Nhật ký cuộc dã ngoại với Chúa

219

donghanhTrước khi bước vào một tháng Linh thao, trong đầu tôi không khỏi suy nghĩ phải chuẩn bị những gì cho một cuộc hành trình dài. Tôi vui vì sẽ có một kỳ nghỉ ngơi dài, không biết được những gì nhưng ít ra thì cũng không phải bận tâm đến những công việc chân tay, như thế cũng là hạnh phúc rồi. Đàng khác, tôi lại lo lắng vì không biết có cầu nguyện được không? bởi chỉ ăn và cầu nguyện, với một lịch trình lặp đi lặp lại như thế thì thật dễ nhàm chán. Từ trong sâu thẳm của cõi lòng, tôi lại muốn gặp được Chúa cách riêng tư như lời của bài hát: “Hát trên đỉnh đồi” Đưa con lên núi lến đồi, riêng con với Chúa, ta ngồi nhìn nhau. Ngắm nhìn nhan Chúa thật lâu, rồi dìu con bước vào sâu trong Ngài… 

Sau hành trình 32 ngày dài tôi vô cùng thỏa mãn bởi niềm vui và hạnh phúc, có thể nói niềm vui và hạnh phúc này sẽ mãi là của riêng tôi, không ai có thể lấy đi được những cảm nghiệm mà Chúa đã dành cho tôi trong những ngày này. Bây giờ tôi có thể mạnh dạn nói lên rằng : Tôi đã gặp được Chúa thật rồi, hơn nữa tôi còn được cùng ăn cùng uống và cùng đi chơi với Chúa. Đối với tôi 32 ngày linh thao này là cuộc đi dã ngoại với Chúa đầy thú vị. Bắt đầu cuộc phưu lưu Chúa nói tôi kiểm tra hành lý xem có những gì? Hành lý của tôi là những suy tư, lo lắng, những khát vọng và cả những gánh nặng của tội lỗi. Chúa bảo tôi đặt tất cả vào gánh hành lý của Chúa để Chúa vác cho, thế là tôi đi chơi trong nhẹ nhàng và thoải mái. Trong thần khí Người đưa tôi đi thăm các công trình tạo dựng thật nguy nga hùng vĩ, trời đất với đại dương cùng muôn loài muôn vật. Cảm giác của tôi như là được đi mây về gió vậy, vừa thoải mái vừa ngất ngây khi chiêm ngắm những vẻ đẹp huy hoàng. Chúa còn đưa tôi đi dạo trong vườn Ê-đen, dẫn tôi đến tận nơi Chúa tạo dựng con người, không chỉ được xem con người đầu tiên Chúa tạo thành, mà Người còn cho tôi nhìn thấy chính bản thân tôi khi Chúa cấu tạo và thêu dệt hình hài tôi trong dạ mẹ. Ôi! Cách Chúa tạo dựng thật lạ lùng, công trình Ngài làm ra xiết bao kỳ diệu. Rồi Chúa dẫn tôi đi thăm đồi thăm núi, thăm sông thăm biển, chỉ cho tôi thấy chuyển động của thời gian, Chúa điều khiển các tinh tù theo ý Chúa như Thánh vịnh 104 đã kể:

Chúa đặt Vầng trăng để đo thời tiết,

dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian.

Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối.

(Tv 104, 19-20)

Càng chiêm ngắm, tôi càng nhận ra công trình của Chúa quá thiên hình vạn trạng, một lời Chúa phán là các tạo vật nhận được ngay sự sống.

Sau những ngày đi chu du ngắm cảnh sắc đất trời, Chúa đưa tôi vào trong sa mạc, để tôi được lòng kề lòng với Chúa mà tâm sự cùng Người. Tôi kể Chúa nghe những vấn đề riêng tư của chính mình, những thao thức cho cuộc sống của các gia đình, của cộng đoàn và cả những lời nhắn gửi của bao người muốn chuyển đến Chúa. Nghe rồi Chúa đáp lời tôi bằng chính câu chuyện tình của Chúa. Vì yêu nhân loại Chúa đã rời cõi trời cao, xuống thể làm người, chỉ vì yêu Chúa không ngần ngại mặc lấy xác phàn, sống cùng tận của thân phận con người vừa thấp hèn vừa giới hạn. Cuộc sống của Chúa cũng đầy những phong ba bão tố, ngay từ khi sinh ra đã bị khước từ, không có được ngôi nhà trú ngụ, mà phải mượn chuồng bò làm chỗ hạ sinh, được ít ngày lại phải chạy trốn bởi quyền lực của thế gian đuổi bắt và muốn giết Người. Với ba mươi năm sống ẩn trong một ngôi làng, vừa học cách sống và tạo mối tương quan, đồng thời cũng từ từ cho con người thấy ngôi vị của mình. Sau ba mươi năm Chúa bày tỏ tình yêu cách công khai với con người trong trần thế. Nhưng nhiều người khước từ tình yêu của Chúa bằng nhiều hình thức, chế nhạo, lên án, loại trừ, rồi đẩy Người vào chỗ chết. Ngay cả những người thân tín nhất như các môn đệ đã từng thề sống chết với Thầy mà rồi cũng trở thành người thất tín. Chẳng hạn như ông  Đi-đy-mô đã nói: cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy, thế mà khi Chúa bị bắt thì ông lại bạt vô âm tín, không ai thấy mặt ông ở đó. Như Phêrô đã mạnh miệng quả quyết: “Dầu có phải chết vì Thầy con cũng không chối Thầy”. Vậy mà chỉ một đứa tớ gái nói Phêrô là môn đệ của Chúa, thì Phêrô cũng chối mà lại còn thề không quen biết. Gioan người môn đệ Chúa yêu cũng chỉ dám theo Người cách xa xa. Nỗi đau tột cùng của Chúa là bị phản bội, cái ôm hôn là biểu tượng của tình yêu, vậy mà Giuđa lại dùng chính cử chỉ của tình yêu để nộp Thầy. Dầu vậy, Chúa vẫn yêu cho đến cùng,  bằng chứng là Chúa đã ôm lấy thập giá là biểu tượng của sự dữ và tội lỗi của nhân loại, Chúa là Đấng vô tội lại mang lấy tội của nhân loại nơi mình mà đưa lên cây thập giá, cuối cùng Chúa đã chết và được mai táng trong mồ. Qua cái chết lại là đỉnh điểm tình yêu đến cùng của Chúa, Chúa hoàn toàn nên một với con người trong mọi sự, sinh ra lớn lên và chết đi, nhưng cái chết của Chúa là chết đối với tội lỗi của nhân loại, Ngài đi vào cõi chết là đem tội của nhân loại chôn vùi trong lòng đất. Sau ba ngày Chúa từ cõi chết bước vào sự sống mới, Sự sống thần linh của Chúa, qua sự sống mới này mà Chúa vẫn ở với con người và yêu thương con người. Chính tình yêu này đã làm cho con người có niềm hy vọng để bước theo Người và đáp lại tình yêu của Người.

Qua đó, tôi nhận ra Chúa yêu tôi bằng một tình yêu vô điều kiện, yêu là dâng hiến, là hiện diện, là chia sẻ và là sống trong nhau. Quả thật tôi không biết phải dùng lời lẽ nào cho xứng để diễn tả tình yêu Chúa dành cho tôi, nhưng nếu ai đã một lần yêu, một lần chạm đến Người, một lần chiêm ngắm Người và bắt gặp ánh mắt trìu mến của Người thì sẽ cảm nghiệm được vị ngọt tình yêu. Tôi thật hạnh phúc vì đã được thưởng thức vị ngọt của tình yêu, ước gì tình yêu ấy sẽ lớn mãi trong tôi, làm tôi say đắm cùng mơ ước Chúa là tất cả của đời tôi, và ca tụng Chúa không ngừng:

Tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Cỏ Dại – Học Viện Mến Thánh Giá Thủ Đức