Nhật Ký Hành Hương Chiêm Ngưỡng Và Tạ Ơn
25-30/8/2018
Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức
Trong những ngày sót lại của mùa hè, Gia đình Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức, đã thực hiện một chuyến Hành Hương Trở Về Nguồn để “Chiêm Ngưỡng và Tạ Ơn”, không phải là một ngày mà là sáu ngày, không chỉ vài chục người mà là 98 chị em, không chỉ đến một vùng đất nhưng còn hơn thế… Chuyến đi ấy là hành trình đầy ý nghĩa đã ghi dấu muôn cung bậc khác nhau với những góc nhìn và cảm nhận rất khác nhau. Nhưng chúng tôi vẫn có một tâm tình chung là Chiêm Ngưỡng và Tạ Ơn Chúa về biết bao kỳ công Chúa làm, vì biết bao Ân huệ Chúa ban.
Hà Nội, Thứ Bảy, ngày 25/08/2018
Khi nắng mai vừa hé rạng, hai chuyến bay Jetstar và Vietjet đã đưa chúng tôi đến với đất trời phương Bắc. Với những ai chưa một lần đặt chân lên miền đất ấy đều trong tâm trạng hào hứng khám phá. Còn với những chị em được sinh ra tại đây thì lại rưng rưng xúc động khi được trở về đất mẹ. Từ sân bay Nội Bài, chúng tôi di chuyển về cộng đoàn Thường Lệ, đây là cộng đoàn đầu tiên của Hội dòng hiện diện ở Miền Bắc, được hình thành năm 2007.
Mảnh đất ấy vốn đã phì nhiêu với mượt vườn cây trái sum suê và lòng người cũng mến khách khôn tả. Bữa ăn trưa ấm cúng tại cộng đoàn đã cho chúng tôi những cảm nhận ấy.
12g30’, chúng tôi rời Thường Lệ đi Sapa, đó là một quãng đường dài hơn 300 Km, nhưng điều ấy không làm chúng tôi nản chí bởi những điều kỳ diệu nơi những miền đất mới luôn là động lực cho chúng tôi bước tới khám phá.
17g45’, đoàn chúng tôi dừng chân tại trung tâm thị trấn Sapa.
Sapa đón chúng tôi bằng ánh hoàng hôn ấm áp. Sapa hùng vĩ với núi đồi trùng điệp, bao la. Sapa mộc mạc, với những tiếng khèn và điệu múa của người H’Mông, người Dao… Sapa cũng vô cùng lãng mạn và nhẹ nhàng dưới ánh trăng tròn đầy như khuôn mặt cô thiếu nữ 16.
Chúng tôi tham dự Thánh Lễ tại Sapa lúc 18g30’ cùng ngày.
Bản Hầu Thào, Chúa Nhật, ngày 26/08/2018
Đó là một ngày nhiều mây, có chút nắng, chút mưa nhưng rất thú vị. Con đường vào bản Hầu Thào khá cheo leo, hiểm trở. Chúng tôi phần nào hiểu thấu nỗi cực nhọc của người dân nơi đây và sự hy sinh trong những bước chân của những con người ra đi gieo rắc Tin Mừng trên rẻo đất này.
Trước Thánh lễ sáng ở bản Hầu Thào, cha xứ Sapa đã giới thiệu đôi chút về đời sống cũng như những sinh hoạt của giáo dân nơi đây. Sapa thuộc về Giáo phận Hưng Hóa, có khoảng 3700 giáo dân, trong đó chỉ có khoảng 400 giáo dân là người Kinh, còn lại là người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, gồm 7 dân tộc anh em, H’mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Phó… Từ thị trấn Sapa, có các giáo điểm trải rộng về phía Bắc 30km và về phía nam 50km.
Tại đây, chính thức có 3 Linh mục, 2 sơ dòng Phaolô Hà Nội và 6 sơ Mến Thánh Giá Hưng Hóa đang phục vụ. Qua sự chia sẻ của Cha xứ chúng tôi được biết: Những ngày đầu mới Sapa không thiếu những khó khăn, không chỉ về địa hình vật lý nhưng cả về con người, các ngài phải làm quen với ngôn ngữ và phong tục với người bản địa, đón nhận và hiện diện với họ, khéo léo quy tụ những điểm cầu nguyện nhỏ tại nhà. Mở trường nuôi các em nội trú, mầm non, vận động các em đến trường và sinh hoạt nhà thờ… Dạy giáo lý, văn hóa cho các em, chỉ cách làm ăn sinh sống hay vệ sinh cá nhân cho người dân… Hẳn hành trình gieo hạt ấy đầy gian nan nhưng Chúa vẫn âm thầm nâng đỡ và thêm sức cho những thợ gặt đầy nhiệt tâm như quý Cha và quý Sơ. Hiện nay Sapa đã có 4 họ đạo chính được nhà nước công nhận, 6 giáo điểm mới được thiết lập và 5 điểm phải dâng lễ ở nhà giáo dân.
Chúng tôi vô cùng xúc động khi được hiệp dâng Thánh Lễ và sinh hoạt với các em tại bản Hầu Thào cùng các em dân tộc H’ Mông. Giọng hát của các em cao và trong, thẫm đẫm âm hưởng của núi rừng Tây Bắc.
“Các bạn nếm thử và xem, cho biết Chúa thiện hảo thay, phúc ai tìm nương tựa nơi Ngài”, Đáp ca Chúa Nhật XXI Thường Niên, như thôi thúc mời gọi mỗi người tìm đến với Chúa và trung thành với Ngài. Cha xứ căn dặn các con chiên non nớt của ngài rằng: “Các con muốn trung thành với Chúa thì phải thường xuyên ôn lại những việc, những điều Chúa làm cho chúng ta, cho cha ông chúng ta.” Lời ấy cũng chính là bài học cho mỗi chị em chúng tôi.
Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đi thăm chân núi Fansipan và thác Bạc rồi trở về thị trấn nghỉ đêm và lặng lẽ cảm nhận những kỳ công được chiêm ngưỡng, những điều được nghe trong sự bình yên của thiên nhiên, đất trời.
Hòa An – Bắc Giang, Thứ Hai, ngày 27/08/2018
Từ Sapa, đoàn chúng tôi về đến thăm mảnh đất Bắc Giang, nơi có cộng đoàn thứ 2 của Hội dòng hiện diện. Đoạn đường dài di chuyển khiến chị em hơi mệt nhưng bầu khí tiếp đón của Quý Cha dòng Don Bosco, Quý Dì trong Hội dòng cùng những người giáo dân nơi đây đã xua tan tất cả. Mọi người kiên nhẫn đón đợi để chào mừng chúng tôi bằng một bữa cơm trưa thân mật tươi thắm ân tình. Chúng tôi hiệp dâng Thánh Lễ kính nhớ thánh Mônica tại Nhà thờ Hòa An lúc 14g30’. Cha chủ tế nhắn nhủ bài học về hai nhân đức mà mọi người cần học hỏi nơi bà thánh Mônica đó là khiêm nhường và gắn bó với Chúa. Cha cũng gửi lời chúc bình an trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Dưới cơn mưa ngâu của buổi chiều muộn, chúng tôi đi viếng Đức Mẹ Núi Bổng, An Tràng, một họ đạo nhỏ bé thuộc Bắc Giang và dùng bữa tối tại đó, rồi về Thiên Hòa, một cộng đoàn của Hội dòng tại Bắc Ninh.
Bắc Ninh, Thứ Ba, ngày 28/08/ 2018
04g30’, đoàn chúng tôi hiện diện tại Tòa Giám Mục Bắc Ninh, cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Sang và hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn tại Nhà thờ Chính tòa. Trở về Bắc Ninh, chúng tôi như được trở về nguồn cuội của mình bởi cái tên khai sinh: Mến Thánh Giá Bắc Ninh đã gắn bó với Hội dòng từ ngày đầu khai sinh -08/12/1965 cho đến ngày được đổi tên thành Mến Thánh Giá Thủ Đức -29/06/1995.
Chúng tôi được diện kiến Vị Chủ Chiên đáng kính của Giáo phận Bắc Ninh, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt. Ngài nhắc lại những mối thân tình giữa Giáo phận với Hội dòng, Ngài cũng chia sẻ những ngày đầu khi Hội dòng hiện diện tại Giáo phận với những cố gắng rất bé nhỏ, âm thầm của quý Dì và quý chị em trong lĩnh vực mục vụ và phục vụ trẻ khiếm thị… Chúng tôi thầm biết ơn người cha chung có mái đầu bạc ấy, ngài đã luôn ưu ái và quan tâm đặc biệt tới Mến Thánh Giá Thủ Đức như đứa con nhỏ bé của Giáo phận.
Dù cơn mưa mỗi ngày nặng hạt nhưng không cản bước chúng tôi trên cuộc hành trình. Từ Bắc Ninh, đoàn chúng tôi đi Quảng Ninh, thăm Vịnh Hạ Long. Đó là một danh lam trữ tình với biển, núi, đất với trời hòa hợp. Biết bao mỏm đá với những hình thù rất đặc biệt vẫn hiên ngang đứng đó cho muôn người chiêm ngưỡng, Những hang động được hình thành tự thủa xa xưa là kỳ công vĩ đại lạ lùng cho thấy kiệt tác thiên nhiên mà Thiên Chúa dành cho con người.
14g00’, chúng tôi lên đường đi Nam Định, mảnh đất màu mỡ thuộc Đồng Bằng châu thổ sông Hồng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với những đầm sen đang khép lá vào thu. Trung Tâm Hành Hương Phát Diệm đón chúng tôi bằng bữa cơm tối với những món ăn đồng quê giản dị.
Phát Diệm – Ninh Bình, Thứ Tư, ngày 29/08/ 2018
Trong lất phất mưa sớm, chúng tôi được thăm khu di tích Nhà Thờ Đá – quần thể Nhà Thờ Phát Diệm với sự giới thiệu nhiệt tình của Cha Nam, Giám đốc Trung Tâm Hành Hương. Được gióng một tiếng chuông ngân thiêng thánh vang xa 12 km. Dù không có nhiều thời gian ở lại Phát Diệm, nhưng những gì chúng tôi được chiêm ngắm đã tỏ lộ sự phong phú đa dạng trong những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho thiên nhiên, văn hóa cũng như con người mỗi vùng miền, đặc biệt là sự sáng tạo trong các công trình nghệ thuật đều nhằm một mục đích duy nhất là cho Vinh Danh Thiên Chúa hơn…
Bùi Chu – Nam Định, cùng ngày…
06g25’, dưới sự hướng dẫn của Dì Tổng Phụ trách và dì Vân tài xế Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao, đoàn chúng tôi rời Phát Diệm đi Bùi Chu, Nam Định. Nơi ấy đã từng in những dấu chân đầu tiên của vị Cha chung chúng tôi – Đức Cha Lambert de la Motte. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là nhà thờ chính tòa Bùi Chu, tọa lạc trên địa phận xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Định. Dì Tổng Phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao đã giới thiệu chúng tôi với Đức Cha Giáo Phận Bùi Chu Tôma Aquino Vũ Đình Hiệu. Ngài bận công việc phải đi gấp nên cử các sơ đón tiếp và “làm hướng dẫn viên” cho chúng tôi.
Chúng tôi tham dự Thánh Lễ cùng với các sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao trong tâm tình cảm tạ vì được trở về mảnh đất Tổ linh thiêng. Các sơ đã giới thiệu và dẫn đoàn chúng tôi đi vãn cảnh quanh khuôn viên Tòa Giám mục Bùi Chu.
Bùi Chu là mảnh đất đã đón nhận ánh sáng Tin Mừng đầu tiên, đánh dấu sự hình thành của Giáo Hội Việt Nam, và nơi đây chính thức trở thành xứ đạo vào năm 1670.
Dưới chân ngôi nhà thờ mới xây dựng, là nơi tôn kính Các Thánh Tử đạo. Sau Thánh lễ, đoàn chúng tôi đã viếng và đọc kinh tại đây trong niềm biết ơn khôn tả. Trên lối vào hầm mộ là tượng của Mẹ Maria bồng Chúa Hài Đồng, giống như cảnh người mẹ Việt Nam đang bồng con trên võng.
Một sơ đại diện dẫn chúng tôi đi thăm các di tích trong khuôn viên.
Rải rác trong vườn là 150 tấm đá cẩm thạch khắc bài kinh Ave Maria bằng các thứ tiếng trên thế giới. Trên đường ra khỏi vườn có cụm tượng của Thánh Gia, đúng cảnh một gia đình bình dị mà hạnh phúc của miền quê Việt Nam.
Trong khuôn viên của Tòa giám mục chúng tôi còn thấy cây kèn trumpet dài 5,2m được ghi vào guiness Việt nam theo lời kể của sơ. Đi tiếp vào phía trong chúng tôi thấy một chiếc chuông gió với 7 ống tượng trưng cho 7 nốt nhạc. Phía bên trái là 1 cái chuông đúc hình người gọi là chuông nữ nhân. Được biết chiếc chuông này tượng trưng cho Madelane, người chạy đi loan báo Chúa Giê su sống lại.
Ra khỏi vườn đi tiếp vào trong ta nhìn thấy tòa nhà mang số 3 với chữ VIP. Trong tòa nhà đó là các chứng tích lịch sử gắn liền với lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Có hình giáo sĩ Inêkhu, người đặt nền móng cho Công giáo Việt Nam,– và cha Alexandre de Rhodes.
Bên phải của tòa nhà này là một tòa nhà mang số 4, tượng trưng cho cánh chúng, 4 sự sau: cái chết, sự phán xét, thiên đường và hỏa ngục. Trên nóc tòa nhà có tượng 12 tông đồ của Chúa.
Sau đó, chúng tôi di chuyển sang ngôi Nhà thờ Chính tòa (cũ), được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX và khánh thành năm 1885, từ đó đến nay đã trải qua hơn 100 năm cùng mưa nắng thời gian, ngôi nhà thờ vẫn uy nghiêm với những lối kiến trúc cổ xưa như một minh chứng bền bỉ của những thế hệ tiền bối đã hy sinh gieo vãi và gây dựng chiếc nôi đức tin cho con dân Việt.
Ở phía Bắc Tòa Giám mục, chúng tôi có ghé thăm nhà Dục Anh, nơi nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người tàn tật và người già neo đơn.
Tạm biệt Tòa Giám mục Bùi Chu trong buổi xế trưa, chúng tôi lên xe về thăm Nhà Tổ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao, nơi hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên là Anne và Paula đã được Đức Cha Lambert de la Motte nhận lời khấn trên thuyền vào ngày 19 tháng 02 năm 1670.
Đúng 12g00’ trưa, trong cơn mưa hồng ân hòa chung cùng những nỗi niềm xúc động của lòng người, Dì Tổng Phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao, Dì Giám sư Học viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, chị Phụ tá cùng 96 chị em chúng tôi đã dâng hương, cầu nguyện và chụp hình lưu niệm trong niềm vui, sự cảm động với tâm tình tri ân như được ghi dấu trong hai câu đối tại Nhà Tổ: “GHI NHỚ CÔNG ƠN ĐỨC TỔ PHỤ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ – PHÁT HUY HẠNH ĐỨC NÔI KIÊN LAO TỲ NỮ YÊU THA NHÂN”
Chúng tôi rời Nhà Tổ Kiên Lao để về thăm Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao, “người chị cả” của Đại gia đình Mến Thánh Giá. “Chị cả” đón chúng tôi bằng tấm lòng quý mến hết tình. Chúng tôi giao lưu, hiệp nhất trong bữa cơm trưa cùng những tiết mục văn nghệ dễ thương.
15g05’, bốn chiếc xe khách chúng tôi rời Kiên Lao- Bùi Chu trở về Bắc Ninh nghỉ đêm.
Hà Nội, Thứ Năm, ngày 30/08/2018
Đây là ngày cuối cùng trong cuộc Hành Hương Chiêm Ngưỡng và Tạ Ơn trở về đất Bắc của chúng tôi. Sau Thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa, Chúng tôi lên đường thăm Thủ đô Hà Nội. Các địa điểm đến lần lượt là Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà Thờ Lớn trên phố Nhà Chung, Hồ Gươm, Chợ Đồng Xuân… Cơn mưa ngâu không ngớt đã khiến một số chị em bị ướt nhưng trên mỗi vẫn luôn nở nụ cười bởi chúng tôi nhìn mọi sự thuận lợi cũng như không thuận lợi với niềm tin tưởng, biết ơn và phó thác nơi Chúa.
Chúng tôi tạm biệt Hà Nội và bay về Sài Gòn bằng hai chuyến bay trong buổi chiều cùng ngày. Chuyến Hành Hương khép lại, cuộc hành trình có “một không hai khép lại nhưng lại mở ra cho chúng tôi biết bao những thao thức, những động lực như lời của một bà mẹ nào đó từng nhắn gửi đứa con của mình rằng: “Cuộc đời là những chuyến đi, con cứ đi đi rồi con sẽ biết mình là ai?”
Tóm lại,
Sáu ngày HÀNH HƯƠNG CHIÊM NGƯỠNG VÀ TẠ ƠN đã giúp chúng tôi mở mắt, mở trí, mở lòng với sự kinh ngạc, thán phục và tạ ơn. “Ngôn bất tận ý”, chúng tôi chỉ còn biết thầm reo lên lời của Thánh vịnh rằng: “Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, thấy việc tay Ngài làm con phải reo lên: Lạy Chúa, công trình Ngài xiết bao vĩ đại, tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!” (Tv 92,5.6)
Thiết nghĩ những dấu chân trên những miền đất chúng tôi đã đi qua hay những tấm hình kỷ niệm rồi cũng sẽ phai mờ theo thời gian, nhưng sẽ còn mãi biết bao dấu ấn được ghi lại trong tâm hồn mỗi người. Nơi ấy là ngôi Đền Thánh, là Mảnh Đất đẹp nhất mà Chúa muốn chúng tôi học hỏi, lưu giữ và phát huy những điều CHÂN – THIỆN – MỸ trên cuộc hành trình lữ thứ trần gian hôm nay mà mỗi người đã, đang và sẽ bước tiếp.
Lạy Chúa! muôn ngàn đời, xin cảm tạ Hồng Ân.
Ghi nhận
Nữ tu Anna Bích Hạt
Học viên Hội dòng MTG Thủ Đức