Nhịn là nhục, nhường là thua?

97

NHỊN LÀ NHỤC, NHƯỜNG LÀ THUA?

 

Rất nhiều tội ác của giới trẻ hôm nay khởi xuất từ nóng giận nhất thời. Dư luận đã phê phán, lên án hành vi tiêu cực của giới trẻ, nhưng dường như ít ai thấy đó chính là hậu quả từ việc phụ huynh không chấn chỉnh kịp thời tâm lý thiếu kiềm chế của trẻ, thậm chí còn cổ vũ, gieo vào đầu trẻ quan niệm “nhịn là nhục”.

 

Thiếu kiềm chế do bẩm sinh?

Bé K. con anh M. – hàng xóm với tôi – năm nay mới bốn tuổi nhưng tính khí luôn nóng nảy. K. sẵn sàng văng tục, “choảng” những đứa cùng trang lứa, thậm chí lớn tuổi hơn. Đi học ở trường K. luôn bị cô giáo mắng bởi không biết nhường nhịn, hoà đồng với các bạn.

Giống như K., bé Bi con của đứa bạn học chung thời phổ thông với tôi (ở TP Vinh – Nghệ An) cũng có những biểu hiện thiếu kiềm chế. Mấy lần về quê, tôi chứng kiến Bi sử dụng ngôn ngữ vỉa hè để đối đáp với bạn, sẵn sàng buông “sao mày ngu thế” nếu thấy chưa hài lòng một điều gì đó. Việc tranh đồ chơi, đánh bạn… là chuyện “thường ngày” của Bi. Đã mấy lần, vợ chồng bạn tôi bất đắc dĩ tiếp phụ huynh có con bị Bi đánh, nhưng cũng chỉ biết xin lỗi họ và quát mắng Bi mấy tiếng cho xong.

Những đứa trẻ ngỗ nghịch, thiếu kiềm chế như bé K., bé Bi không phải là hiếm gặp. Và phụ huynh của những đứa trẻ như thế thường bao biện rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, rồi tự an ủi “lớn lên nó sẽ hiểu, sẽ đổi tính”.

Chỉ nuôi con phần xác

Ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành nhân cách, trẻ thường chịu tác động, ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, đặc biệt là gia đình. Theo TS Nguyễn Minh Thức (hội Tâm lý – giáo dục tỉnh Đồng Nai), “Trẻ em ngày nay được chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn, thậm chí được chiều chuộng hơn so với trước. Tuy nhiên, sự quan tâm, chiều chuộng thái quá kết hợp với những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội, từ phim ảnh, trò chơi bạo lực, từ internet… làm trẻ dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu, hình thành tính cách thiếu kiềm chế trong xử lý các tình huống”. TS Thức cũng cho rằng: “Việc bố mẹ thiếu quan tâm giáo dục con cái, thiếu định hướng giá trị, không thể hiện được vai trò là tấm gương mẫu mực cho con trẻ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu kiềm chế ở trẻ…”

Trở lại hai trường hợp nêu trên, mặc dù khác nhau về địa lý, gia cảnh nhưng điểm giống nhau là do mải mê với việc mưu sinh nên cha mẹ bé K., bé Bi chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu vui chơi giải trí, thiếu kiên quyết trong việc uốn nắn cử chỉ hành vi cho con mình. Họ đáp ứng nhu cầu vật chất cho con từ máy tính đến đồ chơi, nhưng việc dạy dỗ con thì chủ yếu do ông bà hoặc người giúp việc đảm nhận. Mỗi khi công việc không suôn sẻ, anh M. hay cáu gắt, thỉnh thoảng còn văng tục. Còn bố mẹ bé Bi cũng có những câu nói không đẹp trước mặt con.

Cây non dễ uốn

Trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành nhân cách, trẻ chưa thể nhận thức đầy đủ về hành vi của mình nên dễ có những biểu hiện thiếu kiềm chế. Do đó, cha mẹ cần dành thời gian gần gũi, chia sẻ với con về những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, đặc biệt lưu tâm đến những hoạt động vui chơi của con. Nên thường xuyên đặt ra những câu hỏi, đại loại: Hôm nay con đi học có gì vui không? Con chơi với bạn nào, chơi trò gì?… để nếu phát hiện vấn đề gì dù nhỏ, cha mẹ cũng phải tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cho con những ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần có những biện pháp đưa con vào khuôn khổ, tránh tình trạng “lệch chuẩn” kéo dài dễ hình thành thói quen xấu rất khó sửa ở con mình. Kiên quyết không mủi lòng, không thoả hiệp với các hành vi sai lệch của con. Khi cần thiết, có thể sử dụng biện pháp mạnh như trách phạt, cưỡng chế…

Và điều quan trọng nhất: cha mẹ phải luôn là tấm gương mẫu mực, biết kiểm soát lời ăn tiếng nói, hành vi của mình cho trẻ noi theo.

ThS Nguyễn Quế Diệu
(Hội Tâm lý – giáo dục tỉnh Đồng Nai, giảng viên đại học Nguyễn Huệ)

 

Phạm Anh Thư (lớp 8A5 trường THCS Dương Thị Cẩm Vân, Cà Mau): Em không cho kiềm chế là nhịn nhục

Đã có lúc em nóng giận đến mức bị mẹ đánh đòn. Bây giờ nhớ lại thấy nếu biết kiềm chế thì không đến mức phải ăn đòn! Em không cho rằng kiềm chế là nhịn nhục và thua thiệt người khác. Em nghĩ cha mẹ nên dạy trẻ khắc phục được những cơn nóng nảy, bướng bỉnh để có khả năng kiềm chế tốt hơn. Đương nhiên muốn kiềm chế được bản thân thì quan trọng nhất là phải bình tĩnh xem xét chuyện xảy ra là đúng hay sai rồi giải quyết mọi chuyện một cách nhẹ nhàng, thay vì bực tức, nóng

giận.

 

Diễn viên Thanh Thuý: Dạy con từ thuở lên ba

Con trai tôi mới ba tuổi. Bé được cái dễ tính, nhưng đôi khi cũng ương bướng, đòi gì là đòi bằng được. Nhiều người hay chiều theo ý con vì nghĩ bé còn nhỏ, sau này lớn sẽ ý thức hơn, sẽ khác. Tôi thì nghĩ mỗi giai đoạn bố mẹ cần có cách dưỡng dục con khác nhau. Trẻ lên ba đã có thể nhận thức đúng, sai. Vậy nên khi con đòi một thứ gì đó không phù hợp, tôi sẽ đưa con ra một góc riêng, dùng lời lẽ hợp với lứa tuổi của con hoặc cho con tập trung vào một hành động khác để tính ương bướng của cháu dịu xuống. Sau nhiều lần, con sẽ thay đổi, cảm nhận được đòi hỏi hoặc trạng thái như vậy sẽ không được chấp nhận. Dạy con kiềm chế không hẳn sẽ khiến con bị thua thiệt sau này. Một đứa trẻ tính khí nóng nảy, hiếu thắng luôn có những hành động bốc đồng, không rõ đúng sai. Tôi vẫn đang từng bước “gặt” kinh nghiệm trong chuyện dạy con.

 

Lê Thiện, 45 tuổi, TP.HCM: Đập ly dạy con

Đứa trẻ nào cũng muốn thể hiện cá tính bằng sự hiếu thắng, nóng nảy. Ví như con trai tôi, trước đây khi không làm được một điều gì đó, hoặc đạt điểm không tốt ở lớp, nó thường muốn đập nát một thứ gì đó trước mặt. Tôi dạy con kiềm chế bằng cách tự tay mình đập một cái ly vỡ vụn trước mặt con, và nói với con rằng: “Nếu con khó chịu, xót xa khi bố đập vỡ cái ly này, thì bố cũng thế khi con đập nát một thứ gì đó”. Sau đó, tôi đợi con hạ hoả, đưa thằng bé ra ngoài chơi, và hai cha con trò chuyện với nhau. Dần dà, con trai tôi bớt dần tính khí nóng nảy mà biết cân nhắc làm thế nào cho đúng. Và quan trọng, cháu đã học được cách kiềm chế bản thân, đã hiểu rõ giá trị của sự nhường nhịn. Vì sự nhường nhịn chứng tỏ bản thân mình chín chắn, chứ không phải thua thiệt. 

Nguồn: vplsnguoingheo.com