Chúa Giêsu đã từng động viên: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33). Đó là Ngài bảo chúng ta “đừng hèn nhát”, đừng “chết yểu” vì nhát đảm trước khi chết thật.
John Adams (1735-1826 – luật sư, chính khách, nhà ngoại giao, nhà lý luận chính trị và tổng thống thứ nhì của Hoa Kỳ) đã xác định: “Nguồn gốc thực sự của đau khổ là sự nhút nhát của chúng ta”.
Làm phàm nhân, ai cũng có những lần nhút nhát vì các lý do khác nhau. Nhút nhát vì bẽn lẽn, vì ngần ngại, vì mắc cỡ, như vậy không đến nỗi nào. Nhưng nhút nhát vì hèn yếu, vì tiểu tâm, vì run sợ, đó là nhát đảm, là chết khiếp, như vậy là tồi tệ. Nói chung, dù nhút nhát hoặc hèn nhát đều do thiếu lòng tự tin, thừa nỗi sợ hãi.
Tuy nhiên, sợ hãi và hèn nhát có sự khác nhau. Mahatma Gandhi (1869-1948, anh hùng dân tộc Ấn Độ) phân tích: “Nỗi sợ hãi có công dụng, nhưng sự hèn nhát thì không”. Người sợ hãi có thể không đáng trách, nhưng kẻ hèn nhát thì đáng trách. Kẻ hèn nhát cho mình là thận trọng, còn người bủn xỉn gọi mình là tiết kiệm. Đó là tự biện hộ!
Theo luật hàng hải và hàng không, khi gặp “sự cố”, thuyền trưởng hoặc phi công phải là người cuối cùng rời bỏ con tàu hoặc máy bay (tàu bay). Người ta có câu: “Khi đắm tàu, những con chuột nhắt bỏ chạy trước tiên”. Đó là người ta muốn nói đến những kẻ nhát đảm, chứ mấy khi có chuột trên tàu! Kẻ hèn nhát được ví như con chuột nhắt chứ không là chuột to hoặc chuột bình thường.
Trình thuật Mc 4:35-41 (x. Mt 8:23-27; Lc 8:22-25) cho biết rằng, một buổi chiều nọ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”. Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Ngài đi, vì Ngài đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Ngài. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Ngài thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”. Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Ngài “nhẹ nhàng” bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”.
Qua đó tôi thấy “bóng dáng” của chính mình là một kẻ “chết khiếp” thực sự, nhưng tôi vẫn tưởng mình can đảm!
Các môn đệ đang ở trên con thuyền có Sư Phụ Giêsu hiện diện, thế mà các ông vẫn sợ hãi và hoảng hốt khi gặp giông tố. Đó là nhát đảm. Không chỉ vậy, họ còn trách Thầy: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Đúng là “suy bụng ta ra bụng người. Họ đã dám bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu, nghĩa là họ phải tin Con Người đó. Thế nhưng bản tính nhân loại, nói đó rồi không làm, hứa đó rồi quên giữ lời, tin đó rồi lại nghi ngờ. Do đó, Chúa Giêsu đã trách họ: “Sao nhát thế? Làm sao anh em vẫn chưa có lòng tin?”.
Thật lạ khi họ tỏ ra ngớ ngẩn và hỏi nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Rõ ràng họ tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu thế, nên họ mới dám đi theo. Thế nhưng niềm tin ấy chợt “bay hơi” hết trơn hết trọi, niềm tin ấy tưởng mạnh mẽ mà yếu xìu.
Và tôi cũng đã từng nhiều lần như vậy. Hằng ngày, tôi thấy mình “ngon” lắm, chả ngán gì ráo trọi. Tôi cứ là tôi, tôi quyết là chính mình, không xu nịnh, không phe cánh, luôn thẳng thắn, thật thà, thấy sao nói vậy. Ấy thế mà khi gặp nghịch cảnh, cảm thấy trước mặt mình là ngõ cụt, niềm tin của tôi biến mất, tan rã mau như đá cục gặp nhiệt độ cao. Tôi hóa kẻ nhát đảm mà tôi cứ tưởng mình can đảm. Quay hẳn 180 độ. Tồi tệ thật!
Đức tin quan trọng lắm. Nhưng đức tin vô hình nên rất cần thể hiện bằng hành động: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 và 26). Đức tin cần thiết, thực sự cần thiết, nhưng phải đủ mạnh mới khả dĩ vượt qua mọi thứ. Gian khó càng nhiều thì đức tin phải càng vững vàng, nếu không thì sẽ chết khiếp!
Thánh Phaolô nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11:1-2). Đức tin không là thứ gì đó xa xỉ hoặc khó tìm thấy, đức tin là điều bình thường nhưng kỳ diệu. Cũng thấy một sự kiện như nhau, có người không tin, có người phân vân, có người thêm đức tin.
Thánh Phaolô giải thích: “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được. Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt 11:8-19).
Vâng, đức tin rất cần thiết. Các môn đệ xưa đã cầu xin Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17:5). Và Ngài xác định: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6).
Lạy Thiên Chúa của con, con xin tin và luôn cố gắng tín thác vào Ngài, nhất là trong những lúc con nguy khốn nhất. Con không xin Ngài làm phép lạ cho con khỏi đau khổ, nhưng con xin Ngài tiếp tục đồng hành với con trong mọi hoàn cảnh. Con xin Ngài vác con trên vai khi con phải chống chọi với nghịch cảnh. Xin ban Chúa Thánh Thần để con can đảm chứ không nhát đảm mọi nơi và mọi lúc. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU