Nhiệm Vụ Của Thiên Thần Bản Mệnh

112

Hãy tưởng tượng bạn có một vệ sĩ luôn ở bên cạnh bạn. Vệ sĩ này làm mọi công việc của một vệ sĩ bình thường như bảo vệ bạn khỏi nguy hiểm, khỏi bị tấn công, luôn giữ cho bạn an toàn. Nhưng vệ sĩ đặc biệt này còn làm hơn như thế: hướng dẫn luân lý, thêm sức mạnh, đưa đến ơn gọi cuối cùng trong cuộc sống này.

Nhưng chúng ta không cần tưởng tượng nữa, bởi vì chúng ta đã có một vệ sĩ như vậy, đó là Thiên Thần Bản Mệnh (TTBM). Sự hiện hữu của các ngài được Kinh Thánh đề cập, cả Công giáo và Tin Lành đều tin có thiên thần.

Thiên Chúa trao ban cho mỗi người một vệ sĩ tâm linh, nhưng chúng ta thường không mấy quan tâm đến thiên thần bản mệnh của mình. Các thiên thần làm gì cho chúng ta? Đây là nhiệm vụ của các ngài:

  1. NGĂN CHẶN MA QUỶ

Đôi khi chúng ta coi việc quyết định luân lý là cuộc tranh luận giữa lời tỉ tê dụ dỗ của ác thần và lời khôn ngoan của thiên thần. Có chân lý này: Theo Thánh TS Thomas Aquinô, một trong các vai trò của TTBM là chống lại ma quỷ (Tổng Luận Thần Học, Phần 1, Vấn đề 113, Bài 2-6).

  1. NGĂN NGỪA NGUY HIỂM

Theo Thánh Thomas Aquinô, TTBM bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm tinh thần và thể lý (Vấn Đề 113, Bài 5, Trả Lời 3). Niềm tin này có xuất xứ từ Kinh Thánh. Ví dụ, Tv 91:11-12 nói: “Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”
.

  1. THÊM SỨC CHỐNG TRẢ CÁM DỖ

TTBM không chỉ ngăn chặn sự dữ, mà còn tăng lực cho chúng ta để chúng ta có thể chống lại sự dữ. Trong một bài giảng, Thánh Bernard nói: “Khi cơn cám dỗ mạnh được hiểu là để chúng ta cân nhắc và thử thách quá sức đang đe dọa, hãy cầu xin vệ sĩ của bạn, hướng dẫn viên của bạn, người trợ giúp của bạn khi cần, khi sầu khổ. Hãy kêu cầu ngài và thưa: Lạy Chúa, xin cứu chúng con kẻo chúng con chết mất!”.

  1. ĐỘNG VIÊN CHÚNG TA

Thánh Bernard cũng nói rằng nhờ thiên thần luôn ở bên cạnh, chúng ta không sợ hãi. Chúng ta có thêm can đảm để sống đức tin và đối mặt với những gì trong cuộc sống. Ngài nói: “Tại sao chúng ta sợ hãi khi có những vệ sĩ như vậy? Các ngài gìn giữ chúng ta trên những con đường mà chúng ta có thể hoặc không thể bị đánh lừa, dù nhiều hay ít. TTBM luôn trung tín, khôn ngoan, mạnh mẽ, vậy tại sao chúng ta lại run sợ?”.

  1. CAN THIỆP ĐỂ CỨU GIÚP CHÚNG TA

TTBM không chỉ bảo vệ mà còn cứu chúng ta khi chúng ta gặp rắc rối. Điều này được minh chứng qua câu chuyện về Thánh Phêrô trong Cv 12, khi thiên thần bẻ gãy xiềng xích cho ông vượt ngục. Câu chuyện này cho thấy rằng chính TTBM của ông đã can thiệp (xem câu 15). Dĩ nhiên, chúng ta không thể đếm xuể các phép lạ như vậy, nhưng đó là điều xác định rằng TTBM có thể làm được.

  1. CANH GIỮ CHÚNG TA TỪ KHI SINH RA

Các giáo phụ đã từng tranh luận xem TTBM có được phân công ngay khi chúng ta sinh ra hoặc được rửa tội hay không. Thánh TS Giêrônimô minh định là từ khi chúng ta sinh ra. Điều này dựa vào Mt 18:10, câu này rất quan trọng vì ủng hộ sự hiện diện của TTBM. Đó là lời xác định của Chúa Giêsu: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các THIÊN THẦN CỦA HỌ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đó là lý do chúng ta có TTBM từ khi sinh ra, sự giúp đỡ của TTBM kết hợp với bản chất của chúng ta như lý trí, hơn là thuộc về trật tự của ân sủng (Thánh TS Thomas Aquinô, Vấn đề 113, Bài 5, Biện luận).

  1. CANH GIỮ CHÚNG TA KỂ CẢ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN

Kết luận này có được nhờ các điều trên đây. Thánh TS Thomas Aquinas giải thích rõ ràng rằng Thiên Chúa kbg bỏ mặc chúng ta, kể cả các tội nhân. Thần học gia về tín lý Ludwig Ott giải thích: “Theo giáo huấn chung chung của các thần học gia, không chỉ những người được rửa tội mà tất cả mọi người, kể cả người vô thần, đều có TTBM từ khi sinh ra”. ĐGH Benedict XVI cũng nói rằng TTBM là “thừa tác viên của Thiên Chúa chăm sóc mọi người”.

  1. NHẮC NHỞ CHÚNG TA VỀ NHÂN PHẨM

Mt 18:10 cho biết rằng Chúa Giêsu không chỉ giáo huấn những “người bé mọn” vì họ có TTBM canh giữ. Thánh TS Giêrônimô nói: “Các linh hồn xứng đáng đến nỗi từ khi sinh ra, mỗi người đều có một TTBM bảo vệ”. Piper nhấn mạnh cách hiện diện của các TTBM giúp chúng ta tôn trọng các Kitô hữu khác: “Đừng khinh suất người môn đệ đơn giản và không ấn tượng này của Chúa Giêsu! Hãy để TTBM nhắc nhở bạn về người con của Chúa”.

  1. NHẮC NHỞ CHÚNG TA VỀ SỰ CHĂM SÓC CỦA THIÊN CHÚA

Đó là cách TTBM hành động theo sự quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi người (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 113, Bài 6, Biện Luận). Ngĩa là TTBM là người nhắc nhở về sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

  1. CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA

Thần học gia Akin nói rằng TTBM là người nguyện giúp cầu thay, trực tiếp chuyển các nguyện ước của chúng ta lên Thiên Chúa, đó là điều mà Chúa Giêsu xác định trong Mt 18:10 rằng các thiên thần luôn ở trước Thánh Nhan Thiên Chúa.

  1. DẪN CHÚNG TA TỚI GẦN CHÚA

TTBM cũng giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa. Ngay cả khi Thiên Chúa có vẻ ở xa, hãy nhớ rằng TTBM vẫn ở trước Thánh Nhan Thiên Chúa, thế thì hãy cậy nhờ TTBM.

  1. DẪN CHÚNG TA TỚI ĐIỀU THIỆN

TTBM dẫn chúng ta tới điều tốt lành. Thánh TS Thomas Aquinas cho biết: “Điều đó cho thấy liên quan những điều được làm mà kiến thức và tình cảm của con người có thể thay đổi và thất bại bằng nhiều cách; cần biết rằng TTBM được ủy thác để canh giữ con người, giúp điều chỉnh họ và hướng họ tới điều thiện hảo” (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 113, Bài 1, Biện Luận và Bài 4, Lý Do 3). Điều này cũng nhắc chúng ta làm việc thiện, điều tốt.

  1. CỦNG CỐ MỆNH LỆNH CỦA CHÚA

Một trong các sứ vụ của TTBM là giúp chúng ta sử dụng lý lẽ để theo đuổi nhân đức, đặc biệt là giúp chúng ta phát triển đức khôn ngoan bằng cách phục vụ “người hướng dẫn hoàn vũ” của Thiên Chúa, qua “các giáo huấn của Thiên Chúa” (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 113, Bài 1, Trả Lời 2).

  1. SOI SÁNG SỰ THẬT

TTBM “đề xuất chân lý khôn ngoan cho con người” qua các điều nhạy cảm (Thánh Thomas Aquinas, Vấn Đề 111, Bài 1, Biện Luận). Mặc dù ngài không tạo ra điểm này, nhưng đây là giáo huấn nền tảng của Giáo Hội, thế giới vật chất chứng tỏ thực tế tâm linh. Thánh Phaolô cho biết: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được” (Rm 1:20).

  1. CỦNG CỐ TÂM TRÍ CHÚNG TA

Cách thứ hai là TTBM soi sáng chúng ta bằng cách thúc ép trí tuệ chúng ta: “Con người là thụ tạo cấp thấp được củng cố bằng hành động của trí tuệ thiên thần” (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 111, Bài 1).

  1. GIAO TIẾP QUA SỰ TƯỞNG TƯỢNG CỦA CHÚNG TA

Ngoài việc tác động qua ngũ quan và trí tuệ của chúng ta, TTBM còn ảnh hưởng chúng ta qua óc tưởng tượng, điển hình là giấc mơ của ông Giuse (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 111, Bài 3, Phản Biện và Biện Luận). Nhưng có thể không là điều hiển nhiên như trong giấc mơ, mà có thể qua cách tinh vi hơn như một “bóng ma” (ảo tưởng), được xác định là hình ảnh đem đến cho ngũ quan hoặc óc tưởng tượng (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 111, Bài 1, Biện Luận; định nghĩa theo Dictionary of Scholastic Philosophy của Bernard Wueller, SJ).

  1. ẢNH HƯỞNG Ý MUỐN CỦA CHÚNG TA

TTBM không thể trực tiếp chuyển dời ý muốn của chúng ta nhưng có thể gián tiếp gây ảnh hưởng qua ngũ quan và trí tuệ (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 111, Bài 2, Biện Luận). Có nghĩa là TTBM ảnh hưởng mọi phần trong chúng ta – ngũ quan, trí tuệ và ước muốn – vì ích lợi tốt hơn cho chúng ta.

  1. GIÚP CỨU ĐỘ CHÚNG TA

Mục đích cuối cùng TTBM muốn làm là giúp chúng ta hưởng Ơn Cứu Độ: “TTBM được sai đến để thi hành, và thực sự hiệu quả, để người ta được lãnh nhận di sản Ơn Cứu Độ, nếu chúng ta cân nhắc hệ quả cuối cùng của TTBM, chúng ta sẽ nhận ra sự thừa kế” (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 113, Bài 5, Trả Lời 1). Điều đó được rút ra từ Kinh Thánh: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (Dt 1:14).

  1. NHẮC NHỞ CHÚNG TA VỀ MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG

Được gợi hứng từ Lời Chúa trong Mt 18:10, Thánh Augustinô đề nghị rằng Thiên Thần Bản Mệnh nhắc chúng ta nhớ cùng đích của chúng ta là diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa, các thiên thần nhìn thấy Thiên Chúa thế nào thì chúng ta cũng sẽ nhìn thấy Ngài như vậy: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3:2). Qua khuôn mặt của Thiên Chúa, chúng ta hiểu được cách biển hiện của Ngài, và “không một phần nào của cơ thể còn giống như cơ thể của chúng ta hiện nay” (Thành Phố của Chúa, Cuốn 22, Chương 29).

  1. KHÔNG BỎ MẶC CHÚNG TA

TTBM đảm trách nhiệm vụ canh giữ từ khi chúng ta mới sinh ra, và tiếp tục canh giữ chúng ta cho đến chết. Đó là sự thật mà chúng ta ra ngoài quỹ đạo quan phòng của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta phạm tội và nghi ngờ: “Rõ ràng là con người hoặc bất cứ thứ gì cũng không thể hoàn toàn ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Thực sự Thiên Chúa vì con người, theo sự quan phòng của Ngài, nhưng Ngài để con người chịu đau khổ chỉ vì họ thiếu sót hoặc khuyết điểm nào đó. Tương tự, phải nói rằng TTBM không bao giờ bỏ mặc con người…” (Thánh TS Thomas Aquinas, Vấn Đề 113, Bài 6, Biện Luận).

STEPHEN BEALE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

.

   

 THIÊN THẦN BẢN MỆNH: https://youtu.be/rYKS0uJQmhc