Nhật Ký Tông Đồ Hè

84

 NHẬT KÝ TÔNG ĐỒ HÈ

 

2Một tháng tông đồ hè của tôi tại Giáo xứ Vị Tín (Hậu Giang) đã kết thúc. Một tháng không phải là nhiều nhưng cũng đủ để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Tại Giáo xứ Vị Tín, Hội Dòng tôi đặt một cộng đoàn có tên gọi “Cộng đoàn Vị Tín” với sứ mạng truyền giáo liên quan đến 2 địa điểm : Cái Su và Long Nia. Hai khu vực này tập trung nhiều người Khơme. Đa số họ là người lương dân, một phần là bổn đạo mới. Chúa Nhật hằng tuần, họ tập trung tại Giáo xứ Vị Tín để học giáo lý và tham dự Thánh lễ. Sau Thánh lễ, cha sở thường mời họ dùng cơm trưa trước khi ra về.

Là miền sông nước, phương tiện di chuyển chủ yếu của họ là ghe, tiếng địa phương gọi là vỏ (giỏ). Việc đưa đón những đồng bào này do cô Em (cô Quỳnh) phụ trách. Cô là cộng tác viên đắc lực của Giáo xứ. Sống ngay tại Long Nia nên nhà nào, bao nhiêu người, hoàn cảnh ra sao cô đều nắm rõ. Trong những thăm viếng, cô Em đều làm “tài xế” cho chúng tôi.

Quả là trăm nghe không bằng mắt thấy. Những ngôi nhà xập xệ tôi đã thấy trên truyền hình, nay tận mắt chứng kiến. Chúng mong manh quá đỗi khiến tôi cảm thấy chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ hất tung những mảnh ghép mà họ gọi là “nhà” ấy. Trong nhiều ngôi nhà như thế, có những phận người lớn lên và có những phận người qua đi.

Chúng tôi đến thăm một anh thanh niên bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Não của anh được gỡ ra đem nuôi để hồi phục. Đã ba năm nay, anh sống với đầu bị móp một bên, và chỉ cần một va chạm nhẹ cũng đủ làm anh tử vong. Tai nạn đó khiến anh không còn khả năng lao động, một tay co quắp, một chân khập khiễng. Anh cũng còn cha mẹ, anh em đấy nhưng họ nghèo quá, chẳng giúp được anh. Anh mang nặng tâm tư mình là người vô dụng. Thấy chúng tôi ghé thăm, anh đon đả đón tiếp rồi lấy tấm hình khoe : “Khi chưa bị tai nạn, con đẹp như vầy nè Dì”. Cô Em cho chúng tôi biết, vì nghèo quá nên gia đình không có tiền chuộc não cho anh. Họ bảo nhau : không biết não của anh có còn ?

Chúng tôi cũng ghé thăm nhà một phụ nữ nghèo, gương mặt chị rất quen vì Chúa  Nhật nào cũng thấy chị đến nhà thờ. Chị mới “lên chức” bà ngoại. Tay chị bồng cháu, vui vẻ mời nước : “Các Dì ghé chơi thật vui quá!”. Lúc tiễn chúng tôi, chị nói : “Hồi mới đi Đạo, người ta nói con theo Đạo là vì miếng ăn đó Dì ơi. Nhưng con mặc kệ, người ta nói kệ người ta, mình cứ theo”. Câu nói ấy làm dậy lên trong tôi một nỗi niềm xót xa. Nhưng qua đó, tôi thấy bàn tay diệu kỳ của Thiên Chúa. Chiếc ghe đã đi xa, nhưng khi quay nhìn, chúng tôi vẫn thấy chị đứng đó với nụ cười thật tươi.

Chuyến đi này cho tôi thật nhiều bài học. Tôi chẳng có gì hay chẳng thể làm gì cho họ, còn họ thì kể cho tôi những câu chuyện đời. Trong những câu chuyện ấy, tôi thấy hình ảnh của Đức Kitô, Người đang cùng đau khổ với họ, cùng chịu chung kiếp nghèo như họ, cùng cất lên những tiếng kêu than và chờ đợi những bàn tay nâng đỡ.

Ở miền truyền giáo xa xôi này, khi mà cái nghèo vẫn là bạn đồng hành, sự thất học là thường tình, thì những trường hợp như họ không phải là hiếm. Vậy chẳng lẽ cứ nhìn họ loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn mà họ gọi là “số phận” ấy sao? Đôi lần, tôi ôm mộng trở thành anh hùng ra tay nghĩa hiệp phân phát lương thực, bạc tiền. Mộng ấy thật ngô nghê. Vật chất chỉ giải quyết được cái tạm thời, trước mắt, phần ngọn của vấn đề mà thôi. Cái họ thật sự cần là tình người và sự tôn trọng.

Tôi thầm nguyện cầu Chúa chúc lành cho công việc của Quý Dì đang phục vụ tại ba điểm truyền giáo : Vị Tín, Vị Thủy và Cầu Móng. Xin Chúa cứ mãi nung nóng ngọn lửa tình yêu trong tâm hồn Quý Dì để một ngày không xa ngọn lửa ấy sẽ bùng lên.

Têrêsa Hồng Phượng- Tập sinh MTG Thủ Đức