền bỉ. Ngài không thay đổi Giáo hội bằng mệnh lệnh, mà bằng tinh thần – một tinh thần “đi ra”, mở lòng và đồng hành.
Ngài đã khiến Giáo hội đối diện với chính mình – không trốn tránh đau thương, cũng không tô vẽ lý tưởng. Và dù ngài không thể làm hài lòng tất cả, Đức Phanxicô chắc chắn đã để lại dấu ấn đậm nét: đưa Tin Mừng trở lại với cuộc sống thật – nơi bụi đường, nước mắt và cả niềm vui chân thành.
Dù nhiều tranh luận vẫn còn, lịch sử rồi sẽ nhớ đến ngài như một vị Giáo hoàng dám “gây xáo trộn” vì tình yêu Tin Mừng. Như lời của chính ngài từng nói: “Tôi xin anh chị em: đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng.”
Và chính Đức Phanxicô – với đôi giày đen giản dị, với nụ cười nhân hậu và trái tim Nam Mỹ cháy bỏng – đã là một dấu chỉ hy vọng sống động trong lòng Giáo hội đang bước vào thiên niên kỷ mới.
G. Võ Tá Hoàng